Thiên du ký

78

THIÊN DU KÝ

 

Thời gian vừa qua, Đài truyền hình Tp. HCM HTV2 trình chiếu bộ phim dài nhiều tập Tây Du Ký, chuyển thể từ tác phẩm Tây Du Ký diễn nghĩa của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân.

Đây là phiên bản mới, sản xuất năm 2010 của nam đạo diễn Trung Quốc, Trương Kỷ Trung. So với bộ phim trước đây của nữ đạo diễn Dương Khiết ra đời năm 1990, thì hai phiên bản có nhiều điểm khác nhau. Nhưng dù phim mới hay cũ, dù được trình chiếu rất nhiều lần, nhưng tính hấp dẫn, tính “thỉnh kinh”, tính thời sự “bản lai diện mục” của nó vẫn không suy giảm. Cái độc đáo của tác phẩm là dụng cái hư hư, ảo ảo, dụng bỡn cợt bông đùa, đả phá, … để chuyển tải cái thực của kiếp nhân sinh và cái hiện thực của cuộc sống xưa cũng như nay.

Dù chọn cách nào đi nữa, đọc truyện hoặc xem phim xong, chắc chắn một điều là độc giả hay khán giả đều cảm nhận một tâm lý bồi hồi, thao thức và mâu thuẫn xâu xé của “thất tình, lục dục” trong bản thân mỗi người. Riêng tôi nhận thấy – một cách nào đó – đời sống Kitô hữu của mình, cũng giống như hành trình “Tây du” của các thầy trò Đường tăng, đó là hành trình về nhà Cha trên trời. Hay nói khác đi, đó là hành trình “Thiên Du Ký” vậy!

*****

Thiên Du Ký – Hành trình về Nước Trời. Một hành trình đòi hỏi đời sống của tôi, cũng phải có một tâm tình, tính cách giống như các thầy trò của Trần Huyền Trang vậy! Con người Kitô hữu của mình cũng có những đòi buộc phải từ bỏ “cái tôi” của mình để đi theo Chúa, phải mỗi ngày chiến đấu và chiến thắng cái bản năng vật dục, cái chất “trư” của con người mình để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện giống Thầy Giêsu hơn (x. Mt 5,48). Lại cũng cần có quyết tâm sống dấn thân, từ-bi-hỷ-xả để tạo lập công nghiệp, phúc đức, để được siêu thoát (cứu rỗi) và giải thoát “chúng sanh” (thánh hóa) khỏi bể khổ trần gian. Nhưng muốn sống và thực hiện được những điều ấy cũng không phải dễ. Vì lẽ, con người luôn chịu những cám dỗ trước giàu sang, quyền lực và ái tình, … cũng như thầy Tam Tạng phải “tự thắng” chính mình trước Nữ vương nước Tây Lương vậy. Cuộc đời Kitô hữu của tôi cũng gặp những cám dỗ tương tự: nào là chức quyền, giàu sang, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, … Đó là những “loại lửa” để thử “vàng lòng” vậy! (I Pr 1,6-7)

Để đến được Tây Thiên Phật môn, thánh tăng Tam Tạng phải vượt qua 10.800 vạn dặm đường đồi núi, sông sâu, biển cả, đường xá bằng phẳng có, cong queo ngoằn ngèo có, qua biết bao phố xá, làng mạc, đồng không hiu quạnh, xuyên qua nhiều rừng sâu hiểm trở, … trải qua 81 nạn tai, hiểm nguy, đầy gian nan thử thách, lắm gian khổ cực nhọc. Cũng vậy, người Kitô hữu khi đã chọn cho mình con-đường-thiên du, đi theo Thầy Giêsu về Quê trời. Cũng được xem như thầy Đường tăng trong chuyến Tây du vậy. Phải luôn tỉnh thức, chiến đấu với ba-thù (ma quỷ, thế gian, thân xác); lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng, vì vượt qua được Tây-Lương-nữ-quốc thì vẫn còn đó động Bàn-Tơ, Hỏa-diệm-sơn ngùn ngụt lửa, … muốn vượt qua, nào ai dám chủ quan. Quán thông trên lý thuyết thì đơn giản, nhưng trên thực nghiệm tâm linh thì không phải dễ. Vì chắc gì mình biết tận dụng thời điểm hiện tại, khi đang sống trong hoàn cảnh bất lợi như thầy trò Đường tăng (x. Eph 5,16), vì mấy ai hiểu rằng mọi nỗi gian truân là số phận dành cho những người “thiên du” (x. Eph 3,3-4; I Pr 4,12-19).

Đường Tam tạng có thành công đến đích, là nhờ một tay đại đồ đệ Tôn Ngộ Không – Là hiện thân của lý trí, của tư tưởng, của trí khôn, của phán đoán. Đặc trưng của lão Tôn là trí tuệ, tài năng, sức mạnh. Lúc xưng là Tề thiên đại thánh thì kiêu ngạo, ngang ngạnh, ương bướng, quậy phá, không sợ trời sợ đất, chẳng e dè kiêng nể một ai, cho dù là Phật-Thánh-Tăng đi nữa. Sau được Đường tăng ngộ chứng, cứu thoát khỏi núi đè và thâu nhận làm đệ tử với pháp danh là Ngộ Không. Từ đây, Ngộ Không đã bớt những tính xấu, nóng nảy, ngang tàng, phách lối và biết vâng lời sư phụ, biết sống và hành động theo kỷ luật, khuôn phép, và mục đích thánh thiện. Những tính cách của Tôn Ngộ Không đều rất “người” và rất giống con người của mình.

Lại nữa. Là con người, ai cũng có “chất trư” trong thân, ai cũng có ít nhiều cái “tính xấu” của anh chàng Bát Giới. Cũng tham danh lợi, lười nhác việc đạo đức, ham mê ăn uống, nuông chìu xác thịt, ưa thích tửu sắc… Nếu “người” mà khống chế được “chất trư” này, thì “người” càng thêm giá trị. Bằng ngược lại thì càng “trư” hơn nữa !

Rồi trong mỗi con người, cũng có sẵn tính cách giống Sa Ngộ Tịnh. Ngại xây dựng, góp ý, sợ va chạm, an phận thủ thường, cam chịu, nhu nhược, không cầu tiến. Và sau cùng là Bạch Long Mã tam thái tử, một nhân vật ít ai chú ý, dễ bỏ sót. Đại diện cho phần thân xác của mỗi con người. Thân xác có vững vàng, mạnh mẽ, khang kiện thì mới đủ sức trường đồ thỉnh nhận chân kinh vậy!

Nhìn lại bản thân mình – là một Kitô hữu, trên con đường “thiên du” về Thiên Quốc – cũng có một lý trí, một tâm tình, cũng có thân xác, cũng có những tính cách tốt-xấu, những mâu thuẫn trong-ngoài cùng tồn tại trong con người mình. Chung qui cũng có tính cách, diễn biến tâm lý giống như cả năm thầy trò Đường tăng trên đường thỉnh kinh xưa kia!

Thầy trò Đường tăng đã thành công nhờ vào sự đoàn kết một lòng, thương yêu một dạ, đồng tâm nhất trí, tâm đầu ý hợp. Mặc dù trải qua không ít những hiểu lầm, giằng xé nội tâm, vượt qua chính mình…  Đó cũng chính là những diễn biến trong thân-tâm của mỗi người đi theo Chúa trên đường đến Nước Trời. Phải đối mặt chông gai, thử thách. Phải chiến thắng quỷ ma. Phải chiến thắng thế gian. Phải chiến thắng bản thân. Phải dứt khoát chọn lựa giữa thánh thiện – tội lỗi, tốt – xấu, sạch – dơ, chân thật – giả dối, linh hồn – xác thân, vĩnh cửu – hư nát, tỉnh thức – mê lầm (x. I Ga 3,3-10; I Pr 5,8-9).

Qua bài học Tây Du Ký, để đến được Nước Trời, thiết nghĩ mình phải sống tính cách quyết đoán nhưng đầy từ tâm của Huyền Trang Tam Tạng. Trí suy nhạy bén, phán đoán sáng suốt, hành động can đảm, phân minh thiện ác như Tôn Ngộ Không. Hãm dẹp, chế khắc, từ bỏ, giết chết những hư hèn, nặng nề, yếu đuối của xác thịt trong tính cách của Bát Giới, Sa Tăng và Bạch long mã (I Ga 4,7-12; Eph 4,23-32).

Cuộc đời mỗi Kitô hữu là một chuyến đi về Thiên-quốc với nhiều cám dỗ, cạm bẫy, nhiều gian nan, thử thách. Nào hỡi Trần-Tôn-Trư-Sa-Mã trong con người tôi: hãy vững tin, cố gắng và phải luôn chiến thắng “chính mình” nhé! Và hãy nhớ rằng: nếu ta trung tín với thầy Giêsu, chịu mọi gian lao, thử thách, cho dù thậm chí là cái chết; nhưng chắc chắn ta sẽ đạt được “chánh quả” Thiên Quốc vậy! (2Tm 2,11-12).

Cát Biển