Giáo Dục Tính Trung Thực Và Tình Cảm để có được môi trường lành mạnh trong đời tu

357
Giáo Dục Tính Trung Thực Và Tình Cảm
Để Có Được Môi Trường Lành Mạnh Trong Đời Tu

Giáo dục giữ vai trò then chốt định hình nhân cách
và chi phối suy nghĩ và hành vi của con người.
Nhưng cứ nhìn vào hiện trạng giáo dục với đầu ra hiện nay,
chúng ta phải giật mình tự hỏi: Nền giáo dục hiện nay
định hình nên loại nhân cách nào? 
Nền giáo dục của ta đang đi về đâu?
Và nếu phải làm lại thì phải bắt đầu từ đâu?
Người trẻ hôm nay đi vào đời tu đang chịu tác động nào
của một nền giáo dục như thế.

Lm. Antôn Vũ Hữu Lệ, OFM

 

Phạm vi giáo dục nước ta bấy lâu nay luôn là đề tài mang tính thời sự, và đặc biệt những năm vừa qua khi những chuẩn mực đạo đức nền tảng như “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, “tam cương ngũ thường” hoặc “công dung ngôn hạnh” càng ngày bị coi nhẹ. Khi nhìn vào những biểu hiện của xã hội, tích cực lẫn tiêu cực, người ta đều qui cho giáo dục, ví dụ như nền giáo dục nào đã nắn đúc ra những con người gây ra tình trạng tại lễ hội “phố hoa Hà Nội” đêm 31-12-2008[1], rồi những tệ nạn như: tham nhũng, hối lộ, cướp bóc, gian dối về bằng cấp và trong thi cử…. Một đường lối giáo dục đúng đắn sẽ xây dựng nên những con người lành mạnh giúp xã hội bền vững ; và ngược lại, sự bất cập, áp đặt, hình thức… sẽ đẻ những con người dị dạng, bất toàn làm băng hoại xã hội.

Người bước vào đời sống tu trì cũng không đi ra ngoài qui luật đó. Hội Thánh và Qui chế huấn luyện mỗi dòng tu cung cấp những nguyên tắc về huấn luyện tu sĩ, nhưng với con người cụ thể trong xã hội hiện nay đi vào đời sống tu trì khiến các nhà huấn luyện phải vận dụng các nguyên tắc ấy để có những thích ứng cụ thể.

I. NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG XÃ HỘI THẤY VÀ NÓI GÌ VỀ ĐƯỜNG LỐI GIÁO DỤC HÔM NAY

Chúng ta thử lược qua vài nhận định, đánh giá của một số nhân vật có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà để từ đó thấy được một số đường nét của bức tranh giáo dục hiện nay của ta.

1. Sự nóng vội, óc duy ý chí, cẩu thả do chạy theo thành tích

Khi nhận định về tình trạng khập khiễng của hiện trạng giáo dục đất nước chuẩn bị bước vào ngôi nhà chung toàn cầu hoá, Giáo sư Tiến sĩ Lê Ngọc Trà thuộc Viện nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, tại cuộc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba (4-7/12/2008), diễn ra tại Hà Nội đã phát biểu: “Toàn cầu hóa đã mang vào VN bức tranh hấp dẫn của các nền giáo dục tiên tiến. Bức tranh ấy lôi cuốn các nhà quản lý giáo dục, làm cho họ thấy cần phải thay đổi giáo dục VN cho thật nhanh, thay đổi cùng một lúc tất cả. Tuy nhiên, nguyện vọng tốt đẹp nhưng duy ý chí ấy đã đẻ ra phương châm “đi tắt đón đầu”.

Nhiều chủ trương ồ ạt về giáo dục hiện nay như: hai vạn tiến sĩ, xếp loại đại học, đào tạo theo tín chỉ, tăng học phí ở giáo dục phổ thông phản ánh tâm lý muốn “nhảy vọt”, muốn bắt chước các nước tiên tiến, muốn nhanh chóng thực thi quan niệm xem giáo dục như một hoạt động dịch vụ, có tính chất thị trường mà quên rằng giáo dục đại học ở các nước ấy đã phát triển trước chúng ta hàng trăm năm; rằng cơ sở vật chất của trường học ở ta còn vô cùng nghèo nàn; rằng đồng lương của thầy giáo còn không đủ ăn…”. Và cũng vì quá nóng vội, muốn đạt được những “con số thành tích” như các nước khác, từ đó nảy sinh ra thứ bệnh có thể nói là nan y trong mọi lãnh vực là bệnh thành tích. Có những con số thật cao, thật đẹp, nhưng đó là những con số ảo, không đúng thực chất.

Cần ra sức giữ lấy “bản sắc” của mình. Mỗi nước có một nền văn hoá đặc thù vì thế giáo dục phải phù hợp với văn hoá của dân tộc ấy, vì vậy không thể tách rời giáo dục và văn hoá. Không thể nào rập khuôn lối giáo dục Tây phương cho nền giáo dục VN; cũng không thể nào thấy người ta có nhiều tiến sĩ, nhiều đại học…thế rồi đưa ra những tiêu chuẩn ấy cho VN, bởi vì: “Văn hóa và giáo dục là những thứ hình thành dần dần, không phải muốn là có ngay một lúc. …Bởi vì văn hóa và giáo dục là vấn đề con người, vấn đề đời sống tinh thần và nhân cách của cá nhân, mà mỗi cá nhân là một số phận, một vũ trụ riêng tư không lặp lại, gắn với môi trường, với cộng đồng bằng trăm ngàn sợi dây liên hệ khác nhau.”

Cần phải nhận diện ra đâu là cái chính và đâu là cái phụ trong giáo dục hầu có thể giữ lấy bản sắc riêng của mình, vì giáo dục: “Chủ yếu không nằm trong việc truyền bá tri thức mà nằm trong quá trình bồi dưỡng ý thức về các giá trị, quá trình làm cho cá nhân không chỉ thông minh và mạnh mẽ hơn mà còn nhân hậu hơn, có đời sống tâm hồn phong phú hơn. Để tồn tại trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi dân tộc cần phải có cái riêng của mình”[2].

2. Tình trạng bất cập, thiếu đồng bộ trong giáo dục

Khi đưa ra những tiêu chí về giáo dục, người ta thích dùng những từ thật kêu như giáo dục phải tạo ra những con người vừa “hồng vừa chuyên”. Hồng thế nào và chuyên sao được khi một chương trình đào tạo chắp vá, thiếu thực tế, cơ sở vật chất rách nát, đội ngũ giáo viên thiếu thầy có phẩm chất và chuyên môn.

Trong bài “Việt Nam đi theo triết lý giáo dục nào?”, Giáo sư Chu Hảo đã liệt kê ra một số yếu tố, như là những yếu tố hàng đầu gây ra những bất cập của nền giáo dục hiện nay:

– “Hệ thống GDQD của chúng ta không đồng bộ, không liên thông, mất cân đối trầm trọng.

– Nội dung giáo dục (chương trình, sách giáo khoa) của chúng ta bất cập về mặt khoa học, rất nặng nề về thời lượng và nhiều nội dung không thiết thực.

– Phương pháp dạy và học ở các cấp đều lạc hậu, cơ sở vật chất và kỹ thuật quá thiếu thốn.

– Công tác quản lý giáo dục yếu kém thể hiện ở ba mặt: tài chính công được sử dụng kém hiệu quả và không minh bạch.

– Thiếu vắng hẳn đội ngũ chuyên gia về phát triển chương trình giáo dục; không coi trọng hệ thống đo lường, trắc nghiệm để đánh giá giáo dục một cách khách quan và thường xuyên…”[3]

3. Tính “áp đặt” trong giáo dục tạo ra thứ học “giả” chứ không phải học “thật”

Chúng ta đều đồng ý rằng giáo dục luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì nó quyết định tương lai của mỗi người và của cả xã hội. Nói cách khác, giáo dục chuẩn bị lực lượng tương lai cho xã hội. Thực trạng nhức nhối của nền giáo dục Việt Nam hiện nay – nguyên nhân làm trì trệ sự phát triển – đặt ra vấn đề phải chấn chỉnh việc giáo dục sao cho phù hợp với xu thế phát triển của thế giới nhưng lại hài hoà với bản sắc của dân tộc Việt Nam là một thách đố lớn nếu dám thực hiện một công cuộc “cải cách giáo dục” đúng thực chất. Vấn đề được đặt ra: sự trong sạch trong giáo dục.

Theo ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch Tổng giám đốc InvestConsult Group thì thách đố đó là sự trong sạch hoá hệ thống giáo dục.

“…Trong sạch hóa hệ thống giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Chạy theo bằng cấp, mua điểm hay đạo đức tha hóa của một số giáo viên hiện nay là những vấn nạn của ngành giáo dục Việt Nam. Kết quả là ngành giáo dục của chúng ta chỉ tạo ra những tấm bằng chứ không phải là tạo ra con người”[4]. Đúng như nhiều người vẫn chơi chữ: lối học hôm nay tạo ra những học giả chứ không phải học thật! Vẫn theo ông thì sự trì trệ của nền giáo dục hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là sự áp đặt trong giáo dục. Vì thế, để xã hội hóa giáo dục phát huy tác dụng, thì phải đủ can đảm “triệt tiêu các hành vi giáo dục mang màu sắc và động cơ chính trị thô thiển; phải làm như thế để trả về cho giáo dục nhiệm vụ, vai trò và giá trị cao quý của nó”.[5]

4. Có sự công bằng trong giáo dục hiện nay?

Trong giáo dục, xét về nguyên tắc thì tất cả mọi người, nhất là trẻ em phải được hưởng một nền giáo dục toàn diện [6] và xứng hợp đồng thời mang đậm sắc thái dân tộc [7]. Thế nhưng trong một xã hội mà sự phân cực giàu nghèo quá lớn như hiện nay để đáp ứng được đòi hỏi này quả là một điều không tưởng. Làm thế nào những người nghèo có thể hưởng được một nền giáo dục tốt, toàn diện là một vấn nạn dường như không thể vượt qua. Thế mà, trong việc xã hội hoá giáo dục, người ta lại quá nhấn mạnh nhiều đến sự đóng góp của người dân: “Xã hội hóa giáo dục là vận động phụ huynh đóng góp nhiều hơn cho nhà trường”, theo Tiến sĩ Dương Thiệu Tống thì: “Xã hội ngày càng phân cực giàu nghèo nên không thể bắt phụ huynh nghèo đóng học phí bằng phụ huynh giàu. Đó là sự mất công bằng trong giáo dục”, mà trẻ em Việt Nam phải được giáo dục trong nền văn hoá của dân tộc.

Ngân hàng thế giới đưa ra một số liệu cho thấy nghịch lý về sự đóng góp của phụ huynh cho nhà trường của con em mình: “Ở Việt Nam, ngoài ngân sách của nhà nước, xấp xỉ một phân nửa chi phí giáo dục là do cha mẹ học sinh đóng góp: 44% ở bậc tiểu học, 49% ở bậc THCS và 51% ở bậc THPT”. Theo giáo sư Dương Thiệu Tống thì: “Chi phí này là quá nhiều so với thu nhập của phần lớn gia đình công chức hoặc lao động nghèo. Khổ nỗi nhiều nơi người ta cứ vin vào khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để thu bừa”. Rốt cuộc là thiếu sự công bằng trong giáo dục, tình trạng bỏ học [8] xảy ra càng ngày càng nhiều và sự phân cực trong giáo dục càng ngày càng lớn và vô hình trung tạo ra một lực lượng đối kháng giàu – nghèo ngay trong lòng đất nước XHCN!

Trong bản góp ý cho dự thảo lần thứ 14 mới đây về “chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020” người ta đã nhắc đến sự thiếu sót nghiêm trọng: coi nhẹ giáo dục đạo đức và sự dễ dãi trong việc thành lập các trường đại học.

Ông Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc sở Giáo dục-đào tạo Tp.HCM nhận định: “Tình trạng nhà trường chỉ lo chạy theo “số lượng” (được hiểu là điểm số, tỉ lệ lên lớp và thi đậu, khối kiến thức trong các môn phải thi tốt nghiệp, thi ĐH) mà coi nhẹ việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, coi nhẹ các môn khoa học nhân văn. Hậu quả là xuất hiện những nhận thức, hành vi thói quen lệch xa các chuẩn mực đạo đức xã hội trong một bộ phận ngày càng đông của tuổi trẻ học đường. Chuyện học sinh, sinh viên (cả nữ sinh) chửi thề, đánh lộn, đâm chém, cướp của, giết người đã không còn là biểu hiện quá cá biệt. Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đã không hề nhắc gì đến yếu kém nghiêm trọng này của giáo dục Việt Nam”[9]

II. MỘT SỐ THAO THỨC và HÀNH ĐỘNG

Nêu lên một số bất cập và tiêu cực như thế không phải là để bi quan, buông xuôi hay chấp nhận một sự thật mà nhiều người bảo là không thể nào thay đổi được; mà đối với chúng ta, nếu là những Kitô hữu chân chính thì không thể khoanh tay ngồi nhìn hay chọn lựa cách hành xử “xu thời, gió chiều nào theo chiều ấy” được.

Một bức tranh ảm đảm, rách nát của giáo dục như thế bắt chúng ta cần phải trở về cội nguồn để kín múc giáo huấn nguồn cội từ vị Thầy của mọi thầy là Đức Giêsu và của huấn quyền mà chỉnh đốn, uốn nắn, và có khi phải chấp nhận thiệt thòi cả đến “đổ máu” trong quá trình thực hiện sứ mạng cao cả này.

1. Tiếng nói Huấn quyền, của các chủ chăn GHVN

Những nhận định trên của một số nhân vật trong xã hội không khác gì với nhận định về hiện trạng giáo dục của các chủ chăn GHVN đã cô đọng và đưa ra nhận định thiết thực về một nền giáo dục khiếm khuyết dẫn đến những hậu quả nào: “Trước sự kiện hàng loạt những vụ việc tiêu cực có liên quan đến ngành giáo dục được công bố, đã có nhiều người lên tiếng kêu gọi chú trọng đến chất lượng thực thụ của sự nghiệp trồng người. Một nền giáo dục chỉ lo đến bằng cấp, chỉ phấn đấu để được điểm thi đua mà không chăm lo đến “tiên học lễ, hậu học văn” sẽ tạo ra một thế hệ thiếu trung thực và bất tài [10]. Chính vì thiếu khía cạnh “lễ” mà truyền thống tôn sư trọng đạo đang mai một, và hậu quả là bạo lực tràn lan trong học đường. Những học sinh ở tuổi thơ ngây đã trở thành thủ phạm của biết bao tội ác, cá nhân cũng như tập thể. Nhà trường đáng lẽ là nơi đào tạo những chủ nhân tương lai biết tôn trọng sự thật, đôi khi lại là môi trường cho các em học sự gian dối. Một số phụ huynh có những hành động phản giáo dục như mua điểm mua bằng cho con em, hoặc luồn lách để được lên lớp. Điều này đã tạo cơ hội cho trẻ em bắt chước sự dối trá. Đó là một trong những thảm kịch nghiêm trọng đe doạ tương lai của Giáo Hội, xã hội và dân tộc Việt Nam.” (Thư Mục vụ của HĐGMVN, 5-12- 2008, số 12b)

Đối với người Kitô hữu và đặc biệt tu sĩ thì thế nào? Chúng ta xem lại chỉ thị của Thánh bộ Tu sĩ về việc huấn luyện. Trong “Potissimum Institutioni”, 2-2-1990, Thánh bộ Tu sĩ lưu ý đến chiều kích nhân bản và Kitô trong huấn luyện:

“Trong việc huấn luyện, yêu cầu trước tiên đối với thỉnh sinh là tư cách nhân bản và Kitô hữu. Thật vậy, nhiều thất bại trong đời tu có thể nói là hậu quả của những khuyết điểm trong lãnh vực này, mà đã không được nhận ra hay không được sửa chữa. Nền tảng nhân bản và Kitô giáo đó không những cần được kiểm chứng trước khi bước vào đời tu, nhưng còn phải bảo đảm có những điều chỉnh hữu ích trong suốt khoá huấn luyện, tuỳ theo sự phát triển của con người và các biến chuyển của biến cố” (số 33).

Dầu sao, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những người trẻ hôm nay khi bước vào đời tu, ít nhiều gì họ cũng đã được ‘định hình’ cách nào đó theo lối giáo dục ngoài xã hội. Và ai trong chúng ta dám khẳng định rằng những ‘định hình’ tiêu cực không trở thành một thứ biến tướng trong các học viện liên dòng, trong học đường Kitô giáo hiện nay.

2. Giáo dục đạo đức: tính trung thực-can đảm

Trong phạm vi giáo dục đạo đức, thái độ quan trọng cần tạo nơi người học là lòng tin tưởng và sự thông cảm. Thiếu sự  tin tưởng  ở  người thầy, người học sẽ cảm thấy những điều giảng dạy là xa lạ, siêu thực tế, như Khổng Tử đã nói:”Ngôn bất trung tín, hành bất đốc kính, tuy châu lý, hành hồ tai!”. Như vậy, chỉ có sự trung thực của người thầy trong  lời nói và việc  làm mới tạo được lòng tin tưởng và thông cảm. Nếu không thì giáo dục đạo đức chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài vào đối tượng được giáo dục. Từ đó, đối tượng giáo dục sẽ có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, nếu không nói đến cả sự thù ghét, thách thức hay chống đối nữa.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI khẳng định rằng: “Nếu tiến bộ kỹ thuật không đi đôi với tiến bộ trong việc giáo dục đạo đức con người, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là một sự tiến bộ, nhưng lại là một mối đe dọa đối với con người và thế giới”  (Thông điệp Spe Salvi, số 22). Vì thế, lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự phát triển bền vững của xã hội. Những hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị đều phải xây dựng trên nền tảng lương tâm ngay chính mới mang lại hiệu quả tích cực được. Mà một lương tâm ngay thẳng sẽ tỏ lộ tính trung thực trong suy nghĩ và hành động. [11]

Về điểm này, theo Tiến sĩ Dương Thiệu Tống thì hai đức tính căn bản cho mọi thứ đạo đức là tính trung thực và lòng can đảm, theo ông: “Tính trung thực là đức tính lớn nhất của ý chí. Thật ra hai đức tính này không khác nhau bao nhiêu vì xét cho cùng tính trung  thực là sự can đảm của trí tuệ, và lòng can đảm cũng là sự trung thực của ý chí. Tính trung  thực là đức tính cần thiết nhất ở con người vì nếu người ta không trung  thực với chính bản thân mình thì không thể nào trung thực được với xã hội.”[12]. Còn sự dối trá là hành động đánh lừa kẻ khác bằng cái mà người khác muốn để tránh cho mình sự trừng phạt hay được sự khen thưởng [13]. Nó là sự kéo dài thái độ “duy ngã” (egocentrisme) chứ không phải là “xã hội hướng tâm” (sociocentriseme) để hướng tới một tình yêu vị tha…Mặt khác, sự hèn nhát là thái độ thiếu tự tin, là sự bất lực, không dám tự khẳng định mình. Nó bộc lộ sự yếu đuối của tâm hồn và thể xác, khiến cho con ngưởi không có đủ can đảm để chống lại áp lực của những ảnh hưởng xấu. Vì thế, người ta nói rằng tính dối trá và sự hèn nhát là bước đầu dẫn đến sự sa đọa, sự trụy lạc và tính độc ác”.[14]

– Đạo đức của người lãnh đạo

Nếu trong các tương quan thông thường giữa người với người thì sự thành thật – trung thực là yếu tố tạo nên các quan hệ bền chặt và một môi sinh lành mạnh thì trong lãnh đạo sự thành thật lại càng quan trọng. Theo Lão Tử, đạo đức là yếu tố quan trọng hàng đầu của nhà lãnh đạo: “Khi chọn một nhà lãnh đạo, đạo đức là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Thứ đến mới là tài năng”.[15] Đạo đức ấy chính là sự trung thực, thành thật.

– Trung thực đi liền với lòng can đảm

Quả thực, sự trung thực nhất thiết đi đôi với lòng can đảm, vì thế không phải vô cớ mà can đảm là một trong 4 nhân đức cột trụ của Kitô giáo (khôn ngoan, công bằng, tiết độ, dũng cảm). Sự can đảm ở đây là khả năng dám nói “không” với điều xấu, với cái sai, khả năng chọn lựa giữa cái thiện và cái ác, khả năng chấp nhận lội ngược dòng. Như thế, người trung thực-can đảm sẽ “đứng vững trong điều tốt; biết chấp nhận những sai lỗi của mình, tự tin và tự lập, biết lãnh nhận trách nhiệm và hậu quả do công việc mình đã làm. Đối với người Việt Nam, những đức tính ấy được diễn tả qua khái niệm “trung dung”, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Những đức tính này giúp ta biết yêu thương, có lòng biết ơn, cộng tác và nâng đỡ người khác, nói năng cũng như cư xử lễ độ và tế nhị, biết suy nghĩ cân nhắc và biết tạo nên sự tin cậy lẫn nhau”. [16]

3. Sự cần thiết của “giáo dục tình cảm”

Tình cảm con người chỉ phát triển cách quân bình trong một môi trường lành mạnh, không có sự đố kỵ, thù hận, hài hoà trong các mối tương quan, và sự phát triển ấy mang tính tiệm tiến. Môi trường để cho tình cảm được lớn lên, triển nở lành mạnh khởi đi từ gia đình, rồi đến nhà trường, xã hội và rộng lớn hơn là đất nước. Nếu không biết yêu thương các thành phần trong gia đình của mình, xem nhẹ các mối tương quan ruột thịt thì cũng chẳng thể nào nói đến chuyện yêu thương tha nhân, lại càng không thể nào nói đến chuyện yêu tổ quốc, yêu đồng bào được và như thế thì làm gì có chuyện sống công bằng và thực thi nghĩa vụ công dân. Nếu có chăng thì chỉ là thái độ “duy ngã” chứ không phải là “xã hội hướng tâm”[17]. Nếu tập luyện được lấy xã hội làm trung tâm, tức mở ra với con người, với thế giới, thì sẽ nhận chân những giá trị và có khả năng đón nhận “cái khác” của tha nhân mà đi vào chiều sâu của đức ái Kitô giáo (agapê).

Một khi thiếu đức ái này, một tình yêu làm cho đối tượng được yêu phong phú, một tình yêu hiến thân và “chết cho người mình yêu”, một tình yêu có sức cứu độ con người và nối kết những tâm hồn chân chính lại với nhau, thì không thể nói đến sự hy sinh, quên mình. Và vì không có được tình cảm chân chính nên cuối cùng việc giáo dục ấy sẽ trở nên lệch lạc dẫn đến thứ quyền dị trị (heteronomous), tìm cách áp đặt tình cảm, áp đặt luật lệ từ bên ngoài trên kẻ khác và xem nó như là qui luật tối thượng cho một thứ tình yêu được đúc sẵn. Loại tình yêu đúc sẵn này hình thành trên thứ quyền lực thống trị, và vì thế gây ra sự ức chế và sợ hãi, chứ không phải là lòng yêu mến, kính tôn. Theo Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, loại tình cảm này: “Nếu nó có phần nào tác dụng thì các tác dụng ấy chỉ thể hiện trong đoản kỳ cho vừa lòng, vừa mắt  người khác, còn nếu nó tồn tại khá lâu dài thì chỉ được thể hiện dưới dạng mà ta gọi là “đạo đức giả”. Thứ đạo đức giả này nhiều khi lại còn nguy hại hơn là thiếu đạo đức”.

III. KẾT LUẬN

“Sự thật sẽ giải thoát các ông” (Ga 8,32). Lời của Đức Giêsu khẳng định với các cấp lãnh đạo Do thái xưa kia vẫn là lời cảnh báo cho hết mọi người trong thời đại hôm nay. Quả thật, khi sống trong sự thật, khi trung thực trong suy nghĩ, lời nói và hành động, khi có được một tình cảm chân thật và trong sáng thì người ta sẽ hành động với một cái “tâm tịnh”. Lúc đó sẽ không còn chỗ đứng cho tình trạng ngục tù, cho sự giả trá, tham vọng, ích kỷ, cho những mưu mô thâm độc, những lươn lẹo bất chính …Quả vậy, “bạo hành và bạo lực bắt nguồn từ chính tâm hồn con người, nơi đó cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối không ngừng diễn ra. Nếu không được hướng dẫn và tập luyện, con người sẽ dễ dàng chiều theo những tham vọng ích kỷ của mình, và cái ác sẽ lan tràn trong đời sống xã hội. Như vậy, việc giáo dục đạo đức, huấn luyện lương tâm phải là trách nhiệm hàng đầu của toàn xã hội, và cần đến sự tham gia tích cực của người dân cũng như các tổ chức xã hội” [18].


[1]…Qua lễ hội lần đầu tiên thật sự xã hội hóa này, với hàng vạn con người Hà Nội đang thưởng thức lễ hội hoa đêm 31-12-2008, có thể thấy hết những mặt trái của văn hóa, của thói quen ứng xử, của tinh thần công dân…

Tấn thảm kịch bắt đầu. Mạnh ai nấy vặt. Những vảy rồng được kết bằng những cánh hồng môn tơi tả. Cạnh đó, những chậu hoa cảnh bày trên sân khấu bị những con người ăn mặc rất thanh lịch thản nhiên… bê đi.

Những chiếc chuông gió, lồng chim… đang được cầm trên tay nhân viên ban tổ chức cũng bị cướp một cách rất thản nhiên. Một nhân viên bảo vệ phẫn nộ quá văng tục, người đàn ông vừa cướp chậu hoa rất đạo đức quay lại mắng: “Ăn nói vô văn hóa thế à!”. Người bảo vệ trẻ nghẹn ngào: “Anh mới là người vô văn hóa, anh dẫn con theo mà vẫn ăn cướp hoa giữa đường thế à?”. Người đàn ông thản nhiên ôm chậu hoa dắt con đi thẳng” ( http://nld.com. vn/251002P0C1020/le-hoi-pho-hoa-ha-noi-sao-co-the-nhu-the.htm).

[2] x. Tuổi trẻ Chủ Nhật, 07/12/2008

[3]Giáo sư Chu Hảo, Việt Nam đi theo triết lý giáo dục nào?

[4] X. Nguyễn Trần Bạt, Xã hội hoá giáo dục

[5] Ibid

[6] Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền, 10-12-1948:

(1) Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng.

(2) Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ nhân cách, và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục phải nhằm cổ vũ sự cảm thông, lòng khoan dung, và tình hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình.  (điều 26)

(3) Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục dành cho con cái mình.

[7] Chúng ta nhận được ý này trong một bản văn rất súc tích và cô đọng trong Tuyên Ngôn Giáo dục Kitô giáo của Công đồng Vatican II: Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mệnh riêng phù hợp với cá tính  của từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất. Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành” (số 1)

[8] Theo ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc học sinh bỏ học là điều đau xót nhưng để đánh giá hiện tượng này đang được cải thiện hay xấu đi thì cần phải có số liệu thực tế. Ví dụ, năm học 2003 – 2004, cả nước có 580.000 em bỏ học, năm học 2005-2006, con số này: 600.000 em (khoảng 6%) (x. www.vnexpress. net/Vietnam/Xa-hoi/ 2008 /03/3BA00249/)

[9] x. Người Lao Động, ngày 16-01-2008

[10] Phạm Xuân Anh, Trung thực, nền móng của cái cách giáo dục Việt Nam, Vietnamnet, 30-12-2005: “Lớp mà tôi được phân công làm chủ nhiệm có hơn 40 học sinh. Đa số là học sinh có học lực trung bình, nhiều đứa yếu, vài ba đứa khá, một hai đứa giỏi (đa số học sinh kiến thức rất hổng). Thế là tốt lắm rồi. Đằng này “ở trên” là Sở, Phòng… lại ra chỉ tiêu, “quy định” thì đúng hơn: 60% học sinh tiên tiến, 10% học sinh giỏi, còn lại là trung bình…Thử hỏi làm thế nào để đạt được điều đó chứ? Bởi vậy, để đạt chỉ tiêu, chúng tôi phải nâng điểm cho học sinh thành ra mới có chuyện học sinh không học cũng tiên tiến, giỏi là vậy.

Còn đi coi thi tốt nghiệp thì giám thị phải làm ngơ, thậm chí phải làm bài cho học sinh. Nếu không làm như vậy thì trường họ không đạt chỉ tiêu, trường mình cũng sẽ không đạt chỉ tiêu. Bởi thế nên mới có chuyện nhiều học sinh không học cũng đỗ tốt nghiệp như chúng ta thấy. Thật cay đắng và nhục nhã khi là thày cô giáo mà phải làm như vậy. Hậu quả của nó tai hại vô cùng, bài học nhãn tiền là kết quả thi tốt nghiệp thì cao khủng khiếp mà kết quả thi ĐH thì cách xa một trời một vực như những năm qua.

Xa hơn nữa, chúng ta đã tạo ra một cách vô tình những công dân tương lai có những đức tính xấu xa: lừa dối, hình thức, không trung thực – “một tai hoạ”.

Mấy năm qua, nạn bằng giả tràn lan. Tệ sính bằng cấp đã trở thành bệnh; Thừa thày thiếu thợ; Hàng ngàn SV tốt nghiệp ĐH mà không xin được việc; Tệ tham nhũng; Nhiều công trình xây dựng tốn kém mà không có hiệu quả… Nguyên nhân sâu xa đó chính là tính không trung thực, tính hình thức của mỗi công dân được hình thành ngay trên ghế nhà trường mà tôi đã nói ở trên.”

[11] Mấy chục năm ra sức xây dựng thiên đường XHCN, nhưng câu chuyện “thành thật”, tin tưởng nhau, sau đây chắc hẳn vấn còn là ước mơ khó trở thành biện thực với chúng ta: “Một chủ cửa hàng ở Settle, North Yorkshire (Anh) – ông Tom Algie – đã cho nhân viên nghỉ và cả gia đình đi chơi nhân Ngày chủ tặng quà cho nhân viên (26-12). Nhưng vì không muốn mất khách hàng nên ông vẫn mở cửa cửa hàng dụng cụ gia đình của mình và ông để một cái “hộp thành thật” ở sau quầy hàng. Ông viết một mảnh giấy đề nghị khách hàng tự phục vụ và bỏ tiền vào “hộp thành thật” này.

Trở về lúc 4g15 chiều để đóng cửa, Algie sung sướng khi thấy trong hộp tiền có 187,66 bảng (274,3 USD) và 2 euro. “Tôi không ngần ngại mở cửa hàng. Settle là một thành phố miền quê yên tĩnh và không bao giờ có rắc rối ở đây. Tôi tin tưởng ở khách hàng và không thất vọng về điều này”, Algie nói.

Tờ giấy ông Algie để lại có đoạn viết: ”Vâng, tôi đã cho nhân viên nghỉ lễ, kể cả tôi, do đó bạn hãy vui lòng chọn các món hàng bạn muốn và bỏ đúng giá tiền vào hộp. Chúc mừng Giáng sinh”. Các khách hàng cũng để lại những mảnh giấy nói những món hàng họ mua và sau khi kiểm tra, Algie nhận thấy lòng tin của mình không bị lạm dụng. (theo The Daily Mail , x.Tuổi trẻ Chúa nhật, 4-1-2009)

[12] Giáo sư Dương Thiệu Tống, Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại, nxb Trẻ 2003.

[13] xem “Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn để trong hoàn cảnh hiện nay” (25-9-2008): “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ… Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này.”

[14] Dương Thiệu Tống, Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại, nxb Trẻ 2003.

[15] Sau cuộc chiến tranh năm 1954, Hàn Quốc bị xem là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Năm 1961, ông Park Chung Hee được bầu làm tổng thống. Ở vị trí này, ông đã cố gắng vay mượn tiền của nước ngoài để tái thiết đất nước, nhưng không một quốc gia nào dám cấp do nền kinh tế Nam Hàn lúc bấy giờ quá mất ổn định. Do đó, ông Park quyết định gửi người trong nước ra lao động ở nước Đức, làm công việc phu mỏ, nhân viên đường sắt và y tá, với hi vọng họ có được công ăn việc làm và có khả năng gửi tiền về giúp tổ quốc.

Năm 1964, khi Park sang Đức xin vay mượn tài chính, hàng trăm người lao động Hàn đã đến chào ông tại sân bay và họ đã khóc khi trông thấy ông. Họ kể với ông về công việc nặng nhọc ở đất khách quê người ra sao, bị giới chủ Đức đối xử tệ bạc và trả lương thấp. Ông Park đã cùng khóc với họ, trước mặt giới báo chí và công chúng Đức. Thủ tướng Đức lúc bấy giờ đã xúc động và nước Đức trở thành quốc gia đầu tiên cho Nam Hàn vay mượn tài chính. Ông Park đã dùng số tiền này để xây dựng những nhà máy đầu tiên tại Nam Hàn.

Khi ông Park lên làm tổng thống vào năm 1961, Hàn Quốc chỉ có gần 200 kỹ sư tốt nghiệp đại học và số tiến sĩ đếm trên đầu ngón tay. Quốc gia này không hề có các chuyên gia kinh tế giỏi, dù là từ nước ngoài về hay được đào tạo trong nước. Ngay bản thân ông Park cũng không thuộc loại có trình độ xuất sắc. Nhưng ông là một con người thật thà dưới con mắt của công chúng và trong đời thường.

Khi ông mất vào năm 1981, cả đất nước Hàn bị “sốc” khi phát hiện Park Chung Hee chỉ sở hữu một căn chung cư cũ nát, mà ông đã mua cho gia đình trước khi lên làm người đứng đầu đất nước. Nhưng cũng vào năm 1981 đó, Hàn Quốc đã trở thành một con rồng của châu Á. (x.http://vietbao.vn/Xa-hoi/Pham-chat-cua-nha-lanh-dao/40229482/157/

[16] Xem bài “Giáo dục con cái”, trong Giáo lý Hôn nhân và Gia đình, Uỷ Ban GLĐT, 10-12-2004.

[17] Dương Thiệu Tống, Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại, nxb Trẻ 2003.

[18] Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn để trong hoàn cảnh hiện nay”,  ngày 25 tháng 9 năm 2008.