Tối thứ sáu Tuần thánh ngày 18 tháng 04 tới đây, tại hí trường Coloseo, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Đàng Thánh Giá, qua đó ngài mời gọi mọi người suy tư về những khủng hoảng kinh tế và hậu quả nặng nề của nó trên những câu chuyện của những người nhập cư, trên những cái tệ hại đang xé nát cuộc đời của nhiều người trẻ. Bản văn suy niệm 14 chặng thương khó do Tổng Giám Mục của Campobasso-Boiano soạn thảo, đã mang lấy những vết thương của thế giới hôm nay, mang lấy tất cả mọi thảm kịch, như người mục tử của giáo phận miền Nam Italia đã nhận ra: những cái chết do các chất thải độc hại gây ra, điều kiện của những người bị giam giữ trong các nhà tù đông đúc.
Nơi thập giá của Chúa Giêsu Kitô có tội lỗi của con người, những bất công phát sinh từ những khủng hoảng kinh tế “với hệ lụy xã hội trầm trọng của nó”, tính bất ổn, thất nghiệp, đầu cơ tích lũy, những vụ tự tử của các doanh nhân, tham nhũng và cho vay nặng lãi. Chúa Giêsu đã mang lấy tội lỗi nơi bản thân Người lên núi Calvario, để dạy cho chúng ta biết rằng cuộc sống này không phải được sống cho sự bất công, nhưng bằng cách tạo nên những “nhịp cầu liên đới”, “bằng cách chiến thắng sợ hãi và cô đơn, phục hồi bức tranh chính trị” và bằng cách tìm kiếm những giải pháp chung cho những vấn đề xã hội.
Trong bài suy niệm được viết cho Đàng Thánh Giá ngày thứ sáu Tuần thánh tại Coloseo, TGM Bregantini đã lồng vào đó hình ảnh những vết thương của thế giới hôm nay. Trong đó có thảm kịch của những người nhập cư, các vết thương của những người nữ phải chịu vì bạo lực, những tổn thương của các trẻ nhỏ bị lạm dụng, nỗi đau của những người mẹ mất con trong các cuộc chiến tranh, trong suy đồi của ma túy hay trong vòng xoáy của rượu chè.
Nhưng việc Chúa Giêsu ngã ba lần trên đường lên đỉnh đồi Golgota, Đức TGM của Campobasso-Boiano cũng cho thấy thoáng qua sự chắc chắn của niềm hy vọng : bên trong thử thách, lời cầu nguyện mạnh mẽ lên Thiên Chúa sẽ làm vơi đi mọi thập giá con người. Vì thế hãy học nơi Chúa Kitô cách biết chấp nhận những cái mỏng giòn, đừng nản lòng với những thất bại. Thế nhưng, hình ảnh ông Simon thành Cirênê, người đã giúp đỡ con Thiên Chúa mang lấy thập giá, hôm nay nói cho chúng ta biết rằng hãy đi để gặp gỡ người khác, tặng cho họ sự giúp đỡ của mình, hãy làm nảy sinh tình huynh đệ và hãy khám phá Thiên Chúa trong cuộc sống của con người.
Có nhiều câu chuyện thực tế ở miền Nam Italia trong đường thánh giá của TGM Bregantini : những đứa trẻ bị giết chết do những khối u là nguyên nhân bởi các chất thải độc hại, nhu cầu của biết bao người đang cầu xin nơi trú ẩn, họ đang tìm một quê hương mới nhưng tất cả các cửa đều đóng kín. Những người thấp bé của xã hội đương thời hiện diện trong những chặng khác nhau của Đường Thánh Giá, nơi những đau khổ của Chúa Kitô nhắc đến nổi đau khổ của các tù nhân, trong các trại tù đông đúc – nơi rất nhiều bộ máy hành chính và xét xử chậm chạp – hay trong cái buồn ủ rủ của những trại tù, nơi mà đôi khi tra tấn vẫn còn tiếp diễn.
Giáo hội cũng hiện diện trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Giáo hội là biểu tượng, được sai phái để tìm lại sự hiệp nhất, đạt đến sự hài hòa bằng bước đi nhẫn nại được xây dựng mỗi ngày, qua tình huynh đệ, qua sự hòa giải và tha thứ cho nhau. Và thật đau lòng, hình ảnh của Chúa Giêsu trên thập giá trong vòng tay của Mẹ Maria đã đi qua hàng thế kỷ, ảnh tượng này được gọi là “Pietà” : “cái chết không ngăn được tình yêu. Vì tình yêu mạnh hơn sự chết… ai sẵn sàng hy sinh cuộc sống mình vì Chúa Kitô, sẽ tìm lại được nó. Được biến đổi, vượt qua sự chết.
Giuse Võ Tá Hoàng
R.Vatican