Câu chuyện của những bạn trẻ không về quê ăn Tết

80

Chắc hẳn với các bạn trẻ xa nhà, Tết là dịp được mong ngóng nhất. Cũng bởi, sau 1 năm sống xa vòng tay của gia đình, của căn nhà tuổi thơ, ai cũng chờ đợi cái ngày được trở về đón Tết. Chẳng ai muốn ăn Tết cô đơn một mình nơi thành phố xô bồ cả. Ấy thế mà, năm nay, cũng có không ít bạn trẻ lại “ngậm ngùi” quyết xa nhà ngày Tết.

1. Xa nhà bất đắc dĩ

Đó là những bạn trẻ vì vướng bận nhiều công việc mà không thể ở bên gia đình trong ngày Tết. Cũng bởi kỳ nghỉ Tết thì dài, mà công việc thì không thể trì hoãn dù cho chỉ 1 ngày (trực server, các công việc liên quan đến kỹ thuật). Chưa kể, kỳ nghỉ Tết năm nay, các cửa hàng, địa điểm vui chơi công cộng đều mở sớm, thế nên người làm lại càng “khan hiếm”. Hơn nữa, làm việc ngày Tết, cái ngày mà chẳng ai muốn đi làm thường được trả lương cao hơn hẳn ngày thường. Thế nên việc các bạn trẻ đổ xô đi làm thêm dịp Tết cũng là điều dễ hiểu.

“Tết năm nay mình không thể về quê. Cũng vì công ty mình cần người trực, mà vì là trực Tết nên lương những ngày đó sẽ cao gấp đôi. Năm tới mình cũng có nhiều dự định nên khoản tiền kiếm được từ Tết này sẽ đỡ được đi nhiều. Đành “ngậm ngùi” ăn Tết xa nhà vậy”. Thùy Trang, quê Nam Định, tâm sự.

Câu chuyện của những bạn trẻ không về quê ăn Tết | Lối sống trẻ,Về quê ăn tết,không về ăn tết

“Năm nay các nhà hàng, địa điểm vui chơi công cộng mở sớm nên cũng cần người, thế nên mình quyết định “hy sinh” một cái Tết để làm thêm. Nhẩm tính thì tiền kiếm được cũng kha khá nên đành ăn Tết một mình vậy“. Hương Ly, sinh viên quê Thái Bình chia sẻ.

“Mình cũng muốn về quê ăn Tết lắm. Nhưng ở công ty nhiều việc, thiếu người trực mấy ngày Tết. Rồi mình cũng để ý thấy nhiều chỗ treo biển tuyển người làm thêm ngày Tết, lương cao gấp đôi. Đành nghĩ đến số tiền kiếm được sau Tết để tự an ủi bản thân phần nào vậy”. Minh Sang, sinh viên quê Nam Định tâm sự.

2. Ở lại thành phố để chơi

Bên cạnh những bạn trẻ quyết ở lại thành phố để làm thêm, thì cũng có những bạn trẻ khác quyết định ở lại thành phố để đón không khí Tết. Cảm giác đón một cái Tết xa nhà, ở một thành phố khác với những người bạn mới cũng là một trải nghiệm mà nhiều bạn trẻ muốn có trong đời.

“Tết năm nay mình quyết định ở lại Hà Nội với hội bạn ở cùng nhà. Năm nào cũng đón Tết cùng gia đình rồi, nên năm nay đón Tết cùng các bạn, xem Tết thành phố có khác Tết ở quê nhiều không.” Minh Trí, sinh viên quê miền Trung chia sẻ.

“Đón Tết ở quê với gia đình rất vui và đầm ấm. Nhưng mình cũng muốn thử một lần đón Tết ở thành phố xem sao. Mình cũng khá là háo hức vì thấy nhiều bạn nói Tết ở thành phố vui và nhiều chỗ chơi lắm.”  Minh An, một sinh viên quê Ninh Bình tâm sự.

Câu chuyện của những bạn trẻ không về quê ăn Tết | Lối sống trẻ,Về quê ăn tết,không về ăn tết

3. Và những nỗi nhớ

“Nhớ nhà nhất là lúc ngồi một mình trong xóm trọ, bạn bè ở ngoài í ới rủ nhau ra bến xe, bến tàu về quê. Cảm giác bị bỏ lại và có thể khóc ngay được.” Thùy Trang kể lại “trải nghiệm” Tết xa quê của mình năm ngoái.

“Mình chưa ở lại Tết năm nào nhưng ngay lúc này đã thấy nhớ nhà rồi. Mọi năm mình thường tranh thủ về sớm để cùng mẹ đi mua đồ, cùng ông chăm cây. Chắc mấy ngày Tết mình sẽ buồn và tủi thân lắm đây, dù đã cố gắng chuẩn bị tinh thần rồi.” Hương Ly chia sẻ.

Làm sao không nhớ được khi thấy ai ai cũng hạnh phúc và đầm ấm bên người thân trong những ngày đầu năm mới. Làm sao không nhớ được mâm cơm ngày Tết với những món mẹ làm riêng cho đứa con cưng xa nhà. Làm sao mà không nhớ được khi thay vì quây quần với gia đình, thì bạn phải ngồi bù đầu trong công việc giữa căn phòng trọ vắng tanh. Nỗi nhớ đó là một sự tổng hòa của ghen tị, tiếc nuối, của những mùi hương, cảnh trí quen thuộc cứ dần hiện lên trong đầu.

Và tin chắc rằng, dù là bạn phải ở lại đất khách bất đắc dĩ, hay vì muốn ở lại để trải nghiệm Tết xa quê, thì trong tim của mỗi người cũng đều vang lên hai tiếng “gia đình” trong những giờ khắc năm mới, những giờ khắc cần nhất sự đầm ấm và vòng tay yêu thương của những người thân.

Theo Pháp Luật Xã Hội