Chuyện bát súp gà: tình bạn bền chặt cuả ĐTC Phanxicô với Do Thái Giáo
Mỗi ngày người ta tìm ra thêm một câu chuyện hứng thú về vị Cha Chung cuả người Công Giaó, hôm nay là đến phiên một mục sư Do Thái (Rabbi) làm nhân chứng cho một tình bạn thắm thiết chưa từng có.
Tình bạn đó bắt đầu với câu chuyện một bát súp gà, dẫn đến sự cải thiện quan hệ giữa Công Giáo và Do Thái Giáo.
Rabbi Abraham Skorka nhớ lại gặp vị ‘tân Phụ Tá Tổng Giám Mục’ Jorge Mario Bergoglio trong một buổi lễ nhân dịp Quốc Khánh hai mươi năm về trước.
Chúng tôi đã bắt tay nhau và “Ngài nhìn sâu vào mắt tôi,” Rabbi Skorka kể lại kỷ niệm về một người bạn mà sau này sẽ được bầu làm Giáo Hoàng Phanxicô. “Ngài nói với tôi,’Tôi nghĩ năm nay chúng ta sẽ có dịp ăn súp gà.’ “
Tiếng ‘Gà’ có liên hệ với túc cầu Argentina. Những người hâm mộ đội bóng River Plate thường bị phe đối phương đặt cho một tên lóng là “gà”. Rabbi Skorka ủng hộ đội bóng River Plate, ngược lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ‘fan’ cuả đội San Lorenzo.
Khi nghe ngài nói giỡn về chuyện ‘nấu súp gà’, Rabbi Skorka cảm nhận được ngay là người đối thọai với mình không chỉ là một ‘giáo sĩ đồng lưu’ nhưng có thể là một ‘tri kỷ’ nữa.
“Tôi cảm thấy như ngài trao cho tôi một tin nhắn là ‘Nếu bạn muốn làm bạn với tôi, cánh cửa đã mở rộng. Đừng câu nệ lễ nghi gì cả'”
Rabbi Skorka là viện trưởng Đại Chủng Viện Giáo Sĩ Do Thái Châu Mỹ Latinh ở Buenos Aires và là một trong những nhà lãnh đạo Do Thái Giáo của Argentina.
“Tôi có cảm giác rằng ngài muốn trở thành một cây cầu nối”.
Không rõ hai vị đã ‘cá độ’ với nhau về đội River Plate và San Lorenzo thắng thua thế nào, nhưng câu chuyện về túc cầu là cái cầu nối ban đầu giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo. Tình bạn của họ đã vượt ra ngoài thể thao và giúp đưa các Kitô hữu và người Do Thái xích lại gần nhau hơn sau một thời gian dài không có thân thiện ở Argentina.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô bây giờ sẽ phải đương đầu với những thách đố để cải thiện mối quan hệ giữa hai tôn giáo trên cấp độ quốc tế, nhưng Rabbi Skorka nói rằng kinh nghiệm ở Argentina sẽ là những ví dụ cho cả người Công Giáo lẫn người Do Thái.
“Chúng tôi hiểu rằng chỉ có sự cộng tác với nhau thì chúng ta mới có thể làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn”, ông nói.
Vị giáo sĩ Do Thái kể lại một kỷ niệm khó quên khi ông chở Đức Giáo Hoàng Phanxicô về nhà sau khi ngài được mời diễn thuyết tại hội đường Do Thái vào đêm trước của một ngày lễ Do Thái – đây là một dịp hiếm hoi mà vị ‘giám mục’ chấp nhận đi xe riêng của một ai. (Ngài thường đi xe búyt)
“Trong suốt cuộc hành trình, ngài liên tục nói với tôi: ‘Hãy tin tôi, tôi cầu nguyện nhiều cho ông và cho cộng đồng Do Thái'”.
Hai nhà lãnh đạo tôn giáo thường xuyên nói chuyện với nhau. Họ cầu nguyện chung và tham gia các nhóm liên tôn và xuất hiện chung trên TV trong những chương trình truyền hình với một mục sư Tin Lành.
“Chúng tôi không chuẩn bị gì cả,” theo lời Rabbi Skorka. “Tất cả chúng tôi đều đến và sử dụng những ý tưởng sẵn có ở trong đầu.”
Rabbi Skorka đã viết ‘lời khai lộ’ cho một cuốn sách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về dòng Tên. Hai vị là đồng tác giả cuả một cuốn sách khác, “Về Trời và Đất” (“On Heaven and Earth”)[1].
Giáo Hoàng Học viện của Argentina, do Tổng giám mục Buenos Aires (Đức Giáo hoàng) giám sát, đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho Rabbi Skorka vào năm 2012.
Vị Giáo sĩ Do Thái cho biết việc được trao văn bằng trong dịp kỷ niệm thứ 50 của Công Đồng Vatican II là một bước ngoặc lịch sử.
“Những người từng biết rõ về viện Đại học Công Giáo này nói với tôi rằng hành động này không thể thực hiện được cách đây 10 năm về trước, vì đó là một cuộc cách mạng”.
“Cuộc cách mạng đã được ‘Hồng Y’ Bergoglio tạo ra”.
Nhiều quan sát viên ở Argentina cũng có những ghi nhận tương tự về việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cải thiện mối quan hệ với cộng đồng người Do Thái lớn nhất ở Châu Mỹ Latinh.
“Bergoglio là một nhân vật có ảnh hưởng nhất… trong các sáng kiến liên tôn”, theo lời ông Sergio Berensztein, nhà phân tích chính trị độc lập tại Buenos Aires.
Berensztein, cũng là người Do Thái, cho biết người Công giáo đã thực hiện nhiều hành động ‘bài Do Thái’ trước đây, “nhưng kể từ khi Bergoglio trở thành nhân vật chính của giáo hội ở đây, điều đó đã không còn xảy ra nữa. “
Trong thời gian làm phụ tá Tổng giám mục, Đức Giáo Hoàng đã giúp những người bạn Do Thái dựng lên một đài tưởng niệm trận đánh bom trung tâm Do Thái AMIA và các nạn nhân Holocaust[2] trong nhà thờ chính toà Metropolitan ở Buenos Aires[3]. Đài tưởng niệm là một bức tranh khắc trên tường rập theo khuôn mẫu ở Berlin và có một tủ kính mạ bạc để bảo tàng các cổ vật cuả Do Thái giáo như đèn menorah, ngôi sao David, và nhiều sách kinh cá nhân tìm lại được từ các trại Tập Trung Treblinka, Auschwitz và Warsaw.
Đây là đài tưởng niệm Holocaust duy nhất trong khuôn viên một nhà thờ Kitô giáo, theo báo cáo cuả Quỹ tài trợ Quốc tế Raoul Wallenberg.
Riêng người bạn thân cuả ĐGH, Rabbi Skorka, ông bày tỏ một niềm vui cao độ khi có một người bạn làm giáo hoàng, nhưng cũng tỏ ý buồn.
“Tôi vẫn muốn còn có thể làm việc với ngài, nhưng ngài bây giờ phải làm việc trên một cấp độ thế giới rồi,” Rabbi Skorka than thở như vậy.
Nhưng ông cũng nói thêm “Tôi không nghi ngờ về tình cảm của tôi dành cho ngài, và tình cảm mà ngài có trong trái tim dành cho tôi”.
Trần Mạnh Trác
[1] Sách “Về Trời và Đất”, xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha năm 2010, sẽ được phát hành tại Hoa Kỳ và Canada vào ngày 07 Tháng 5 tới, với tựa đề “On Heaven and Earth: Pope Francis on Faith, Family and the Church in the 21st Century”.
Đức giáo hoàng, khi còn là Hồng Y Jorge Bergoglio của Argentina, cùng viết cuốn sách với Rabbi Abraham Skorka, viện trưởng Đại Chủng viện giáo sĩ Do Thái Châu Mỹ Latinh ở Buenos Aires, theo thể hội thoại.
Những trao đổi bao gồm nhiều chủ đề như Thiên Chúa, chủ nghĩa vô thần, phá thai, Holocaust, hôn nhân đồng tính, trào lưu chính thống và toàn cầu hóa v.v.
Cuốn sách được quảng cáo là sẽ cung cấp các quan điểm của ĐGH Phanxicô về những nỗ lực tăng cường mối quan hệ giữa các tôn giáo.
[2] Trận đánh bom trung tâm Do Thái AMIA ở Argentina xảy ra năm 1994, người ta nghi là do Iran chủ mưu, 87 người chết, 100 bị thương. Cuộc diệt chủng Holocaust trong thế Chiến 2 đã giết chết 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã.
[3] Đài tưởng niệm được khánh thành năm 1997, tới nay vẫn là một di tích du lịch được quảng cáo nhiều ở Buenos Aires.