Vầng trăng sáng

139

“Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm,”

“xin ban ơn, bằng cách sáng thêm lên!”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 14: 1-12

 Trăng cao giá, vẫn rất cần sáng thêm lên. Sáng thêm lên, để người người được soi tỏ mà hiểu rõ nỗi niềm huyền nhiệm Đức Chúa là Sự Sáng đích thực, rất hơn trăng.

Trình thuật hôm nay, thánh Gioan viết lên vần thơ/văn nói về “Vầng Trăng Giêsu, Đức-Chúa-của-Sự-Sáng Phục Sinh sáng láng, hơn sao trời. Sở dĩ thánh Gioan viết Tin Mừng theo cung cách rất khác biệt, vì thấy Tin Mừng Nhất Lãm đã diễn tả nhưng chưa làm nổi bật đủ đặc tính thánh thiêng rất Thiên Chúa của Đức Giêsu. Nói cách khác, theo thánh Gioan, Tin Mừng Nhầt Lãm ta đọc vẫn chưa hiện rõ đặc trưng cao giá sáng láng rất Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Với Tin Mừng thánh Gioan viết, Đức Giêsu là Đức Chúa rất “sáng thêm lên”, là bởi: nơi Ngài, vẫn đầy tràn Thánh Thần Chúa với sức sống Phục Sinh.      

Qua Phục Sinh, Chúa trở về với Cha, để rồi Ngài sẽ gửi Thánh Thần Ngài đến thực hiện những gì Ngài vẫn làm cho ta, xưa nay. Thánh Thần Chúa, bên tiếng Hy Lạp gọi là “Paraclete”, Đấng Ủi An. Là, Ngôi Ba uy hùng dũng mạnh, luôn cận kề để thánh hoá, khích lệ và tạo nguồn hứng khởi cho mọi người. Paraclete, là Đấng Phù Trợ Ủi An  -tác động như vị luật sư biện hộ cho ta ở trước toà-  là Đấng luôn gần gũi ở cạnh bên hầu sáng soi mọi bị cáo. Ngài là vị Cố Vấn luôn trợ giúp trấn an những ai đau buồn sầu khổ, hoặc bối rối vì mất đi bạn bè/người thân, cần nhủ khuiyên.

 Thật ra, mọi Kitô-hữu ít nhiều đều đã trải nghiệm có Đức Kitô là Đức Chúa Hộ Phù rất Ủi An nơi Tiệc Thánh. Khi cử hành Tiệc Thánh, tất cả đều đã cảm nghiệm rằng Ngài đang thực sự ở với chính mình. Nhờ sự hiện diện hiệp thông của Ngài, người người được Thánh Thần Chúa sáng soi, ban ơn. Thật ra, khi lĩnh nhận Mình Máu Chúa vào lòng, mọi Kitô-hữu đều cảm nhận là chính Thánh Thần Ngài đến với họ.

Hãy liên tưởng trường hợp của chú bé lớp 1 nọ, tung tăng chạy về nhà những tưởng rằng ngày đầu đi học về, thế nào mẹ hiền cũng hân hoan đón tận cửa. Nào ngờ, vào nhà chào hỏi mãi, chẳng thấy mẹ ở đâu. Chẳng ai lên tiếng trả lời bé. Chẳng ai hiện có mặt ở nhà, để bé khoe nhiều điều. Rõ ràng, bé nhận ra là nhà mình nay vắng bóng, hết mọi người. Nhà của bé trống trải cách lạ thường. Trống đến độ, lẽ ra bé chẳng nên về nhà, cứ ở lại trường chắc vui hơn. Hãy tưởng tượng một trường hợp khác, bé ở trường về đã thấy mẹ ở nhà, nhưng mẹ hiền chỉ hỏi han đôi câu cho xong chuyện rồi còn làm việc khác. Đấy, cũng là trường hợp nhà của bé có mẹ hiền luôn hiện diện, nhưng chưa tạo được hiệp thông. Cảm kích.

Hãy tưởng tuợng thêm tình huống khác, qua đó cho thấy bé em học ở trường về đã thấy mẹ đang chờ đón chạy ra đưa bé vào nhà. Và, mẹ hiền đã buông bỏ mọi thứ để ngồi xuống, ở với bé. Nghe bé kể chuyện trường, chuyện của bạn, khen bé ngoan hiền, học giỏi. Rồi lấy nước cho bé uống và cười vui với bé, rất khôn nguôi. Đó mới là hiện diện thật sự. Cứ thế, mẹ và con trao đổi với nhau về nhiều thứ. Về, những chuyện khiến cả hai thích thú, thấy rằng đời mình đã có hiệp thông. Trao đổi. Một hiệp thông linh thánh. Từ đó, ngày nào bé cũng thấy vui. Thấy đẹp trời. Đời bé quả là có ý nghĩa. Thế đó, là ân huệ từ Đức Chúa rất Ủi An đến với bé. Mẹ hiền của bé bỗng nhiên trở nên ân huệ của Thần Khí.

Là, dân con đi Đạo, tín hữu Đức Kitô cũng trải nghiệm tình thân thương đón nhận Thánh Thần Chúa Đấng Ủi An, giống như thế. Chí ít, cũng đã cảm nhận mình được Chúa ban Thần Khí của Ngài từ Đức Giêsu, khi lĩnh nhận Mình và Máu Chúa, qua hiệp thông. Lĩnh và nhận, như hiểu biết theo cung cách tự nhiên đầy năng-tính về những gì xảy ra giữa mình và Chúa. Những gì khiến mình thấy cuộc sống thật đáng sống.

Lĩnh nhận Thánh Thần Chúa Đấng Ủi An, còn có nghĩa như một thực thể đầy khích lệ. Như danh hoạ Van Gogh có lần đã diễn tả về một hiệp thông an ủi trên bản vẽ có bé em chập chững tập biết đi. Đi chưa vững, nên bé cứ lần chần, do dự. Chẳng dám bước mạnh, làm liều. Bước được vài bước, đã thấy cha mình ở không xa, đang mở rộng đôi tay chào đón bé vào lòng. Ảnh hình về tình thân thương của người cha trong tranh vẽ của Van Gogh khác gì tâm tình đầy Ủi An do Thánh Thần Chúa vẫn đón chào đàn con của Chúa.

Lm Gerard Manly Hopkins, một nhà thơ Dòng Tên người Anh, có lần cũng chia sẻ giải thích về Đấng Ủi An rất Paraclete trong thánh lễ. Ông san sẻ bằng ngôn từ thể thao rất “bóng chày crikdt kiểu Anh, như sau:

“Thông thường nhiều người vẫn dịch cụm từ “Paraclete” thành Đấng Dỗ dành, ủi an, nhưng Paraclete đượm ý nghĩa còn hơn cả dỗ dành an ủi nữa. Cụm từ này xuất từ tiếng Hy Lạp. Bên tiếng Anh, chẳng có có ngữ từ nào thích hợp để dịch như thế. Cả bên tiếng La tinh cũng vậy, không từ ngữ nào mang một ý nghĩa tương tự. Dịch là Đấng Dỗ dành/nhủ khuyên, vẫn chưa đủ. “Paraclete” thật ra còn là người dỗ dành, mừng chúc, rất khích lệ. Ngài là Đấng chuyên thuyết phục, cổ võ, khuấy động và cũng thúc giục, gọi mời hết mọi người. Ngài còn như cú thúc mạnh vào hông ta để ra lệnh cho ta vượt về phía trước. Là, tiếng vỗ ra hiệu cho diễn giả bắt đầu hoặc kết thúc. Là, tiếng loa kèn xuất quân trổi giọng với quân binh. “Paraclete”, là tâm tình gửi đến với tâm linh quyết gọi mời người người đến. Là, động thái của Đấng nhủ khuyên ta nên sống tử tế. Là, nhận thức xảy đến với tâm tư của chính tôi, như một sẻ chia, đạt tới đích, hệt như vận động viên cầm cây chày gỗ trong môn “cricket” trước các thanh chắn ngăn bóng trúng đích điểm khiến người cầm chày/gậy đã bắt đầu chạy hai đầu để ghi số lần chạy, trong khi đó mấy người khác cứ đứng đực ra đó hòng đối phó bằng dáng vẻ nghi ngờ, vẫn kêu lên: Ráng lên, Ráng lên! Paraclete vẫn là như thế. Là, như ai đó vẫn chúc mừng tinh thần thể tháo có ra dấu, có kêu lên, người người trong trận đấu đều phấn chấn làm mọi chuyện quyết đạt tới đích, vẫn vừa chạy vừa la lớn: Ráng lên, Ráng lên, chạy phía này!”              

Khi đón nhận Mình Máu Chúa, ta như người cầm chày/gậy cùng nhắm bóng với Đức Giêsu. Ngài ban cho ta Thần Khí rất đích thực để làm được việc cần làm và còn hơn nữa. Ngài làm sống lên nơi ta, bằng năng lực của chính Ngài.

 Trước mắt, Phụng vụ Hội thánh sẽ mừng kính Chúa Thăng thiên về với Cha, vào tuần tới. Về với Cha, nhưng Ngài vẫn để lại nơi ta Thánh Thần của Ngài, làm Đấng Ủi An vỗ về, ở với ta.

Cũng nên nhớ, là Thánh Thần Chúa không thể đơn phương làm một mình. Ngài sẽ khích lệ ta làm như thế trong quan hệ với mỗi người. Ta đươc giao trọng trách phụ giúp Thánh Thần Ngài bằng cách trở nên một thứ Paraclete với mỗi người.

Đôi lúc, ta cũng nên tự hỏi, là: đời mình, đã có ai được kể là kẻ ủi an, vỗ về và tăng năng lượng cho mình, không? Trong cuộc đời, hỏi rằng: chính mình có từng ủi an vỗ về và tăng năng lượng cho ai khác? Bởi, đây mới là cuộc sống đích thực của tín hữu Đức Kitô. Đây, mới đích thực là hiện thực giới răng mới của Đức Chúa: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em.”

Tìm cách vỗ về và ủi an nhau. Trao cho nhau Thần Khí Chúa và năng lượng của Đức Kitô, việc đó mới quan trọng. Dù, mình đang chơi bóng chày cricket với bất cứ ai, cũng đừng nên nói với họ tiếng “Không”, “Hãy ngưng lại”, hoặc “Chờ đấy!” Nhưng hãy bảo: “Ráng lên, Ráng lên! Cứ thế mà chạy vụt về phía trước, sẽ vui luôn.”

Trong tinh thần cổ võ lẫn nhau, cũng nên ngâm tiếp câu thơ còn bỏ dở của thi sĩ họ Hàn, rằng:        

                                    “Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm,

                                    Xin ban ơn, bằng cách sáng thêm lên.

                                    Ánh thêm lên, cho không gian rất đẫm,

                                    Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.”

                                    (Hàn Mặc Tử – Vầng Trăng)

Vầng trăng kia. Ánh sao nọ. Vẫn cứ sáng thêm lên. Sáng, bằng năng lượng Thánh Thần Chúa Phục Sinh vẫn cứ an ủi. Vỗ về. Để, người người được Chúa khuyến khích, sẽ còn sáng mãi, suốt đời mình. Ở muôn nơi.      

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

            Mai Tá lược dịch