Chúa nhật Lễ Phục Sinh Năm C_2013

100

Chúa nhật Lễ Phục Sinh Năm C 2013

Ông bà anh chị em thân mến.  Có một câu chuyện về một quân nhân tên là Mike ở Kansas trong chiến tranh vùng vịnh năm 1991.  Ngay sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt, người mẹ nhận được một tin mà bất cứ người mẹ của một quân nhân nào cũng không bao giờ muốn nhận. 

Hai quân nhân trong đồng phục tiến vào công ty bà đang làm, và thưa với bà con bà đã tử thương.  Người mẹ nấng lên tiếng khóc nghẹn ngào và ngất xỉu.  Sau đó bà được đưa về nhà và bà tiếp tục khóc thương cho đứa con của mình.

Vào một buổi chiều hôm Thứ Sáu mấy ngày sau đó, khi bà đang trong bếp nấu nướng thì điện thoại reo, bà nhấc lên và có tiếng bên kia nói rằng: “Thưa mẹ, đây là Mike con của mẹ.  Con còn sống.”  Và ông Mike phải lập đi lập lại 3 lần người mẹ mới hiểu người đầu giây bên kia muốn nói gì.

Ông Mike thưa với mẹ rằng ông còn sống.  Tay và chân ông bị thương vì bị mìn của quân thù, nhưng bây giờ thì đang chống nạng mà đi.  Ngoài ra ông bình thường.  Mẹ của ông bắt đầu khóc, nhưng bây giờ khóc và những giọt nước mắt trong niềm quá vui mừng.  Đứa con trai của bà thật sự còn sống.

Sau đó phóng viên nhà báo và truyền hình hỏi bà sẽ ăn mừng đứa con trở về nhà như thế nào?  Bà trả lời rằng bà sẽ chỉ ôm lấy con cho đến chết.

Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện tuyệt vời trên đây cũng tương tự và có những chi tiết giống như câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 2013 năm.

Giống như Chúa Giê-su, đứa con của người mẹ ở Kansas đã bị tử thương trong tay của quân thù, khi thi hành nghĩa vụ mà ông ước muốn.  Cũng như trong trường hợp của Chúa Giê-su, cái chết của ông Mike đã làm cho những người thân yêu khóc thương gần 2 ngày.

Và thật sự như trong cảnh huống của Chúa Giê-su, tin báo ông Mike còn sống không chết, đã làm cho tâm hồn của những người thân yêu và bạn bè tràn đầy sự vui mừng.

Cuối cùng, trong một sự trùng hợp lạ lùng với câu chuyện của Chúa Giê-su, tay và chân ông Mike cũng bị thương tích như tay chân của Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá.

Nhưng những sự trùng hợp giữa ông Mike và Chúa Giê-su ngưng ở đây.  Cái chết của ông Mike chỉ là đoán ra thôi, còn Chúa Giê-su thì thật sự đã chết.  Hơn nữa, sự “sống lại” của ông Mike , nếu chúng ta cho là vậy, chỉ là trở về với đời sống cũ mà thôi.  Còn sự sống lại của Chúa Giê-su thì vượt qua một sự sống cao cả hơn mà chưa có một con người nào có kinh nghiệm.  Sự sống mới của Chúa Giê-su là một sự phục sinh không phải tỉnh lại, phục hồi lại.

Ở đây chúng ta phải phân biệt một cách rỏ ràng, phục sinh không có nghĩa là phục hồi lại cuộc sống cũ như trong trường hợp của ông Lazarô, được Chúa cho sống lại, hay trong trường hợp của bà góa Nain, hay con gái ông Zai-rợt. Danh từ phục sinh được ám chỉ một sự vượt qua một đời sống hoàn toàn mới và khác biệt mà chưa có một con người nào đi qua, hay có kinh nghiệm. Hay nói một cách khác, thân xác của Chúa Giê-su sống lại biến đổi một cách hoàn toàn khác với thân xác chết trong ngày Thứ Sáu tuần thánh.   Thánh Phao-lô so sánh một thân xác trước khi sống lại như là một hạt giống chôn xuống đất và sinh ra, đâm ra một thân cây.  Và ngài nói rằng: “Việc kẻ chết sống lại cũng như hạt lúa mì gieo xuống đất trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang.  Gieo xuống là xác phàm, sống lại trong xác thiêng.”  (1Cr. 15, 42-44)

Và thưa ông bà anh chị em. Sáng hôm nay, chúng ta mừng sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô.  Và sự sống lại của Chúa nói với chúng ta rằng sự biến đổi sự sống cá nhân xảy ra cho Chúa, không phải chỉ giới hạn cho chính Người mà thôi, mà còn cho mỗi người chúng ta.   Tất cả chúng ta là những người tin vào Chúa cũng sẽ tiến đến sự sống lại, phục sinh.  Thân xác của tất cả chúng ta cũng sẽ chia sẽ cuộc biến đổi lạ lùng của Chúa.

Nếu chúng ta tìm hiểu Kinh thánh thì chúng ta sẽ khám phá ra một sự thật là không chỉ thân xác Chúa Giê-su biến đổi một cách lạ lùng trong ngày sống lại, mà còn cả các tông đồ cũng biến đổi như vậy.  Phục sinh đã biến đổi một nhóm người nhát đảm trở thành những người truyền giáo can đảm và dũng mạnh.  Qua mệnh lệnh của Chúa Giê-su, họ đã mang theo sứ mệnh phục sinh đi khắp 4 phương trời của trái đất. Mỗi nơi các tông đồ đến rao giảng, quyền năng của phục sinh đã từ từ biến đổi cuộc sống của những người tiếp nhận, như đã xảy ra cho các tông đồ.  Những sự kiện tốt đẹp đã bắt đầu xuất hiện.  Thất vọng đã biến đổi thành hy vọng, tối tăm đã biến sang ánh sáng, thù hằn đã biến đổi thành yêu thương, buồn sầu đã biến đổi thành vui mừng.  Thật sự, những nơi các môn đệ Chúa đến rao truyền, những phép lạ đả xảy ra trong đời sống của con người, từ mãnh lực của phục sinh.  Và những phép lạ này còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay, một cách cụ thể, đã biến đổi đời sống của những tân tòng tối hôm qua.

Ông bà anh chị em thân mến.  Đây là tin vui mừng mà chúng ta cử hành trong ngày mừng lễ Chúa Giê-su phục sinh hôm nay.  Xin sức mạnh của phục sinh tiếp tục biến đổi đời sống của mỗi người chúng ta, và giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm và trung thành với Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa