Thập giá – dấu chỉ tình yêu

220

 

images (3)Khi nói đến thập giá, người ta thường nghĩ ngay đến đau khổ. Thế nhưng, trong cuộc sống hôm nay lại có những con người yêu mến Thánh giá, sẵn sàng đón nhận thập giá, đón nhận đau khổ, đó là khi họ chấp nhận sống “ẩn mình” khiêm tốn, qua việc chấp nhận những đau khổ để bổ túc nơi thân xác họ “những gì còn thiếu trong những nỗi gian truân Đức Ki-tô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh”[1] qua việc hy sinh thầm lặng, qua sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa. Đó là những người nữ tu Mến Thánh Giá.

Đúng! Thánh giá là đau khổ nhưng Thánh giá cũng chính là “quan lộ” đời tôi. Nếu không có Thánh giá Chúa, tôi có được ngày hôm nay không? Và cũng nhờ Thánh giá mà tôi được hiện diện nơi đây, trong một Hội Dòng mang tên Mến Thánh Giá.

Khi biết tôi tu Dòng Mến Thánh Giá, có người đã hỏi tôi:

–      Sao lại đi dòng Mến Thánh Giá, cái tên nghe qua đã thấy sợ rồi, toàn là đau khổ. Sao dại vậy?

–      Ồ! Đó là một “mầu nhiệm”. Vì cuộc sống không chấm dứt bởi sự đau khổ nhưng mở ra một viễn cảnh mới cho những ai dám chấp nhận đau khổ trong sự hiệp thông với Con Thiên Chúa. Chẳng phải nhờ đau khổ mà Chúa chúng ta đã mang lại ơn cứu độ cho chúng ta sao.

Ở đâu cũng có đau khổ nhưng cốt ở mình. Tu dòng Mến Thánh Giá, đầu tiên tôi cũng cảm thấy sợ, thấy đau khổ. Nghe tới tên Mến Thánh Giá mà toát “mồ hôi hột”. Nhưng dần dà, được Chúa huấn luyện, được tìm hiểu, được học hỏi về linh đạo của dòng tôi cảm thấy hiểu hơn, yêu hơn và gắn bó hơn. Phải nói đó là ơn Chúa chứ thực ra tôi chẳng làm được gì.

Lúc đầu khi gặp đau khổ tôi thường tránh né nhưng ngồi ngẫm lại tôi thấy rằng tránh né chẳng ích lợi gì mà lại thêm đau khổ, thêm dằn vặt. Vì thế, khi đau khổ đến tôi bằng lòng đón nhận với xác tín tôi được tham dự vào “Cuộc thương khó của Chúa”. Tôi đón nhận cách vui vẻ vì tin rằng có Chúa cùng vác đỡ cho tôi. Tin tưởng vào điều đó, tôi vui và cảm thấy gánh nặng được san sẻ. Vì Chúa nói “những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)

Nhìn lên Thánh giá, khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa qua đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan (18, 1-2): tôi nhận ra thái độ của Chúa, một thái độ thư thái, bình an và sẵn sàng đón nhận trước cái chết sắp đến. Phải chăng, Chúa không sợ chết, không sợ đau khổ? Người vẫn sợ vì lòng Người xao xuyến bồi hồi và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất (x. Lc 22,44). Nhưng Người muốn vâng ý Cha mà bằng lòng chịu đau khổ.

Đúng vậy, đau khổ là thế. Đứng trước đau khổ ai cũng sợ hãi, lo âu. Vì thế, không ai trong chúng ta không có đau khổ và cũng không ai trong chúng ta không sợ đau khổ. Nhưng đau khổ của tôi, của bạn hôm nay sẽ có ý nghĩa hơn khi tôi và bạn biết chấp nhận, biết vui vẻ đón nhận như một ân huệ Chúa ban để chúng ta được thanh tẩy và được cùng với Người bước vào sự sống vinh quang, nơi chúng ta không còn phải đau khổ, không còn phải chết chóc.

“… Lạy chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang…”

                                                                           –  Sen Đất, MTG Thủ Đức

[1] Cl 1,24 : Cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô đã dư tràn để mang lại ơn cứu độ cho con người. Khi nói “tôi hoàn tất” là muốn nói đến đặc ân của người Ki-tô hữu khi được chịu khổ nạn vì Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô tiếp tục chịu đau khổ khi người Ki-tô hữu tiếp tục chịu khổ nạn vì Chúa (x.Cv 9,4). Bởi vì Giáo Hội là thân thể của Chúa Ki-tô nên Chúa Ki-tô cũng chịu đau khổ khi Giáo hội Người chịu đau khổ. Và vì cái ách là thân thể Chúa Ki-tô nên thánh Phao-lô mong muốn chịu bách hại (x.Pl 1,29b). Vì vậy, khi chấp nhận đau khổ trong ý thức hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô thì sự đau khổ này mang giá trị cứu độ.