Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm A

186

Ông bà anh chị em thân mến. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn những người thợ hái nho. Thông thường, Chúa dùng dụ ngôn để giảng dạy với mục đích đánh động sự suy nghĩ của chúng ta.  Sau khi nghe dụ ngôn này, chúng ta cảm thấy những người thợ bị đối xử một cách bất công.  Chúa biết rõ cảm nghĩ này của chúng ta.  Người chủ đã có lòng nhân từ quảng đại với người này hơn người khác, nhưng người chủ có thật sự bất công với mọi người không?

Để có thể hiểu được ý nghĩa chính của dụ ngôn, chúng ta phải  chú ý đến một số chi tiết quan trọng cũng như hoàn cảnh thời xưa của người Do Thái. Tháng 9 là tháng gặt hái và cũng bắt đầu cho mùa mưa bão. Những cơn mưa thường tạo những trở ngại cho việc hái nho và có những ảnh hưởng vào chất lượng của trái nho. Nếu một cơn mưa bão đến trước mùa gặt thì có thể làm thiệt hại cả một mùa, do đó gặt hái thường là một cuộc chạy đua với thời giờ và thời tiết.

Chúng ta có thể hình dung ra một hoàn cảnh sau đây mà Chúa Giêsu có thể đã dựa vào khi kể câu chuyện dụ ngôn này.  Người chủ vườn nho có ý định đợi tới giờ phút chót, đúng thời điểm nho chín có mùi vị thơm ngon ngọt thì mới hái nho. Buổi sáng sớm ngày hái nho, ông ra vườn và nhìn thấy ở chân trời một đám mây đen báo hiệu cho một cơn mưa bão lớn sắp kéo đến.  Ông vội vã chạy ra chợ để thuê nhân công về hái nho. Với kinh nghiệm của một người chủ trồng nho lâu năm, ông biết phải mướn bao nhiêu nhân công thì mới hoàn tất công việc trước khi cơn mưa đến.  Sau mấy tiếng, ông thấy đám mây đen đang từ từ tiến tới gần, mà công việc hái nho chưa đi đến đâu.  Ông vội chạy ra chợ mấy lần nữa trong ngày để thuê thêm thợ về hái nho trước khi cơn bão đến.

Sự lo lắng và cố gắng của ông chủ đã thành công tốt đẹp.  Tất cả nho trong vườn được hái xong trước khi cơn mưa bão đến.  Ông rất vui mừng và mãn nguyện, và để ăn mừng, ông quyết định trả lương một ngày cho tất cả nhân công, mặc dầu ông biết rất rõ một số nhân công chỉ làm mấy tiếng.  Đến đây chúng ta nhận ra 2 điểm quan trọng.  Thứ nhất, chúng ta thấy những người thợ được mướn từ sáng sớm đã không chu toàn công việc, hay nói một cách khác, họ lười biếng, làm tà tà không đúng chỉ tiêu như họ phải làm. Bởi vì đối một người chủ đầy kinh nghiệm, không thể nào ông tính toán sai lầm một cách to lớn về số lượng thợ cần mướn cho việc gặt hái với diện tích khu vườn mà ông đã làm chủ bao nhiêu năm nay.  Điều quan trọng thứ 2 mà chúng ta nhận ra là quyết định của ông chủ trả lương cho người đến sau bằng người đến trước, cho chúng ta biết, những người thợ này chăm chỉ và làm việc hết sức mình. Vì thế khi ông chủ trả lương, những người thợ khác đã cằn nhằn lẩm bẩm trách chủ, và như chúng ta vừa nghe, ông chủ đã trả lời: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng bạc sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”

Đến đây, chúng ta đặt ra một câu hỏi “Tại sao Chúa Giêsu lại kể câu chuyện dụ ngôn này?” “Chúa Giêsu muốn nói gì đối với những người vào thời điểm đó?”  Hay nói một cách khác, “Những nhân công làm ít giờ và những nhân công làm cả một ngày, họ là những người nào?” Trước hết, những người đến làm sau và ít giờ là những người tội lỗi và sống ngoài lề xã hội thời đó, nhưng họ đã lắng nghe, tiếp nhận lời Chúa một cách nghiêm chỉnh, và thật lòng ăn năn cải thiện đời sống, như người đàn bà ngoại tình, như người con hoang đàng, ăn năn trở về và được chào đón khi trở về với cha mình. Thứ hai, những thợ đến trước làm trọn một ngày là những người như người Pharisêu, kinh sư và dân chúng tự cao, tự đại, và đã không thật lòng sống lời Chúa.  Họ không có lòng bác ái, yêu thương.  Họ ganh tị và tức giận khi thấy những người tội lỗi nhận được lòng nhân từ, quảng đại của Chúa, ăn năn quay trở lại và được nhận vào Vườn Nho Nước Chúa.  Họ như  người con trưởng đã tức giận với lòng nhân từ và quảng đại của người cha, và ganh tị với người em, khi người em ăn năn trở về và được tiếp nhận vào nhà.

Ông bà anh chị em thân mến.  Qua dụ ngôn này, Chúa dạy chúng ta những điều rất quan trọng và cần thiết cho đời sống đức tin của chúng ta.  Thứ nhất, ông chủ vườn nho quảng đại là hình ảnh của Thiên Chúa vô cùng tốt lành và nhân từ hơn ông chủ này gấp bội, bội phần. Sự tốt lành, nhân từ và quảng đại của Thiên Chúa vượt lên trên tất cả những phương cách, hình thức, đường lối và luật lệ con người đối xử với nhau trong cuộc sống. Thiên Chúa đối xử với chúng ta không theo đường lối, không theo tiêu chuẩn hay công nghiệp của chúng ta, mà theo thánh ý của Ngài.  Chúng ta không thể nào lấy công nghiệp, lấy tài sức của mình mà đổi lấy được.   Tất cả là ân huệ của Chúa.

Điều quan trọng thứ hai, Thiên Chúa thương yêu mỗi người chúng ta, và muốn tất cả chúng ta vào Nước Trời, cho nên Thiên Chúa kêu mời tất cả mọi người chúng ta, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tu sĩ hay giáo dân, vào mỗi thời điểm khác nhau, hãy lắng nghe và tiếp nhận lời Chúa, trở thành những thợ vào làm, phục vụ trong vườn nho của Chúa với những công việc khác nhau. Người việc này, người việc khác vài ai cũng có thể làm được. Chúa đã, đang và sẽ ban cho chúng ta nhiều ơn lành trong cuộc sống để chúng ta chu toàn công việc, và để chúng ta nhận ra lòng nhân từ, yêu thương và quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta tin Chúa sẽ trả công, nhưng chúng ta phải ý thức Chúa sẽ không tính theo thời gian hay công việc, nhưng Chúa sẽ trả công qua thái độ, thiện chí và tinh thần chúng ta làm như thế nào, hay chúng ta sống lời Chúa ra sao.

Chúng ta tin Chúa nhân từ và công bằng với hết mọi người, luôn yêu thương và ban tràn đầy ơn lành cho chúng ta. Chúng ta nhận biết Chúa không tính toán và không so đo. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta biết tránh xa sự ích kỷ, tức giận, lòng ganh tị và tranh chấp. Xin cho chúng ta ý thức và sống cuộc đời đầy tràn niềm hân hoan, vì tin rằng Chúa luôn yêu thương và nhân hậu với chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta sống hiệp nhất, yêu thương. Sống bác ái với tha nhân làm sáng danh Chúa.  Và có lòng quảng đại, thành tâm hy sinh phục vụ xây dựng giáo xứ, mở rộng vườn nho của Chúa nơi trần gian, để được tiếp nhận vào vườn nho của Chúa trên Thiên Đàng.

 Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa