CÁC BÀI SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH

147

La-Transfiguration-et-la-Croix

Mục lục

1.  “Vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô” (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

2.  Thập giá quà tặng tình yêu (Lm.Jos Tạ Duy Tuyền)

3.  Mức độ yêu (Trầm Thiên Thu)

 

 

“VINH DỰ CỦA TÔI LÀ THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU KITÔ”

 Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Thư của Đức Tân Giám Mục Phụ Tá Long Xuyên – Giuse Trần Văn Toản, có đoạn viết: “Ơn mà con thiết tha cầu xin Chúa, là biết chấp nhận chức vụ giám mục như một thánh giá, và có khả năng cộng tác với hàng giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân để phục vụ Hội Thánh, với ước mong sống theo lý tưởng của Đức Cha Tiên Khởi Micae “Giám Mục là người đón nhận Thập Giá để phục vụ Chúa Kitô trong anh chị em”, của Đức Cha Cố Gioan Baotixita “Giám Mục là người thực hiện Giới Luật Yêu Thương đến hiến mạng sống mình trên Thập Giá”, và của Đức Cha Đương Nhiệm Giuse “Giám mục là người xây dựng sự Hiệp Nhất Nên Một nhờ sống Hiệp Thông với Chúa Kitô trên Thập Giá”. Cùng với lá thư này, con xin gửi đến Quý Cha lá thư của Đức Cha Cố Gioan Baotixita gửi cho con nhân dịp này. Chính lá thư này đã gợi ý cho con chọn khẩu hiệu giám mục của con “Vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô” (x Gal 6, 14) (x.gplongxuyen.org).

Tại sao Thập Giá Chúa Giêsu Kitô là vinh dự, là niềm tự hào của tôi?

Những ngày Tuần Thánh, suy niệm về Thập giá để thêm xác tín về niềm vinh dự vào Thập giá Chúa Giêsu Kitô.

1. Thập giá là nhục hình

Vào thời của Đức Giêsu, Thập giá tiên vàn là một nhục hình. Trong đế quốc Rôma, Thập giá là một hình phạt dành cho các tội trọng. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức Thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang. Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là bị lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị dốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các công dân Rôma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước đoạt quyền công dân. Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình phạt Thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá. Cũng vì lý do đó mà việc tôn kính Đức Kitô trên thập tự là cả một chuyện điên rồ hèn hạ, không những thánh Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng 20 năm sau biến cố xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng 150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I, 13,4), thánh Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn tên tử tội trên Thập giá là Đấng Tạo dựng đất trời. (x.Thần học về Thập giá, Thời sự thần học số 7 tháng 3/97). Nhìn từ góc độ luật pháp, Thập giá được xem là một hình phạt tàn bạo của ngành tư pháp Rôma dành cho các tử tội, phạm nhân phải vác lấy gánh nặng họ đã gây và đi đến chỗ chết như một kiểu đền bù công khai.

2. Thập giá Đức Kitô

Thập giá (cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu) là khúc xương khó nuốt nhất đối với các môn đệ. Ba lần Chúa báo trước cuộc tử nạn. Cả ba lần họ đều không hiểu và không chấp nhận. Các môn đệ nghe nói đến thập giá thì nổi da gà. Thập giá gợi lên một cây khổ giá trần trụi. Thập giá gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn, nhục nhã nỗi ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, hấp hối giữa sống và chết, bị nhiếc mắng trước những cái nhìn thù ghét và khinh khi, bị chê bai trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Phêrô đã từng run rẩy can ngăn Chúa Giêsu đừng đi vào con đường thập giá. Các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.

Thập giá gồm một cây dài và một cây ngang. Cây dài thẳng đứng, luôn được chôn trên chỗ hành hình, tức là đồi Gôlghôta, đồi Sọ, vì có hình cái sọ. Từ trong thành, người dân luôn luôn thấy những cây dọc đứng này. Đây là dụng cụ hăm dọa để dân Do Thái đừng phản loạn, đừng nỗi dậy. Vì thế, tử tội chỉ vác cây ngang đi qua thành phố: lại một hình thức hăm dọa. Khi đến nơi hành hình, lý hình sẽ đóng lại thành cây thập giá, đóng đinh tử tội vào và dựng lên, cả cây thập giá và người bị đóng đinh.

Chúa Giêsu đã chọn Thập giá làm phương thế thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự hận thù ghen ghét của thế gian; thanh đứng tượng trưng cho tình yêu và sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết; giữa vui và buồn; cười và khóc; hận thù và thứ tha; ghen ghét và yêu thương; giữa ý muốn của con người và ý muốn của Thiên Chúa. Đặt thanh sự sống và tình yêu lên thanh sự chết và oán thù là cách duy nhất để làm nên một thập giá.

Tường thuật về cuộc thương khó, Thánh Matthêu và Maccô trình bày Chúa Giêsu như một người hoàn toàn công chính đã bị bắt bớ và bị hãm hại vì sứ mạng của mình.

Thánh Luca nói về ý nghĩa Thập giá. Nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người được ơn trở lại: Phêrô đã khóc lóc sau khi chối bỏ Thầy, Simon Cyrênê đã hoán cải khi vác đỡ Thập giá cho Chúa, một số phụ nữ đã đấm ngực than khóc thống hối, một tên tử tội cũng ăn năn. Những giây phút cuối của Chúa trên Thập giá đã trở thành cao điểm của ơn cứu chuộc: Ngài đã xin Chúa Cha tha tội cho những lý hình, lời cuối cùng của Ngài trước khi tắt thở biểu lộ lòng tín thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy, đối với Luca, việc Chúa chịu chết trên Thập giá là một biến cố cứu rỗi.

Thánh Gioan nhìn Thập giá như sự bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo trên Thập giá là biểu trưng của việc Ngài được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình (Ga 12,32). Cuộc tử nạn bắt đầu với việc rửa chân cho các môn đệ và di chúc về tình yêu: Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện để bộc lộ tình yêu dành cho các bằng hữu. Chính Ngài đi ra đón những kẻ lùng bắt mình. Cuộc tra tấn dã man biến thành lễ nghi phụng vụ, khi Đức Giêsu khoác tấm áo đỏ với vòng gai, và bản án là Vua (Ga 19,14.19). Thánh Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Chúa trên Thập giá, ghi chú những cử chỉ nhằm hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác bà mẹ cho môn đệ, việc nhắp những giọt giấm cho tới việc bị ngọn giáo đâm thủng sườn; nhất là Gioan nhận định về những hiệu quả của cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiệu của mạch sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con Một cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, Thập giá không phải là một nhục hình nhưng là ngai toà mà Ngài hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu.

Như thế, cả bốn Phúc âm đã có một diễn trình từ chỗ tường thuật một biến cố kết liễu cuộc đời của Chúa Giêsu cho đến chỗ khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Nơi các tác phẩm của thánh Phaolô và của các thánh tông đồ, Thập giá được trình bày dưới khía cạnh của một việc tuyên xưng, hoặc trong lời giảng hoặc trong phụng vụ. Trong những bài giảng đầu tiên của Phêrô, việc Đức Giêsu bị người Do thái nộp cho Philatô xét xử đóng đinh trên Thập giá đã trở thành một biến cố cứu độ: Thiên Chúa đã suy tôn Đức Giêsu làm Đức Chúa và vị Cứu tinh (Cv 2,36; 4,10; 10,39; 13,29). Lời tuyên xưng trong lời giảng của các thánh tông đồ cũng trở thành lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu, đặc biệt là khi cử hành phụng vụ: “Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8); nhưng cái chết đó đã trở thành nguyên cớ cho sự siêu tôn: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”. Trong thư gửi Côlôsê 1,19, chúng ta cũng gặp thấy lời tuyên xưng dưới hình thức của thánh ca: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.

Khi nghe các tông đồ và các tín hữu tuyên dương một tội phạm bị xử tử trên Thập giá, nhiều người đã chói tai và không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng các Kitô hữu là bọn người cuồng tín? Thế nhưng, thay vì tránh né nói tới Thập giá để khỏi gây hiểu lầm, thánh Phaolô đã dám đi thẳng vào vấn đề: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên Thập giá, một điều vấp phạm cho dân Do Thái và điều dại dột đối với dân Hy lạp. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn của con người trăm lần” (1Cr 1,18-25). Thánh Phaolô còn thêm: “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên Thập giá” (1Cr 2,2).

Thiên Chúa đã biến đổi dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành dụng cụ diễn tả tình yêu thương bao dung, tha thứ; biến dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời; biến dụng cụ chế nhạo của con người thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Đức Kitô. Như thánh Phaolô đã nói :”Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18).

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.

Thập giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.

Thập giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời.

3. Thập giá là vinh dự

Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đáp trả lại tất cả mọi bất công và hận thù bằng lòng bao dung tha thứ. Thập giá Đức Kitô không chất chứa hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hơn thế nữa, Ngài công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trên thập giá, lúc mà thế trần nhìn thấy Ngài trần trụi và yếu đuối nhất, khi Ngài ôm trọn con người tội lỗi trần gian qua hình ảnh tên gian phi biết cúi mình nhận ra Chân Lý: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).Chúa Giêsu đã xóa màu đen ghê tởm của sự dữ trong lòng con người qua việc phục hồi giá trị của mỗi nhân vị và đưa nhân loại đến với Thiên Chúa qua Tình Yêu toàn tha của Ngài. Chúa Giêsu đã dùng cạn hết mọi dấu chỉ của thế trần để biểu lộ Tình Yêu thâm sâu của Ngài cho chúng ta. Đó là màu trắng thanh khiết nhất và là ánh sáng đẹp nhất mà nhân trần này có thể chiêm ngưỡng.

Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Chúa Giêsu nói lời phó dâng và Người trút hơi thở cuối cùng. Màn trong Đền Thờ xé ra làm đôi. Giao Ước cũ đã hết hạn, Giao Ước mới đã khởi đầu.Viên sĩ quan chứng kiến cuộc Tử Nạn của Chúa đã tin nhận Người là Đấng Công Chính, dân chúng tham gia cũng ra về đấm ngực ăn năn. Như vậy, ngay khi Chúa Giêsu vừa tắt thở, Thập giá đã tràn căng sức mạnh cứu rỗi và từ đó nên nguồn mạch đức tin. “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”. Sinh thời Chúa Giêsu đã có lần báo trước hiệu quả cứu độ của Thập giá, nhưng khi “giờ” Thập giá của Người đến, người ta mới thấy nghịch lý muôn đời của Tin mừng cứu rỗi: khôn ngoan biểu lộ qua điên dại; sức mạnh vươn lên từ yếu đuối; và sự sống hạnh phúc nẩy sinh từ những điều tưởng như mất mát chết chóc bi thương. Giáo Hội của những kẻ tin vào tình thương Thiên Chúa khởi nguồn từ đây (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

Vì thế, niềm vinh dự của người môn đệ Đức Kitô là: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gal 6,14). Niềm tự hào của người môn đệ về Thập giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa : “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1,24 -25).

Thập giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thập giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thập giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng Thập giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thập giá soi dẫn. Từ Thập giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Thập giá là vinh dự, là niềm vui, là hy vọng, là sự nghiệp và là hạnh phúc của người môn đệ Chúa Giêsu Kitô.

Về mục lục

.

THẬP GIÁ QUÀ TẶNG TÌNH YÊU

   Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có nhiều lần chúng ta đã từng tặng quà, hay đã từng nhận quà. Mỗi quà tặng đều có một thông điệp nào đó gửi đến người nhận quà. Có thể là tình yêu. Có thể là sự quan tâm, sự đồng cảm, hay đơn thuần chỉ là quan hệ xã giao  . . .

Khi chọn quà ta ôm ấp hình ảnh người ta tặng trong lòng để có thể hiểu được họ muốn gì, họ cần điều gì? Thế nên, món quà nó gói trọn cả một tấm lòng dành cho người mình tặng quà.

Có một bà lão nói với tôi: “Con để dành cho cha một trái xoài rất lâu rồi, khi nó vừa ra trái con đã nhớ đến cha. Con định bụng khi nó chín sẽ hái biếu cha. Thế mà, chưa kịp hái, đứa nào nó ăn trộm mất rồi, nên con chẳng còn gì biếu cha!

Tôi nói rằng: Cụ đã biếu tôi cả tấm lòng rồi. Tấm lòng trải dài rất nhiều ngày luôn nghĩ đến tôi, khi cụ ôm ấp ý tưởng biếu tôi trái xoài.

Hóa ra khi tặng quà người ta đã luôn nhớ đến chúng ta từ trước. Người tặng quà luôn có một tình yêu thực sự dành cho ta.

Cuộc sống luôn mang đến cho chúng ta rất nhiều những món quà. Món quà nào cũng hay, cũng ý nghĩa vì nó là tình yêu của người trao tặng chúng ta. Món quà nhận được từ một người đặc biệt thì càng ý nghĩa, càng làm cho ta hạnh phúc. Món quà ấy có khi theo ta suốt đời.

Người ta rằng kể rằng: khi George Nixon Biggs làm Thống Đốc bang Massachusetts, có 3 người bạn của ông đi viếng thánh điạ. Họ leo lên đỉnh núi Golgotha, bẻ một nhánh cây làm gậy. Khi trở về, họ tặng vị Thống Đốc cây gậy và nói: “Chúng tôi muốn Ngài biết cho rằng, khi đứng trên đỉnh đồi Calvê, chúng tôi đã nghỉ tới ngài”. Thống Đốc hết lòng cảm ơn họ, ưu ái nhận quà tặng và nói thêm: “Nhưng thưa các bạn, tôi còn nghĩ xa hơn: ở đó, có một Đấng khác cũng đã nghĩ tới tôi”.

Vâng, Chúa Giê-su trên thập giá đã nghĩ đến chúng ta. Ngài đã làm điều mà người ta cho là điên rồ vì chúng ta. Ngài chết để tặng cho ta món quà sự sống đời đời. Món quà ấy được biểu trưng qua cây thập tự giá. Một thập tự giá là biểu tượng cho tình yêu trọn vẹn dành cho chúng ta. Khi tặng cho chúng ta món quà ấy, Ngài đã luôn nghĩ đến chúng ta. Trong tâm tưởng Ngài luôn nhớ đến chúng ta, và hằng ao ước món quà này sẽ được trao tặng đến từng người chúng ta qua mọi thời đại.

Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh không đơn thuần là chúng ta tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa mà quan yếu là sống lại tâm tình tri ân về tình yêu quá cao vời mà Ngài đã dành tặng cho chúng ta. Tri ân món quá thập giá mà Ngài đã tặng vì yêu chúng ta. Ngài đã yêu chúng ta đến nỗi bằng lòng chết trên cây Thập Tự. Ngài đã yêu là yêu cho đến cùng để rồi tình yêu của Ngài sẽ mãi muôn đời bất diệt vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu dám chết cho người mình yêu”.

Món quà tình yêu thường vô giá. Món quà đổi cả tính mạng mình càng vô giá hơn. Thế nên, món quà mà Chúa Giê-su ban tặng là món quà vô cùng vô giá, chúng ta nhận lấy bằng cả một tâm tình tri ân thôi chưa đủ, mà còn phải bái quỳ cảm tạ tình yêu cao vời mà Ngài đã dành cho chúng ta.

Thế nên, hôm nay chúng con ta có nghi thức suy tôn Thánh Giá. Chúng ta khiêm cung bái lạy Thánh Giá Cứu Chuộc của Chúa. Vì chính nhờ Cây thánh giá này mà quả phúc sự sống đã được ban đến cho chúng ta. Chúng ta bái lạy Thánh Giá vì thánh giá còn có chính thân thể của Chúa chịu hiến tế vì chúng ta đang hiện diện trên cây thánh giá.

Ước gì chúng ta luôn biết sống trong tâm tình tri ân tình yêu cao vời của Chúa. Ước gì chúng ta luôn biết trân trọng quà tặng tình yêu của Chúa bằng việc trung thành với giao ước của Chúa, và biết noi gương Chúa mà tận hiến hy sinh cho tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa đã chết để cho chúng con được sống. Xin giúp chúng con luôn sống trong ân nghĩa của Chúa. Amen

Về mục lục

.

MỨC ĐỘ YÊU

Trầm Thiên Thu

Chiều vàng nhạt nắng hoàng hôn

Thâm tình ly biệt, đoạn trường sầu bi

Người buồn tiễn biệt người đi

Người đi sẽ đón người về hân hoan

Cuộc chia ly nào cũng trĩu buồn, càng buồn hơn khi cuộc chia ly đó lại cách biệt âm dương, đó là thâm tình Mẫu Tử, nghĩa tình Thầy Trò.

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Đại tang của các Kitô hữu. Tuy nhiên, trong nỗi buồn “đậm đặc” ấy lại chứa đầy ắp niềm hy vọng để bước qua cửa ải sự chết và hân hoan tiến vào Miền Vĩnh Sinh trong tiếng ca vang Alleluia!

Cụm từ “Thứ Sáu Tuần Thánh” của Việt ngữ không lột tả được thâm ý như Anh ngữ: Good Friday – Thứ Sáu Tốt Lành. Thứ Sáu là “ngày chết chóc”, ngày xui xẻo và buồn ảm đạm, thế mà lại được coi là Ngày Tốt Lành, thật là kỳ diệu biết bao!

Đành rằng chúng ta cũng đã và đang góp phần bán đứng Đức Kitô, nhẫn tâm đóng đinh giết chết Chúa Giêsu nhiều lần qua việc những lần phạm tội, hằng ngày chúng ta còn nỡ lòng đóng đinh nhau bằng nhiều loại đinh: Chỉ trích, gièm pha, khích bác, phe cánh, ghen ghét, đố kỵ,… Trong các loại đinh đó, có đinh gỉ sét, có đinh sắc bén, có đinh dài thoòng, có đinh xoắn,…

Thật là không dễ nhổ ra các loại đinh đó một khi đã được “đóng” vào ai đó! Có lẽ vì vậy mà khi thấy các phụ nữ Giê-ru-sa-lem khóc thương Ngài, Chúa Giêsu dừng lại với cây Thập Giá trên vai và nói thật lòng với họ: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28). Và đó cũng chính là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ mỗi chúng ta hôm nay!

Chúa Giêsu đã nói trước: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Điều này đã được Ngài chứng minh vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chính xác là Chúa Giêsu đã thọ hình 3 giờ chiều trên Đồi Sọ vào ngày 3 tháng 4 năm 33 (sau công nguyên). Thời điểm và ngày tháng Chúa Giêsu chịu chết đã được Tạp chí Địa Chất Quốc tế thực hiện cuộc nghiên cứu để xác định “ngày giỗ” của Chúa Giêsu. Cuộc nghiên cứu này dựa vào nền tảng Phúc Âm, đồng thời kết hợp với các tài liệu về địa chất và thiên văn học, các nhà nghiên cứu đã đủ cơ sở để xác định như vậy.

Thế nào là mức độ yêu? Mức độ yêu là YÊU VÔ HẠN, yêu như điên, yêu phát khùng, yêu cuồng nhiệt, yêu đến nỗi bị coi là dại dột, đó là si tình. Chuyện đời có mối tình của Romeo va Juliet của văn hào Shakespeare (1582-1616, Anh quốc), Việt Nam có mối tình Lan và Điệp, còn văn hào Victor Marie Hugo (1802-1885, Pháp quốc) yêu say đắm cô hàng xóm Adele Foucher nhưng bị mẹ cấm, sau khi mẹ mất, ông đã kết hôn với Adele. Tuy có vợ rồi nhưng ông lại “phải lòng” cô Juliette Drouet, và Juliette Drouet đã viết cho ông khoảng 1700 lá thư tình. Ở đây chỉ muốn nói tới khối tình si của những trái tim yêu hết mình mà thôi. Dày dạn kinh nghiệm tình trường, Victor Hugo đã kết luận: “Chết cho tình yêu là sống cho tình yêu”.

Chúa Giêsu cũng là người si tình thứ thiệt, độc nhất vô nhị, Ngài mệnh danh là Người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaia đã đề cập: “Này đây, Người Tôi Trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy Tôi Trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ” (Is 52:13-15). Người Tôi Trung có những động thái trái ngược rất lạ!

Chính Người Tôi Trung ấy “lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn, chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Is 53:1-2). Không chỉ vậy, Người Tôi Trung ấy còn “bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật, như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53:3). Đâu ai ngờ sự thật là “chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề” (Is 53:4). Đây là “điểm nóng” để chúng ta phải tự chấn chỉnh cách nhìn của mình đã và đang dành cho tha nhân.

Cuộc đời Người Tôi Trung là Bản Trường Ca Đau Khổ, là Liên Khúc Bi Tráng Ca. Thật vậy, họa vô đơn chí, đau khổ cứ chồng chất lên đau khổ, theo cách nhìn phàm tục thì đúng là cuộc chiến bại ê chề, thê thảm.

Chính Người Tôi Trung “đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53:5). Trong tình trạng Người Tôi Trung bị coi là te tua tơi tả như vậy thì “tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả, nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người mọi tội lỗi của tất cả chúng ta”, để rồi Người Tôi Trung tiếp tục “bị ngược đãi, cam chịu nhục, nhưng chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53:6-7).

Ê chề nhục nhã đến vậy mà vẫn chưa yên thân: “Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53:8-9). Quả thật, kinh hãi quá, phàm nhân chúng ta không thể tưởng tượng nổi và không thể đủ sức chịu đựng như vậy!

Nhưng đó là Thánh Ý Thiên Chúa: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53:10-11). Ý Chúa đã vậy, đáng khâm phục là đức vâng lời của Người Tôi Trung. Đúng là “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9).

Cả một bài đọc dài với đủ dạng đau khổ như thế mà không thấy câu chữ nào vô nghĩa, người nghe cũng không cảm thấy nhàm chán. Kỳ diệu quá sức! Nhưng câu cuối cùng thấy có màu “sáng” nhất: “Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53:12). Và đó là hệ lụy tất yếu cho những người-tôi-trung-ngay-khi-gian-khổ.

Người Tôi Trung luôn một lòng tin tưởng Thiên Chúa, dù gặp bao trắc trở nhưng vẫn trung tín và kiên tâm cầu nguyện: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con” (Tv 31:2). Ngay cả cái chết cũng không tách Người Tôi Trung khỏi lòng mến yêu Chúa: “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31:6).

Biết rõ mình “nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích đều kinh hãi, tránh xa, bị lãng quên như kẻ chết không người tưởng nhớ, hoá thành đồ hư vất bỏ” (Tv 31:12-13), nhưng Người Tôi Trung “vẫn tin tưởng nơi Chúa, vẫn dám thưa rằng: ‘Ngài là Thượng Đế của con. Số phận con ở trong tay ngài. Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ’ ” (Tv 31:15-17). Và như Người Tôi Trung, tác giả Thánh Vịnh mời gọi chúng ta: “Hỡi mọi người cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!” (Tv 31:25).

Thánh Phaolô giải thích và chia sẻ kinh nghiệm tâm linh: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng để được xót thương lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:14-16). Qua đó, chúng ta thấy Đức Giêsu đã mặc xác phàm yếu đuối như chúng ta để đồng lao cộng khổ với chúng ta, đặc biệt là để động viên chúng ta vượt qua mọi “ngưỡng” đau khổ, nhất là vượt qua cửa ải sự chết.

Thánh Phaolô nói thêm: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7-9). Bài học quá đắt giá, nhưng cái gì càng đắt giá thì càng giá trị cao!

Bài Thương Khó là đoạn Phúc Âm buồn thảm nhất trong Kinh Thánh. Người Tôi Trung Đau Khổ Giêsu là nhân vật độc nhất vô nhị, nổi tiếng nhất trong lịch sử xưa nay và đến mãi tận thế. Càng ngày người ta càng phải công nhận, bằng cách này hay cách khác, ngay cả những người cố ý tỏ ra không công nhận nhưng thực ra trong thâm tâm họ vẫn công nhận.

Trình thuật Ga 19:1-42 cho biết “chuyến đau khổ” của Chúa Giêsu bắt đầu từ Vườn Dầu, tức là Ghết-sê-ma-ni.

Sau Bữa Tiệc Ly, Ngài đi ra cùng với các môn đệ sang bên kia suối Kít-rôn, vào một thửa vườn. Giu-đa cũng biết nơi này, vì lâu nay Thầy trò thường quy tụ ở đó.

Ngay đêm Thứ Năm, Giu-đa tới đó và dẫn một toán quân với đám thuộc hạ của các thượng tế cùng nhóm Pha-ri-sêu. Họ mang theo đèn đuốc và khí giới. Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: họ tìm ai. Họ nói ngay là tìm Giêsu Na-da-rét. Ngài nhận ngay: “Chính tôi đây”. Mới nghe vậy, họ liền lùi lại và ngã xuống đất. Ngài hỏi lại, họ vẫn nói là tìm Giêsu Na-da-rét. Ngài vẫn nhận mình là người họ tìm, chấp nhận cho họ bắt Ngài nhưng Ngài yêu cầu không bắt bất cứ ai đi với Ngài. Điều này ứng nghiệm lời Ngài đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai”.

Ông Phêrô có sẵn thanh gươm liền tuốt ra và chém đứt tai phải của Man-khô, đầy tớ của vị thượng tế. Ngài bảo ông Phêrô xỏ gươm vào bao, và giải thích rằng Ngài sẵn sàng uống chén mà Chúa Cha đã trao. Họ bắt Ngài và dẫn Ngài đến ông Kha-nan, nhạc phụ của thượng tế Cai-pha. Chính Cai-pha đã đề nghị với người Do-thái là “nên để một người chết thay cho dân thì hơn”.

Dù bị chất vấn và tra khảo, nhưng Chúa Giêsu vẫn nói thẳng và nói thật chứ không run sợ trước thế lực của họ, có người vả vào mặt Ngài, nhưng Ngài vẫn hỏi vặn lại: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:23). Tất nhiên họ chẳng nói lại được gì, mà chỉ “cả vú lấp miệng em”. Rồi ông Kha-nan cho giải Ngài đến thượng tế Cai-pha trong khi Ngài vẫn bị trói.

Trong khi đó, ở ngoài sân, ông Phêrô bị người ta phát hiện thuộc nhóm của Chúa Giêsu nên ông sợ và chối thẳng thừng, không chỉ một mà tới ba lần. May có tiếng gà gáy sáng, và ông đã ăn năn.

Người Do-thái lại điệu Chúa Giêsu từ nhà ông Cai-pha đến dinh tổng trấn Phi-la-tô khi trời vừa mới sáng. Họ không vào dinh vì sợ bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Bề trong không lo mà chỉ lo bề ngoài, thật là tồi tệ!

Ông Phi-la-tô hỏi đủ điều nhưng Ngài chỉ im lặng. Ông Phi-la-tô cũng nhận thấy Ngài không có tội gì và có ý phóng thích Ngài, nhưng ông ta vẫn không dám làm theo tiếng nói lương tâm vì ngại với đám đông, sợ mất chiếc ghế chức tước và quyền lực. Nghe Chúa Giêsu nói về sự thật, ông ta còn “giả nai” hỏi lại: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Bà vợ bảo ông ta đừng nhúng tay vào vụ án xử Chúa Giêsu, ông ta đi lấy nước rửa tay.

Các động thái của ông Phi-la-tô cho thấy sự hèn nhátcố ý làm ngơ công lý. Đó là điều chúng ta phải cảnh giác trong mỗi động thái của mình, nhất là những gì liên quan sự thật và công lý.

Theo tục lệ của người Do-thái, vào dịp lễ Vượt Qua, người ta thường tha một phạm nhân nào đó. Người ta hùa nhau xin tha cho tướng cướp khét tiếng Ba-ra-ba, nhưng lại xin giết chết Đức Giêsu. Trước đó không lâu, người ta mới tung hô “vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến” ở Thành Giê-ru-sa-lem, thế mà giờ đây lại quyết xin đóng đinh người mà họ đã tôn vinh.

Thế là ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Ngài. Họ hành hạ Ngài với những kiểu dã man nhất. Sau đó, ông Phi-la-tô dẫn Chúa Giêsu ra ngoài cho người ta thấy Ngài thê thảm thế nào với vòng gai trên đầu mà thôi kết án Ngài. Thế nhưng họ vẫn không chút mủi lòng, cho rằng Ngài lộng ngôn khi nhận mình là Con Thiên Chúa. Họ càng thấy Ngài bị hành hạ tơi tả thì họ càng vui sướng: “Đóng đinh nó vào thập giá!”.

Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa. Sơ gì? Sợ mất chức, mất chức thì mất bổng lộc và mất quyền. Ông ta bảo ông có quyền tha và có quyền đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá. Nhưng Đức Giêsu nói ngay: “Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ông. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn”. Ông Phi-la-tô tìm cách tha Ngài nhưng vẫn không dám thực hiện vì bị áp lực của đám đông.

Họ bắt Ngài tự vác lấy thập giá đi đến Đồi Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha. Cùng chung hình phạt đóng đinh vào thập giá với Ngài là hai tên gian phi khét tiếng. Phía trên thập giá có ghi: “Giêsu Na-da-rét, Vua dân Do-thái”. Vô tình mà họ đã phải công nhận Chúa Giêsu là Vua dân Do-thái. Bảng đó được ghi bằng đa ngữ: Tiếng Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. Các thượng tế của người Do-thái muốn ghi kiểu khác, nhưng ông Phi-la-tô không chiều theo ý họ. Đó là ý Chúa vậy!

Từ trên Thập Giá, Đức Giêsu trao phó Đức Mẹ cho ông Gioan chăm sóc, và xin Đức Mẹ nhận chàng trai Gioan làm con. Nghe những lời trăn trối như vậy thì hẳn ai cũng phải động lòng. Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Ngài kêu: “Tôi khát!”. Nghe vậy mà người ta lại nhẫn tâm lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Ngài. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!”. Rồi Ngài gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Lời kêu khát của Chúa Giêsu nhắc chúng ta về niềm khát khao của Ngài dành cho chúng ta là chúng ta phải cố gắng NÊN THÁNH, nhắc nhở chúng ta yêu mến THÁNH THỂ, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta đừng làm ngơ trước những nỗi khát khao của tha nhân – nhất là đối với những CON NGƯỜI HÈN MỌN luôn ở bên chúng ta hằng ngày.

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày đại lễ sa-bát. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh cho họ mau chết để rồi lấy xác xuống cho kịp trước khi đêm xuống. Họ đánh giập ống chân hai người cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, tức thì, MÁU cùng NƯỚC chảy ra. Tứ đó, Nguồn Suối Lòng Thương Xót tuôn chảy mãi cho đến tận thế để ai nhìn lên Ngài và thành tâm tín thác thì sẽ được hưởng Ơn Cứu Độ.

Sau đó, Đức Giêsu được hạ xác xuống khỏi Thập Giá, được đưa đi an táng theo tục lệ chôn cất của người Do-thái tại một thửa vườn. Nỗi buồn “dừng lại” nhưng vẫn âm ỉ trong lòng mọi người. Tuy nhiên, Ngày Thứ Sáu Buồn này lại chính là Ngày Thứ Sáu Tốt Lành. Chúa Giêsu chịu đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, Ngài chịu thua cuộc để chúng ta chiến thắng, Ngài chịu chết để chúng ta được sống. Chúng ta tưởng niệm cái chết của Ngài nhưng không phải là để thương xót Ngài mà là thương xót chính số phận của chúng ta.

Và thật là hạnh phúc cho chúng ta, những tội nhân khốn nạn, vì Thánh Phaolô xác định: “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa” (2 Cr 5:19). Thứ Sáu Tuần Thánh là cột mốc đánh dấu lời hứa đó, như Cựu ước nói: “Nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3). Thật là đại phúc cho chúng ta!

Lạy Thiên Chúa Cha, xin thương xót và tha thứ lũ tội nhân chúng con. Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Ngài đã chịu chết thay chúng con, xin giúp chúng con nhổ những chiếc đinh gỉ sét mà chính chúng con đóng vào chân tay Ngài, và đóng vào cuộc đời tha nhân mà chúng con vẫn nhẫn tâm đóng vào nhau hằng ngày. Chúng con chân thành cầu xin nhân danh Người Tôi Trung Đau Khổ Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục