Lời Chúa: Os 11, 1b. 3-4. 8-9. Mt 10, 7-15
Quan niệm của người xưa là thương cho roi cho vọt. Chủ trương của nhiều bậc cha mẹ hôm nay : dạy phải dỗ. Cách giáo dục nào đúng, sai; phương pháp dạy con nào hay, dở, có thể còn tùy hoàn cảnh và đối tượng. Quả thực, có nhiều con đường dẫn đưa người ta đến hạnh phúc, không thiếu những thầy giỏi trò ngoan ở xung quanh chúng ta, nhưng để đạt tới hạnh phúc : là ngoan, giỏi, đều phải là người biết sống kỷ luật với bản thân mình.
Vì chú trọng đến tính hiệu quả, nên khi mua sắm người ta tìm đến nơi đâu : ngon-bổ-rẻ. Khi tầm sư học đạo, lại mong sớm thành “chánh quả”. Nộp đơn xin việc, phải lựa chọn nơi nào lương cao, công việc đừng khó, sếp thì dễ chịu….. Chỉ thị của Thầy Giêsu hôm nay với các học trò thì quả là nghiêm khắc, “thu nhập thì không có”, bao giờ tốt nghiệp, không biết; khi nào “thành danh”, quá mù mịt. Làm sao có thể rao giảng Nước Trời, chữa bệnh, trừ quỉ, cho kẻ chết sống lại … làm học trò của Chúa thật vô cùng khó !
Hãy theo Thầy, hãy làm công việc của Thầy, hãy sống tinh thần tín thác như Thầy, đúng là nghịch lý với người phàm mắt thịt, nhưng với Thiên Chúa đó là một diễm phúc, là tình yêu thương. Bài đọc I, ngôn sứ Hôsê diễn tả tình thương Thiên Chúa dành cho con cái Israel là tình thương của một người cha nuôi dưỡng đứa con thơ của mình. Lòng thương xót của Ngài đã thắng vượt tất cả những tội lỗi và vô ơn của họ. Các tông đồ, các tín hữu hôm nay cũng được Chúa Giêsu hướng về tình yêu nhưng không của Chúa. Các con đã được như thế nào, hãy cho đi như vậy. Chúng ta được thứ tha tội lỗi, được cho biết Thiên Chúa là tình yêu, được gọi để cộng tác loan báo tin mừng, chớ ngần ngại….
Hãy theo Thầy để xác tín hơn về tình yêu của Thiên Chúa, theo Thầy để cảm nhận thế nào là được “vỗ về an ủi”, được bảo vệ an toàn khỏi thế lực trần gian. Chúa Giêsu quá biết người học trò không thể thiếu sách bút, người thợ mộc phải có thước, có cưa có đục, anh nông dân phải có cuốc có cày, người linh mục tu sĩ phải có kiến thức khả năng…. Đúng, người xưa không hề sai khi nói : có chí làm quan, có gan làm giầu. Có chấp nhận đến với Chúa thọ giáo, mới hiểu tương quan giữa tình thầy trò là gì, mới biết đường lối của Chúa và của trần gian hoàn toàn khác nhau.
Hãy theo Thầy, nếu chỉ là lời mời gọi suông, hẳn Đức Giêsu sẽ không có học trò, người ta đã quên Ông Giêsu ấy từ lâu rồi ! Hãy theo Thầy để các học trò nhận ra mình đang cần sức mạnh của Thầy, cần khôn khoan để sự hiện diện của Thầy có mãi trong cuộc đời mình. Hãy theo Thầy để người học trò không bao giờ cảm thấy cô đơn, để thấy rõ hơn sứ mạng cứu độ của Thầy đã hoàn tất và chúng ta cũng hoàn tất. Có là học trò của Thầy Giêsu, người ta mới thấy sự ngọt ngào trong tương quan, mới hiểu theo Chúa không hề mạo hiểm, mà chính xác là được bình an hạnh phúc. Amen.
Lm. Jos DĐH, GP. Xuân Lộc