Năm Đức Tin đang đi dần vào giai đoạn kết thúc (24/11/2013). Hình ảnh ngày khai mạc Năm Đức Tin ở Thanh Hoá (11/10/2012) cũng như tại các giáo phận, tại các giáo xứ vẫn còn tươi rói trong tâm khảm mỗi người chúng ta.
Phải nói là Năm Đức Tin đã được chuẩn bị kỹ càng với tự sắc Porta Fidei (11/10/2011) đã hướng dẫn những bước phải làm. Quả là một năm rộn ràng với những cuộc hành hương: Đức Mẹ Tà Pao, Đức Mẹ Fatima Bình Triệu, Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Mêkông, Đức Mẹ Bãi Dâu… cả với thánh Martino de Porres, cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp… Một năm trầm lắng với những suy tư học hỏi, cố gắng để “cánh cửa đức tin” mở ra với hành trình đức tin của mình ngày càng thân thiết với Chúa Kitô, dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria “Đấng có phúc vì đã tin” (Lc 1,45).
I. ĐỨC TIN SOI SÁNG CHO CUỘC SỐNG
Đức tin thông truyền cho chúng ta sức mạnh. Việc học hỏi đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin và loan truyền đức tin sẽ giúp làm thay đổi cuộc sống của mỗi người chúng ta.
1. Đức tin là cột trụ nâng đỡ đời sống vượt qua thử thách
Chúng ta đọc lại Tự sắc Cánh cửa đức tin (Porta Fidei 11/10/2011) trong số 15: “Các kitô hữu cảm nghiệm niềm vui và đau khổ”. Biết bao vị thánh đã từng trải qua nỗi cô đơn! Biết bao tín hữu, kể cả ngày nay vẫn còn bị thử thách vì Thiên Chúa vẫn im lặng trong khi họ muốn nghe lời Người an ủi! Những thử thách của cuộc sống đang khi giúp chúng ta hiểu được Mầu nhiệm thập giá và dự phần đau khổ của Đức Kitô (x.Cl 1,24) là khúc dạo đầu cho niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến: “khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12,10).” (PF.15).
Tình cờ tôi theo dõi Chương trình Tìm Kiếm Tài Năng (Việt Nam’s Got Talent) xuất hiện một chàng trai trẻ rất dễ thương nhưng bị cụt hai bàn tay lên trình diễn một bài hát vui tươi và lạc quan. Làm tôi rất xúc động và cảm kích khi nghe em giới thiệu… Em là GB. Dương Quyết Thắng sinh ra trong một gia đình công giáo thuộc xứ Kẻ Mui, giáo hạt Nghĩa Yên, giáo phận Vinh. Vào năm 2009, em bị tai nạn lao động do điện cao thế giật nên em phải cắt bỏ đôi tay. Vào lúc ấy, em bị dao động mạnh. Niềm tin vào Thiên Chúa không còn nữa! Phải nói em tìm lại được niềm tin nhờ vào người mẹ. Bà đã phó thác mọi sự cho Chúa bằng cách cầu nguyện cho con mình. Chính nhờ vậy mà dần dần tìm lại sự thăng bằng cho cuộc sống. Trước đây khi em bị cụt, em coi là tai hoạ, giờ đây em cho đó là một biến cố thuộc chương trình của Thiên Chúa. Là người chơi đàn Organ từ bé, tham gia vào các sinh hoạt ca đoàn. Sau biến cố này em không chơi đàn được nữa. Nhưng bằng niềm tin và hy vọng, em đã có thể chơi đàn bằng hai cùi tay. Bốn năm trời đã trôi qua với bao nhiêu khổ luyện, em đã có thể nở nụ cười với mọi người nhờ vào niềm tin. Lúc này, em đã xác tín: có niềm tin là có lại niềm vui. Qua biến cố đời mình, em khẳng định: còn đức tin là còn tất cả, mất đức tin là mất tất cả. Đức tin là đôi cánh để chúng ta bay lên trời cao. Tất cả mọi sự khác cũng sẽ được nâng cao, tất cả mọi giá trị sống cũng hướng về trời cao.
2. Cuối năm đức tin nhìn lại cung cách sống niềm tin như thế nào?
Văn kiện chỉ dẫn mục vụ năm đức tin đã khẳng định: “Năm đức tin nhằm góp phần vào sự hoán cải được đổi mới, trở về cùng Chúa Giêsu và tái khám phá đức tin để mọi thành phần trong Giáo Hội trở thành chứng nhân đáng tin cậy. Và hân hoan làm chứng về Chúa Phục Sinh, giúp cho nhiều người khác đang tìm kiếm cánh cửa đức tin”.
Mỗi người chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của mình qua những gì mình đã nghĩ, đã nói và đã làm, đã sống trong năm qua.
a. Liệu đức tin của chúng ta còn vững mạnh nữa không?
Dân số Việt Nam đã tiến tới con số vàng 90 triệu, người công giáo không gia tăng bao nhiêu. Con số này khiến chúng ta suy nghĩ! Trước trào lưu duy thế tục, đề cao hưởng thụ, trước sự lôi cuốn của đồng tiền… xem ra người ta lơ là việc sống đạo. Số người đi dâng lễ Chúa nhật đã giảm dần, việc xưng tội rước lễ không còn được đề cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu đã đẩy mạnh việc học hỏi Lời Chúa, chầu Thánh Thể luân phiên. Chính việc học hỏi và lãnh nhận bí tích giao hoà và việc tôn sùng thánh thể đã giúp cho họ đứng vững trước bao sóng gió cuộc đời.
b. Duyệt xét lại việc sống và thực hành đức tin
Sống đức tin là sống với Lời Chúa, sống đúng với Tin mừng của Ngài. Vì thiếu nền tảng Lời Chúa, nên lòng tin của nhiều người bị thử thách. Làm sao có thể sống đức tin khi người ta phải đối đầu với một thế lực rất mạnh mẽ của sự dữ: xã hội bất công, tham nhũng và giả dối lan tràn. Đạo đức suy thoái, nhân phẩm bị xúc phạm. Xem ra ngày nay người ta vì quá chạy theo tiền bạc, nên lương tâm không còn nhạy cảm nữa. Có người nhận định ngày nay con người xem ra vô cảm trước những đau khổ của người khác và tệ hơn nữa là lối sống phản cảm, buông thả. Có người nhận định rất dí dỏm: “Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi. Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi. Lương tâm bán rẻ hơn lương thực. Chân lý, chân giò một giá thôi”.
Tự vấn:
– Trước những thách đố của một xã hội chạy theo vật chất, niềm tin của tôi có bị chao đảo không?
– Trong năm qua có lúc nào tôi thao thức, mong muốn được chỗi dậy không?
c. Duyệt xét lại hành trình đức tin
Cuộc sống cần có những giây phút nhìn lại để rút ra những kinh nghiệm cũng như biết mình đang đi về đâu. Cuối năm đức tin thử nhìn lại: còn gì đọng lại trong mỗi tâm hồn chúng ta. Đây là cơ hội duyệt xét lại hành trình đức tin của chúng ta. Tạ ơn Chúa vì hồng ân đức tin mà chúng ta lãnh nhận. Nhưng cần đặt vấn đề về đời sống để biết rõ cái gì cần củng cố và phát huy ?
Xem lại mối tương quan giữa mình với Chúa, tình yêu và lòng trung thành với Ngài trong năm qua. Nhờ đó, đức tin chúng ta ngày một lớn lên, vững mạnh và lan toả bằng chính đời sống chứng nhân giữa lòng đời hôm nay.
d. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17)
Trước những kỳ diệu của cuộc sống, tôi bật lên tiếng tạ ơn Chúa, cám ơn đời. Mỗi buổi sớm mai thức dậy ta có thêm một ngày mới để yêu thương. Tình yêu thương được lan toả khi chúng ta biết chia sẻ và đồng cảm với người khác. Qua những lần tiếp xúc với người khổ đau, tật nguyền, chúng ta càng ngày càng ý thức rằng: chúng ta còn may mắn, còn hạnh phúc hơn nhiều người khác.
Cám ơn Chúa đã luôn gìn giữ chúng ta. Cảm tạ Ngài đã luôn soi sáng đồng hành và giúp chúng ta cảm nhận thật nhiều qua mỗi lần gặp gỡ tiếp xúc với những người nghèo, những người tội lỗi, những người khổ đau… Cảm nhận thấy mình quá nhỏ bé trong vòng tay yêu thương của Chúa. Tất cả những gì chúng ta có được, một thân xác khoẻ mạnh, một tâm hồn lạc quan, một cuộc sống bình an và những gì chúng ta đang có quả là sự ưu ái quá lớn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Tự vấn: bao nhiêu ân huệ chúng ta đã biết sử dụng đúng theo ý Chúa chưa? Chúng ta có san sẻ cho người khác không?
Đức Hồng y Fulton Sheen trong chuyến bay từ Rôma trở về New York, ngài đã gặp một cô tiếp viên trẻ đẹp, thân thiện, rất ân cần giúp đỡ khách. Ngài đã ngỏ lời khen: con rất dễ thương, cha cám ơn con. Rồi ngài thong thả nói tiếp: con ơi, con hãy cám ơn Chúa biết bao về vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho con. Ngài đã lấy sự duyên dáng của bao người khác để tô vẽ trên khuôn mặt của con, Ngài đã lấy sự dịu dàng của đôi mắt và cánh tay mềm mại của người thiếu nữ khác để dành cho con. Cha có đề nghị nhỏ này: con hãy tạ ơn Chúa và dấn thân phục vụ những người cùi. Ngài hỏi cô: con có sẵn sàng không? Cô tiếp viên bẽn lẽn trả lời: thưa cha cho con suy nghĩ. Và một thời gian sau, người ta thấy cô tiếp viên trẻ đẹp ấy đã đến phục vụ trại cùi Di Linh trong bộ tu phục nữ tu.
Kahil Gibram đã có câu nói chí tình: “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thật sự cho đi”. Thực thế, càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần chết mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được vinh thân, con người càng vong thân.
Có người cảnh giác: hôm nay có hai căn bệnh mang tính thời đại: dối trá và vô cảm. Là người Kitô hữu chúng ta đã yêu thương tha nhân như thế nào? Yêu “tất cả” những người và từng người mình gặp trong đời. Mẹ Têrêsa đã cho chúng ta kinh nghiệm này: “Để yêu mến một người, mình phải tiến gần người đó… Tôi không bao giờ chăm sóc một đám đông mà chỉ chăm sóc những con người cụ thể”. Những việc nhỏ hằng ngày trở nên dấu chỉ bác ái tuyệt vời nếu được làm với tình yêu lớn.
II. THÁNH MARTINO HIỆN THÂN CỦA ĐỨC ÁI TRỌN HẢO
Thánh Martino, thánh Gioan Maisan, thánh Rosa Lima, ba bông hồng của Châu Mỹ Latinh và của Giáo hội trong mọi thời đại.
1. Thánh Martino mẫu gương sống đức tin cho mọi thời đại
Cuộc đời Martino đã bị từ chối ngay từ khi mới lọt lòng mẹ vì mang màu da đen và bị liệt vào tầng lớp nô lệ hèn hạ. Ngay từ nhỏ Martino đã nếm cảm sự nhục nhã và bị khinh miệt… nhưng cậu vẫn tín thác vào Chúa. Martino quan tâm đến những người nghèo, những người đau khổ. Ngài được đặt biệt danh là “bạn của người nghèo”. Cuộc đời của ngài luôn bên cạnh những người nghèo, với người nghèo vì chính thánh nhân đã xuất thân từ cuộc sống tủi nhục, nghèo hèn này.
Cha Joseph Salaverry, O.P (Giám tỉnh tỉnh dòng thánh Gioan Tẩy Giả, Pêru) đã nói: “thánh Martino đã làm chứng cho sự vĩ đại của Thiên Chúa qua cuộc sống đơn giản và khiêm nhường. Thánh Martino de Porres là một minh chứng rõ ràng của sự lựa chọn Thiên Chúa cho người nghèo và khổ đau. Thánh Martino là nguồn phước lành và khích lệ cho người kitô hữu sống đức tin hôm nay.”
Cha Brian J. Pierce, O.P[1] thuộc tỉnh dòng thánh Martino, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ đã viết: “Cuộc sống của thánh Martino là phác họa tổng hợp lòng nhiệt thành tông đồ của thánh Đaminh, tình yêu đơn sơ đối với các thụ tạo của thánh Phanxicô và lòng từ bi vô tận đối với người nghèo của chân phước Têrêsa Calcutta. Cuộc đời thánh Martino là một bằng chứng về giá trị tâm linh truyền thống đồng thời thể hiện đời sống tâm linh thật mới mẻ: triệt để, đơn sơ và thánh thiện. Ngài vừa có tài ban tặng niềm vui lại vừa có khả năng hoá giải những đau khổ và áp bức thành cuộc gặp gở với Thiên Chúa.
Được biết ngài cầu nguyện lâu giờ và đánh tội phạt xác nhưng người cũng thích làm vườn và vui chơi với loài vật. Tấm lòng thuần khiết và sự tự do nội tâm của ngài đã hoà quyện với nhau để hình thành nên một con người vừa khát khao đời sống tâm linh vừa làm chứng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa.”[2]
Tự vấn: Tôi đã sống Năm Đức Tin như thế nào? Tôi có dành thời giờ cho việc suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện trước Chúa Giêsu thánh thể không?
2. Sống thánh giữa đời thường
“Đức tin tăng trưởng khi được sống như một cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh và khi được thông truyền như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui” (PF 7). “Niềm vui là dấu hiệu duy nhất mà ngay cả những người không tin cũng có thể hiểu được” (Cha Cantalamessa).
Thánh Phaolô muốn chúng ta sống niềm vui: “sao cho người ta thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi” (Pl 4,4). Từ “hiền hoà, rộng rãi” dịch từ ngôn ngữ Hy Lạp (epieikès) bao gồm sự tha thứ, lòng thương xót và khả năng hoà giải với người khác.
Một ngày kia Martino đã xin bà Isabel García một cây nến hay mẩu nến còn dư. Bà để ý xem cậu Martino làm gì, bà dòm qua khe cửa. Điều làm bà xúc động, bà nhìn thấy cậu đang quỳ gối lặng lẽ cầu nguyện trước tượng chịu nạn.
Một cây nến, một mẩu sáp đơn sơ. Chỉ có thế, thánh Martino đã khởi đầu hành trình dài và đẹp đẽ về với Thiên Chúa. Hẳn ta còn nhớ trong ngày cậu Martino được mẹ và người cha đỡ đầu đưa đến nhà thờ San Sebastián ở Lima để lãnh nhận bí tích rửa tội. Vào ngày ấy, một cây nến đã được thắp sáng, vị chủ sự trao cây nến và đọc: con hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô. Kể từ ngày ấy, hành trình tuyệt đẹp của thánh Martino đã bắt đầu thai nghén.
Thánh Martino là vị thánh nhắc nhở chúng ta biết rằng sự kỳ diệu của tình yêu đang diễn ra trong những điều bình thường mỗi ngày: chia sẻ một đĩa salad và bánh mì với bạn bè, pha một chút trà hoa cúc cho một người lạ bị bệnh, trồng một cây và cho người nghèo. Chẳng có gì là quá anh hùnh khủng khiếp cả ! Điều này nhắc nhở chúng ta thỉnh thoảng hãy làm “đôi việc tử tế”. Đó là những gì thánh Martino đã làm.
Ngài đã đi xuyên qua cuộc đời này với mẩu nến vụn thắp sáng trên tay và trong con tim, thực thi những việc tốt cách tình cờ. Đó là lý do tại sao ngài là một vị thánh. Như vậy, có lẽ nên thánh chẳng có chút gì khó khăn cả. Có lẽ đây là một việc hết sức bình thường. Hãy để phép lạ của tình yêu xảy ra ở đây và bây giờ, ngày hôm nay, trong chính thế giới mà tôi đang sống.
Thánh thiện là những điều nhỏ nhặt được thực hiện bằng tình yêu. Mẹ Têrêsa, trước cảnh nghèo khổ tại khu nhà ổ chuột tại Calcutta, đã quyết tâm biến cuộc đời mẹ trở thành một điều gì đó đẹp đẽ dành cho Thiên Chúa. Thánh thiện là như thế. Nấu một nồi súp cho một người hàng xóm là “một điều gì đó đẹp đẽ dành cho Thiên Chúa”, cũng giống như chia sẻ một nụ cười dịu dàng với một người bạn học đang buồn phiền.
Chữa lành là tình yêu trở thành hình hài. Đó là điều Martino đã thực hiện: Martino là người chữa lành vì ngài là một người yêu thương. Như thế, nên thánh chẳng phải điều gì quá khó khăn![3]
Thay lời kết: Năm đức tin sắp kết thúc, vẫn còn đó những thao thức!
Lạy Chúa,
trong lúc con say sưa bên Chúa,
nhưng còn nhiều tâm hồn vẫn bơ vơ giữa chợ đời
Con hăm hở học hành, tìm Chúa trong sách vở,
vẫn còn nhiều người chưa biết Chúa
Lạy Chúa,
Con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lả.
Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
vì bên con còn có người đang khát.
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
vì bên con còn có người mù tối.
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
vì bên con còn có người trần trụi.
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con vẫn còn bao nhiêu người thiếu thốn.
Lạy Chúa, quả thực con đang là người lãng du,
giữa một không gian mênh mông của những thế lực u tối.
(Myrtle Householder)
Lm. Đaminh Đinh Viết Tiên, OP.
nguồn: daminhvn.net