HĐGM NAM PHI PHÊ BÌNH TỔNG THỐNG ZUMA
NAM PHI. Trong những ngày qua, tổng thống Nam Phi, ông Jacob Zuma đã bị các cơ quan nhà nước tố giác là đã lạm dụng tài trợ của quốc gia khi chi gần 250 triệu đồng Rand, tương đương với 24 triệu USD để tăng cường an ninh cho dinh thự miền quê của ông ở Nkandla, và xây một hồ tắm trong đó.
HĐGM Nam Phi đã phê bình tổng thống khi ông này đã không nhanh chóng trả lời phúc đáp cho các tố giác. Trong thông cáo của HĐGM Nam Phi có đoạn viết: “Chúng tôi trân trọng nhắc nhở tổng thống rằng hàng triệu người dân vẫn còn sống trong nghèo đói và nhiều người thiếu cả những ngôi nhà thô sơ nhất. Sử dụng 1 phần 4 tỷ Rand để chỉ lo cho một công dân quả thực là một gương xấu rất lớn.
.
ĐTC VIẾNG THĂM GIÁO XỨ THÁNH GREGORIO CẢ
ROMA. Chúa nhật 6.4 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có chuyến viếng thăm mục vụ giáo xứ thánh Gregorio Cả ở Roma. Giáo xứ này nằm ở khu vực Magliana, tây nam giáo phận Rôma, có 30 ngàn dân cư. Đây là giáo xứ thứ 6 tại Rôma được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm trong hơn 330 giáo xứ thuộc giáo phận này.
Có mặt tại giáo xứ vào khoảng 16h, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thành phần khác nhau tại giáo xứ. Ngài nhắn nhủ các trẻ em và thiếu niên đừng bao giờ đánh mất hy vọng, nhưng hãy mở rộng con tim cho Thiên Chúa. Với các bệnh nhân và người lớn tuổi, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng chúng ta được cứu chuộc với Đức Giêsu trên thập giá, và khi thập giá đến, chúng ta trở nên giống Đức Giêsu. Với các đôi vợ chồng có con cái mới được rửa tội gần đây, Đức Thánh Cha khuyên họ hãy duy trì quan hệ với giáo xứ sau phép rửa tội để con cái có thể lớn lên trong sự hiệp thông với giáo xứ.
.
ĐỨC THÁNH CHA QUYẾT ĐỊNH GIỮ NGUYÊN VIỆN GIÁO VỤ
VATICAN. Trong thông cáo hôm 7.4 vừa qua, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn một đề nghị về tương lai của Viện Giáo Vụ (quen gọi là ngân hàng Vatican), tái khẳng định sứ mạng quan trọng của viện này để mưu ích cho Giáo Hội Công Giáo, Tòa Thánh và Quốc Gia thành Vaticna, đồng thời chỉ thị Viện này tiếp tục tuân hành các quy luật về sự minh bạch, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Các vị hữu trách của Viện giáo vụ, đứng đầu là ông chủ tịch Ernst von Freyberg, người Đức, phải hoàn tất kế hoạch để đảm bảo cho Viện này có thể chu toàn sứ mạng như thành phần của các cơ cấu mới về tài chánh của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Kế hoạch này sẽ phải đệ trình Hội đồng các Hồng Y trợ giúp ĐGH, cũng như Hội đồng kinh tế gồm 8 Hồng Y và 7 chuyên gia giáo dân.
.
MỘT LINH MỤC DÒNG TÊN BỊ SÁT HẠI Ở SIRIA
HOMS. Trụ sở Giám Tỉnh dòng Tên tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết lúc 8h sáng ngày 7.4, cha Van der Lugt đã bị những người võ trang bắt và bắn hai phát đạn vào đầu cha trước nhà dòng Tên ở khu phố Basatin al Diwan, thành phố Homs, Siria.
Cha Van der Lutg sống ở Siria từ năm 1966. Cha là một nhà tâm lý trị liệu và là người đã góp phần bắc những nhịp cầu an bình và cảm thông giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo. Khu vực cha sống là một trong những vùng bị bao vây và có nhiều cuộc giao tranh, nhưng cha đã từ chối rời bỏ khu vực này để ở lại với dân chúng địa phương.
.
ĐỨC THÁNH CHA GẶP QUỐC VƯƠNG GIORDANI
VATICAN. Chiều 7.4 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến quốc vương Abdullah II của Giordani. Buổi hội kiến diễn ra tại nhà trọ Marta, kéo dài khoảng 45 phút. Trong buổi dùng trà, hai bên đã thảo luận với nhau về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Giordani từ ngày 24.5 đến 26.5 tới đây. Cùng đi với Quốc Vương có Hoàng thân Ghazi Bin Muahmmad Bil Talal, cố vấn hoàng gia về vấn đề đối thoại liên tôn và về văn hóa.
Phái đoàn của Quốc vương cũng được sự đón tiếp của ĐHY Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti. Quốc Vương cũng nói về quyết tâm của Giordani trong việc xây dựng hòa bình và đối thoại liên tôn.
.
CÁC TÔN GIÁO Ở HÀN QUỐC RẤT VUI TRƯỚC CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA
ĐẠI ĐIỀN. Trong tuyên ngôn chung công bố ngày 2.4 vừa qua, sau cuộc họp tại thành phố Đại Điền ở miền trung Hàn quốc, các vị lãnh đạo Công Giáo, Tin, Lành, Anh giáo, Phật giáo và Khổng giáo khẳng định rằng tinh thần mà ĐTC Phanxicô mang lại không những đánh động con tim tín hữu Công giáo nhưng còn cả những người không Công giáo nữa.
Tờ “Đại Điền Nhật Báo” vừa qua có đăng một lá thư của một tăng sĩ Phật giáo, trong đó vị này chia sẻ rằng: “Tôi có ấn tượng mạnh mẽ về hoạt động của Đức Giáo Hoàng bênh vực người nghèo, rồi việc ngài ôm hôn người có khuôn mặt bị biến dạng. Điều này làm tôi nghĩ rằng ngài là người mang Trời Cao đến gần người nghèo và người bệnh. Đối với tôi, những hành động như vậy góp phần làm sụp đổ những bức tường giữa các tôn giáo. Tôi rất kính trọng ngài.”
.
ĐỨC THÁNH CHA LÊN ÁN NẠN BUÔN NGƯỜI
VATICAN. Ngày 10.4 vừa qua, trong một cuộc gặp gỡ với 120 tham dự viên tham dự Hội nghị quốc tế kỳ 2 về nạn buôn người được tiến hành tại trụ sở Hàn lân viện Tòa Thánh về khoa học, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án nạn buôn người và khích lệ những nỗ lực nhằm chống lại tội ác này. Trong số các tham dự viên có 50 chuyên gia đến từ hơn 20 quốc gia, trong đó có các giới chức cảnh sát quốc tế, giáo sĩ, tu sĩ và các chuyên gia về các hoạt động nhân đạo.
Theo ước tính, có khoảng 2 triệu 400 ngàn nạn nhân của tệ nạn này trên thế giới, làm lời khoảng 32 tỷ USD cho những kẻ bất lương mỗi năm. Hội nghị này được triệu tập do sáng kiến của HĐGM Anh quốc, nhằm mục đích góp phần loại trừ nạn buôn người, tăng cường sự cộng tác quốc tế trong ý hướng này. Trong phiên họp, cũng có một số nạn nhân đã chia sẻ về kinh nghiệm của mình.
.
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CÁC GIÁO SƯ VÀ SINH VIÊN CỦA CÁC ĐẠI HỌC DÒNG TÊN Ở RÔMA
VATICAN. Sáng ngày 10.4 vừa qua, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến khoảng 2000 giáo sư và sinh viên của các đại học dòng Tên ở Rôma, gồm Đại học Gregoriana, Học Viện Kinh Thánh và Giáo Hoàng Học Viện Đông Phương. Trong buổi gặp gỡ này, ngài mời gọi mọi người phải có sự liên kết giữa việc học tập nghiên cứu với đời sống thiêng liêng. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, một số HY, GM, Cha Nicolas SJ, Bề trên Tổng quyền dòng Tên, các vị viện trưởng của 3 Đại học.
Ngài chia sẻ rằng: “Sự dấn thân của anh chị em về mặt trí thức, giảng dạy và nghiên cứu, học hành, và trong việc huấn luyện tổng quát, càng được phong phú và hữu hiệu nếu được linh hoạt nhờ lòng yêu mến đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, nhờ tương quan vững chắc và hòa hợp hơn giữa việc học và cầu nguyện. Một thách đố của thời đại chúng ta ngày nay là thông truyền kiến thức và cung cấp một chìa khóa giúp hiểu biết sinh động, chứ không phải chồng chất những ý niệm không có liên hệ gì với nhau.”
.
ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO VENEZUELA
CARACAS. Trong 2 tháng nay, các cuộc biểu tình không ngừng diễn ra ở Venezuela khiến cho khoảng 40 người thiệt mạng. Đến nay, hai phe đối lập đã đồng ý xin Tòa Thánh làm trung gian hòa giải. Cuộc hòa giải diễn ra buổi đầu tiên vào ngày 10.4 vừa qua.
Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp đến cuộc hòa giải này. Trong sứ điệp, ngài chia sẻ rằng: “Tôi xác tín sâu xa rằng bạo lực không bao giờ có thể mang lại hòa bình àn an sinh cho một đất nước, vì nó chỉ luôn sinh ra bạo lực… Tôi mời gọi quý vị đừng dừng lại ở tình trạng xung đột hiện nay nhưng cởi mở đối với nhau để trở thành những người thực sự xây dựng hòa bình… Tôi xin quý vị hãy có lòng can đảm này để mưu ích cho toàn dân và cho tương lai của con cái quý vị.”
.
PHÊ BÌNH LUẬT VỀ CHỦNG TỘC VÀ TÔN GIÁO Ở MYANMAR
RANGUN. Vừa qua, một dự luật được đưa ra ở Myanma có tên là “bảo vậ chủng tộc và tôn giáo”. Trong đó quy định rằng các phụ nữ Myanmar muốn thành hôn với người không phải là Phật tử thì phải xin phép chính quyền và cha mẹ. Nếu người chồng không phải là phật tử thì phải trở thành Phật tử trước khi thành hôn với một nữ phật tử. Dự luật này do tăng sĩ cực đoan và đấu tranh Wirathu yêu cầu. Có khoảng 1,3 triệu người ký tên ủng hộ thư thỉnh nguyện trong tổng số 55 triệu dân Myanmar.
Trước tình hình này, ngày 10.4 vừa qua, Đức TGM Charles Maung Bo của giáo phận Rangun, thủ đô Myanmar đã cho rằng dự luật này là một sự xen mình của Nhà Nước vào quyền tự do chọn lựa tôn giáo. Luật này không cần thiết, và trong lúc người dân Myanmar đang dần phục hồi các quyền tự do thì chính luật này đã làm mất đi tự do trong lĩnh vực tôn giáo.
.
XIN GIẢM BỚT KIỂM SOÁT NGHIÊM NGẶT Ở ISRAEL
JERUSALEM. Một nhóm dân chúng tại khu vực Đông Jerusalem đã ký tên vào một thư thỉnh nguyện và đệ trình tòa án cấp cao của Israel để xin chính quyền Israel giảm bớt việc kiểm soát nghiêm ngặt vào dịp lễ phục sinh sắp tới với lý do là nếu việc kiểm soát quá ngặt nghèo thì các tín hữu sẽ không thể đến được các nơi thánh để cầu nguyện. Tuy nhiên, các cảnh sát Israel cho rằng việc kiểm soát nghiêm ngặt là điều cần thiết để đảm bảo an ninh.
Chính phủ Israel cho rằng Tòa án cấp cao tại đây không có lý do gì để can thiệp vào những quyết định do cảnh sát đề ra. Nhưng thẩm phán Noam Solberg cho biết sẽ có một ban gồm ba vị thẩm phán sẽ cứu xét thỉnh nguyện thư này của các tín hữu Palestine.
.
TỐ GIÁC VIỆC ÉP BUỘC THEO HỒI GIÁO
PAKISTAN. Vừa qua, liên hiệp các tổ chức thiện nguyện không chính phủ đã gửi một báo cáo đến hãng thông tấn công giáo Fides tố cáo rằng có khoảng 700 trường hợp nữ tín hữu Kitô và 300 nữ tín đồ Ấn giáo bị bắt cóc, ép buộc cải đạo và thành hôn với người Hồi Giáo mỗi năm tại Pakistan.
Linh mục James Channan, giám đốc trung tâm Hòa Bình ở Lahore, đã nói với hãng thông tấn Fides rằng: “Đây là một điều thật đáng sợ và là tiếng chuông báo động đối với người Kitô hữu và Ấn giáo. Chúng tôi đã xét nhiều trường hợp cưỡng ép hôn nhân. Các thiếu nữ nạn nhân thường thuộc về các giai cấp xã hội nghèo nàn và bị các chủ điền giàu có lạm dụng. Tại Pakistan, càng ngày, người Kitô hữu và Ấn giáo càng chịu nhiều kỳ thị xã hội, tôn giáo và chính trị.
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ