Lời tâm sự và cảm ơn

67

Nhân dịp được đọc bài cảm nghiệm của học sinh khiếm thị, xin chia sẻ tâm tình và lòng biết ơn của một bạn học sinh khiếm thị thuộc mái ấm khiếm thị Nhật Hồng Thị Nghè. Em Nguyễn Thị Bốn, sinh năm 1990, tác giả bài cảm nhận này đã bày tỏ tấm lòng tri ân của mình đến những con người có tấm lòng nhân ái nhân dịp mừng sinh nhật Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù lần thứ 15.

LỜI TÂM SỰ VÀ CẢM ƠN

Nhật kí ngày hai mươi hai tháng chín năm hai ngàn không trăm mười ba.

Kính tặng Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù

IMG_1011Hôm nay quả thật là một ngày đáng nhớ đối với tôi, một ngày mà lần đầu tiên có thật đông các bạn khiếm thị quy tụ về một nơi để khám sức khỏe, một ngày mà biết bao nhiêu cung bậc của cảm xúc được trào dâng, một ngày tươi vui khi chương trình Sưởi Ấm Niềm Tin cất tiếng chào đời. Tôi tin chắc là bạn không thể mường tượng ra được chúng tôi khám sức khỏe đông vui như thế nào đâu. Sáng sớm hôm ấy, khi đến địa điểm tập trung tôi đã thấy rất đông các bạn khiếm thị, chúng tôi cùng nhau ăn sáng và khai mạc chương trình. Rồi sau đó từng nhóm nhỏ được xếp hàng để chuẩn bị vào các phòng khám. Trong lúc chờ đến lượt mình, chúng tôi đã vận dụng tối đa thời gian có thể để làm quen với các bạn ở trường khác, còn một số bạn thì cố gắng tìm đủ mọi cách để gặp được những người quen. Mỗi bước chân là một lời chào, một lời hỏi thăm. Thật ra thì chúng tôi cũng hư lắm, vì ồn ào như vậy  sẽ rất khó cho các bác sĩ làm việc. Nhưng biết làm sao đây? Những người bình thường như các bạn khi không cần sử dụng đến giọng nói thì có thể dùng ánh mắt để thể hiện ý muốn, còn những người như chúng tôi thì giọng nói và tai nghe là rất quan trọng, gặp nhau lời ra tiếng vào thì đám đông trở thành đông hơn. Bên cạnh đó tôi cũng rất sung sướng khi được gặp lại những người chị, những người bạn mà hơn mười năm nay chúng tôi không có bất cứ một liên lạc nào, cứ ngỡ rằng cả đời này chẳng bao giờ được nghe giọng nhau nữa. Họ chẳng phải là người thân hay anh chị em, chỉ là bạn bè nhưng gặp nhau thì ôm lấy nhau trong hạnh phúc ngập tràn của những con người đồng cảnh ngộ luôn hướng về nhau. Lắc thật mạnh vai nhau để tin mình gặp lại nhau là sự thật nhé! Và chúng ta sẽ mãi giữ liên lạc với nhau nha! Không khí ồn ào, náo nhiệt vẫn cứ tiếp diễn trong sự tận tâm mà lặng lẽ của các bác sĩ. Tương lai tôi sẽ trở thành một cô giáo mầm non nên tôi sẽ học hỏi ở bác sĩ nữ sự dịu dàng, gần gũi; ở bác sĩ nam lòng dạt dào tình cảm và khả năng dỗ dành những bệnh nhân khó tính. Tôi cứ lan man kể chuyện mà quên không nói cho các bạn nghe về xuất xứ của Sưởi Ấm Niềm Tin nhỉ? Sưởi Ấm Niềm Tin là một chương trình khám sức khỏe miễn phí cho người khiếm thị của Thư Viện sách Nói Dành Cho Người Mù phối hợp với bệnh viện Tâm Việt thực hiện. Lại là thư viện sách nói nữa! Sao đi đâu cũng nghe đến tên thế? Mà khi đã nghe đến thư viện sách nói thì chúng ta có bao nhiêu chuyện cần phải kể.

Tôi vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm khi bắt đầu vào mái ấm. Lúc ấy tôi đã lên chín nhưng chỉ mới học lớp mẫu giáo lớn, thời gian còn lại tôi toàn tâm toàn lực nghe truyện của thư viện. Nghe thì nghe vậy thôi chứ tôi nào đâu biết thư viện sách nói là gì, chỉ biết chị gì đó tên là Hướng Dương đọc truyện rất hay, và khắc sâu trong tôi đến bây giờ là tác phẩm “Tâm Hồn Cao Thượng”. Năm cuối cùng của cấp một tôi toàn bị cô giáo phê trong các bài tập làm văn rằng: “bài văn có ý hay nhưng ngôn từ không phong phú, cần trau dồi thêm”. Thế là những giờ rảnh tôi quyết định từ giã những trò chơi của tuổi thơ để lao vào nghe sách nói, nghe từ sách giáo khoa đến sách truyện, và đến lúc này thì đã hiểu thêm một chút về Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù. Lớn thêm một chút nữa tôi đã biết mộng mơ, biết mặc cảm, biết tủi hờn cho số phận của bản thân. Khi đi học bạn bè không đọc bài trên bảng dùm cũng buồn, cầm quyển giáo trình trong tay mà không đọc được cũng khóc vì lo lắng, vô tình nghe được ở đâu đó tên một tác phẩm hay, có ý nghĩa mà không được đọc thì chỉ biết tặc lưỡi cho qua. Nhưng lại sực tỉnh nhớ đến thư viện sách nói để rồi tìm đủ mọi cách có được những gì mình muốn, từ việc đi mượn bạn bè cho đến việc lục tung kho băng cat xet của mái ấm và nếu không có nữa thì đành liều lĩnh đi yêu cầu thư viện đọc. Đến ngày hôm nay thì tôi không còn sử dụng băng cat-xet nữa rồi vì thư viện sách nói đã có trang web phục vụ mọi lúc mọi nơi. Có những lúc tôi buồn, buồn lắm các bạn à, buồn đến mức khóc ngày khóc đêm và cứ nghĩ mình sẽ ngã quỵ để mặc cho dòng đời đưa đẩy, thế là tôi lại lao vào nghe sách nói, nghe trong vô thức, nghe quên thời gian, nghe không cần bận tâm đến cuộc sống này nữa, nghe để cùng khóc với các nhân vật tội nghiệp trong những tác phẩm buồn. Nhưng cũng thật may mắn cho tôi, bởi tinh thần lại được hồi phục sau những giá trị nhân văn cao đẹp của nền văn chương nước nhà và thế giới, tôi lại nhận ra cuộc sống thật đẹp biết bao và lại mỉm cười với những tác phẩm vui tươi.

Ừ cuộc sống này đẹp thật, nếu không đẹp thì tại sao lại có một người phụ nữ sau một lần bị tai nạn giao thông đã kiên cường đứng lên để giúp đỡ bao mảnh đời bất hạnh trong suốt mười lăm năm qua, chắc hẳn rằng chị đã phải gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu. Tôi chỉ là một độc giả, tôi không thể hiểu về cuộc sống của chị, và cũng có thể nói là tôi không thể hiểu hết những trăn trở, những tâm nguyện trong đời chị, nhưng tôi mang ơn chị và những người đã cộng tác cùng chị để làm nên Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù hôm nay. Tôi nhớ một lần tôi đã được gặp chị trên bãi biển trong chương trình Thắp Sáng Niềm Tin, chị đã hỏi tôi biết chị là ai không? Tôi ngập ngừng mãi mới nói chị là chị Hướng Dương. Chị đừng buồn em nhé, khi em chỉ mới tiếp xúc với chị có hai lần từ nhỏ đến giờ, nếu như chị nói chuyện với em như lúc chị đọc sách thì em sẽ nhận ra chị ngay vì em đã cùng khóc cùng cười với chị qua hai tác phẩm em thích nhất đó là “Không Gia Đình” và “Tuổi Thơ Dữ Dội”. Chị em mình cùng là những người phụ nữ kém may mắn, đều có những ước mơ và hoài bão trong đời, nhưng chị đã dành phần lớn ước mơ và hoài bão ấy cho chúng em là những con người kém may mắn hơn mình; còn em, em chỉ dám ấp ủ những ước mơ cao đẹp kia mà không biết đến khi nào sẽ thực hiện được, nhưng em sẽ vẫn cứ ước mơ và sẽ không dừng bước trước mọi khó khăn.

Cuộc sống này còn đẹp hơn nữa khi có những con người cho đi mà chẳng mong nhận lại thứ gì. Tôi đã từng tự hỏi rằng: “Khi cộng tác với chị Hướng Dương để đọc sách cho chúng tôi nghe thì các cô chú, các anh chị nhận được gì sau những giờ miệt mài trong phòng thu?” “Có không sự mệt mỏi vì vừa phải lo cho cuộc sống hàng ngày vừa đi làm từ thiện?” Có chứ, làm sao mà không có được, nhưng vì tình yêu thương nên biết bao thanh âm ngọt ngào vẫn cất lên giữa bộn bề của cuộc sống. Bạn à khi nghe sách nói tôi không chỉ nghe được những tác phẩm văn chương quý giá mà còn nghe được rất nhiều điều. Tôi nghe được giọng ai sắp khàn đi vì phải đọc quá sức, đọc cố cho xong vì gia đình đang cần sự có mặt của mình ở nhà, đọc cố cho xong vì công việc cá nhân chưa giải quyết hết, đọc cố cho xong vì có bao nhiêu đôi tai đang hào hứng chờ nghe những tác phẩm mới phải không? Tôi nghe được giọng ai đang cười hay đang khóc vì đã đặt cả tâm hồn vào tác phẩm mình đang đọc, tôi cũng nghe được giọng của những người nhờ có chất giọng hay mà họ có được công việc như mong muốn và quan trọng hơn là họ được nổi danh trong lòng công chúng. Tôi vô cùng khâm phục các cô chú, các anh chị ấy vì công việc ở các đài phát thanh, đài truyền hình thì vô cùng bận rộn mà không hiểu sao lại có thời gian dành cho chúng tôi, tôi còn kính phục bởi một lí do nữa là: theo tâm lí chung của đa số thì người ta hay gìn giữ và nâng niu những thứ quý giá của cá nhân mình, vậy sao các cô chú, các anh chị không cho giọng được nghỉ ngơi thêm mà lại tiếp tục sử dụng nó, bởi khi nói nhiều sẽ không tốt vì một tiếng nói hay thì đâu phải ai cũng có được. Nhìn thẳng vào hiện tại hôm nay ta đáng buồn khi thấy rằng giữa một thành phố văn minh, hiện đại mà lại có một số đông các bạn trẻ cứ mở miệng ra nói chuyện là phải đệm thêm một vài từ nữa, hay chưởi xối xả khi người khác lỡ đi đụng phải mình. Có những bạn có giọng nói rất hay, rất dễ thương, nếu được rèn luyện thì đâu thua kém gì giọng của phát thanh viên, vậy mà khi nghe các bạn ấy nói chuyện với nhau tôi chỉ biết đứng lắc đầu. Tôi không dám lên án hay phê phán gì bất cứ một ai, nhưng tôi tiếc cho các bạn bởi các bạn đâu biết rằng có những con người đang âm thầm lặng lẽ hi sinh giọng nói và bớt chút thời gian của cá nhân để làm đôi mắt cho những số phận không may, họ đã không hề ích kỉ khi trao ban những gì quý giá trong đời mình. Tôi không yêu cầu là các bạn phải đi đọc sách cho chúng tôi nghe bởi làm được điều đó phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện và lòng nhân ái, tôi chỉ mong sao bạn sử dụng giọng nói của mình cho hay, cho đẹp, cho xứng đáng với một con người văn minh, hiện đại và có tri thức.

Cuộc sống này sẽ mãi mãi tươi đẹp hơn nữa nếu như thư viện sách nói dành cho người mù vẫn tồn tại dài theo năm tháng. Nếu một ngày nào đó thư viện không còn nữa thì sẽ ra sao? Những người khiếm thị sẽ không được cung cấp thêm nguồn tri thức về cuộc sống, về thiên nhiên, sẽ chẳng bao giờ có được những ngôn từ hay để thể hiện với cuộc sống, sẽ ngồi ủ rũ, than thân trách phận trong những lúc rảnh rỗi… Hỡi các bạn của tôi ơi, chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng cho sự thành công của thư viện và hãy hứa rằng chúng ta sẽ nâng niu trân trọng từng cuốn băng cat-xet, và chúng ta cũng hãy nhớ rằng phải nghe sách nói như thế nào để nó trở nên tốt nhất với mỗi người vì các bạn sáng thì nghiện game còn chúng ta thì nghiện thứ khác đấy!

Mười lăm tuổi bạn như thế nào? Mười lăm tuổi tôi ôm bao giấc mơ của tuổi mới lớn, có những giấc mơ rất thiếu thực tế nhưng vẫn cứ mơ, và có những lúc rất chi là ngang bướng, có những lúc lệch lạc chẳng biết đâu là đúng đâu là sai. Nhưng mười lăm tuổi cho một chương trình từ thiện thì khác đấy bạn à. Họ không còn đặt ra những câu hỏi như: “làm sao để mình có thể giúp được nhiều người nhỉ?” hay “bằng cách nào để có thật nhiều bàn tay cùng cộng tác với mình đây?” và họ biết phải làm gì để tốt cho những người đang cần sự giúp đỡ, họ nhìn thẳng vào thực tế để biết mình cần phải làm gì. Quả đúng là như vậy, bao nhiêu năm qua Thư Viện Sách Nói không chỉ cung cấp băng cat-xet cho các trường mà còn rất nhiều trương trình khác như: trao học bổng cho các bạn học sinh sinh viên khiếm thị, tặng máy tính xách tay để hỗ trợ cho các bạn sinh viên thuận lợi trong học tập và gần đây nhất là trương trình sưởi ấm niềm tin như đã kể trên. Nhưng Thư Viện Sách Nói ơi! Thư Viện Sách Nói dành cho chúng em bao điều tốt đẹp thì chúng em hân hoan đón nhận bằng cả con tim, chỉ xin hãy nhớ rằng đọc sách nói vẫn là điều chúng em cần nhất đấy nhé!

Đêm đã khuya rồi, hôm nay tôi cũng thấm mệt và xin được khép lại những dòng tâm sự tại đây. Tôi chỉ xin nói một điều rằng: “Hỡi giọng ai đang cất lên xin đừng bao giờ im lặng hãy cứ vang lên để cho những con người trong đêm đen cảm nhận được cuộc sống muôn màu, hỡi những ai đang thắp sáng hãy thổi bùng lên ngọn lửa của tình yêu, hỡi những ai đang sưởi ấm hãy cứ tiếp tục đi đừng để cho thế gian này trở nên lạnh giá.” Và tôi cũng xin gửi các vì sao mang những lời cảm ơn mộc mạc nhưng chân thành này đến cùng thư viện sách nói dành cho người mù.

Đỗ Lệ Mi (Đỗ Thị Bốn)

 Mái ấm khiếm thị Nhật Hồng