Ông bà anh chị em thân mến. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ để minh chứng Ngài đã sống lại thật như lời Ngài đã hứa, để củng cố đức tin cho các ông ở hiện tại và trong tương lai, khi phải thi hành sứ mệnh làm chứng và rao giảng Tin mừng cho Chúa. Đây là một sứ mệnh quan trọng, và Chúa biết trước rằng các ông sẽ phải đối diện với những khó khăn, thử thách và đau khổ.
Bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với 7 tông đồ ở bờ biển Ti-bê-ri-a, là Phêrô, Tôma, Natanaen, Giacôbê, Gioan và 2 người khác không rõ tên. Chúng ta biết đa số các tông đồ của Chúa Giêsu là những người làm nghề chài lưới đánh cá. Khi được Chúa Giêsu kêu gọi, các ông đã bỏ tất cả nghề nghiệp để đi theo và sống với Người. Các ông đã ước mong có một tương lai huy hoàng, trở thành những người quan trọng và danh vọng. Nhưng sau khi Chúa bị bắt, bị vác thập giá, sau đó bị đóng đinh và chết trên thập giá như là một tội nhân, thì mọi ước vọng tiêu tan thành mây khói.
Sau khi đến nơi như lời Chúa bảo, các ông đã rủ nhau đi đánh cá, nhưng thất bại, không bắt được gì. Khi thuyền về gần đến bờ, thì Chúa Giêsu hiện ra nhưng các ông đã không nhận ra Chúa, có lẽ vì mệt mỏi, chán chường và thất vọng. Sau vài câu chào hỏi, Chúa bảo các ông trở ra biển thả lưới lại. Họ đã thả lưới suốt cả đêm mà không bắt được gì, bây giờ đang mệt mỏi, buồn ngủ và chán nản lại bảo thả lưới ở gần bờ chỗ chẳng bao giờ có cá thì hy vọng gì! Nhưng các ông đã vâng lời làm theo lời chỉ bảo đó, và đã được một mẻ cá lớn. Ông bà anh chị em thân mến. Đây chính là ý nghĩa, bài học quan trọng Chúa muốn dạy chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay.
Có một cha xứ thường dùng những sự kiện hay nhân vật trong bài Tin mừng để chia bài giảng thành nhiều phần. Thí dụ như trong câu truyện Đa-vít và Gô-li-át, vị linh mục đã dùng 5 hòn đá mà Đa-vít dùng để hạ Gô-li-át, để chia bài giảng thành 5 phần. Khi giảng về dụ ngôn 3 người đầy tớ quản lý tài chánh của ông chủ đi vắng, thì vị linh mục cũng dùng 3 người đầy tớ để chia bài giảng thành 3 phần. Vào một Chúa nhật, vị linh mục đã làm cho mọi người trong nhà thờ kinh hoàng khi tuyên bố với mọi người là sẽ chia bài giảng thành 153 phần theo số lượng cá Phê-rô và các bạn đã bắt được như bài Tin mừng hôm nay kể lại!
Thông thường, mỗi câu chuyện hay dụ ngôn trong Tin mừng có 4 ý nghĩa chính. Thứ nhất: ý nghĩa nguyên văn hay nghĩa đen; thứ hai: ý nghĩa biểu tượng hay nghĩa bóng; thứ ba: ý nghĩa chủ đích hay có ý muốn nói; và thứ tư: ý nghĩa cá nhân.
Thứ nhất, nghĩa đen của một bài Tin mừng, đơn giản là nguyên văn câu chuyện chứa đựng, diễn tả trong bài Tin mừng. Nhưng ý nghĩa của nhiều bài Tin mừng không luôn luôn rõ ràng. Tuy nhiên ý nghĩa của bài Tin mừng hôm nay thật rõ ràng! Thật sự, câu chuyện Chúa hiện ra với các tông đồ và theo lời bảo của Người, các ông đã bắt được một mẻ cá lớn, là một trong những đoạn văn rất quen thuộc nhất trong Tân Ước.
Ý nghĩa thứ hai là biểu tượng. Biểu tượng chính trong bài Tin mừng hôm nay chú trọng đến câu hỏi Chúa Giê-su nói với Phê-rô được lập lại 3 lần : “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Vậy biểu tượng hay nghĩa bóng chứa đựng trong 3 câu hỏi của Chúa Giê-su với Phê-rô mà ông cảm thấy buồn phiền là gì? Nhiều người hiểu rằng ba câu này liên quan đến 3 câu chối Chúa của Phê-rô trong ngày Chúa bị bắt. Họ nhận thấy ba câu trả lời của Phê-rô với Chúa là ba câu xác quyết lòng yêu mến, xóa bỏ và đền bù lại ba câu chối Chúa. Hay nói một cách khác, ba câu hỏi và trả lời, cho Phê-rô một cơ hội để cải chính và chuộc lỗi của mình.
Ý nghĩa thứ ba là chủ đích của bài Tin mừng. Lý do tại sao thánh Gioan viết, ghi chép lại câu chuyện này? Hay chủ đích của bài Tin mừng là gì? Hay thánh Gioan muốn nói gì với chúng ta qua câu chuyện trong bài Tin mừng? Công Đồng Va-ti-can đã trích dẫn ba câu nhắn nhủ của Chúa với Phê-rô “Hãy chăn dắt chiên Ta” là một bằng chứng hiển nhiên về việc Chúa ban cho Phê-rô quyền năng và trách nhiệm thay mặt Chúa như là người chủ chăn, chăn dắt đoàn chiên của Người. Hay nói một cách khác, Chúa tái xác nhận quyết định, ý định mà Chúa đã tuyên bố trước đây, khi Chúa nói “Phê-rô, con là Đá, và trên đá này Ta sẽ xây giáo hội… Ta sẽ trao ban cho con chìa khóa Nước Trời.”
Chúng ta thấy, trong dịp này Chúa đã có thể đổi ý định rút lại quyết định này và có thể nói với Simon Phê-rô rằng “Vì con đã chối Ta ba lần, nên Ta quyết định rút lại ý định, và trao ban cho người khác.” Nhưng Chúa Giê-su Ki-tô đã không làm như vậy. Người còn tái xác nhận ý định của chính mình chọn Phê-rô làm chủ chiên.
Sau cùng là ý nghĩa thứ tư: ý nghĩa cá nhân và đây cũng chính là ý nghĩa mà qua câu chuyện trong bài Tin mừng, Chúa muốn ban cho cho mỗi người chúng ta, những người nghe lời Chúa hôm nay. Hay nói một cách khác, Chúa dùng Kinh thánh, Tin mừng để nói với chúng ta một cách riêng tư. Thí dụ như trong một sự kiện khi Phê-rô nói với Chúa rằng ông, một người đầy kinh nghiệm, đã thả lưới bắt cá cả đêm nhưng không được con cá nào. Nhưng khi nghe Chúa bảo ông hãy ra biển và thả lưới lại. Phê-rô đã nghe lời và kết quả thật lạ lùng. Phê-rô và các bạn đồng nghiệp đến giúp đỡ đã bắt được một mẻ cá ngoài sức tưởng tượng được diễn ta qua con số 153. Vậy thì ý nghĩa cá nhân là gì? Thưa là trước đó Phê-rô và các tông đồ đã cố gắng hết sức làm việc bắt cá một mình, nhưng sau đó có Chúa, nghe lời và thực hành lời Chúa chỉ bảo thì thành công một cách lạ lùng. Và đây là bài học Chúa dạy chúng ta đừng bao giờ dựa vào tài, vào sức, vào khả năng của chính mình, mà phải có Chúa và dựa vào Chúa chúng ta sẽ vượt được những khó khăn, để có kết qua tốt, thành công.
Ông bà anh chị em thân mến. Như Phê-rô và các tông đồ xưa trước đó đã thất bại khi đánh cá một mình, có lẽ đã từ lâu, chúng ta đã cố gắng cầu nguyện, hy sinh phục vụ hay làm việc tốt lành một cách hăng say, nhiệt tình và khó nhọc một mình, theo ý riêng mình, cho nên những lời cầu nguyện, sự hy sinh và việc tốt lành không đem lại kết quả gì hay chỉ có kết quả ít. Có lẽ lý do mà chúng ta thất bại hay không được như ý nguyện là vì chúng ta quên lời Chúa nói với các môn đệ theo Chúa “Thầy là cây nho, chúng con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái vì không có Thầy, các con không thể làm được gì.” (John 15:5)
Chúng ta nhận thấy, Phê-rô đã xác quyết lòng yêu mến của mình với Chúa Giê-su ba lần “Thưa Thầy, Thầy biềt rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.’’ Sau đó, khi Chúa về trời, Phê-rô, qua sự hiện diện và lòng yêu mến Chúa chân thành, đã không quản ngại khó khăn và đau khổ, quyết tâm hy sinh và trung thành với Chúa để trở thành chứng nhân và rao giảng lời Chúa cho mọi người. Đối với chúng ta ngày nay cũng thế, nếu chúng ta không có Chúa trong đời sống, không có lòng yêu mến Chúa chân thành, thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, phục vụ, hy sinh là khó khăn, vác thánh giá là một cực hình, quảng đại và giúp đỡ là sự so đo tính toán của chính chúng ta. Còn nếu chúng ta có Chúa, có lòng yêu Chúa chân thành thì cầu nguyện là một việc thích thú; hạnh phúc khi đến nhà thờ; vui mừng khi hy sinh phục vụ, và giúp đỡ và quảng đại vì tha nhân, vì Chúa. Cho nên, muốn sự cầu nguyện, sự hy sinh phục vụ, lòng quảng đại, bác ái có kết quả và có một đức tin sâu sắc và trưởng thành hơn thì phải có sự hiện diện của Chúa trong đời sống hàng ngày. Muốn có một đời sống đạo sốt sắng và nhiệt thành thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa chân thành. Yêu mến Chúa thì hăng say sống đạo tích cực. Một khi chúng ta đã có lòng yêu mến Chúa thật sự, thì sẽ không còn những cản trở để dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân, lòng quảng đại, bác ái của chúng ta được mở rộng. Có Chúa hiện diện và vâng lời Chúa, Phê-rô đã bắt được một mẻ cá lạ lùng, và ơn sủng cứu độ còn tiếp tục cho đến ngày nay. Tin mừng cũng cho chúng ta biết, Chúa đã hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” Đó cũng là câu hỏi Chúa hỏi chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy thành tâm nhìn vào đời sống, và trả lời Chúa như thế nào? Chúng ta thật sự có Chúa trong đời sống hay không? Phê-rô đã từ bỏ ý riêng, sự cứng lòng và tự hào về những kinh nghiệm, lão luyện của mình trong nghề đánh cá, để nghe lòi và thực hành sự chỉ bào của Chúa. Cho nên muốn có Chúa và có lòng yêu mến Chúa chân thành, chúng ta cũng phải noi gương Phê-rô.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa