Một phút nghĩ về cha

51


ech 2Nhắc đến người cha, chúng ta thường hay nghĩ đến sự cương trực, đến những đòn roi, đến những lạnh lùng. Ít ai trong chúng ta nhìn thấy đằng sau tất cả những điều ấy là cả một chân trời vô hạn của tình yêu và hy sinh lặng lẽ.

Xin mời quý vị cùng lắng nghe chia sẻ của một người về cha của mình, qua tự sự ngắn sau.

Mẹ mất sớm, cha tần tảo nuôi 3 anh em nó nên người. Hồi đó, gia đình nghèo khó. Bữa cơm nào có được 1 con cá đã là thịnh soạn lắm rồi. Nó còn nhớ, mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: “Để bố ăn đầu và xương cho”. Nó nhanh nhẩu: “Tại sao vậy bố?” Bố nó nói vẻ mặt nghiêm nghị, kiểu răn dạy: “Vì bố già rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau. Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?”

Tâm hồn trẻ con, nó và hai đứa em đinh ninh là cha nói thật. Mỗi lúc đến bữa ăn, nó còn nhanh nhẩu xẻ ra từng phần. Bỏ đầu và xương qua cho cha nó. Ba anh em tranh nhau phần thịt. Có những lúc nó cũng phân vân, những khi như thế, cha nó lại bảo: “Hồi nhỏ, ông bà nội cho bố ăn thịt suốt, giờ nhìn thịt là thấy ớn rồi, sau này lớn các con cũng sẽ như bố thôi.”

Thấm thoắt thoi đưa, anh em nó lớn lên, và bố nó càng già đi. Sau này, khi nó đủ hiểu biết mới nhận ra những lời cha nó nói trước đây là nói dối, thì cũng là lúc đời sống của gia đình nó khấm khá hơn. Anh em nó có thể thay bố đi đò, đi sông, mò cua, thả cá. Vì thế mà bố nó cũng thỉnh thoảng ăn thịt, hay ăn thường xuyên nó cũng chẳng nhớ. Vì tuổi trẻ bồng bột, không dám và cũng không ngẫm nghĩ nhiều về yêu thương, hay vì người bố cố tìm cách cho “lời nói dối” được anh em nó chấp nhận hơn, nó cũng chẳng còn nhớ.

Để đến hôm nay, khi đã thành đạt, vợ đẹp, con ngoan. Nó cũng chẳng bao giờ đóai hoài đến cái đầu, hay miếng xương con cá. Vì những thứ đó đã được vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm.

Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 10 của bố nó. Nhìn di ảnh ba gầy còm, nhưng nở một nụ cười tươi sáng. Nhìn con cá chiên to đùng, lấp lánh mỡ mà vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận. Nó phải quay mặt đi để lau hàng lệ, để giấu vợ con. Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông, đi thả câu mùa nước nổi. Rồi sau đó là những trận thương hàn triền miên hành hạ thân xác. Nó không thể xóa đi được cái ý nghĩ “nếu bố ăn nhiều thịt hơn, thì đã không già yếu như thế”. Vừa khấn vái, nó lại bất giác kêu lên những tiếng “bố ơi” từ trong cổ họng.

Đến lúc ra bàn ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại: “Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi”. Vợ hiểu. Vợ nó bỏ đầu cá qua cho chồng. Chỉ có cô con gái nhỏ là thắc mắc “Sao hôm nay ba lại ăn đầu, nó lắm xương, nó sẽ làm đau ba đấy”. Nó xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc đang chầu chực nơi cổ họng vào trong, bảo “Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con yêu”. Nó vừa ăn vừa cố cho những giọt nước mắt không tràn xuống bát cơm. (sưu tầm)

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thực sự hiểu về cha của mình cho đến khi chính chúng ta trở thành những người cha. Trái lại với nét dịu hiền của mẹ, cha lúc nào cũng tỏ ra cứng rắn với ta. Cha bắt chúng ta phải thế này thế nọ, cha nghiêm nét mặt mỗi khi chúng ta sai. Trong mắt ta, cha chỉ như một con người khô khan, một chướng ngại trong đời sống của chúng ta. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta phải mở trí khôn ra để nhìn thấy ý nghĩa của tấm lưng còng trên thân cha, của vết chân chim in hằn trên trán cha, của giọng nói rã rời nơi môi miệng cha. Tất cả sự cường tráng của cha năm xưa đã vì tuổi thơ và tương lai của chúng ta cướp mất cách phũ phàng. Ấy vậy mà có bao giờ chúng ta để ý đến.

Tất cả những tình thương ngọt ngào, cha giấu chặt trong tim. Ai bảo rằng cha là đàn ông nên không cần những lời hỏi thăm, không cần những cái ôm ấp. Ai bảo rằng cha chỉ thích cậy quyền chứ chẳng đoái hoài gì đến sở thích của con cái mình. Có những nỗi niềm cha giữ đấy, chờ các con lớn lên sẽ hiểu. Nhưng khi hiểu ra được thì cha đã xanh cỏ nấm mồ.

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa những người cha của chúng con, những người còn sống cũng như đã qua đời.

Chỉ có Chúa mới thấu hiểu được những hy sinh của các ngài và trả công xứng đáng.

Xin cho chúng con là những người con trong gia đình, biết luôn nghe lời hay ý đẹp cha dạy để có thể nên người hơn, sống có ích cho đời hơn.

Amen.

Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ