Có con hay không con dưới cái nhìn của niềm tin và đạo đức xã hội

57

Trần Mỹ Duyệt

download (4)Câu hỏi mà đa số những người lớn tuổi thuộc các thế hệ cha ông vẫn thường hỏi nhau, đó là: “Anh, chị được bao nhiêu cháu” – có ý ám chỉ anh chị có mấy con. Và luôn kèm theo một câu: “Đông con nhiều cháu là phúc lộc trời ban”. Theo quan niệm Nho Giáo, thì “không con nối dõi tông đường” còn bị coi là một trong tam đại bất hiếu. Từ quan niệm ấy, miệng đời thường đàm tiếu, dè bửu người không con: “Cây khô không lộc. Người độc không con!” Nhưng triết lý sống xưa ấy ngày nay xem như không phản ảnh được những giá trị tích cực về vấn đề con cháu. Nó cũng không chứng minh được rằng phúc lộc mà cha mẹ có là do sinh được nhiều con, có được nhiều cháu.

Đạo đức xã hội:

Thế giới hôm nay, theo quan niệm và lối sống tiểu gia đình thì gia đình nào có 2 con đã được cho là “nhiều” con. Ít thấy cặp vợ chồng trẻ nào có 4 hoặc 5 con. Vấn đề ít con, không con không chỉ do chính sách của những chế độ độc tài, cộng sản như tại Nga trước đây, tại Trung Hoa và Việt Nam, hoặc do hạn chế sinh sản tự do tại các nước tiên tiến tư bản như Nhật, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và cả Hoa Kỳ …

Hiện tượng ít con còn bị ảnh hưởng do trào lưu ngừa thai, phá thai, kết hôn trễ, và sinh con trễ. Tuy nhiên, phần đông con người ngày nay do bị ảnh hưởng nếp sống cá nhân chủ nghĩa, người ta viện dẫn nhiều lý do để giới hạn việc sinh con, hoặc không muốn sinh con. Thí dụ, lý do thể lý, lý do tâm lý, lý do công ăn việc làm, lý do giáo dục, nhưng nhất là lý do tài chính. Tóm lại, đông con, nhiều cháu ngày nay không còn là một phúc lộc nữa. Như vậy, cái mà người xưa gọi là héo tàn đối với những cha mẹ vì một lý do nào đó không có con, hoặc không thể có con cũng chưa chắc đã là một sự thua thiệt theo quan niệm và lối sống của số đông con người thời đại.

Tuy không phải là nhiều, không phải là tất cả, nhưng thực tế đã cho thấy có những cha mẹ có con như không có con, và trong một số trường hợp còn tồi tệ, còn đau khổ hơn không có con, vì những người con ấy đã không sống cuộc sống xứng đáng với danh nghĩa làm người. Hơn nữa, còn gây bao tang tóc, chết chóc, và đau khổ cho nhiều người. Những người con mà khi cha mẹ còn sống đã không ngó ngàng, lui tới, thăm hỏi và săn sóc. Những người còn mà khi cha mẹ qua đi không một cảm xúc, không một lưu luyến, và không để rơi một giọt nước mắt. Những người con này, từ ngữ thông thường gọi là bất hiếu. Và những cha mẹ này được cho là những cha mẹ vô phúc! Thiếu may mắn!

Một người làm cha mẹ, ngoài việc mang nặng, đẻ đau, bú mớm, và nuôi nấng, dậy dỗ, còn có bao nhiêu hy sinh, vất vả từ thể xác đến tinh thần dành cho việc sinh thành, nuôi dưỡng, và giáo dục con cái. Nhưng nếu cũng chính mắt mình nhìn thấy những đứa con ấy trở thành nghịch tử, bất hiếu, và trở nên gánh nặng, tội đồ của xã hội thì còn đau đớn nào hơn. Tình thương, hy sinh, bao vất vả, kể cả hy vọng mà cha mẹ đặt nơi những đứa con đó chẳng lẽ hóa ra vô ích sao?! Và đó là những cái bất hạnh trong thiên chức làm cha mẹ.

Tầm nhìn của niềm tin:

Dù nhiều hay ít, trai hay gái, tâm lý chung của những người bước vào đời sống hôn nhân, gia đình vẫn thường là mong mình được cái vinh dự, cái diễm phúc làm cha hoặc làm mẹ. Nếu vì một lý do nào đó họ không được làm cha, làm mẹ thì tỏ ra buồn phiền, chán nản, than thân, trách phận, oán trách người phối ngẫu, và đôi khi oán trách cả Thiên Chúa nữa. Một số trong những con người đau khổ ấy lợi dụng khả năng khoa học để “kiếm” con qua những phương pháp cấy thai, thụ tinh ống nghiệm… Điều này dễ hiểu, vì theo tâm lý các phụ nữ, thì một trong các hạnh phúc lớn lao nhất mà họ mong có, và khao khát chiếm hữu là được vinh dự làm mẹ. Nếu niềm vui và vinh dự của người làm mẹ, làm cha càng lớn lao, thì ngược lại, những ai không được diễm phúc này lại cho đó là một hình phạt cực kỳ lớn lao, và đau khổ.

Nhưng nếu chỉ nhìn vấn đề bằng đôi mắt hoàn toàn thực tế và hoàn toàn xã hội, thì việc có con hay không có con không chỉ đơn thuần là vinh dự làm cha hay làm mẹ. Vinh dự này còn kéo theo hàng trăm, ngàn những trách nhiệm và hy sinh. Vì vậy mới có những so sánh giữa người mẹ hiền đức với người mẹ độc ác, hư hỏng. Giữa người cha có trách nhiệm với người cha vô trách nhiệm. Giữa người con hiếu thảo với đứa con bất hiếu. Giữa người con làm thơm lây dòng họ, và đứa con làm cho cả dòng họ bị tủi hổ. Do đó, chỉ khi bước qua một nhãn giới khác, nhãn giới niềm tin, lúc đó ta mới thấy hiện ra một chân lý hoàn toàn trái ngược, nhưng lại đúng cho mọi tâm hồn thiện chí, cho những người cha, người mẹ có trái tim “cha mẹ”. Đó là câu nói ngắn ngủi được tác giả Thánh Kinh ghi lại:

“Người son sẻ thì sinh năm, đẻ bẩy.

Kẻ nhiều con nay phải héo tàn!”

(1 Samuel 2:5)

“Người son sẻ thì sinh năm, đẻ bẩy”, và “kẻ nhiều con nay phải héo tàn”! Đây không chỉ là một hy vọng hay sự chấp nhận số mệnh của một phụ nữ mà ngày qua ngày nhìn mình già đi, và mất dần khả năng sinh sản.  Nhưng những lời này chính là những lời tiên tri mở ra một hy vọng lớn lao, một chân trời mới về dòng giống của những người cha mẹ với sự thật bên ngoài là son sẻ, hoặc không có khả năng sinh sản theo tự nhiên.

Hình ảnh những cha mẹ son sẻ này đã được nhìn thấy qua lời hứa của Giavê Thiên Chúa với Tổ Phụ Apraham khi Ngài hứa ban cho ông được làm cha một dòng dõi “đông như sao trời, nhiều như cát biển” (Do Thái 11:12) mặc dù lúc đó ông đã già và vợ ông cũng đã mất khả năng sinh sản. Và đó là hình ảnh của một thiên chức làm cha mẹ trong đức tin. Những người sinh sản con dưới ánh sáng tâm linh.

Dòng dõi của những cha mẹ son sẻ sau này được Chúa Giêsu bóng gió tiết lộ bằng hình ảnh so sánh giữa những người mà bề ngoài xem như không thể sinh con được: “Quả vậy, có những người là hoạn nhân từ trong lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân do con người; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19:12). Chân lý cao thâm của thực tế son sẻ này, không chỉ nói riêng về thành phần tận hiến, mà cho cả mọi người với ý muốn tận hiến theo quan phòng của Thiên Chúa: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội, và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19:29).

“Ai hiểu được thì hiểu”. Hiểu được bí mật này cũng chính là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho những ai Ngài muốn mạc khải cho, cũng như cho những người muốn hiểu để đi theo con đường mà Ngài đã chọn lựa, đã an bài cho họ.

Thật vậy, từ bỏ quyền được làm cha mẹ vì Chúa, từ bỏ “con cái” vì Chúa, cũng như vâng phục ý Chúa do sự son sẻ của mình mang cùng một ý nghĩa, đó là “xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26:42), là làm trọn thánh ý của Ngài. Và phải chăng đây cũng là mục đích chính của cuộc đời con người trên dương thế. Dù làm cha mẹ thể xác hay làm cha mẹ tinh thần thì cũng chỉ là làm cha mẹ theo ý Chúa. Thánh Phaolô khi suy về những ơn Chúa ban, Ngài đã nhận ra điều này: “Tất cả đều là hồng ân”. Hồng ân có con và hồng ân không con. Hồng ân có con thể xác và hồng ân có con tinh thần.

Tuy nhiên, qua ánh sáng Lời Chúa còn giúp ta khám phá ra điều này nữa, là chúng ta tất cả đều là những cha mẹ, là những người được chia sẻ quyền sáng tạo của Thiên Chúa. Bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gio 4:8), mà tình yêu thì luôn luôn thông ban, luôn luôn phát sinh sự sống. Từ ánh sáng ấy, ta nhìn ra một chân lý thực tế là có người làm cha mẹ “thể xác”, và có người làm cha mẹ “tinh thần”. Sức sống thể xác và sức sống tinh thần mà người cha mẹ ban ra sẽ đem lại cho họ những người con thể xác hoặc những người con tinh thần. Nhưng nếu căn cứ vào lời tiên tri của người mẹ đau khổ trên: “Người son sẻ thì sinh năm, đẻ bẩy. Kẻ nhiều con nay phải héo tàn!” thì rõ ràng người làm cha mẹ tinh thần được chúc phúc hơn người làm cha mẹ phần xác. Từ “sinh năm đẻ bẩy và héo tàn” cho thấy một lối nhìn so sánh mà phần hơn thuộc về người son sẻ.

Trở lên là tầm nhìn của niềm tin, một niềm tin đưa ta vào ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, và để ta nhận ra rằng Ngài luôn luôn yêu thương và mưu tìm những gì tốt nhất cho ta, với mục đích duy nhất là để ta nhìn và khám phá ra tình yêu của Ngài, để ta yêu mến Ngài, và để ta thông ban, chia sẻ tình yêu ấy cho những người mà Ngài gửi đến cho ta trong cuộc đời này. Và đó cũng là dòng dõi của những người con tinh thần được sinh ra bằng lời kinh nguyện, bằng hy sinh, và bằng những hành động bác ái từ tâm.

Mặc dù không thấy những người con thiêng liêng, nhưng với niềm tin ai trong chúng ta cũng cảm nhận điều này, những kinh nguyện ta dâng lên Thiên Chúa, những hy sinh ta chấp nhận, những việc làm bác ái của ta chắc chắn sẽ nẩy sinh những hoa trái thiêng liêng là các linh hồn. Têrêsa chỉ với 24 tuổi đời và 9 năm giam mình trong bốn bức tường kín của đan viện nhưng đã được tôn vinh là “bổn mạng các xứ truyền giáo”. Điều này có nghĩa là dòng dõi thiêng liêng của người nữ tu khiêm nhường, ẩn dật, và nhỏ bé này rất đông đúc.

Kết luận:

Tóm lại, son sẻ, không con chưa chắc đã là một thua thiệt, và mất mát. Dưới cái nhìn tâm linh, và trong âm thầm những người này vẫn có thể là cha mẹ của một dòng dõi đông đảo con cái thiêng liêng bằng chính đời sống kinh nguyện, hy sinh; bằng những việc làm bác ái, và bằng tấm lòng yêu mến lớn lao. Họ chính là những người “son sẻ”, nhưng lại “sinh năm đẻ bẩy”.