Lòng sùng kính Đức Mẹ liên kết các sắc dân Châu Á Thái Bình Dương
Khi 3 ca đoàn cùng cất tiếng đồng ca bài “Kinh hãy nhớ” được tiết tấu bằng cung nhạc hiện đại thì một gia đình Việt Nam trong bộ sắc phục áo dài khăn xếp truyền thống, đại diện cộng đoàn, cung kính tiến lên cung thánh và long trọng đặt chiếc vương miện mỹ miều lên thánh tượng Đức Mẹ mà cộng đoàn đang qui tụ để tôn vinh. Tượng Đức Mẹ được đặt trên bàn thờ phía bên trái cung thánh, và phía sau là bức phù điêu Đức Kitô Vua được trạm khảm tỉ mỉ và công phu. Đức ông Vito Buonanno cho biết việc bài trí này hết sức hài hòa với tổng quan kiến trúc và nghệ thuật thánh của thánh đường này, vốn được cung hiến làm “ngôi nhà của Mẹ”. “Mẹ chính là trụ cột của Đức tin” và vì thế, Đức ông Buonanno mời gọi: Trong ngày hành hương tôn kính Đức Mẹ tại ngôi nhà của Mẹ, chúng ta qui tụ thành một cộng đồng, đa chủng tộc nhưng hiệp nhất.
Trong nghi thức tôn vinh Đức Mẹ, các bạn trẻ của cộng đoàn Hàn Quốc thuộc giáo xứ thánh Anrê Kim ở thành phố Olney, bang Maryland, trong bộ quốc phục “hanbok” truyền thống màu xanh dương, trắng và hồng xếp thành hình bán nguyệt và trổi lên hồi trống khai mạc. Đoàn rước đủ các màu sắc và thể loại lễ phục của các em thiếu nhi gốc Philippines, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Lào, Miến Điện, Pakistan, Samoa và Ấn Độ. Dẫn đầu các sắc tộc là người cầm biểu ngữ mang tên cộng đoàn của mình, sau đó là kiệu Đức Mẹ được trang hoàng theo truyền thống và sắc thái đặc trưng của từng sắc tộc, những người tham gia trong đoàn rước đều lần chuỗi Mân Côi trong suốc cuộc rước. Đi cuối đoàn rước là kiệu lớn cung nghinh Đức Mẹ được trang hoàng đèn hoa và cờ lọng đủ các màu sắc. Bốn bạn trẻ người Samoa đã múa vũ điệu truyền thống trong vũ khúc được trình tấu trên nền nhạc bài “Thánh ca và cử điệu,” hướng dẫn bởi đội trưởng Rosey Williams với chiếc mũ “tuiga” đặc trưng của Samoa được đơm kết công phu bằng tóc thật và lông vũ.
Đức cha Barry C. Knestout, giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Washington, DC đã chủ tế và giảng thuyết. Trong bài giảng, Đức cha chủ tế đã nhắc lại câu nói của thánh Augustinô để nhắc nhớ rằng con người chỉ thật sự được ngơi nghỉ khi chúng ta trở về cùng Chúa, và trên con đường lữ hành ấy chúng ta cần hướng đến những người khác nữa, “Chúa đã tạo dựng chúng ta để sống cộng đoàn.” Đức cha Knestout cũng nêu lên 2 điểm sáng trong hành trình thiêng liêng của Đức Mẹ: chính Mẹ đã trải nghiệm khổ đau khi Mẹ đồng hành với Con của Mẹ trên đường khổ giá và cũng chính nhờ sự thánh thiện ấy mà Mẹ đã được lên trời. Xin Chúa giúp chúng ta mở lòng ra để can đảm hành hương hướng đến sự trưởng thành trong đức tin và đức ái.
Trong phần dâng của lễ, đại diện các sắc tộc xếp hàng dài diễn tả ý tưởng nối liền các dân tộc khắp mọi miền của thế giới tiến lên Cung thánh với các loại lễ vật đặc sắc và đặc trưng, như Ba Vua đã tiến dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Hài nhi Giêsu năm xưa. Nét đặc sắc của cộng đoàn phụng vụ đa sắc tộc dường như rực nét hơn khi cộng đoan trao ban bình an cho nhau: các phụ nữ Ấn Độ trong bộ “sari” truyền thống trao và nhận bình an từ các chị em phụ nữ Hàn Quốc trong quốc phục “hanbok”, các cậu bé Samoa bắt tay những đứa trẻ gốc Ấn Độ, các nữ tu Việt Nam với những nụ cười nồng hậu làm ấm lên những lời chúc bình an với anh chị em xung quanh. Nữ tu Anna Nguyễn, SCC, phụ tá giám đốc Văn phòng Đa văn hóa thuộc HĐGM Hoa Kỳ, đã khen ngợi ca đoàn một cách rất nồng hậu: “Nhạc tấu của các bạn cho chúng tôi hiểu được một chút thế nào là thiên đàng!”
Có thể nói rằng, ngày hành hương về bên Mẹ của các cộng đồng sắc tộc gốc Châu Á Thái Bình Dương vừa qua là một cuộc hạnh ngộ đa sắc và đặc sắc, hiệp nhất trong đức tin và đức ái.
(Tổng hợp)
Thiên Phúc
(Nguồn: WHĐ)