Thử tìm hiểu câu: ”Ta phạt con cháu đến ba, bốn đời vì tội lỗi của cha ông” (Xh 20,5;34,7)

72

Thử tìm hiểu câu: ”Ta phạt con cháu đến ba, bốn đời vì tội lỗi của cha ông” (Xh 20,5;34,7)

Có người dựa vào ngữ trạng từ thời gian ”đến ba, bốn đời” để lập luận rằng tội tổ tông không ”di truyền muôn đời cho nhân loại”. Vì thế, trước khi mạo muội trình bày về ý nghĩa của câu vừa nêu ở tựa đề, để chứng minh rằng mọi người đều bị nhiễm tội tổ tông, tôi xin ghi lại những gì đã viết:

A– Trong bài ”Thử tìm hiểu về áo dài che thântrong Kinh Thánh”:

Chính Thiên Chúa đã mạc khải cho Tiên Tri Isaya về tội tổ tông mà hậu duệ bị nhiễm từ Adam-Eva, về áo lá dơ của hai ông bà, về việc ”chạy tội” mà ông bà ”lầm tưởng” là sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa và về các tội khác của con cháu nối dòng: ”Tất cả chúng con đã trở thành người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác của chúng con cuốn chúng con đi như ngọn gió.” (Isaya 64,5) Tiên Tri này cũng được Thiên Chúa mạc khải về ”Áo của Sự Cứu Rỗi” như sau: ”Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đấng Hằng Hữu, nhờ Thiên Chúa tôi thờ vì Ngài mặc cho tôi y phục cứu độ, choàng cho tôi áo dài đức chính trực như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.” (Isaya 61,10)

B– Trong bài ”Thử tìm hiểu thêm về nguyên tội”:

Trong Thư gởi Tín Hữu Roma (5,12), Thánh Phaolô viết: ”Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập vào trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì một người đã phạm tội.”

C– Ý nghĩa của câu ”Ta phạt con cháu đến ba, bốn đời vì tội lỗi của cha ông

Muốn hiểu rõ ý trong câu ở trên, thiết tưởng cần phải nêu:

1– xuất xứ

Câu ấy chỉ là một phần ngắn gọn trong Mười Giới Răn (Thập Giới) mà Thiên Chúa ghi vào Bia Đá trên núi cho ông Môsê khi Ngài vừa mới đem Dân Ngài thoát ra khỏi Ai-cập, chứ đâu có phải là Lời Ngài phán với Adam-Eva đã phạm tội trong Vườn Địa Đàng! Vốn là người nô lệ quen với nếp sống và suy nghĩ của kẻ bị trị, Dân Chúa cần Ngài giúp thành lập vương quốc đạo đức. Cho nên Mười Giới Răn được Chúa ban là ”Thánh Chỉ”, là ”Khuôn Vàng, Thước Ngọc”, cũng là ”Cấm Chỉ” hay Lời ”răn đe” để Dân Ngài đừng ”phản bội Ngài”, mà đi thờ hình tượng khác.

2– Văn mạch (contexte) như sau:

”Con chớ quì lạy trước các hình tượng đó và đừng phụng thờ chúng: vì Ta là Đấng Hằng Hữu, Thiên Chúa của con, tức là Thiên Chúa ghen tuông (1): Ðối với những kẻ thù ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.”

Phần vừa nêu được tóm tắt thành Giới Răn thứ nhất, tối quan trọng: ”Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Ngài trên hết mọi sự.” Trong Tân Ước, chàng thanh niên rất giàu có gọi Chúa Giêsu là ”Thầy tốt lành”, được Ngài ”trắc nghiệm”, tự hào rằng mình đã giữ đúng, từ hồi nhỏ, những    Giới Răn mà Ngài nêu lên. Nhưng chàng thất vọng, quá buồn rầu vì nghe Ngài dạy phải bán hết tài sản mà phân phát cho người nghèo khó, rồi đến theo Ngài để được sự sống đời đời. Hóa ra, chàng ta là hạng người mà Chúa lên án: ”Gia nhân không thể làm tôi hai chủ: vì hoặc sẽ ghét chủ này và mến chủ kia, hoặc tha thiết với chủ này mà khinh màng chủ nọ. Các người không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” (Luca 16,13) Vậy là chàng ấy ”tôn thờ” cái phù vân hơn yêu ”Thầy tốt lành” như chàng khẳng định và như Chúa đã ”gián tiếp” cho biết Ngài là Thiên Chúa! Chính Thánh Phaolô đã bỏ hết ”tiền tài, danh vọng” để theo Chúa, cũng cảnh cáo hạng người như chàng ta thế này: ”Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.” (Roma 1,23)

Vào thời Thánh Phaolô (sau khi Chúa Giêsu về Trời) và đến cả hôm nay, lắm người trong ”thiên hạ” vẫn không thờ Đấng ”Thiên Thượng”, mà lại đi ”tôn thờ” nhiều ”thần”, nhiều ”ông”, nhiều ”bà”, loài ma quỷ, nhiều thứ như ”bộ phận nào đó” của con người và nào là ”mặt trời, trăng, sao, núi non, rừng rú, đất đai, thú vật…” Như vậy, thử hỏi ”được mang hình ảnh của Thiên Chúa”, có lương tri, mà lại ”vô ơn” đối với ”Ông Trời” thì họ phải ”được” Thiên Chúa của Công Lý ”xử sự” thế nào đây?

Trong bài ”Có Thượng Đế”, tôi ”mượn” lời Thánh Phaolô (vốn là Saulô chuyên đi giết Kitô hữu) đã lên án hạng người tưởng mình là trí thức, nhưng vẫn mê muội như sau: ”Vì những gì thiên hạ có thể biết về Thiên Chúa thì đã được mạc khải cho họ. Từ thuở tạo thành vũ trụ, những việc tốt lành của Ngài mà mắt người đời không thấy được, tức là Quyền Năng vĩnh cữu và Thần Tính của Ngài. Do đó, họ vô phương chạy tội. Vì đã biết Thiên Chúa, nhưng họ không tôn vinh Ngài là Thiên Chúa và cảm tạ Ngài. Trái lại, họ suy luận lầm lạc và tâm trí ngu si của họ trở thành tối tăm. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ.” (Roma 1,19-22)

3– từ ngữ

a– Ngữ trạng từ (adverb phrase) ”đến ba, bốn đời

Ngữ trạng từ này bổ nghĩa động từ ”phạt”, chỉ rõ một giai đoạn có giới hạn. Như vậy, Thiên Chúa chứng tỏ Ngài quá bao dung ngay cả đối với con cháu ”ba, bốn đời sau” sẽ bị nhiễm tính di truyền (atavisme, hérédité) của những người ”xấu” cũng vừa được Ngài cứu khỏi ách làm nô lệ Ai-cập.

b– Nhóm chữ ”đối với những kẻ thù ghét Ta” (bản dịch chung của Công Giáo và Tin Lành Đức và bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Đó là những người ”xấu” như vừa nêu. Còn nguyên văn bản tiếng Pháp (Louis Segond), tiếng Anh (The Bible Societies) và tiếng Latinh thì: ”Ta phạt đến ba, bốn đời con cháu của những kẻ thù ghét ta.” (de ceux qui me détestent; of those who hate me; eorum qui oderunt me) Nhưng, đối với người tốt thì Lời Chúa lại khác: Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.” (Xh, 20,6)

Như vậy, nội dung (ở phần 3 a, b) chứng tỏ rằng hình phạt của Thiên Chúa không ”nói đến” tội tổ tông! Trái lại, Thiên Chúa ”sẽ” còn tỏ lòng thương xót đối với Dân Ngài trong Cựu Ước bằng nhiều hình ảnh và việc làm báo trước ”Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian”, tức là chính Chúa Giêsu ”lãnh lấy vị trí” (prend place) của Dân Ngài để chuộc tội cho họ như trong Matthêô 26, 27-28: ”Các con hãy uống chén này vì đây là máu Ta, máu Giao Ước đổ ra cho nhiều người (2) được tha tội.”

Thật ra, cũng nên hiểu rằng điều ”khuyến cáo” và ”lời hứa” của Thiên Chúa (trong Xuất hành 20,5-6) cùng có ý nghĩa là sự ”khuyến khích đề cao cảnh giác” nơi người làm cha hơn là nơi con cháu. Thiên Chúa Toàn Tri thấy trước tội lỗi của của Dân Ngài vì Lời Ngài đã được ứng nghiệm như thế này: ”Những kẻ còn lại trong số các người sẽ chết dần, chết mòn vì lỗi lầm của chúng, trong đất kẻ thù của chúng; chúng sẽ chết dần, chết mòn vì lỗi lầm của cha ông chúng, cộng với lỗi lầm của chúng.” (Lêvi 26,39) ‘‘Ðấng Hằng Hữu, Thiên Chúa của tổ tiên họ, vẫn không ngừng sai sứ giả của Ngài đến cảnh cáo họ vì Ngài hằng thương xót dân và Thánh Điện của Ngài. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Ngài và chế giễu các ngôn sứ của Ngài khiến Ngài bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Ngài đến vô phương cứu chữa.” (II Ký Sự, 36,15-21)

D– Lời kết

Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện nên Ngài dựng nên thọ tạo là Thiên Thần, vũ trụ và con người cũng tốt lành như trong Sáng Thế Ký: ”Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” Tuy nhiên, con người đồng lõa với Satan (những Thiên Thần kiêu ngạo) đã gây ra tội-muốn-bằng-Ngài. Tội ấy là cớ của vô số tội khác chưa hề có trong Vườn Địa Đàng. Cho nên con người có lý trí phải chịu trách nhiệm về các thứ tội ác của mình. Là ”Thẩm Phán Tối Cao”, Thiên Chúa phải thực thi Công Lý, thưởng phạt ”công minh, chính trực” để thánh hóa thế gian. Mà ”đỉnh cao” của Việc Thánh Hóa ấy là: Gánh tội trần gian, bị kết án, chết cho trần gian để trần gian được sống với Ngài vì Ngài là Tình Yêu Tuyệt Đối.

Ghi chú

1- Bài khác sẽ nói thêm về ”Thiên Chúa ghen tuông” và ý nghĩa hình phạt của Ngài.

2- Một số bản dịch: ”cho mọi người”. Nhưng, thật ra, nên dịch theo bản Hy-La-Anh-Pháp-Đức-Tây-ban-nha… là ”cho nhiều người”: περὶ πολλῶν; pro multis; for many; pour plusieurs; für viele; por muchos… Chúa phán: ”Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta.” (Gn 12,32) Chúa kéo mọi người. Nhưng không phải ai cũng để cho Ngài kéo ”theo Ngài”, chẳng phải ai cũng muốn đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy như Lời Ngài dạy các Tông Đồ!

Đức Quốc, 19.4.2013

Đaminh Phan văn Phước