Tại Sao Gọi Đức Mẹ Là Sao Mai?

177

Một bài hát kính Đức Mẹ phổ thông nhất tại Việt Nam là “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian”. Tại sao gọi Đức Mẹ là ngôi sao sáng?

Không riêng gì ở Việt Nam mà nhiều bài ca của phụng vụ trong toàn Giáo hội cũng tặng cho Đức Mẹ tước hiệu “ngôi sao”, chẳng hạn như trong Kinh cầu có câu “Đức Bà như sao mai sáng”, và nhất là thánh thi kinh chiều lễ Đức Mẹ “Kính chào Mẹ là sao Bắc Đẩu”. Thực ra trong nguyên bản la-tinh, đó là hai tước hiệu khác nhau: một bên là “sao mai” (stella matutina), nghĩa là ngôi sao lấp lánh trước khi mặt trời mọc (đối lại với “sao hôm”); bên kia là “sao biển” (stella maris). Mỗi tước hiệu có ý nghĩa khác nhau. Đó là những tước hiệu xuất hiện từ thời Trung cổ. Vào thời hiện đại, một tước hiệu nữa được đức Phaolô VI sử dụng là “ngôi sao của việc truyền giảng Tin mừng” (stella evangelisationis), với một ý nghĩa khác.

Chúng ta bắt đầu bằng tước hiệu thứ nhất. Tại sao gọi Đức Mẹ là sao mai?

Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên lưu ý một điều về ngôn ngữ. Khi gọi Đức Mẹ là ngôi sao, thì biểu tượng này cần hiểu theo ngôn ngữ bình dân chứ không theo nghĩa bác học. Theo ngôn ngữ bình dân, ngôi sao là một chấm sáng lấp lánh trên bầu trời, và nhỏ hơn mặt trời và mặt trăng. Trên thực tế, ta biết có những ngôi sao lớn hơn mặt trời cả chục lần, nhưng đó là ngôn ngữ bác học. Trong Kinh thánh, ngôi sao là biểu tượng của nhiều điều, hoặc tốt hoặc xấu. Biểu tượng xấu hơn cả là đạo thờ các tinh tú, bao gồm tục chiêm tinh bói toán. Đây là một điều mà các ngôn sứ cực lực bài trừ. Biểu tượng tốt của ngôi sao là nó mang lại ánh sáng trên bầu trời đen tối: dưới khía cạnh này, nó trở thành biểu tượng của đấng Mêsia, tức là vị cứu thế, như ta thấy trong lời sấm của ông Balaam ở sách Dân số, chương 24 câu 17. Từ đó mà có hạn từ “ngôi sao nhà Đavít”, nghĩa là đấng Mêsia sẽ xuất thân từ dòng dõi Đavít. Chính vì thế mà khi đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, các đạo sĩ đã thấy mọc lên một ngôi sao như điềm báo, và rồi họ đã lên đường để bái phục ngài (Mt 2,2). Theo sách Khải huyền của thánh Gioan tông đồ, Đức Kitô tự xưng là Sao Mai (2,28; 22,16). Dù sao ta đừng quên rằng Đức Kitô cũng còn được ví như là Mặt Trời công chính (xc Lc 1,78), chứ không phải chỉ như là ngôi sao.

Như vậy trong Kinh thánh “sao mai” ám chỉ Chúa Cứu thế. Từ khi nào hình ảnh này được áp dụng cho Mẹ Maria?

Có nhiều giả thuyết. Nếu Chúa Giêsu được ví như mặt trời, thì Đức Mẹ được ví như mặt trăng, theo nghĩa là mặt trăng nhận ánh sáng của mặt trời và êm dịu dễ nhìn ngắm. Ngôi sao lấp lánh xem ra cũng muốn nói lên vai trò khiêm tốn của Đức Maria khi so sánh với mặt trời. Tuy nhiên một giả thuyết khác xem ra hợp lý hơn, đó là sự so sánh bắt nguồn từ việc giải thích danh tánh của Maria trong tiếng Do thái có nghĩa là “ngôi sao”, dựa trên uy tín của thánh Hiêrônimô (+420). Dù giả thuyết về lịch sử thế nào đi chăng nữa, từ thế kỷ IV, Đức Maria đã được các giáo phụ như thánh Ephrem (+373) gọi là “sao”. Dần dần, người ta mới thêm các hạn từ “sao mai” hay “sao biển”.

Tại sao gọi Đức Maria là sao mai?

Tước hiệu này được nhắc đến trong Kinh cầu Đức Mẹ, có lẽ cảm hứng từ sách Diễm ca chương 6 câu 10 ca ngợi vẻ đẹp rực rỡ của người tình: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt?”. Tuy nhiên, khi áp dụng vào Đức Maria, các giáo phụ không dừng lại ở chỗ ca ngợi vẻ đẹp của “minh tinh” cho bằng nói đến vai trò của Người trong lịch sử cứu độ. “Sao mai” mọc lên trước rạng đông. Sau một đêm dài tối tăm, sao mai xuất hiện báo hiệu đêm sắp tàn, và mặt trời sắp mọc mở đầu cho một ngày mới. Đức Maria được ví như sao mai bởi vì người chuẩn bị cho Chúa Cứu thế giáng trần. Điều này được đề cao trong phụng vụ lễ kính sinh nhựt Đức Mẹ (ngày 8 tháng 9). Ngày nay, nhiều người muốn giải thích theo nghĩa khác. Cũng như sao mai dẫn tới mặt trời thế nào, thì Mẹ Maria cũng dẫn ta đến với Chúa Giêsu như vậy. Người trỏ cho chúng ta hướng về Chúa Giêsu, mặt trời công chính, và giục chúng ta hãy tìm đến nguồn sáng và nguồn sống.

Giữa sao mai và sao biển có gì khác nhau?

Sao mai và sao biển khác nhau chứ. Bài ca cổ điển ở Việt Nam gọi Đức Mẹ là “sao sáng” theo nghĩa là sao biển chứ không phải là sao mai: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian, Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối con cho thẳng về nơi phúc nhàn”. Sự khác biệt giữa sao mai và sao biển có thể giải thích như thế này. Sao mai thì ở đâu cũng thấy được, dù là ở đồng ruộng hay núi cao. Sao mai báo hiệu mặt trời sắp mọc. Còn sao biển thì áp dụng riêng cho người ở miền biển, cách riêng là những người thủy thủ. Ngôi sao mang tính cách định hướng. Trong phụng vụ, tước hiệu “Sao biển” được áp dụng cho Đức Maria trong thánh thi nổi danh “Ave maris stella”, hát ở kinh chiều thứ hai các lễ kính Đức Mẹ. Trước đây thánh thi được gán cho thánh Bênađô (+1153), nhưng ngày nay người ta tìm thấy những thủ bản viết vào thế kỷ IX, nghĩa là trước đó 3 thế kỷ; thậm chí còn có ý kiến gán cho Venantiô Fortunatô thế kỷ VII (+609). Tuy nhiên, chính nơi các bài giảng của thánh Bênađô mà ta thấy nhiều lời giải thích thấm thía về ý nghĩa của biệt hiệu “sao biển”, nổi tiếng nhất là bài giảng ca ngợi danh Maria như sau:Thực là chính xác khi ví Đức Maria với ngôi sao: cũng như ngôi sao chiếu tỏa tia sáng mà không mất mát thiệt thòi gì, thì Người trinh nữ cũng sinh Con mà không bị thương tổn gì… Đức Maria là ngôi sao rực rỡ và quý báu, được đặt ở trên biển rộng bao la; Người sáng rực vì công đức, lấp lánh vì gương lành. Khi bạn cảm thấy bị bão tố và làn sóng của thế gian lôi cuốn ra khỏi bờ đất liền, thì xin bạn đừng ngưng nhìn đến ánh sao này, nếu bạn không muốn bị chìm xuống dưới nước. Nếu sóng gió của cơn cám dỗ nổi lên, nếu bạn thấy mình vấp vào các tảng đá, thì bạnhãy nhìn lên ngôi sao, hãy kêu cầu Maria. Nếu bạn bị lung lay bởi cơn sóng kiêu ngạo, hám danh, lăng mạ, ghen tương, thì bạn hãy nhìn ngôi sao, hãy kêu cầu Maria. Nếu cơn giận dữ, tính tham lam, dâm dục ồ ạt làm lung lay chiếc thuyền của linh hồn bạn, thì bạn hãy ngước mắt về Maria. Nếu bạn khủng khiếp vì tội lỗi chồng chất, hổ thẹn vì lương tâm hoen ố, lo sợ vì sự phán xét công thẳng, nếu bạn thấy bị cuốn xoáy rơi xuống mồ của buồn sầu hoặc vực thẳm của thất vọng, thì bạn hãy nghĩ tới Maria. Lúc gặp hiểm nguy, âu lo, nghi nan, thì bạn hãy chạy tới Maria, hãy khẩn cầu Maria”. Bài giảng này trở thành bất hủ với lời khuyên: “hãy trông nhìn ngôi sao, hãy kêu cầu Maria” (Respice stellam, invoca Mariam!). Thánh Bênađô sử dụng một kinh nghiệm của những thủy thủ đi biển. Cuộc đời ta ví như chuyến vượt biển. Thuyền đời bị sóng gió bão táp, dễ bị cuốn trôi và chìm đắm. Những cơn sóng đó tượng trưng cho tội lỗi, đam mê. Muốn vượt qua cơn nguy biến đó, ta hãy ngước nhìn lên Đức Maria và kêu cầu Người giúp đỡ dẫn thuyền đến bờ bình yên. Ngôi sao là biểu tượng cho hy vọng tin tưởng, vì không sợ bị lạc hướng. Nên biết là thánh Bênađô không chỉ trình bày Đức Maria như là người mẹ sẵn sàng đến giúp đỡ những ai kêu cầu, nhưng Người còn là mẫu gương chiếu soi nữa. Người chiếu tỏa sáng ngời bởi các nhân đức. Vì thế nhìn Đức Maria như ngôi sao sáng cũng có nghĩa là bắt chước các nhân đức của Người.

“Sao mai” và “Sao biển” là những biểu hiệu lấy từ hiện tượng thiên nhiên. Thế còn “ngôi sao truyền giảng Tin mừng” dựa vào biểu tượng nào?

Như đã nói trên đây, các tước hiệu “sao mai” và “sao biển” đã được lưu hành từ thời Trung cổ và đã được du nhập vào các thánh thi và thánh ca. Còn tước hiệu “ngôi sao truyền giảng Tin mừng” thì mới xuất hiện từ thời cận đại, và được chính thức xử dụng trong tông huấn “Loan truyền Tin mừng” (Evangelii Nuntiandi) của đức Phaolô VI (ban hành ngày 8/12/1975) ở số 82, nghĩa là kết luận văn kiện. Văn kiện này đúc kết cuộc thảo luận của Thượng hội đồng giám mục bàn về việc rao giảng Tin mừng họp một năm trước đó. Sau khi đã trình bày xác định ý nghĩa, mục tiêu của việc loan báo Tin mừng, cũng như những phương tiện sử dụng và tinh thần truyền giáo, ĐTC kết thúc với việc giới thiệu Đức Maria như là “ngôi sao của công cuộc loan báo”. Ta có thể hiểu tước hiệu này theo nhiều nghĩa. Thứ nhất, như là mẫu gương của việc loan báo Tin mừng. Đức Maria là người tiên khởi loan báo Tin mừng, không phải theo nghĩa là đi khắp hang cùng ngõ hẻm để giảng thuyết, nhưng theo nghĩa là Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho nhân loại. Thực vậy, loan báo Tin mừng không chỉ có nghĩa là thông tin, nhưng là trao ban Chúa Giêsu. Việc trao ban này được thực hiện bằng chứng tá đời sống, nhất là bằng tình yêu. Thứ đến, Đức Maria cũng là mẫu gương cho Hội thánh trong chức vụ làm Mẹ: Hội thánh cần phải sinh các linh hồn cho Chúa, nhờ lời giảng và các bí tích. Đây chính là mục tiêu tối hậu của việc loan báo Tin mừng, tức là đem các linh hồn về với Chúa. Hội thánh nhìn lên Mẹ Maria như mẫu gương, và đồng thời cũng xin Mẹ chuyển cầu cho sứ mạng của mình được sinh lại nhiều hoa trái.

 Lm. Giuse Phan Tấn Thành 
Nguồndaminhvn.net