Tin tưởng vào Chúa Quan Phòng (Mt 6, 25-34)

63

Tin tưởng vào Chúa Quan Phòng (Mt 6, 25-34)

Ngày Tết là ngày ai nấy đều no đủ, kể cả những người nghèo nhất trong xã hội, vì theo truyền thống văn hóa của dân tộc, dù quanh năm có đói khát, túng thiếu thì ngày Tết cũng phải là ngày no say, đầy đủ nhất. Thế có nghĩa là đối với nhiều người, vấn đề cơm-áo-gạo-tiền vẫn còn là vấn đề nhức nhối và ưu phiền nhất. Sau hơn hai ngàn năm, dù khoa học tiến bộ đã đưa con người lên không gian và sống trên đó một thời gian dài, thì con người vẫn chưa giải quyết được vấn đề ăn và uống cơ bản của mình. Thế giới vẫn đang phải vật lộn với vấn đề nước sạch, lương thực tối thiếu và thuốc men cần thiết.

Tại sao vậy? Tại vì có tình trạng quá chênh lệch về sở hữu của cải trần gian trong các xã hội: một số người lòng tham không đáy, tìm hết mọi cách – kể cả những cách ô nhục và thấp hèn – để chiếm đoạt tài sản chung của xã hội và nhân loại. Còn một số người khác không làm sao có được các điều kiện tối thiểu để sống cho ra người. Ở Việt Nam chúng ta hãy nghĩ đến những số tiền thất thoát trong các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở ở khắp cả nước và con số chạy vào túi riêng cán bộ thuộc các sở, ban, ngành, công ty, tỉnh, huyện, xã v.v… thì chúng ta hiểu tại sao dân Việt Nam vẫn còn bị xếp vào loại các nước nghèo nhất trên thế giới dù chiến tranh đã chấm dứt gần 28 năm rồi!

Vậy thử hỏi việc tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng mà Đức Giêsu dạy chúng ta hôm nay có ý nghĩa gì trong một bối cảnh xã hội và thế giới như thế? Chắc đối với những người có “của ăn của để” thì không thành vấn đề vì họ đâu có bao giờ phải lo ngày mai sẽ sống ra sao, ngày mốt sẽ lấy đâu ra tiền để mua gạo cho gia đình, để trả tiền học phí cho con hoặc trả tiền bệnh viện cho cha hay mẹ già! Nhưng đối với những người tối ngày phải vật lộn với cuộc sống (chỉ để sống, chưa nói đến làm giầu) thì quả là vô cùng khó mà tin vào lời của Đức Giêsu! Lời ấy có xa vời và viển vông không? Lời ấy có sức ru ngủ không? Lời ấy chỉ để đánh lừa những kẻ nhẹ dạ dễ tin? Hay Lời ấy là Lời hằng sống và chân thật?

Nếu đi sâu vào đời sống của giáo dân và kể cả lương dân, chúng ta sẽ thấy có không ít người nghèo xác tín rằng họ được Thiên Chúa hay Trời Phật chăm lo cho cuộc sống gia đình của họ. Họ là những người chịu thương chịu khó làm việc chứ không phải là những hạng ươn lười biếng nhác. Nhưng cứ nói theo cách bình thường thì họ không thể có đủ tiền đủ bạc để lo cho vợ chồng con cái vì hoàn cảnh eo hẹp và công ăn việc làm thu nhập chẳng là bao. Thế mà trên thực tế họ vẫn sống. Họ vừa lao động vừa cậy trông vào Chúa, vào Trời Phật. Và gia đình họ vẫn bình yên hạnh phúc, vì họ dám liều mà giao phó mọi sự cho Thiên Chúa, cho Trời Phật (trời sinh voi trời sinh cỏ) nên họ cảm nghiệm được là có một bàn tay vô hình thu xếp, giải quyết mọi khó khăn cho họ.

Ngày đầu năm mà suy nghĩ một chút về vấn đề vật chất trong cuộc sống chắc không phải là vô bổ. Nếu chúng ta không phải chạy ăn chạy uống thì chúng ta đừng quên cảm tạ Thiên Chúa Quan Phòng. Cách thể hiện lòng biết ơn tốt nhất, đẹp lòng Thiên Chúa nhất, là chúng ta biết chia sẻ một phần của cải mà mình đã nhận được cho những người túng thiếu hơn chúng ta. Còn nếu chúng ta đang sống trong cảnh nghèo túng, thì chúng ta hãy mạnh dạn phó dâng và tin tưởng ở Lời của Thiên Chúa. Chỉ cần Đức Tin nhỏ bằng hạt cải là chúng ta sẽ chứng kiến chuyện động trời và bất ngờ thú vị: Thiên Chúa không bỏ ai phải đói, phải khổ! Bình an cho Năm Mới không phải được bảo đảm bằng của cải vật chất mà bằng sự tin tưởng phó thác vào Đấng Thiên Chúa là Cha yêu thương biết chúng ta cần gì và không bao giờ làm ngơ trước các nhu cầu đích thực của chúng ta.

Sưu tầm