1. Tha thứ là một món quà (Lm.Jos Tạ Duy Tuyền)
2. Đòi hỏi của luật Chúa (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)
3. Vòng sinh tử (Trầm Thiên Thu)
4. Kiện toàn lề luật (Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh)
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Nếu một lần có ai đó làm tổn thương chúng ta và làm hại đến sinh hoạt cộng đoàn, chúng ta sẽ làm gì?
Chúng ta sẽ hận thù, tẩy chay, loại trừ họ một cách vĩnh viễn? Chúng ta sẽ cô lập họ trong cô độc suốt đời?
Có lẽ đây không phải là giải pháp hay. Loại trừ một người thì dễ nhưng cứu chữa một người mới khó. Kinh nghiệm cho thấy, sức mạnh của con người nằm ở sự tha thứ, giúp nhau sửa đổi, chứ không phải là trả thù, trả đũa nhau. Hơn nữa, khi chúng ta sống và làm việc cùng với nhau, chắc chắn sẽ có những lúc làm buồn lòng nhau, và đôi khi những người thân thiết nhất lại dễ làm tổn thương đến nhau. Có khi chính chúng ta cũng làm tổn thương họ vì biết bao lời nói, việc làm của mình. Mặc dù chúng ta dễ làm tổn thương đến nhau nhưng chúng ta vẫn phải sống bên nhau, có khi phải sống suốt đời như những đôi vợ chồng với nhau. . . Thế nên, để sống bên nhau điều kiên quyết chính là phải sống tha thứ và hòa giải với nhau.
Có một nhóm học trò cũng từng nghĩ rằng mình không thể tha thứ cho kẻ đã làm hại mình. Mình sẽ ôm hận và tìm cơ hội trả thù. Thầy giáo đã yêu cầu mỗi một học sinh mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo cứ khi nào mà trò không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.
Sau đó, thầy lại yêu cầu hoc sinh phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến họ cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, họ còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào. Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa và các học trò dường như chỉ muốn vứt đi và không muốn mang nó trong người nữa.
Lúc này, thầy giáo mới nói: Các trò thấy không? sự bực tức giận dữ một ai đó chỉ là gánh nặng thêm cho bản thân mình, nó làm cho chúng ta mất thời gian suy nghĩ; để tâm; nhiều khi lại làm cho người khác bực dọc nữa…
Ai cũng biết rằng sự tha thứ chính là một cách để xoa dịu tâm hồn, là tự tìm cho chính mình sự thanh thản và giải thoát về mặt tinh thần, qua đó giúp cho cuộc sống mình trở nên bình yên hơn. Tha thứ chính là món quà mang đến cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng làm thì thật không dễ. Vì tự ái, vì thiếu lòng quảng đại nên chúng ta đã từng nuôi dưỡng hận thù và tự đầy đọa mình trong bất an, tức giận.
Lời Chúa hôm nay là một bài học của sự tha thứ. Chúa bảo rằng tha thứ quan trọng hơn lễ vật. Tha thứ hòa giải là cách sống đạo mà Chúa đòi buộc người tín hữu phải tuân giữ. Tình thương tha thứ đó đòi hỏi chúng ta không chỉ chớ giết người mà còn không giận dỗi nhau, không chửi rủa nhau, không mắng nhiếc nhau. Tình thương tha thứ đó đòi hỏi chúng ta phải thu xếp làm hòa với nhau trước khi đến bàn thờ và trước khi thời gian không còn nữa.
Có một cách để giúp cho chúng ta sống tha thứ là hãy cầu nguyện cho người làm tổn thương chúng ta. Cầu xin ơn Chúa giúp họ thay đổi đời sống. Qua đó, chúng ta cũng có được một đời sống không có cay đắng và buồn giận. Sự buồn giận làm tổn hại cho chúng ta và gia đình chúng ta nhiều hơn là cho người mà chúng ta giận ghét. Tha thứ giúp chúng ta hết mệt mỏi khi cứ luôn mang trong mình cái bao nặng những cay đắng hận thù.
Tóm lại, để sự tha thứ có thể xảy ra, chúng ta hãy ngưng suy nghĩ về nó, nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn và rõ ràng, sẵn sàng xin lỗi phần sai trật của mình, sẵn sàng tha thứ để chúng ta có thể sống vui vẻ, thoải mái.
Chính Chúa Giê-su đã luôn tha thứ cho các tội nhân. Ngài không trừng phạt họ nhưng luôn tạo cơ hội để họ sửa đổi canh tân. Ngài còn tha thứ cho cả kẻ đã làm hại mình. Trên cậy thập giá Ngài đã xin Chúa Cha tha thứ cho “họ vì họ không biết việc họ làm”.
Hôm nay, Ngài cũng mọi chúng ta hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường. Xin cho chúng ta luôn mặc lấy tâm tình của Chúa để sống với nhau trong tha thứ và bình an. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc
Các triết gia đã rút ra một kết luật thật chí lý cho rằng : Cuộc sống là một chọn lựa. Đúng như thế, ai trong chúng ta cũng ít nhiều có những lúc phải đứng ở hai ngả đắn do : bước đi thì ngại, trở về thì thương. Hầu như ông trời không cho con người thỏa mãn cả đôi đàng bao giờ, mà cứ đặt chúng ta ở cái thế, được bên này thì mất bên kia, chọn điều này thì phải bỏ điều kia. Có những chọn lựa thật nhỏ bé dễ dàng như : chọn xay bột thì khỏi bồng em, nhưng cũng có những chọn lựa khó hơn vì nó động chạm đến trái tim của mình, như khi quyết định kết hôn, chọn cưới cô chị thì buộc lòng phải bỏ cô em, cưới anh A thì phải tạm biệt anh B. Nhưng vẫn còn những chọn lựa khó hơn nữa đó là chọn một đường để đi, một lối sống để theo, một lý tưởng để dấn thân, thì đòi người quyết định phải chấp nhận hoàn toàn những điều kiện và đòi buộc đi kèm theo quyết định của mình.
Một khi đã quyết định chọn lựa một niềm tin, một tôn giáo thì dĩ nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận hoàn toàn những đòi buộc của niềm tin tôn giáo ấy. Tuy nhiên dù đã quyết định và đã chọn, nhưng người ta vẫn bị cám dỗ tìm kiếm một điều gì đó dễ dãi hơn, một sự thay đổi nào đó có phần thoải mái hơn. Ví dụ người ta biết hôn nhân Công giáo là đơn hôn và vĩnh viễn, thế nhưng người ta vẫn cứ tìm mọi cách để thoát ra khỏi sự ràng buộc đó.
Ngày xưa những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng thế, họ tin Chúa theo Chúa, chấp nhận giới răn lề luật của Thiên Chúa, thế nhưng khi Đức Giêsu đến dạy cho họ một thái độ mới, một tâm tình thờ phượng mới, một tương quan mới cần phải có, thì họ chờ đợi một sự dễ dãi châm chước nào đó từ giáo lý của Chúa Giêsu. Chính vì thế hôm nay Chúa Giêsu đã cảnh báo cho các môn đệ: Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người biệt phái thì anh em sẽ không được vào Nước Trời. Chúa Giêsu cho thấy việc bước theo con đường của Ngài là một đòi hỏi quyết liệt và triệt để, phải là sự chấp nhận từ bên trong được thể hiện ra bên ngoài, chứ không phải là sự chấp nhận miễn cưỡng, giả hình.
Chúa Giêsu không hứa hẹn cho những kẻ bước theo Ngài một lối sống thoải mái hay một cuộc sống dễ dãi hình thức, Chúa Giêsu đến không phải để hủy bỏ nền tảng đạo đức cũng như lề luật của Cựu Ước, nhưng Ngài đến để làm cho luật của Cựu Ước nên hoàn hảo hơn. Vì thế việc tuân hành giới răn lề luật của Tin Mừng không chỉ là chu toàn mặt chữ, không chỉ chu toàn luật dạy làm điều lành tránh điều diều xấu, nhưng phải là một ý thức phát xuất từ lòng yêu mến Chúa và yêu mến anh em và ý thức mình là con Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Kitô.
Các ngươi nghe bảo chớ giết người : Ai giết người thì bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : Ai giận ghét anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa rồi. Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu đòi người môn đệ phải chấp nhận một điều kiện cao hơn, là phải làm sao loại trừ được nguyên nhân đưa đến giết chóc bạo lực là sự giật ghét, vì thế Chúa Giêsu coi việc giận ghét anh em thì cũng là điều đáng trách rồi.
Cũng vậy, trong đời sống hôn nhân không phải chỉ là đòi buộc: Chớ ngoại tình, nhưng bất cứ ai nhìn xem người khác phái mà ước ao thèm muốn trong lòng thôi, thì đã là phạm tội rồi. Vì tội được bắt đầu từ suy nghĩ đến thèm muốn ước ao, sau đó mới đưa đến hành động. Như thế khi ngăn chặn được sự thèm muốn thì hành động sẽ không xảy ra. Cũng vậy, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải có một lương tâm ngay thẳng, một đời sống thật thà từ trong suy nghĩ đến hành động, bụng nghĩ sao nói vậy, gạt bỏ khỏi mình tất cả sự gian dối. Khi mọi người sống và cư xử với nhau bằng sự chân thành ngay thẳng, thì người ta sẽ không cần phải thề thốt, không phải lấy bất cứ ai hay bất cứ sự gì để bảo đảm cho lời nói của mình, mà lấy chính phẩm giá, địa vị làm môn đệ của Chúa làm bảo chứng cho lời nói và hành động của mình.
Người đời thường dùng những lời lẽ hoa mỹ, những lời xảo trá để đánh lừa người khác và để đạt được mục đích cho mình, nhưng thánh Phaolô cho biết, khi Ngài giảng dạy về giáo lý của Đức Kitô, Ngài không hề dùng những lý lẽ khôn ngoan xảo trá của thế gian và thủ lãnh của nó, trái lại Ngài chỉ giảng dạy một lẽ khôn ngoan duy nhất là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan đó chính là mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa, Ngài muốn tiền định cho con người được chung hưởng vinh quang với Ngài. Vì Ngài đã tiền định cho con người được vinh quang, nên Ngài đã làm mọi cách để đem con người về với Ngài, kể cả việc cho Con của Ngài là Đức Giêsu đến để dẫn chúng ta về, và Đức Giêsu đã bị thế gian từ chối và đóng đinh Ngài trên thập giá. Còn chúng ta, chúng đón nhận lề luật, huấn lệnh của Ngài, chúng ta sẽ được cứu độ, được vào chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa.
Nhưng để được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa đòi chúng ta phải có một quyết định chọn lựa dứt khoát hoặc là tin hoặc không tin, hoặc đón nhận hay từ chối Ngài. Sách Huấn Ca cũng đã căn dặn như thế: Nếu muốn thì các con hãy tuân giữ các điều răn mà trung tín làm đẹp lòng Người. Trước mặt con là lửa và nước, là cửa sinh cửa tử, con muốn bên nào thì hãy đưa tay ra mà lấy. Chọn lựa đúng thì hạnh phúc mãi mãi, còn chọn lựa sai thì phải bất hạnh muôn đời.
Là Kitô hữu chúng ta thuộc về Chúa Kitô, có Chúa Kitô, thế những nhiều người vẫn không có được một quyết tâm dứt khoát theo Ngài, người ta lưỡng lự đứng bên này và thèm muốn bến kia. Nhiều người theo Chúa, nhưng lại vẫn mang nếp sống của dân ngoại, thực hành những thói quen tin kiêng cúng bái của dân ngoại. Tin Chúa, nhưng nhiều người không dám phó thác cuộc đời và những lo lắng tương lai cho Chúa, mà họ vẫn tin và tìm kiếm tương lai của mình nơi những thày bà bói toán, nhất là nhiều người đã bỏ qua giới răn lề luật của Thiên Chúa, không sống và thực hành giới răn yêu thương, nhưng sống thù hằn gian dối với nhau.
Trong đời sống hôn nhân gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã cố tình hủy bỏ hoặc làm sứt mẻ sự thánh thiêng của giao ước hôn nhân, sống buông thả ngoại tình. Trước mặt Chúa và Giáo Hội trong ngày thành hôn, họ cam kết và thề hứa chu toàn kế ước hôn nhân, sinh sản và giáo dục con cái theo luật Chúa và Giáo Hội, nhưng nhiều người hầu như đã không còn nhớ đến lời thề ấy, họ không dám đón nhận con cái Chúa ban, và còn tìm mọi cách để loại trừ chúng, nhiều người khác đã không quan tâm đủ đến việc giáo dục đức tin cho con cái, để con cái mình lớn lên trong sự thiếu hiểu biết về giáo lý, về Chúa Kitô và giới răn của Ngài.
Trong đời sống thường ngày, mang danh là con Chúa là người Công Giáo, nhiều người cũng gian dối xảo trá không khác gì con cái của thế gian của ma quỷ, tìm cách lừa lọc lẫn nhau, sống gian tham lỗi đức công bằng, khiến cho người ta không tin, mà còn dị ứng với chúng ta nữa. Hãy số gắng sống làm sao để cho mọi người thấy việc chúng ta chọn Đức Giêsu và giới răn của Ngài đem đến cho chúng ta hạnh phúc ngay ở đời này, và là động lực thúc đẩy chúng ta sống chân thành ngay thẳng, dễ thương dễ mến trước mặt anh em.
Chắc chắn chọn Chúa và giới răn của Ngài, không phải chúng ta tìm kiếm một sự dễ dãi, nhưng là một chọn lựa đem đến cho chúng ta một phẩm giá, địa vị cao quý, đó là chúng ta được làm con Thiên Chúa. Chọn lựa này luôn là một thách thức cho chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria, biết chọn để làm theo ý Chúa, và chọn sống xứng đánglà người được Chúa yêu thương và tiền định cho hưởng Nước Trời. Amen.
VÒNG SINH TỬ
(Chúa Nhật VI TN, năm A)
Trầm Thiên Thu
Cuộc đời luôn có những điều trái ngược nhau nhưng lại không thể tách rời nhau, có cái này thì ắt có cái kia: Mở và đóng, cao và thấp, trên và dưới, nam và nữ, âm và dương, phải và trái, thiện và ác, đẹp và xấu, già và trẻ,… thậm chí là sống và chết. Cái “nghịch” ấy lại không ngược, vẫn thuận, vẫn xuôi. Vì trí tuệ con người nhỏ bé và nông cạn, không thể hiểu nổi, thế nên cho rằng đó là “cái vòng lẩn quẩn”.
Mới sinh ra đã khóc òa
Đời vui sao chẳng cười khì, người ơi?
Đến khi chết, lệ tuôn rơi
Thoát khổ cuộc đời, sao khóc làm chi?
Nghĩ cũng lạ thật. Thế nhưng chẳng ai hiểu rõ cái nghịch lý đó! Khi sinh ra, ai cũng chào đời bằng tiếng khóc, đứa trẻ nào bật khóc thì cha mẹ tươi cười, đứa trẻ nào không bật khóc thì cha mẹ lo sợ. Phải chăng định mệnh đã an bài như phần cứng được cài đặt mặc định? Người ta vẫn thường nói:“Đời là bể khổ!”. Có lẽ vì chính Chúa Giêsu đã xác định: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).
Cái vòng đời lẩn quẩn đó được mệnh danh là “vòng sinh tử”. Vòng sinh tử còn được gọi là “hữu luân”, đó là bánh xe của sự sinh tồn, chỉ sự luân chuyển của thế giới hữu hình. Đây là cách nói và biểu tượng của người Tây Tạng ám chỉ “vòng luân hồi” (sa.saṃsāra).
Sách Huấn Ca cho biết: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15:16-17). Rõ ràng con người được Thiên Chúa cho tự do hoàn toàn, và Ngài luôn tôn trọng quyền tự do chọn lựa của chúng ta. Lý do không khó hiểu: “Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Hc 15:18-20).
Thiên Chúa tuyệt đối tốt lành, nơi Ngài chỉ có sự thiện, Ngài toàn năng và toàn trí, đúng như tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:1-4). Chắc chắn chúng ta không thể giấu giếm được gì, cũng chẳng thể biện hộ được!
Như đã nói, chúng ta được Thiên Chúa ban cho quyền tự do chọn lựa, tùy ý thích cài này hoặc cái kia. Đơn giản như việc ăn uống, người ta tự do ăn bất cứ thứ gì, không chịu kiêng cữ thì béo phì hoặc bệnh tật là điều tất yếu thôi. Có triết lý này: Cái gì tốt thì luôn đẹp, còn cái gì đẹp chưa chắc tốt. Ai chọn cái tốt đẹp thì thật là khôn ngoan: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời. Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người” (Tv 119:1-2).
Ước gì mỗi người đều biết thân thưa với Chúa: “Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh, truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn. Ước mong sao con hằng vững bước theo thánh chỉ Ngài ban” (Tv 119:4-5). Và không ngừng cầu nguyện: “Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây để con được sống và tuân giữ lời Ngài. Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao” (Tv 119:17-18). Ai biết hành động như vậy là
khôn ngoan, vì biết chọn “đường sống” chứ không chọn “đường chết”.
Muốn khôn ngoan như vậy thì chỉ có cách duy nhất là “bám vào Chúa”, chứ không thể ỷ sức mình, và chân thành cầu xin: “Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng. Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ” (Tv 119:33-34). Chắc chắn Ngài chỉ chờ có vậy, nghĩa là Ngài sẽ không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ.
Thánh Phaolô nói về sự khôn ngoan: “Điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi
giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1 Cr 2:6-7). Thật vậy, “không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá” (1 Cr 2:8).
Đúng như đã có lời chép: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2:9-10). Quả thật, chúng ta là những người rất may mắn và diễm phúc!
Sống hay chết có liên quan luật pháp. Nhà có gia phong, nước có quốc pháp. Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Nhưng con người dễ hư hỏng nên phải có luật pháp để kiểm soát, cũng như loài ngựa dễ sinh chứng nên cần có hàm thiếc để kiềm chế. Do đó, có những người hư hỏng đã hoàn thiện nhờ nghiêm luật.
Khi làm người, Chúa Giêsu cũng vẫn luôn tôn trọng luật pháp. Ngài đã xác định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5:17-19). Luật Chúa nghiêm minh nhưng vô cùng hữu ích, như tác giả Thánh Vịnh xác nhận: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19:8).
Chúa Giêsu cảnh báo: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Giết người, cướp của, gian dâm,… hoặc phạm những tội tày trời là điều hiển nhiên ai cũng ghét. Nhưng với Chúa Giêsu, tội nhỏ cũng không được phạm: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:21-12). Thậm chí là điều rất nhỏ mọn: “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23-25). “Căng” thật đấy! Nhưng đã là nghiêm luật thì “căng” thế nào cũng phải làm, bởi vì Ngài nói thẳng với mỗi chúng ta: “Bạn sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5:26). Đây mới là “căng” thật!
Ngoại tình là chuyện lớn, không được “lóm lém”, nhưng Chúa Giêsu cấm cả chuyện nhỏ: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:28). Và Ngài thẳng thắn và dứt khoát rằng “thà mù, cụt, què mà vào Nước Trời còn hơn đẹp trai hoặc đẹp gái mà phải vào hỏa ngục” (x. Mt 5:29-30).
Cựu ước cho phép ly dị, Tân ước cấm tuyệt. Chúa Giêsu bảo: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5:32).
Ngay cả việc thề thốt Ngài cũng cấm: “Đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được” (Mt 5:34-36).
Cuối cùng, Chúa Giêsu tóm gọn: “Hễ CÓ thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37). Đó là Luật-Sự-Thật, rất ngắn gọn và đơn giản, nhưng đừng tưởng là “chuyện nhỏ”, vì không dễ mấy ai dám làm đâu!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con thoát khỏi “vòng lẩn quẩn” của cuộc đời này để có thể thi hành nghiêm luật của Ngài đúng từng chi tiết của từng điều khoản. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh
Đọc Tin Mừng nhiều lúc chúng ta có cảm tưởng như là Chúa Giêsu đã coi thường những quy định có tính cách tôn giáo của xã hội lúc bấy giờ. Không chỉ coi thường mà đôi lúc Ngài còn như cố tình vi phạm những luật lệ ấy, chẳng hạn Ngài chữa bệnh vào ngày nghỉ lễ, hay không rửa tay trước khi ăn theo luật dạy. Dù sao thì thái độ như có vẻ tự do của Ngài đối với bọn Pharisêu là điều không thể chấp nhận được, và đã trở thành căn nguyên dẫn Ngài đến cái chết nhục nhã trên thập giá.
Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu lại khẳng định một điều xem ra mâu thuẫn với thái độ của Ngài: Ta đến để kiện toàn, chứ không phải là để huỷ bỏ lề luật và các tiên tri. Trong lời khẳng định này của Chúa Giêsu, chúng ta phải hiểu là không khi nào lề luật, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, sẽ mất hiệu lực, nghĩa là sẽ mất tính cách bắt buộc. Vậy phải cắt nghĩ làm sao điều xem ra như mâu thuẫn giữa lời tuyên bố và hành động của Ngài đối với lề luật?
Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Đấng kiện toàn lề luật và kiện toàn ở đây không có nghĩa là tuân giữ lề luật một cách chín chắn, trọn đủ, mà có nghĩa là làm trọn, làm cho lề luật có đầy đủ ý nghĩa của nó.
Khi Thiên Chúa tuyển chọn và kết giao ước với dân riêng của Ngài, Ngài đã ban cho họ mười điều răn, cốt yếu là những điều cấm, quy định ranh giới sinh hoạt mà kẻ thuộc về Ngài không thể vượt qua. Ở đây cũng cần phải lưu ý mười điều răn không phải là những điều kiện tiên quyết để Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Ngài, mà trái lại, giao ước đã được ký kết do sáng kiến của chính Thiên Chúa, rồi sau đó, mười điều răn mới được mạc khải cho dân Ngài.
Bên trong ranh giới được ấn định bởi những điều cấm là cả một khoảng trống. Khoảng trống này dần dà được lề luật lấp đầy, rồi đến lượt các luật sĩ giải thích và những giải thích này đã biến thành một mạng lưới dày đặc những quy định, những nghi thức len lỏi vào từng chi tiết của cuộc sống con người và xã hội. Và như thế con người lâm vào tình trạng mình có vì lề luật, trở nên nô lệ cho lề luật, thay vì lề luật có là vì con người.
Trong tình trạng này, lề luật bỗng được giao cho vai trò môi giới trong quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Người ta được quan hệ với Thiên Chúa hay bị cắt đứt mối liên hệ ấy một cách máy móc do tuân giữ hay không tuân giữ các điều khoản của lề luật. Hơn nữa, các luật sĩ đã đề ra những điều khoản mà không phải ai cũng có thể tuân giữ được. Người ta không tuân giữ được, không phải vì thiếu thiện chí, thiếu lòng đạo đức, nhưng vì những điều kiện khách quan của cuộc sống, của nghề nghiệp không cho phép, nên quả thực, các luật sĩ đã khoá cửa Nước Trời đối với đông đảo thành phần trong dân Chúa.
Chính những lề luật và cách hiểu về vai trò của lề luật này đã bị Chúa Giêsu đả phá. Ngài phủ định vai trò môi giới của lề luật. Đối với Ngài, điều quyết định trong mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, cũng như giữa con người với nhau không phải là việc tuân giữ các điều khoản của lề luật mà chính là lời của Chúa Giêsu và việc thi hành lời của Ngài: Ngay cả kẻ được coi là công chính, vì trung thành tuân giữ các điều khoản của lề luật cũng được đòi hỏi phải trở lại với lời của Ngài.
Từ đó chúng ta mới hiểu được vai trò kiện toàn lề luật của Chúa Giêsu, chính Ngài mới làm cho lề luật được đầy đủ ý nghĩa của nó.