Thường huấn 2010

55

 

VAI TRÒ TRUNG GIAN CỦA NGƯỜI HUẤN LUYỆN


Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khoan. OFM

 

Ba trung gian huấn luyện trong đời thánh hiến là : người huấn luyện, cộng đoàn huấn luyện và môi trường huấn luyện. Bài này đề cập cập đến trung gian thứ nhất: người huấn luyện.

 

1. Thiên Chúa Ba Ngôi: Nhà huấn luyện duy nhất

Nhắc đến từ trung gian để nói rằng chủ thể đầu tiên hay tác giả của việc huấn luyện không phải là ba nhân tố được nói ở trên, nhưng là Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Đấng “khuôn đúc” nơi người trẻ “hình ảnh” (tâm tình) của  Chúa Con qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Sự can thiệp thần linh thế này thường qua trung gian con người, theo một cách thức quen thuộc trong hành động cứu độ: Thiên Chúa thích đến với người này qua trung gian của người kia, dưới nhiều cách thức và phương tiện luôn yếu đuối và giới hạn, thấp kém so với mục tiêu được xác định, và “vô dụng” như chính Chúa Yêsu nói. Đó chính là cái lô-gích của việc nhập thể, nơi một con người nghèo hay chết được mời gọi diễn tả  mầu nhiệm thần linh. Đó là định luật thiêng liêng về sự trung gian của con người.

Mặt khác, Thiên Chúa không để cho bất cứ ai thiếu điều cần thiết để được ơn cứu độ và trong trường hợp chúng ta, để thực hiện dự phóng ơn gọi. Do vậy, ngay từ đầu hành trình huấn luyện, điều cần là làm sáng tỏ quan niệm này. Đó là ý nghĩa thần học của việc trung gian, để giúp người trẻ hiểu rõ, một mặt, tầm quan trọng và không thể thay thế của việc trung gian, và mặt khác, để giảm thiểu một số chờ đợi không thực tế và mang tính hoàn hảo về vai trò trung gian này.

Thực vậy, một đàng chúng ta có những người trẻ thường “tự làm trung gian cho mình” , ngay cả ở lãnh vực thiêng liêng. Họ cảm thấy không cần bất cứ một trung gian nào để biết ý Chúa. Họ từ chối điều này khi họ cho đó là điều quá đòi hỏi hoặc họ lại quá đòi hỏi theo cảm nhận thiêng liêng của riêng họ, rằng họ không thể được hạnh phúc với những trung gian bình thường hay “tại chỗ”. Cần phải xác định rõ điều này và cũng không đợi cho tới nhà tập hay sau đó mới bàn tới. Người trẻ phải được cho biết và hiểu rất sớm ý nghĩa của huấn luyện là gì và giúp họ thoát khỏi những điều hàm hồ nói trên.

Việc trung gian trong huấn luyện tự bản chất là không hoàn hảo. Thiên Chúa thường can thiệp với những khí cụ bình thường. Chấp nhận cái lô-gích này có nghĩa là để cho mình được Thiên Chúa huấn luyện trong mọi giây phút cuộc đời.

Cái lô-gích này cũng quan trọng đối với người huấn luyện. Họ đừng bao giờ quên mình chỉ là một trung gian. Họ đừng tự chất thêm gánh nặng cho mình với những trách nhiệm quá mức và nên sống thanh thản với thực tế là họ chỉ là một đầy tớ đang chu toàn phận vụ. Người huấn luyện không phải là nhà vô địch có thể vác trên vai toàn bộ thế giới. Như Gioan Tiền hô, ông loan báo một Đấng khác, ông đã không lôi cuốn người khác về với mình. Ông sửa soạn tâm hồn để người nghe nhận biết Đấng phải đến như thế nào nhưng không thay chỗ của Đấng ấy.

 

2. Người Huấn Luyện là “Nhà Trồng Trọt Trực Tiếp

Đây là một định luật thiêng liêng rõ ràng, theo nghĩa là nó phù hợp với cách thức của Thiên Chúa, nhưng điều này cũng là một yêu cầu được các khoa học về con người nhấn mạnh ngày nay, và hơn thế là cảm nhận của những người trẻ trong thời gian huấn luyện được nói lên  trong Hội Nghị Quốc Tế 1997:

“Chúng tôi không từ chối sự phong phú mà môn thần học đem cho chúng tôi. Mỗi ngày từ nơi giảng đường, thật nhiều nội dung được cống hiến cho chúng tôi. Điều mà chúng tôi thiếu là những trung gian. Chúng tôi thiếu những con người có thể giúp chúng tôi chuyển những giáo thuyết vào trong cuộc sống thường ngày.”

Chúng ta đã được nghe nhiều người huấn luyện nhấn mạnh là ngày nay người trẻ của chúng ta được học các nội dung tốt nhất tại trường lớp (thần học, kinh thánh, nhân học, triết học…) nhưng đã có bao nhiêu điều từ các giáo trình ấy trở thành trung gian mang tính huấn luyện? Làm thế nào để các giáo trình ấy không đơn thuần là những nội dung học để làm bài thi?

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là giáo trình ở trường lớp mà còn liên quan đến việc huấn luyện cũng như người huấn luyện. Người huấn luyện được kêu gọi chăm lo công việc đặc biệt này trong mối tương quan trực tiếp cá nhân với người trẻ trong giai đoạn huấn luyện. Họ thực sự là những nhà “trồng tỉa trực tiếp” trong vườn nho của Chúa.

Ba khía cạnh cần được nhấn mạnh trong công tác trung gian: giáo dục, huấn luyện và đồng hành.

a.       Giáo dục

Việc trung gian đầu tiên là giáo dục theo nghĩa của e-ducere là kéo ra, đào lên hoặc đem ra sự thật nơi con người, những gì làm nên con người hiện tại, ở bình diện ý thức và vô thức, với lịch sử đời mình và những vết thương, các khả năng và những yếu kém, vì con người có khả năng biết chính mình và làm cho các năng lực của mình đạt tới độ viên mãn nhất. Do đó, đây là một sự can thiệp trực tiếp vào cái tôi hiện tại (actual self) của một con người.

Đây là cách giáo dục đặc trưng của Chúa Cha – Đấng Tạo Dựng, đã làm nên muôn vật từ hỗn mang và hư không, để thiết lập trật tự và đem lại sự sống. Chúa Cha còn là mẫu mực của tiến trình sư phạm này khi Người giáo dục dân Người, đem họ ra khỏi vòng nô lệ Ai Cập, nối kết với họ không chỉ bằng những sợi dây của lòng nhân lành và dịu hiền, nhưng còn trách cứ và sửa dạy họ như người cha đối với con cái, để cuối cùng đem họ vào đất hứa (Đnl 1,31; 6,21; 9,26…).

Giáo dục luôn có nghĩa là thông dự vào hành động sáng tạo và xây dựng của Thiên Chúa. Công việc này đòi hỏi thời gian. Nó phát sinh từ một tình yêu mạnh mẽ và dịu hiền cũng như đòi hỏi tính kiên nhẫn vô hạn và lòng nhân ái. Nhà giáo dục giống như người nông dân, ông chờ đợi và tôn trọng những tác động của thiên nhiên, nhưng cũng cần năng lực, thứ năng lực mà người ta thường sử dụng lúc mệt mỏi khi làm việc trên ruộng đồng, nó mạnh hơn thứ năng lực của sự từ chối về phía những người thích  trì trệ, muốn lệ thuộc hơn là can đảm khám phá và khẳng định căn tính của mình.

Công tác trung gian như thế đòi hỏi một số việc, hoàn toàn không đơn giản và tự động mà trên hết, là việc chuẩn bị về phiá người huấn luyện.

  • Trước tiên, người huấn luyện phải biết chính mình, và cách riêng, những mặt yếu nhấtkém tự do nhất nơi nhân cách của mình, để tránh phóng chiếu những điều này lên người thụ huấn và gây tác hại cho họ.
  • Người huấn luyện cần biết làm thế nào để biện phân nơi người khác sự hiện diện của những xung đột và những điều chưa trưởng thành. Do đó sẽ thiếu sót nếu chỉ quan sát tính cách bên ngoài, và cũng không đủ nếu chỉ ngồi đợi người khác nói cho biết vấn đề của họ (hầu hết người trẻ của chúng ta không rõ các xung đột sâu xa của họ), cũng không bằng lòng với những gì người trẻ phải nói về họ (điều chân thành nhất chưa hẳn là sự thật). Một người huấn luyện thực thụ là người biết nhận thức, bên kia cách xử sự và thói quen của một người, thái độ của họ, hơn nữa là những khuynh hướng hành động hay là cách sống (ví dụ: cách phản ứng của một người khi họ bị xúc phạm), sau đó xem xét tới các tình cảm, để nhận diện điều họ nghĩ trong nhiều tình huống khác nhau (ví dụ: tha thứ thôi thì chưa đủ, họ phải thấy điều họ cảm nghĩ bên trong về người khác); sau cùng tìm biết những động lực, để hiểu cái gốc rễ đưa tới cảm nghĩ và hành động như thế của họ, của một số quyết định, gồm cả việc chọn lựa ơn gọi (do tình yêu Chúa hay là những đối tượng khác? Sự phó thác mình vào tay Thiên Chúa hay là lý do ấp ủ riêng hoặc là những thứ sợ hãi khác?…) Các việc này nhằm khám phá điều có thể được gọi là sự bất ổn (hay là điều chưa trưởng thành). Khi những điều chưa trưởng thành vẫn ở bình diện vô thức thì nó sẽ được đặt vào vị trí trung tâm của lòng trí, và từ đó hủy diệt nhiều năng lực của con người. Nhà giáo dục cần biết làm thế nào nhận ra những điều đó càng sớm càng tốt, can thiệp ngay, đừng để mất thời gian và năng lực. Phải biết ngăn ngừa vấn đề để nó không trở thành mạn tính và vô phương cứu chữa.
  • Những điều trên sẽ không mấy hữu ích nếu người huấn luyện không có khả năng giúp ứng sinh khám phá điều chưa trưởng thành của chính họ, cái gốc rễ và những hậu quả của nó. Công việc chính xác của người trung gian là hướng dẫn người trẻ tự tìm biết được điều chưa trưởng thành nơi mình, bằng một phương pháp[i] nhờ đó mà họ học cách tìm biết mình và giải mã được tình trạng của tâm trí mình, không tự lừa dối nhưng biết được từ đâu vấn đề nảy sinh. Tự do của con người bắt đầu từ đây.
    • Cuối cùng, nhà giáo dục phải biết cách  giúp người khác giải quyết các khó khăn của họ. Giải quyết không phải là xóa bỏ một lần cho tất cả mọi điều chưa trưởng thành (điều này không bao giờ có thể), cũng không có tham vọng thấy hết được mọi dấu hiệu bất ổn hay sự lôi cuốn, nhưng là có một thái độ khác, trước những điều chưa trưởng thành của mình (hoặc là sự kiện làm cho không trưởng thành), với nhiều nhận thức và trách nhiệm hơn, ít lệ thuộc hơn và ít lặp lại điều bất ổn. Nhà giáo dục không áp đặt trên người trẻ những mục tiêu không thể thực hiện được ở bình diện tâm lý cũng như không lừa gạt họ bằng những lời hứa hàm hồ ở bình diện thiêng liêng; nhưng động viên người trẻ nhìn nhận yếu đuối của mình trước mặt Chúa, một cách giúp gặp gỡ và trải nghiệm lòng nhân từ của Chúa, vượt qua và loại bỏ những lý do cho rằng mình có công trạng trước mặt Chúa. Bằng cách nhận diện và chấp nhận sự yếu ớt của mình, họ cũng sẽ hiểu và chấp nhận cái yêu đuối của kẻ khác.

Do đó, ở giai đoạn này, giáo dục có nghĩa là khai mở, giúp người thụ huấn nhận biết mình và chấp nhận kẻ khác; điều này có nghĩa là đi từ sự chân thành đến sự thật, từ việc đọc lại cách chủ quan những cảm giác tới sự khám phá khách quan những thực tại thầm kín của mình và từ một sự nhìn nhận đơn giản cảm nghĩ của mình tới một bước can đảm đạt đến và nhận diện các động lực. Đây là lối giáo dục theo cách cầu nguyện “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,24): trong khi cầu nguyện, như là một nơi chốn lý tưởng, nơi mà sự thật của chính mình vang lên trước sự thật của Thiên Chúa, nơi mà người tin có thể nghe và nói “toàn sự thật” với Chúa (như người phụ nữ bị bệnh xuất huyết khi đụng tới áo của Chúa thì biết mình bị phát hiện), và thấy mình được đón nhận, tới lượt mình có thể mở lòng đón nhận người khác, và toàn bộ sự thật của mình.

 

b.      Huấn luyện

Giáo dục không thôi thì chưa đủ. Con người cần được huấn luyện, bằng cách giới thiệu cho người trẻ một mô hình cụ thể, như là một cách hiện diện mới (hoặc như một cái “khuôn”), làm nên căn tính mới của người được thánh hiến. Đó là cái tôi lý tưởng (ideal self) của họ, điều mà họ được mời gọi trở thành.

Theo một số người, khoa sư phạm trong các dòng tu trong những năm gần đây tập trung nhiều vào việc giáo dục[ii] hơn là huấn luyện. Người ta đơn thuần lưu ý mỗi người nhiệm vụ tìm biết mình để là mình, tự thực hiện chính mình, khẳng định chính mình, để cho mình hơn kẻ khác mà không có gì hướng tới khát vọng cõi vô biên.

Trái lại một mô hình đích thực có thể truyền đạt cho người trẻ một hướng đi mới và cụ thể, bằng cách đòi hỏi họ phát huy tới mức cao nhất các năng lực của họ. Một mô hình như thế cũng sẽ lôi cuốn họ vì đó chính là nguồn sự thật của họ, trong khi đưa ra cho họ một hành trình hoán cải để đạt tới tự do (mặc dầu phải trả giá).

Như vậy, nếu giáo dục là tìm kiếm sự thật về mặt nhân bản, thì huấn luyện đòi hỏi một sự cống hiến chính mình tới mức cao nhất, và vì thế, mục tiêu của huấn luyện là cho biết điều mà một người thực sự có khả năng đạt tới. Trong bất cứ trường hợp nào, một hành động huấn luyện đích thực đều có tác dụng bùng nổ: đó là một điều mới lạ thường gây ngạc nhiên và đôi khi làm cho sợ hãi, nó tạo nên những ước mong và lo lắng, mang theo căng thẳng và ngay cả khích động, nó đòi hỏi con người thay đổi thói quen và lối sống cũ, và đẩy họ tới những chân trời chưa từng nghĩ tới trước đây; nó mở cửa vào một đời sống mới nhưng lại khơi lên nơi con người sự phản kháng và tự vệ. Nếu giáo dục là chuẩn bị đất thì huấn luyện là đặt vào đó sức sống của hạt giống, như là sức mạnh không thể kềm chế và mang tính sứ điệp của đời sống mới; hạt giống rơi vào đất, chết đi và sinh hoa trái.

Nếu giáo dục là công việc của Chúa Cha thì huấn luyện xem ra là hoạt động của chính Chúa Con. Thực vậy, mô hình tiêu biểu của đời thánh hiến là “tâm tình của Chúa Con”. Ai xứng đáng hơn Chúa Kitô có thể điều khiển việc huấn luyện trí lòng những người trẻ được thánh hiến?

Thật quan trọng việc người trẻ tạo lập mối tương quan với Chúa Kitô, vị Giám sư đích thực của đời sống họ. Người là Đường, là sự Thật và là sự Sống, là Đấng có thể chuyển đổi và “trồng” trong trái tim họ tâm tình của Người và làm cho họ rung cảm với tình yêu của Người cũng như đem lại cho họ nỗi đam mê đối với sức lan tỏa của vương quốc… Nếu Đức Kitô và tâm tình của Người là đối tượng cuối cùng của việc huấn luyện thì chỉ Người, ông thợ gốm được ngôn sứ Yêrêmia nói tới, có thể làm việc với đất sét với một lòng kiên gan bền chí vô hạn: chà gọt, đánh bóng, hoàn chỉnh và tô điểm…cho đến khi trở thành sản phẩm theo yêu cầu của  mình (Gr 18,4) “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.” (Is 64,7)

Nếu Chúa Kitô là nhà huấn luyện bậc nhất, chúng ta hãy xem vài khía cạnh mà người huấn luyện trung gian có thể can thiệp. Tự bản chất, việc trung gian làm nổi bật đối tượng (Chúa Kitô) và chủ thể (người trẻ).

  • Người huấn luyện giúp người trẻ đào sâu Chân-Thiện-Mỹ của Đức Kitô và tâm tình của Người như là giá trị tối cao của đời sống họ. Hai điều kiện không thể thiếu trong công việc này: Trước tiên, người huấn luyện phải thực sự say đắm vẻ đẹp của Chúa Kitô. Có thể nói rằng điều họ đề nghị cho kẻ khác, thì họ đã trải nghiệm như là nguồn của sự tròn đầy và toại nguyện. Nếu họ tìm sự mãn nguyện nơi các tạo vật, ngay cả trong ước muốn, họ không nên là người huấn luyện. Thứ đến, người huấn luyện có khả năng chia sẻ với người khác niềm hạnh phúc thuộc về Thiên Chúa. Dù người huấn luyện có đạo đức cá nhân, sống khổ chế, nếu họ không trải nghiệm các ân phúc và sự thanh thản nơi sự chọn lựa cuộc sống của họ, nếu họ không cảm nghiệm được niềm hân hoan thì họ không nên giữ vai trò huấn luyện. Nếu huấn luyện là một nghệ thuật thì người huấn luyện là một nghệ nhân, được “nghệ nhân Ngôi Lời”[iii] thu hút để loan truyền và làm cho vẻ đẹp lan tỏa.
  • Người huấn luyện làm cho người trẻ tăng trưởng bằng sự “lây nhiễm”. Người huấn luyện giúp người trẻ nhận biết căn tính của mình trong Đức Kitô. Chân-Thiện-Mỹ của Đức Kitô trở thành chân-thiện-mỹ nơi chủ thể noi theo Người. Tâm tình của Đức Kitô ngày càng trở nên tâm tình của người trẻ. Đây là điểm quyết định của toàn bộ tiến trình huấn luyện, đòi hỏi người huấn luyện khả năng của một người thợ lành nghề để can thiệp với sự tế nhị và khôn ngoan vào toàn bộ sức mạnh tâm lý: vào trái tim để yêu say đắm Thiên Chúa, vào tâm trí để chiêm ngắm Thiên Chúa, vào ý chí để họ ao ước điều Thiên Chúa ao ước. Như vậy, việc huấn luyện hình thành sự tự do: sự tự do để cho chính mình được Con Thiên Chúa soi tỏ và tâm tình của Người lôi cuốn. Đạt tới ranh giới của sự huyền nhiệm, con người để cho chính mình được Thánh Thần Thiên Chúa đúc khuôn trong sự tự do từ bỏ. Người huấn luyện tác động trên các cuộc gặp gỡ này nhưng họ là người trung gian và náo hoạt trong mức độ chính họ gần gủi mật thiết với huyền nhiệm và khổ chế[iv]. Họ biết cách làm thế nào để đem vào người khác những tâm tình mà chính họ đã đón nhận và sống nơi mình.

c. Đồng hành

Nhà giáo dục – đồng hành mà chúng ta nói tới là người lớn tuổi hơn, già dặn kinh nghiệm sống và đời tu, cùng sống bên cạnh những người trẻ để chia sẻ với họ một phần của hành trình và cuộc sống, giúp họ nhận biết rõ hơn chính mình và ân huệ mà đã ban cho họ nhờ đó họ có thể đáp trả cách tự do và với trách nhiệm. Chiều kích của cái tôi được nói tới ở đây là cái tôi trong tương quan (the self in relation).

Đồng hành là hình thức mà Chúa Yêsu đã thực hiện trên đường Emmau. Đó là hình tượng của việc đồng hành trong đức tin. Nhưng, trên hết đồng hành là phương pháp của Chúa Thánh Thần, “vị khách ngọt ngào của tâm hồn”, bạn đồng hành của chúng ta trong Thiên Chúa, Đấng uốn nắn mỗi chúng ta theo hình ảnh của Đức Kitô.

“Chúa Thánh Thần hiện diện nơi mọi người nam và nữ, để hướng dẫn họ biện phân căn tính riêng của họ là những người tín hữu, để khuôn đúc họ phù hợp hoàn toàn với kiểu mẫu của tình yêu Thiên Chúa. Là Thánh Thần thánh hóa, Người tái tạo “dấu ấn thần linh” nơi mỗi con người vì Người là Đấng sáng tạo kiên nhẫn của tâm hồn chúng ta và là Đấng “an ủi tuyệt vời.”

Do đó, điều cơ bản là người trẻ cảm nhận được Chúa Thánh Thần là người bạn trung tín, Người sẽ dẫn họ tới sự thật toàn vẹn và sự khôn ngoan của trái tim, Người cử xử như là một người dẫn đường thân thiện để làm cho người trẻ trở thành chứng nhân của Chúa Yêsu.

Sự nhận biết và nếm cảm Chúa Thánh Thần trong đời sống sẽ làm cho người trẻ hoàn toàn sẵn sàng để cho mình được đồng hành bởi một người anh/chị lớn tuổi hơn mà không đòi hỏi họ phải hoàn hảo. Tin vào Chúa Thánh Thần thì cũng tin vào những trung gian của Người. Ai đã học cách phó mình trong tay Chúa Thánh Thần thì không sợ hãi chia sẻ đời mình, phó thác mình vào tay những người chia sẻ công việc của Chúa Thánh Thần. Do đó, tin tưởng, từ bỏ, quên mình trở thành những ưu điểm tiêu biểu và hoa trái của sự can thiệp mang tính sư phạm này.

Ở bình diện ơn gọi, nếu giáo dục đòi hỏi đào lên sự thật chủ quan, huấn luyện một cách nào đó, tạo nên một sự kích thích nơi chủ thể, thì đồng hành là tập trung toàn bộ con người, tâm, trí và ý chí, để đáp lại tiếng gọi của Thánh Thần. Trở lại với cách làm của nhà nông, sau khi sửa soạn đất (giáo dục) và gieo giống tốt (huấn luyện), đồng hành là tất cả sự chăm sóc mà người nông dân dành cho cây trồng non nớt đang trong tiến trình lớn lên; ông luôn ở gần, xem nó đâm chồi nảy lộc. Sự hiện diện của ông bảo vệ và tăng cường sự phát triển của cây.

Ba đặc tính cơ bản của việc đồng hành:

  • Một sự chia sẻ đời sống thực sự

Để quan sát tính cách và từ đó biết được thái độ, tình cảm cũng như động lực, điều không thể thiếu là người huấn luyện phải ở gần với người được đồng hành cách kiên trì và chăm chú. Đời sống chung hằng ngày là nguồn thông tin tốt nhất để biết một người. Để có thể ghi nhận một số tín hiệu của tính cách như là cách phản ứng, sự thông cảm, ác cảm, cảm xúc, sự chán nản, những thói quen, tính hài hước, thái độ không khoan dung, tính hay quên, sự bẳn gắt, nét kỳ quặc…cho phép ta có được bức tranh khá đầy đủ và do đó có thể dễ dàng nhân diện cách chung trạng thái và những điều bất ổn chính yếu.

  • Điều kiện thứ hai là khả năng – việc chuẩn bị về phía người giáo dục – huấn luyện, nếu họ muốn thực sự đồng hành anh/chị/ em trên con đường của Chúa Thánh Thần thì họ phải kết hợp các kinh nghiệm thiêng liêng với sự am hiểu về những định luật phát triển tâm lý. Các điều này sẽ cho phép người huấn luyện không chỉ giúp người trẻ trong các khó khăn của họ, nhưng còn nắm được sự thật về họ, ở bình diện ý thức hay vô thức, để đề nghị giải pháp cho các vấn đề của họ và giúp họ biết để cho mình, vượt qua thái độ đối kháng và sợ hãi để được Chúa Thánh Thần tác động. Một khả năng như thế chỉ có thể là hoa trái của một tiến trình huấn luyện đều đặn và có hệ thống dành cho người huấn luyện. Đây không phải là khả năng của nhà tâm lý học, nhưng là của con người thiêng liêng, được hiểu theo nghĩa thông thường, đem ứng dụng khoa học về con người để sửa soạn con người đón nhận Chúa Thánh Thần.
  • Cuối cùng chúng ta xem xét ý nghĩa truyền thống của từ đồng hành, do từ La tinh thời trung cổ “cum-pane”, có nghĩa là “người có chung lương thực” (the one who has his bread in common). Đồng hành một người muốn dâng hiến đời sống cho TC không đơn giản là hướng dẫn thiêng liêng hay soạn bài dạy họ, hoặc thiết lập những mối tương quan một chiều với họ, nhưng là cùng với họ thực hiệncử hành những kinh nghiệm, luôn luôn mới và trọn vẹn vì đây là kinh nghiệm về Thiên Chúa, đã khởi sự giữa hai người và đang tiếp tục hướng tới Người. Đồng hành có nghĩa sâu xa là chia sẻ, và chia sẻ một điều có tính sống còn giống như “lương thực cho cuộc hành trình” – đó chính là đức tin, ký ức về TC, kinh nghiệm của phấn đấu, của sự tìm kiếm và về tình yêu TC. Người huấn luyện không nhất thiết phải bày tỏ chính mình cách thân mật như thể mối tương quan trong việc đồng hành chỉ là một hình thức bạn bè, nhưng người huấn luyện phải nhìn nhận mối liên hệ cá nhân không thể tránh trong cuộc hành trình này, để chấp nhận gần gủi với người đang đồng hành với mình, để chia sẻ với họ những gì mà người huấn luyện đã trải nghiệm như là điều quan trọng để gặp Thiên Chúa và để cho chính mình được Thiên Chúa yêu mến. Một người huấn luyện không bao giờ có nhiều sức thuyết phục cho bằng khi họ tuyên xưng lòng tin của mình. Họ không chỉ củng cố lòng tin của kẻ khác, nhưng cùng đi vào một hành trình để có được những trải nghiệm mới và để cho chính mình được huấn luyện. Anh em (chị em) già trẻ cả hai cùng được Thánh thần của TC, nhà huấn luyện duy nhất đồng hành. Việc đồng hành không phải là tình bạn đơn thuần nhưng là tình bạn trong CTT.

Có thể nói rằng trong khi đồng hành với người trẻ trên con đường của CTT, người huấn luyện tiếp tục thực hành việc thường huấn của mình.

Dưới đây là tổng hợp ba phương pháp sư phạm với những đặc tính cơ bản

GIÁO DỤC HUẤN LUYỆN ĐỒNG HÀNH
Chúa Ba Ngôi CHA CON THÁNH THẦN
 

Khoa

Sư Phạm

Đặc Trưng

Tìm sự thật của chính mình vì con người có thể phát huy tới mức tối đa các năng lực của mình Khơi gợi thực hiện một dự phóng siêu việt như là cách thức và quy tắc của đời sống Tập họp tâm-trí-ý chí, toàn bộ con người và hướng dẫn họ trên con đường nhận thức – trải nghiệm – khôn ngoan
Vị trí 

của Cái Tôi

Cái Tôi Hiện tại Cái Tôi Lý tưởng Cái Tôi Tương quan
 

 

Hình Tượng Kinh Thánh

Chúa Cha – Đấng Tạo Dựng làm nên mọi sự từ hư vô; Người đã đem Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập và giáo dục họ trong sa mạc Sự tự hủy của Chúa Con; như người thợ gốm, Chúa Con khuôn đúc tâm tình của Người trong tâm hồn những người được thánh hiến Chúa Thánh Thần, người hướng đạo và là bạn giúp nhận ra Chúa Yêsu khi Người giải thích Kinh thánh và bẻ bánh.
Hành Trình  

Sư Phạm

Từ Chân thành tới sự Thật Từ sự Thật tới Tự do Từ Tự do tới Trao- ban-Chính-mình
 

 

 

Phương Cách Giáo Dục

Người hướng dẫn biết chính mình, và vượt qua những bất ổn nơi mình, để giúp người trẻ cùng đi trên một con đường. Đề nghị của Đức Kitô và về Chân-Thiện-Mỹ khách quan của Người, để khơi gợi nơi tâm-trí-ý chí người trẻ một sự kết hợp mật thiết Chia sẻ trong một thời gian liên tục hành trình và đời sống với người trẻ, nhất là những gì liên quan đến lòng tin và ân huệ của Thánh thần, cùng với việc sử dụng khả năng của chính mình

 



[i] Sẽ trình bày trong một bài khác. (Người dịch)

[ii] Điều này đúng với môi trường của tác giả ở Châu Âu; ở Việt Nam, giáo dục theo cách thức nói trong bài cũng chưa được ứng dụng nhiều. (Người dịch)

[iii] Grêgôriô Nadian,  Bài giảng 8,8: PG xxxv, p. 797.

[iv] Khổ chế là cách diễn tả tự nhiên và không thể thiếu của kinh nghiệm về Thiên Chúa.

Một sự chiêm ngưỡng liên lĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa, qua đó người thánh hiến nhận biết cả dáng vẻ bề ngoài và thân phận của mình, xác định những điều cần để làm cho mình phù hợp với Thiên Chúa, bằng cách để cho Thiên Chúa khuôn đúc thái độ, lời nói, ý nghĩ và ước muốn của mình. Đó chính là khổ chế. (Amedeo Cencini, Tâm Tình Người Con, Một Hành Trình Huấn Luyện trongĐời Tu…ibid., trg 175.)