Trong giờ đọc Kinh Truyền Tin sáng nay Chúa nhật III thường niên, Đức Thánh Cha mời gọi mọi khi nghe tiếng Chúa mời gọi “hãy theo Ta” thì hãy can đảm, bước đi với Người. Thiên Chúa không bao giờ để ta thất vọng. Chúng ta hãy để cho cái nhìn của Người, từ tiếng của Người đến với chúng ta và hãy bước theo Người!. Sau cùng Đức Thánh Cha cũng đã gởi lời chúc xuân âm lịch Giáp Ngọ cho các dân tộc Viễn Đông “một cuộc sống đầy ắp niềm vui và hy vọng”.
Anh chị em thân mến
Tin mừng của Chúa nhật hôm nay tường thuật về khởi đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu nơi các thành thị và làng mạc của Galilê. Sứ mạng của Người không phải xuất phát từ Giêrusalem, tức là không phải từ trung tâm tôn giáo, xã hội cũng như chính trị, nhưng bắt đầu từ một vùng ngoại ô, một nơi bị những người Giuđa theo dõi, khinh khi nhất, vì lý do trong vùng đó có sự hiện diện của nhiều dân tộc ngoại bang khác; chính vì thế tiên tri Isaia đã ám chỉ nơi đó giống như “Galilê của các ngoại” (Is 8,23)
Đó là một vùng đất biên giới, một khu vực qua lại, để các chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác biệt gặp gỡ nhau. Galilê trở nên như một vị trí biểu tượng để mở mang Tin mừng cho tất cả các dân tộc. Từ cái nhìn đó, Galilê cũng giống như thế giới hôm nay : có sự hiện diện của các nền văn hóa khác nhau, cần đối chiếu và cần gặp gỡ. Chúng ta cũng bị nhận chìm mỗi ngày trong một “Galilê của các dân ngoại”, và trong bối cảnh kiểu này chính chúng ta có thể bị khiếp sợ và nhường bước cho cám dỗ dựng nên tường rào để sống an toàn hơn, chắc chắn hơn. Thế nhưng, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết rằng Tin mừng mà Người mang đến, không phải để dành riêng cho một phần nào của nhân loại, nhưng để truyền đạt cho tất cả mọi người. Đó là niềm vui loan báo dành cho biết bao người đang chờ đợi nó, cũng như cho bao người không còn mong đợi điều gì nữa và kể cả những người không có sức mạnh để tìm kiếm và cầu xin.
Bắt đầu từ Galilê, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết rằng không một ai bị loại ra khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa, đúng hơn là, Thiên Chúa thích bắt đầu từ vùng ngoại ô, từ những người rốt hết, để đến được với tất cả mọi người. Người dạy chúng ta một phương pháp, phương pháp của Người, đó là biểu lộ nội dung, tức là lòng thương xót của Chúa Cha. “Mỗi người Kitô hữu và mỗi cộng đoàn sẽ phân định đâu là lộ trình mà Thiên Chúa đòi hỏi, tuy vậy tất cả chúng ta được mời gọi đón nhận lời mời gọi này. Thoát ra khỏi sự an nhàn của mình và hãy can đảm đi đến tất cả các vùng ngoại ô đang cần ánh sáng của Tin mừng” (Evangelii gaudium, 20).
Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng của mình không chỉ từ địa điểm tập trung, nhưng cũng từ những con người, có thể nói được là “thấp cổ bé miệng”. Để chọn các môn đệ đầu tiên và những môn đệ tương lai, người không đến trường của các kinh sư và các tiến sĩ luật, nhưng đến với những người khiêm nhường, đơn sơ, họ được chuẩn bị với sự dấn thân cho Nước Chúa trị đến. Chúa Giêsu đã kêu gọi họ ở nơi họ đang làm việc, trên biển hồ : họ là những ngư phủ. Người gọi họ, và họ lập tức bước theo Người. Họ bỏ lại chài lưới và đi theo Người : Cuộc sống của họ sẽ trở nên một cuộc phiêu lưu phi thường và hấp dẫn.
Anh chị em rất thân mến, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hôm nay! Chúa rảo qua khắp mọi nẻo đường cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Cả hôm nay, trong lúc này, ở đây, Thiên Chúa rảo qua quảng trường này. Người mời gọi chúng ta ra đi với Người, làm việc với Người cho Vương quốc Thiên Chúa, ở “Galilê” của mọi thời đại chúng ta. Mỗi người trong anh chị em hãy nghĩ rằng : hôm nay Thiên Chúa đi qua, Người nhìn tôi, Người đang nhìn tôi! Người nói với tôi điều gì? Và nếu một vài người trong anh chị em nghe được Chúa nói “hãy theo Ta” thì hãy can đảm, bước đi với Người. Thiên Chúa không bao giờ để ta thất vọng. Anh chị em hãy lắng nghe trong tâm hồn mình nếu Thiên Chúa mời gọi anh chị em bước theo Người. Chúng ta hãy để cho cái nhìn của Người, tiếng của Người đến với chúng ta và hãy bước theo Người! “Vì niềm vui Tin mừng đi đến với mọi biên cương của trái đất và không có vùng ngoại ô nào bị lấy đi ánh sáng của Người (sđd 288)
Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha chào thăm các phái đoàn hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới và tại Italia. Đặc biệt, nhân ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân Phong, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người cầu nguyện cho những bệnh nhân này, ngài nói : “Thật quan trọng để duy trì tính cộng đoàn sống động với những anh chị em này… Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đang chăm sóc họ, bằng nhiều cách khác nhau, dấn thân cho việc đánh bại căn bệnh này.”
Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi của ngài bằng lời cầu nguyện cho người dân Ucraina, cách đặc biệt cho nhiều người đã mất mạng trong các cuộc bạo động ở nước này vào những ngày vừa qua, và cho các gia đình của họ.
Sau cùng Đức Thánh Cha cũng không quên chúc mừng năm mới cho các nước mừng tết âm lịch Giáp ngọ vào thứ sáu tới đây. ĐTC nói : “Trong những ngày sắp tới, hàng triệu người dân sống ở vùng Viễn Đông hoặc rải rác khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, mừng tết âm lịch. Tôi cầu chúc tất cả mọi người một cuộc sống đầy ắp niềm vui và hy vọng. Mong sao khát khao về tình huynh đệ không thể dập tắt được, ngự trị trong tâm hồn họ, tìm thấy được trong sự thân thiện của gia đình là nơi đặc biệt để tình huynh đệ có thể được khám phá, được giáo dục và được thực thi. Đây sẽ là đóng góp quý giá vào việc xây dựng một thế giới nhân loại hơn và nơi đó bình an trị vì.”
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
News.va