Linh mục và những thách đố

102
  1. LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI?

images (1)Ngày Chúa nhật Chúa chiên lành vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với khách hành hương ở Rôma: “Anh chị em hãy cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, cho tất cả các chủ chăn và giúp các vị trở thành những mục tử nhân lành biết trao ban sữa ơn thánh, giaó lý và sự hướng dẫn cho anh chị em”. Hôm nay cũng thế, cộng đoàn phụng vụ quy tụ nhau nơi đây để cầu nguyện cho các linh mục, chúng ta cũng xin Chúa ban cho các linh mục trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước.

  1. Linh mục là người rao giảng Tin mừng

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục phải là những người rao giảng Tin mừng, chủ chăn của dân Thiên Chúa, chủ sự các sinh hoạt phụng tự, đặc biệt là cử hành các hiến tế của Chúa, dạy dỗ giáo lý. Giáo lý của các con phải là lương thực cho dân Chúa. Giáo lý của Chúa chứ không phải của các con, và các con phải trung thành với giáo lý ấy. Đối với các tín hữu, các con phải là niềm vui và sự nâng đỡ như Chúa Ki tô, hương thơm của cuộc sống các con, bởi vì lời nói và gương sống, các con xây ngôi nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội. Hãy kiên trì đọc và suy niệm Thánh Kinh. Hãy dạy điều các con học trong đức tin và sống điều mình dạy dỗ người khác. Hãy hiệp thông con thảo với Giám mục và hiệp nhất các tín hữu trong một gia đình duy nhất và dẫn đưa họ tới Thiên Chúa. Hãy luôn có trước mắt gương của vị mục tử nhân lành, tới không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và cứu vớt những gì đã hư mất.

  1. Linh mục: tác nhân của lòng thương xót

Người linh mục là con người của sự tha thứ. Linh mục tha thứ cho giáo dân nói xấu, chỉ trích và lên án mình. Linh mục tha thứ cho hối nhân nơi tòa cáo giải, những lầm lỗi thiếu sót của giáo dân trong các sinh hoạt tôn giáo. Vì yêu thương đoàn chiên, nên linh mục đón nhận tất cả vào vòng tay của người mục tử.

Đức Thánh Cha nói : “Ở đây, cha muốn dừng lại, xin các con, vì tình yêu Chúa Giê su Ki tô, đừng bao giờ mệt mỏi thương xót! Các con hãy có khả năng tha thứ như Chúa, là Đấng không đến để lên án, nhưng để tha thứ! Các con hãy thương xót thật nhiều, và nếu có áy náy vì là những linh mục quá tha thứ, thì hãy nhớ đến vị linh mục kia đến trước nhà tạm và thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, nếu con đã tha thứ nhiều quá. Nhưng mà chính Chúa đã làm gương xấu cho con đấy chứ!” Thương xót, thương xót, mục tử nhân lành vào qua cửa, và cửa của lòng thương xót là các vết thương của Chúa.  Nếu các con không bước vào chức thừa tác của các con qua các vết thương của Chúa, thì các con sẽ không phải là mục tử tốt lành.

  1. Người mục tử biết chiên (Ga 10, 14)

Hạn từ “biết” trong Kinh Thánh, không phải chỉ là một sự biết hời hợt bên ngoài như ta biết số điện thoại của người khác. “Biết” ở đây có nghĩa là gần gũi trong nội tâm với người khác, yêu mến họ. Chúng ta phải tìm cách biết con người từ phía Thiên Chúa và vì Thiên Chúa, chúng ta phải đồng hành với họ trên con đường tình bạn với Thiên Chúa.

Có quan tâm tới giáo dân, ta mới có thể thấu cảm và yêu thương họ. Vấn đề không phải là tôi có thể làm gì với họ. Nhưng là tôi phải nhìn họ thế nào. Nhìn để  thấy, để quan tâm, để biết họ thế nào, và rồi kích thích trí não phải suy nghĩ để có những hành động từ con tim. Nhiều khi giáo dân chẳng cần chúng ta phải giải quyết những vấn đề của họ, hay cho họ những gì. Họ chỉ cần chúng ta lắng nghe họ, quan tâm đến họ, và tiêu tốn thời gian để nghe họ trải lòng. Những luật sĩ và biệt phái phàn nàn về sự ‘la cà’ của Chúa Giê su nơi phường thu thuế, tội lỗi, gái điếm…Ngài đến với họ vì yêu thương họ. Ngài quan tâm đến từng cảnh đời bi đát của họ. Ngài không làm cho họ hết nghèo, không biến họ thành những đại gia, không lấy hết đau khổ nơi họ, nhưng Ngài cảm thông với từng người trong họ và dần dần làm họ tự thay đổi. Cũng tương tự như thế, người linh mục hãy học biết cảm thông và chia sẻ hoàn cảnh của người khác, linh mục sẽ đem họ vào trong mỗi lời cầu nguyện của mình, phó dâng những nỗi thống khổ của họ trong hy lễ thánh hầu làm thăng tiến họ, yêu thương và chăm sóc họ như người mẹ chăm lo cho con cái mình. Người giáo dân luôn luôn mong mỏi linh mục không chỉ hiện diện như là chủ chăn của họ, nhưng còn thấu hiểu họ, gần gũi họ như một người bạn.

Noi gương Chúa Giê su, vị mục tử nhân lành, mỗi chủ chăn, đôi khi đi bước trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng, đôi lần phải ở giữa đoàn chiên với sự đơn sơ gần gũi của lòng thương xót, và trong vài hoàn cảnh phải đi đàng sau, để tìm kiếm những con chiên xa đường lạc lối. Ước gì mọi chủ chăn đều được như thế. Những người đau khổ, tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương giữa đời thường. Họ tìm đến nhờ linh mục giúp lời cầu nguyện để vượt qua những đau khổ về tinh thần lẫn vật chất. Có cha mẹ nào lại không thương những đứa con hoạn nạn, nghèo tùng của mình. Vì thế, người linh mục hãy luôn đồng cảm với những nỗi thống khổ của những người Chúa gửi đến. Linh mục cầu nguyện cho họ, thăm viếng động viên, an ủi họ. Linh mục tìm mọi cách để có thể giúp đỡ những người bệnh tật, già cả, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn. Họ nghèo về thể lý, nghèo về luân lý hay nghèo về tâm linh. Các linh mục luôn có người nghèo ở bên cạnh. Thử hỏi linh mục phải làm gì nếu không phải là quan tâm giúp đỡ họ khỏi nghèo. Mẹ Teresa Calcuta đã bán đi ciếc xe hơi mà thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II tặng, để mẹ lấy tiền lo cho người nghèo khổ. Đó thực sự là một việc làm can đảm.

Với sứ mạng được trao phó, người nghèo được trao vào tay linh mục để các ngài chăm sóc, đem họ vào những quan tâm mục vụ hàng đầu của mình. Không những thế, linh mục phải bảo vệ họ khỏi những thế lực của sự dữ, tránh xa những học thuyết lầm lạc và dẫn đưa họ đi trên những đồng cỏ màu mỡ của Lời Chúa, để làm giàu đức tin cho người nghèo và mang lại hy vọng cho người đau khổ.

     II. LINH MỤC VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ

Chúa Ki tô và Giáo Hội của Ngài luôn mong chờ các linh mục tích cực rao truyền Lời của Chúa, cử hành các bí tích và chăm sóc dân Chúa. Nhưng khi nhìn vào thực tế của đời sống và sứ mang các linh mục, người giáo dân đang thấy gì? Linh mục vẫn là những con người với những giới hạn, và cần được ơn Chúa biến đổi mỗi ngày hầu trở nên giống Chúa là Đầu và là mục tử nhân lành. Đó chính là những khó khăn và thách thức của đời sống linh mục hôm nay.

  1. Linh mục được kính nể

Người linh mục được cả chính quyền lẫn giáo dân nể trọng vì học thức và địa vị trong xã hội. Văn hóa nể trọng này vừa có lợi vừa có hại. Giáo dân luôn mong muốn có những vị mục tử tốt lành, thánh thiện. Thỉnh thoảng, như câu chuyện của một cụ già ngoài 80 tuổi bị một linh mục trẻ tuổi đáng tuổi con ông cụ, la mắng cụ già như tát nước vào mặt. Ông cụ không trách mắng linh mục trẻ kia, bởi trẻ người non dại mà, hằng ngày ông cụ vẫn cầu nguyện cho linh mục, còn gì tốt lành như thế. Ông không trách vị linh mục ấy, nhưng không phải vì thế mà linh mục ấy cho phép mình bỏ qua những điều cần hoàn thiện, về nhân bản con người. Nói chung, những người lớn tuổi đều dành cho các linh mục sự qúi mến và nể trọng, họ rất vui mừng, nhất là những cụ già, khi được các linh mục quan tâm thăm viếng, ủi an và nâng đỡ.

  1. Linh mục được quý mến

Giáo dân quý mến các linh mục, đó là điều tốt. Nhưng đôi khi sự quý mến quá đáng lại làm hại các linh mục. Khi được người khác quý trọng, linh mục tưởng rằng mình ‘hoàn mỹ’, điều đó thật là hoang tưởng và rất nguy hại. Người linh mục thấy mình tự đủ và không cần cố gắng để hoàn thiện chính mình. Khi giáo dân ca ngợi linh mục, họ tâng bốc nhiều khi thái quá, cha con toàn năng lắm, cha làm được mọi việc lớn nhỏ… Họ vô tình nhào nắn người linh mục trở thành con người của công việc như: xin tiền giỏi, xây cất giỏi, làm được điều này điều khác… chứ không phải là mục tử chăn dắt đoàn chiên đến đồng cỏ sự sống. Họ yêu quý nên chiều chuộng các linh mục, kể cả những nhu cầu vật chất khiến linh mục khó sống các lời khuyên Phúc âm, nhất là đức khó nghèo.

3.  Giáo dân mong muốn điều gì nơi linh mục

Nếu Chúa đòi hỏi linh mục phải trở nên giống Chúa, linh mục cũng mong muốn giáo dân phải sống thế này thế nọ,  thì dân của Chúa cũng có quyền đòi hỏi linh mục phải trở nên  mục tử tốt lành. Nhưng nhiều khi quá kính nể và yêu mến, giáo dân lại nhút nhát, khúm núm sợ sệt nên không dám nói thẳng, nói thật…không dám góp ý linh mục phải thế này thề khác, thì mới tốt hơn. Xét cho cùng, họ nói nhiều khi rất đúng và hợp tình hợp lý.

Đức Thánh Cha có nhắc đến câu chuyện của giáo phụ Cesario thành Arles. Thánh nhân giải thích rằng dân Chúa có thể giúp chủ chăn của mình như thế nào và đưa ra thí dụ này. Khi con bê đói, nó sà vào vú mẹ để tìm sữa. Nhưng con bò cái chưa muốn cho bê con mút sữa ngay, mà muốn giữ lại cho mình. Vậy con bê con phải làm sao bây giờ? Nó cứ dí mõm vào vú mẹ để nút sữa. Đây là hình ảnh tuyệt đẹp. Và thánh nhân nói tiếp, anh chị em cũng hãy làm như vậy với các chủ chăn, luôn luôn gõ vào cửa của các linh mục, gõ vào tim của các ngài, để các ngài cho anh chị em sữa giáo lý, sữa ơn thánh và sữa của sự hướng dẫn. Hãy quấy rầy! Hãy nhớ tới hình ảnh đẹp này của chú bê con khi quấy rầy mẹ nó thế nào để mẹ nó cho nó bú sữa.

Lm. Phêrô Tiến Hùng, SDB