Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm C

56

Ông bà anh chị em thân mến.  Khi còn sống Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã viết một cuốn sách với tựa đề “Come Be My Light” tôi xin được tạm dịch và thêm vào mấy chữ để đủ ý nghĩa “Lạy Chúa, Xin Hãy Đến Trở Thành Ánh Sáng Của Con.”  Trong cuốn sách này, mẹ Tê-rê-sa đã đề cập đến những sự “mông lung” (uncertainty) và “ngã lòng” (discouragement) mà mẹ đã trải qua trong suốt cuộc đời.  Sự kiện này đã làm cho một số người ngạc nhiên và thắc mắc hỏi rằng: “Tại sao một người thánh thiện như mẹ Tê-rê-sa lại có những nỗi túng quẩn, gian nan tinh thần như vậy?”  Và họ đã đưa ra giả thuyết là mẹ không có một đức tin mạnh mẽ, cho nên đã phải đối diện với những lúc tiêu cực như vậy. Thế nhưng, ông bà anh chị em thân mến, những người này nghĩ như vậy, có những tư tưởng như thế vì họ không hiểu đức tin là gì. Sự thật là mẹ Tê-rê-sa phải có một đức tin thật mạnh mẽ mới có thể sống cuộc đời tu trì dâng hiến phục vụ Chúa, mới có thể duy trì cầu nguyện 2 tiếng một ngày, và làm những công việc mục vụ thật khó khăn và đòi hỏi, mà không để cho những sự mông lung và ngã lòng làm cho mẹ thối chí hay buông thả.

Nhiều người tưởng rắng các thánh có một đời sống hoàn toàn sung sướng, luôn liên kết mật thiết với Chúa, và không bao giờ có những sự khó khăn hay phải đối diện với những thử thách, với những gian lao trong đời sống.  Đúng thế, có những vị thánh đã có những sự vui mừng tuyệt đỉnh, hay có những giây phút ngây ngất cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong đời sống, nhưng theo tôi đọc trong sách các thánh, thì những sự mông lung và ngã lòng xảy ra bình thường trong cuộc đời của các ngài.  Một số thánh có những thời gian mông lung và ngã lòng rất dài thí dụ như thánh Augustinô, thánh Gioan thánh giá, và 2 thánh Tê-rê-sa hài đồng Giê-su và Phan-xi-cô thành Assisi mà chúng ta vừa mừng kính tuần vừa qua.

Đối với mẹ Tê-rê-sa Calcutta, mông lung và ngã lòng là điều hiển nhiên, xảy ra bình thường và là một phần trong cuộc sống của mẹ. Chúng ta không thể nào nghi ngờ những điều Chúa an bài trong đời sống của những người Chúa yêu thương, và thật sự Chúa đã ban cho đức tin của mẹ Tê-rê-sa có cơ hội trở nên mạnh mẽ, sâu sắc và trưởng thành hơn, nhưng chúng ta hãy tưởng tượng đến những công việc khó khăn, thấp hèn mẹ đã làm, và những người nghèo khổ nhất trên trái đất này mà mẹ đã phục vụ, thì chúng ta cũng không ngạc nhiên mẹ đã phải đối diện với nhiều lúc ngã lòng.

Tôi nhớ thánh Tê-rê-sa Avila mà chúng ta sẽ mừng kính vào ngày 15 tháng này, đã trải qua một thời gian 20 năm không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, và diễn tả kinh nghiệm đó là một điều đau khổ nhất không thể tưởng tượng nổi.  Bà thánh đã từng than thở với Chúa, nói rằng: “Nếu đó là cách Chúa đối xử với những người bạn của Chúa, thì không có điều gì kỳ lạ là Chúa có rất ít bạn.” “If this is the way you treat your friends, it’s no wonder you have so few of them.”

Ông bà anh chị em thân mến.  Đức tin có nghĩa là tin vào điều gì là thật, nhưng không có những bằng chứng hiển nhiên, rõ rệt. Nếu lúc nào chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu của Chúa, thì chắc chúng ta không cần đến đức tin, và lúc nào chúng ta cũng nhận ra Chúa yêu thương chúng ta.  Nhưng chúng ta không hòan toàn hay luôn luôn cảm nhận như vậy, cho nên đức tin thật cần thiết và quan trọng. Có những lúc, thời gian chúng ta cảm nhận sự hiện diện và tình yêu của Chúa trong đời sống, nhưng hầu hết chúng ta và hầu như trong cả cuộc đời, chúng ta sống trong và qua đức tin.  Và do đó, khi đối diện với sự mông lung và trống vắng, có người đã ngã lòng, xụp đổ.  Người Mỹ có một bài hát có tên là: “We walk by faith, not by sight”, “Chúng ta đi hay sống bằng đức tin, không bằng thị lực” thật đúng với tất cả chúng ta.

Điều mà tôi đang chia sẻ với ông bà anh chị em, những tác giả viết về tu đức hay suy niệm thường gọi là: “spiritual darkness”, xin dịch là “khoảng tối của tâm linh”, hay cũng được diễn tả là “cảm nghiệm sa mạc”, là những lúc không tìm được sự an ủi và khuây khoả tinh thần.  Các tác giả này cho chúng ta biết cảm nghiệm sa mạc này, sự khô cằn tâm linh này là một phần trong hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Và đó cũng là lý do tại sao người Ki-tô hữu chúng ta được khuyến khích, kêu gọi tham dự Thánh lễ và cầu nguyện liên nỉ, thường xuyên, cho dù chúng ta muốn hay không, cho dù có tiện nghi hay không, và cho dù có đưa đến sự an ủi hay không.  Đây là thời điểm của sự lớn mạnh, của sự trưởng thành đức tin. Chúng ta phải biết rằng, đây là cách duy nhất để hiểu biết Thiên Chúa, Người mà chúng ta không thể nào hiểu biết bằng chính tài năng, phương cách con người chúng ta, chỉ do Chúa, từ Chúa và được Chúa ban mà thôi.

Đây cũng là điều căn nguyên mà Chúa muốn nói với chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay khi trả lời sự đòi hỏi của các tông đồ: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”, Chúa nói:  “Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm.'”  Đây là đức tin và là phương cách tăng thêm đức tin, làm cho đức tin lớn mạnh: tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, hy sinh phục vụ và quảng đại đóng góp không cần sự đáp trả lại bằng những cảm tình thú vị, dễ chịu; những sự tán tụng; hay để kiếm sự tự cao làm vừa lòng chúng ta, nhưng làm những điều phải làm, để tôn kính Chúa và làm sáng danh Chúa. Sự đền bù sẽ đến và sẽ nhiều hơn lòng chúng ta mong ước, nhưng như ngôn sứ Ha-ba-cúc nói trong bài đọc 1: “Hãy chờ đợi nó.”  Nhưng ngôn sứ khẳng định: “Chắc chắn nó sẽ đến, không sai.”

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng hay thất bại, nếu chúng ta không ngã lòng hay bỏ rơi, “vì người công chính, (qua đức tin), sẽ sống nhờ trung tín.”

Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa