Nhớ Về Bà Ngoại Anna

83

Nhớ Về Bà Ngoại Anna Nguyễn Thị Nhường

Nhân Ngày Giỗ 100 Ngày Ngoại Về Với Chúa (18/06 – 28/09/2014)

Còn cả 3 ngày nữa mới tới ngày giỗ 100 ngày của mẹ, nhưng tôi đã đếm từng ngày cách đây cả tháng và nhất là trong 10 ngày trở lại đây. Sự ra đi của mẹ chưa đầy 100 ngày mà sao với tôi nó như đã lâu lắm rồi. Phải chăng vì sự ra đi của mẹ quá bình yên và đẹp đẽ khiến cho tôi không cảm thấy đó là sự đau buồn nhưng là hồng phúc mà Thiên Chúa ân thưởng cho mẹ! Ngày mẹ ra đi trúng ngay vào ngày hội của hội dòng, ngay sau Thánh lễ tạ ơn nghi thức gia nhập Tiền tập viện, Tập viện, và lễ khấn tạm lại của các chị em khấn tạm. Suốt cuộc đời mẹ mong mỏi được con cháu đông đúc quây quần thì ngày đó, lễ an táng của mẹ hầu như chỉ thiếu vài chị em ở xa. Mẹ mong ước có nhiều linh mục dâng lễ cho mẹ, thì ngày đó, không chỉ có nhiều linh mục mà còn có cả Đức Giám mục nữa.

Nhớ lại những ngày đầu mới chân ướt chân ráo bước vào nhà dòng, mẹ bề trên, là một đấng mà tôi biết rất nghiêm nghị và đáng kính. Chẳng vì thế mà những đệ tử tò te như tôi, việc được gặp gỡ hay tiếp xúc với mẹ quả là chuyện khó thực hiện. Trong tôi, những ngày ấy, mẹ bề trên vẫn là một khái niệm thật đáng kính và cao cấp.

Khái niệm về Mẹ bề trên dần dần trở nên sáng tỏ và gần gũi hơn, khi càng sống lâu, tôi càng có nhiều cơ hội để giáp mặt người. Người hiền dịu nhưng cũng không thiếu vẻ nghiêm nghị. Người trang nghiêm nhưng cũng không thiếu những nụ cười. Tôi dần dà biết mẹ nhiều hơn khi được cùng sống với mẹ ở cộng đoàn Thị Nghè. Từ một mẹ bề trên vốn nghiêm nghị trang nghiêm, mẹ đã trở thành “bà ngoại” rất thân thương và dịu dàng của tôi, của các chị em đệ tử, của các em học sinh khiếm thị, và của bất kì ai có dịp đến thăm cộng đoàn. Hai từ “bà ngoại” không chỉ nói lên tuổi tác của mẹ, nhưng còn thể hiện tình thân giữa người và chúng tôi, và nhất là lòng kính trọng mà chúng tôi dành cho người. Lúc ấy, ngoại đã bước vào tuổi 80, nhưng vẫn còn minh mẫn và linh hoạt. Khi ngoại cần đi đâu mà tôi diễm phúc được chở người trên chiếc honda 50 thì sự minh mẫn ấy càng có dịp chứng tỏ. Dường như không có con đường nào trong thành phố mà người không nhớ tên. Đi với ngoại, tôi không phải lo hỏi đường hay sợ lạc đường.

Ở tuổi 80, ngoại luôn tay móc những chiếc khăn, chiếc áo bằng len để đem đi tặng cho những ai cần. Ngoại cần mẫn làm việc, đọc sách, cầu nguyện, hướng dẫn chúng tôi trong đời sống cộng đoàn cũng như đời sống tâm linh, nhất là kể cho chúng tôi nghe những gì đã xảy ra trong quá khứ. Còn nhớ, hồi năm 2004, khi hội dòng chuẩn bị mừng 40 năm thành lập, ngoại đã là một cuốn tư liệu sống của Hội dòng. Nhiều chi tiết lịch sử được ngoại ghi chép lại trong cuốn sổ tay. Trong đó, 9 lần ngã của ngoại được ngoại xem như 9 phép lạ cũng được miêu tả rất tỉ mỉ. Ngoại thường rất lấy làm vui khi kể lại chuyện ngày xưa cho tôi nghe.

Điều đáng nhớ thứ nhất trong tôi là ngoại luôn luôn nhắc nhở tôi trong cách ăn nết ở. Ngoại tỉ mỉ chỉ cho tôi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống như đi đứng, ăn mặc, và nói năng giao tiếp. Ngày tôi chuẩn bị lên đường đi du học, ngoại gọi tôi lại nhỏ nhẹ nhắc nhở: “Sao dạo này chị thấy em đi không đẹp lắm…” Câu nói của ngoại khiến tôi giật mình và rất cảm động. Hoá ra mắt ngoại kém nhưng tình thương ngoại dành cho tôi không suy giảm chút nào. Ngoại vẫn dõi theo tôi, nhắc nhở và chỉ bảo tôi trong cuộc sống, hẳn là ngoại cũng không quên tôi trong những giờ cầu nguyện của ngoại.

Ba năm sau trở về, một trong những niềm vui lớn nhất của tôi là trong suốt thời gian đi xa, hội dòng không phải đưa tiễn một ai về nhà Chúa. Nhất là sự hiện diện sống động của bà ngoại dù sau này tôi được nghe kể lại là trong lúc tôi đi xa, ngoại đã ngã lăn nhiều vòng từ cầu thang xuống nhưng không bị làm sao. Ngoại đã yếu đi nhiều so với trước khi tôi ra đi, nhưng vẫn còn minh mẫn và linh hoạt. Suốt một năm cuối đời, ngoại càng trở nên gần gũi với hết mọi người. Vẻ uy nghiêm đã giảm sút nhiều. Ngoại bỗng dưng trở thành tâm điểm cho cả nhà, nhất là sau các giờ cơm tối, mọi người tha hồ mà trêu đùa với ngoại. Trong nhà, chỉ có một chiếc võng duy nhất trong phòng của ngoại. Ngoại thường thích nằm võng đọc sách, nhưng mỗi khi tôi vào chơi, thì ngoại luôn nhường chiếc võng cho tôi.

Một trong những sở thích của ngoại là được đi đây đi đó, nhất là đi thăm những người thân thuộc. Có đôi ba lần ngoại đã thành khẩn xin dì Tổng: “Khi nào chị đi đâu chị cho em đi với nhé! Đi để đổi gió, chứ cứ ở nhà mãi thế này mệt lắm!” Mà quả thật, cứ lên xe đi thì ngoại lại tỏ ra khoẻ mạnh hơn là ở nhà. Một vài lần dì Tổng đi xa và đi nhiều ngày không đưa ngoại đi cùng, ngoại biết được thì buồn lắm. Lần sau đó ngoại không xin dì Tổng nữa, ngoại đi nài nỉ và “hối lộ” bác tài xế: “Khi nào đi đâu ông bảo tôi với nhé!” rồi dúi vào tay bác tài lon nước ngọt. Ngoại mơ được về quê hương Xuân Hoà miến Bắc lắm. Có vài lần ngoại xin với dì Tổng: “Chị cho em đi Bắc đi, đi xong về em chết cũng toại nguyện!” Thương ngoại lắm nhưng thỉnh cầu của ngoại không đáp ứng được vì vết thương và chế độ dinh dưỡng của ngoại phải được y tá chăm sóc từng ngày.

Điều đáng nhớ thứ hai trong tôi về ngoại là khi sức khoẻ của ngoại ngày càng giảm sút, trí nhớ cũng trở nên lung tung xáo trộn. Ngoại bắt đầu quên tên một số chị em và trở về với những kí ức ngày xưa. Cả ngày cả đêm cứ lục lọi, sắp xếp, thu dọn đồ đạc tư trang để chuyển cộng đoàn. Có một đêm khi ở bên ngoại, ngoại nói lảm nhảm với ai đó suốt đêm. Cho dù trí nhớ đã lẫn lộn và quên lãng nhiều sự, ngoại không quên việc thờ phượng. Trong giấc ngủ dù là ban ngày hay ban đêm, bất kì khi nào ngoại tỉnh dậy là đòi đi đánh răng rửa mặt, rồi mặc áo dòng lên nhà nguyện. Ngoại luôn sợ trễ giờ phụng vụ. Cũng vậy, một nét rất đáng để nhớ về ngoại nữa là ngoại không bao giờ muốn đi ra khỏi phòng với cái đầu không có lúp. Việc đội khăn lúp với ngoại là một thói quen nhưng cũng là một nhân đức. Thế đấy, thể xác ngoại tuy đã yếu nhưng tinh thần thì càng ngày càng mãnh liệt và mạnh mẽ hơn khiến tôi luôn kính phục.

Giờ đây ở bên Chúa chắc ngoại hết mơ ước được đi thăm các cha và bà con thân thuộc. Ngoại cũng chẳng còn ao ước được đi xe ra ngoài để đổi gió, hay đi Bắc để thăm quê hương một lần cuối. Chuyến đi về Trời của ngoại hẳn đã đưa ngoại đến với Đấng mà ngoại ao ước suốt cuộc đời. Hội dòng đang chuẩn bị mừng 50 năm thành lập, ngoại không còn nữa để kể cho các con cháu của thời sau này về những năm tháng đầu đời của Hội dòng, nhưng tinh thần của ngoại và hình ảnh của ngoại mãi mãi sống giữa cộng đoàn. Và với tôi, những lời ngoại thường nhắc nhở tôi trong cuộc sống vẫn còn sống trong tôi. Ngoại ơi, ở bên Chúa con tin ngoại vẫn hằng liên lỉ cầu nguyện cho Hội dòng, cho các bề trên, cho các chị em, và trong đó có cả con nữa, trước nhan Chúa. Nhớ về ngoại nhân ngày giỗ, con hồi tưởng lại một vài kỉ niệm về ngoại để nhắc nhở mình sống tốt hơn, sống những lời ngoại chỉ bảo dạy dỗ, là sống sát hơn mỗi ngày theo chân Đức Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh. Xin thắp lên một nén hương lòng trước di ảnh của ngoại kính yêu!

Nt. Therese Kim Phụng. MTG. Thủ Đức

     DSC03929 DSC03933

DSC04939     DSC04944

DSC05190     photo_1

photo_2     DSC_7789