Thử tìm hiểu về ”mối quan hệ” giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu

156

Thử tìm hiểu về mối quan hệgiữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu

Có người dựa vào ”cách đối thoại” giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu lúc Ngài mười hai tuổi, vào Tiệc Cưới Cana để chứng minh bà Maria bị Chúa TRÁCH MÓC, được cho ”bài học” về Thiên Chúa, về vị trí thọ tạo của mình, được ”huấn luyện” cách suy gẫm về Mầu Nhiệm của Thiên Chúa! Cũng có người cho rằng bà Maria xử sự như các bà mẹ thương con nên ”TRÁCH KHÉO” Chúa Giêsu, rằng hai ông bà sẽ mát ruột nếu như Trẻ Giêsu đã ngõ lời XIN LỖI hai người, rằng việc Chúa không xin lỗi chứng tỏ Ngài muốn cho ông bà NHẬN THỨC sứ mạng của Ngài là chỉ lo việc của Cha trên Trời, chứ KHÔNG PHẢI CỦA ”cha mẹ trần thế ”, rằng đó là bài học cho chúng ta vì (1) Ngài đã phán: ”Để kẻ chết chôn kẻ chết của chúng.” (Luc 9, 60)

Sau khi đọc không ít bài lập luận như trên, xem cuốn ”Jésus en son temps”, tôi cũng thấy Thần Học gia Daniel-Rops viết thế này: ”Trả lời cho mẹ mình đang ngạc nhiên và nhẹ nhàng TRÁCH Ngài: ‘Tại sao Ngài làm như thế đối với chúng tôi? Cha Ngài và tôi tìm kiếm Ngài mà lòng ruột quá héo hon.’, Thiếu-Nhi-Thiên-Chúa đáp lại: ‘Tại sao hai người tìm tôi? Các người không biết rằng tôi phải lo việc của Cha tôi sao?” Daniel-Rops, người Công Giáo, vị Hàn Lâm Viện Pháp, còn đưa ra nhận định thế này về Chúa Giêsu: ”Lời nói NHGIÊM KHẮC, TÀN NHẪN (inhumaine), qua đó, lần đầu bộc phát (éclate) sự xác định rằng Giêsu có sứ mạng của Ngài và, qua đó, được phát họa rõ ràng bài học cao quý về Tin Mừng là mọi RÀNG BUỘC của người đời (toute attache humaine), dù có thân thương cỡ nào, cũng phải BỊ PHÁ VỠ.” Muốn cho lập luận của mình có sức thuyết phục, Daniel-Rops còn dẫn chứng Tin Mừng theo Matthêô 10,35, 37: ”Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình. (2) Ai yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta.” (Trang 143)

Dù, đã mấy chục năm nay, rất phục kiến thức uyên bác của Daniel-Rops, tôi vẫn bàng hoàng về cách lập luận của ông ta bởi vì ông ấy không khéo dùng từ mà tôi viết lớn, tô đậm ở trên. Để tôn vinh Thánh Gia Thất và phủ nhận cách lập luận không làm đẹp ”Lòng Mẹ Thiên Chúa Ngôi Hai”, ngược với Điều Răn thứ bốn, tôi xin mạo muội trình bày ý nghĩa của một số ”từ hay câu” quan trọng trong Kinh Thánh nói chung và nơi đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca 2, 41-52 như sau:

A- Biệt DanhHồng Ân

Quý Danh ”Maria” có nghĩa là ”người nữ được kính mến”. (Kinh Coran khẳng định Bà ấy không hề nhiễm tội, là gương mẫu trọn lành cho nữ tín hữu Hồi Giáo.) Thiên Chúa lại muốn nâng Trinh Nữ lên địa vị ”độc nhất, vô nhị” bằng cách dạy Thiên Sứ Gabriel đến kính chào Nàng là HỒNG ÂN bởi vì, trong Vườn Địa Đàng, Ngài đã báo trước ”Hồng Ân tương lai” khi Ngài răn đe Satan. (STK 3,15) Chính vì thế, Tiên Tri Ysaya (7,14) cho biết Trinh Nữ sẽ sinh con trai là ”Emmanuel”, mà Matthêô (1,23) giải thích là Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta!!!

B- Lời Truyền Tin của Thiên Sứ Gabriel

a- ”Vui lên, thưa Hồng Ân! Chúa ở cùng Cô!”

Mới nghe ba ý vừa nêu, Trinh Nữ bối rối, CHẲNG phải vì Nàng ”không hiểu” lời tôn vinh, mà Nàng TỰ HỎI, tức thắc mắc về ý nghĩa đích thực của lời ca khen ấy. Nàng cũng là thiếu nữ đang mong đợi Đấng Messia, là người thuộc nằm lòng Kinh Thánh, nhất là câu: ”Vui ca lên nào, thiếu nữ Sion vì Đấng Cứu Chuộc rất oai hùng đến ngự trong nhà ngươi!” Nàng bối rối vì lời, mà Nàng vừa nghe, cũng y hệt trong Cựu Ước!!! Vì sao Thiên Sứ lại đột ngột nói như thế với Nàng là Trinh Nữ vô danh, tiểu tốt? Vì sao Thiên Sứ không đến với thiếu nữ nào khác quyền quý, cao sang, mà với Nàng là con nhà nghèo ở làng Nazaret mà hầu như chẳng ai biết tới? Nàng xao xuyến vì lời Thiên Sứ cũng tương tự Lời Chúa trong Sách Sophonia: ”Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion…Ðức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Chúa.” Nàng sửng sốt, bàng hoàng vì khiêm nhượng, vì tự hạ mình, nào dám nghĩ ngợi cao xa để trở thành kẻ kiêu ngạo.

b- Chiếu Chỉ của Thiên Chúa

Biết được ý nghĩ thầm kín của Nàng, Thiên Sứ bèn nêu ”Thiên Thánh Chỉ” như sau: ”Nàng sẽ ”thụ Thai, đặt Tên Con Trai là Giêsu, là CON của Đấng Tối Cao, là Vua trên ngai Đavít, ngự trị muôn đời trên Nhà Giacop, và có Vương Quyền vô cùng, vô tận!”

c- Quyền Năng của Thiên Chúa Ba Ngôi

Biết Trinh Nữ không hoài nghi Lời Chúa như ông Dacaria, để trả lời cho câu hỏi của Trinh Nữ về CÁCH NÀO giúp ứng nghiệm Lời Truyền, Thiên Sứ cho Nàng hay rằng THÁNH THẦN SẼ ĐẾN TRÊN NÀNG, ĐẤNG TỐI CAO RỢP BÓNG PHỦ NÀNG, TRẺ SẮP SINH RA LÀ CON THIÊN CHÚA, KHÔNG CÓ GÌ MÀ THIÊN CHÚA CHẲNG LÀM ĐƯỢC!!!

d- Xin Vâng

Trinh Nữ ”xin thành SỰ nơi Nàng” như lời Thiên Sứ truyền. Chữ ”xin vâng” (Fiat) của Nàng là Chìa Khóa mở Cửa Trời để Chương Trình Tân Sáng Thế được bắt đầu!!! Các phần A, B, a, b, c, d (vừa nêu) chứng tỏ rằng Đấng Hồng Ân HIỂU RẤT RÕ Thánh Ý Chúa, việc làm của Ngài, ngay cả từng cử động của Thai Nhi Giêsu trong Cung Lòng mình như lời Bà Êlidabét chúc tụng: ”Em có phúc hơn mọi người nữ CHO NÊN Trái của lòng dạ em cũng có phúc.” Người Việt nói: ”Cơm với cá như má với con.”, tức là giữa Mẹ-con có sự HÀI HÒA. Lời chào của Mẹ mang Thai Nhi Giêsu vừa lọt đến tai người chị họ thì Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong bụng Bà ấy. Ai khiến Mẹ mang Ơn Cứu Độ, Thánh Linh đến cho hai Mẹ-con nhà Dacaria? Chẳng ai khác ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi! Có tiếp tục ”xin vâng”, lặn lội lên miền sơn cước, Mẹ mới CỘNG TÁC với Thiên Chúa để THÀNH SỰ từng giai đoạn Chương Trình Cứu Chuộc của Ngài như lời Bà Êlidabét tuyên xưng: ”Phúc cho nàng tin rằng sẽ thành sự những điều Thiên Chúa đã phán với nàng.”

C- Kinh Magnificat

a- ”Linh hồn tôi tung hô Chúa và thần khí tôi nhảy mừng trong Thiên-Chúa-Cứu-Chuộc-tôi.”

Sách Ysaya 61,10 ghi: ”Tôi mừng rỡ trong Đấng Hằng Hữu. Toàn thân tôi hớn hở vì Thiên Chúa tôi thờ.” Còn Mẹ thì ”hữu xạ, tự nhiên tâm, ứng khẩu thành thi thiên” khác với Tiên Tri Ysaya: Ngài dùng chữ ”Thiên-Chúa-Cứu-Chuộc-tôi” tức là ”Giêsu-của-tôi” bởi vì Thánh Danh Giêsu có nghĩa như đã nêu. Mẹ không dùng cách thứ hai vì Mẹ khiêm tốn, vì Bà Êlidabét đã NÓI THAY cho Mẹ rồi: ”Bởi đâu mà chị được diễm phúc là MẸ CỦA CHÚA đến thăm chị?” Mẹ không nói như Ysaya ”toàn thân tôi”, mà: ”Thần khí tôi nhảy mừng”, không phải ”trong Thiên Chúa tôi thờ”, mà trong ”Giêsu-của-tôi”! Như vậy, Mẹ không phải là người được cứu rỗi, mà được tiền định, được biệt tuyển, được CÁCH LY khỏi mọi thứ tội từ khi Chúa phán với Satan trong Vườn Địa Đàng!

b. ”Từ nay, muôn đời sẽ khen tôi có PHÚC”

Thiên Chúa đã tặng Mẹ Biệt Danh ”Hồng Phúc” nên, kể từ khi được mang Thai Giêsu, Mẹ là PHÚC đến muôn đời thì làm sao Mẹ lại bị Chúa TRÁCH MÓC, làm sao Mẹ phải nghe những lời NGHIÊM KHẮC, TÀN NHẪN mà Chúa phán ra như nhận định của ông Daniel-Rops? Trẻ Giêsu mà tàn nhẫn đối với Cha-Mẹ trần thế thì Ngài đâu phải là Thiên Chúa, là Mục Tử Nhân Lành!

c- ”Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều CAO CẢ.”

Phạm trù ”những điều cao cả” chứng minh rằng Mẹ không phải ”tầm thường” như bao thọ tạo khác vì Mẹ là Kiệt Tác của Thiên Chúa, là Bà Eva mới (3), nhất là vì Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Hai, cũng là Mẹ của Giáo Hội: ”Này là Mẹ con!” Chẳng lẽ ”những điều cao cả” (mà Chúa làm cho Mẹ) trở thành vô ích, không giúp được Mẹ quán triệt ”Mầu Nhiệm đến Ngày Thứ Ba” mới tìm ra Chúa? Chẳng lẽ Mẹ không thấy được Chúa tỏ Vinh Quang của Ngài giữa các tấn sĩ trong Nhà Cha của Ngài? Vậy thì ai kể lại đầu đuôi sự việc lạc mất Chúa cho người khác nghe để Thánh Luca ghi lại nếu không phải là Mẹ? Ai tâm sự để Thánh Nhân viết về nội dung Truyền Tin, việc Chúa sinh ra, việc hai Ông Bà dâng Ngài vào đền Thánh, lời Tiên Tri Ximêon và nỗi lòng của Mẹ: ”Còn Bà Maria thì giữ kín mọi điều ấy và SUY ĐI, NGHĨ LẠI trong lòng.”?

d- ”Vì Danh Ngài là Thánh.”

Xác tín ”như thế” thì chứng tỏ Mẹ CÀNG HIỂU RÕ hơn Bản Thân, hai Bản Tính nơi Chúa Giêsu và những việc Ngài LÀM cũng là Thánh. Như vậy, nên cắt nghĩa thế nào về câu: ”Nhưng ông bà đã không hiểu lời Ngài nói với họ.”? Theo thiển ý của tôi, có những lý do sau đây:

1- Hai Ông Bà khiêm nhượng, kín đáo, không dám nói ra suy-nghĩ-của-mình-vào-lúc-gặp-lại-Chúa.

2- Có nghe Chúa hỏi, nhưng quá mừng và sửng sốt, vì tìm ra được Con Yêu Dấu là Thiên Chúa, vì tập trung tâm tư, tình cảm, diễn tả nỗi niềm xúc động, thành thử hai Ông Bà không còn hiểu gì hơn ngoài việc tỏ tình âu yếm, sự gắn bó với Con để bù lại ba ngày không thấy Ngài. Đó cũng là tâm lý của người Cha, người Mẹ nói chung. Xin nêu ví dụ có thật: Chị ruột tôi được giấy khai tử của chồng. Sau thời gian khá dài chị lãnh tiền tử của anh ấy và tiền quả phụ, bỗng nhiên, anh ta trở về, và hỏi: ”Ở nhà có gì lạ không? Em có biết anh bị mất tích vì sao không?” Chị tôi nghe bằng tai, không chú tâm đến câu hỏi, mà chỉ âu yếm vuốt tóc, xoa má, sờ tay, khóc lóc, kể lể vì quá sung sướng được gặp lại chồng.

Cũng xin lưu ý đến điều này: Thánh Luca dùng động từ ”không hiểu” (ne comprirent pas) ở thì ”quá khứ đơn” (passé simple) vốn diễn tả hành động ngắn gọn, đơn giản. Trong khi đó, động từ ”nói” (disait) lại ở ”imparfait” là thì quá khứ diễn tả việc làm có giá trị, gây ảnh hưởng, để lại dư âm… Chẳng hạn: động từ ”giữ lại, suy đi, nghĩ lại” cũng được dùng ở imparfait.

D- Lời Mẹ nói với Chúa

”Con ơi, sao con lại làm như thế đối với Cha-Mẹ? Con thấy nè, Cha Con và Mẹ phải lo lắng tìm Con!”

Đây không phải là lời Mẹ trách Chúa, càng không phải vì Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Tuyệt Đối thì làm sao Ngài có lỗi được chứ! Nhưng đó là cách biểu lộ tình Mẫu-Tử quá cao vời, quá mầu nhiệm khi gặp lại Con mà không bút nào tả nổi! Là Vua Tình Yêu, là Đấng Toàn Tri, Chúa Giêsu đã khéo âm thầm đạo diễn cảnh hai Ông Bà mất Chúa để phải lặn lội, bỏ hết tất cả mà đi kiếm Ngài bằng mọi giá, quên bản thân mình. Nhờ Chúa tạo tình huống như thế, ”lời-Mẹ-nói” đã trở thành bài học cho người theo Chúa. Sau đây là bằng chứng các Cụ ngày xưa diễn giải Thánh Mẫu Học: ”Ấy ta xem Đức Mẹ lìa mặt Chúa VÌ Ý MẦU NHIỆM, liền thảm não, chảy nước mắt ròng ròng. Vậy khi chúng ta lìa khỏi Ngài vì tội lỗi thì càng phải lo lắng, xót xa là dường nào!”

E- Lời Chúa nói với Mẹ

”Tại sao Cha-Mẹ tìm Con? Cha-Mẹ không biết Con phải ở Nhà Cha của Con sao?”

Đây hoàn toàn KHÔNG phải là lời Chúa trách móc nghiêm khắc, tàn nhẫn đối với Thân Mẫu và Dưỡng Phụ Giuse. Xin lưu ý đến chữ TẠI SAO là Thánh Ý Chúa muốn dạy người theo Ngài phải noi gương hai Đấng là ĐI TÌM NGÀI như lời kinh của các Cụ mà chúng ta vẫn còn đọc. Suy cho cùng, hai câu hỏi của Chúa là cách biểu lộ tình thương. Chẳng hạn: Thấy Mẹ khổ cực, mất ăn, thức ngủ, lặn lội đi tìm mình, người con có hiếu động lòng và nói: ”Sao Mẹ kiếm con làm gì? Mẹ không biết con phải lo chu toàn bổn phận đối với Tổ Quốc hay sao?” Người phàm còn biết nâng niu, kính trọng tấm lòng của Mẹ sinh thành, huống chi Thiên Chúa là Tác Giả của Giới Răn thứ bốn: ”Ngươi hãy thờ cha, kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.” (Xuất Hành 20,12) CHẲNG LẼ khi giảng giải ở Đền Thánh, Chúa Giêsu QUÊN mất câu này: ”Hãy nhớ đến cha mẹ mình khi con ngồi giữa người quyền cao, chức trọng, rồi quên mình đang ở trước mặt các vị ấy, mà cư xử như kẻ ngu đần.”?

G- Lời kết

Có danh ngôn thế này: ”Ai cho rằng mình hiểu hết mọi điều thì kẻ ấy nên kiếm người dốt làm thầy cho mình.” Mẹ Maria luôn khiêm nhường. Cho nên, Mẹ ”phát biểu” rằng Mẹ không hiểu hai câu hỏi của Chúa. Thật ra, hai câu ấy chẳng khó đối Mẹ đã cưu mang Chúa chín tháng, mười ngày và nuôi dưỡng Ngài đã được mười hai năm. Đức khiêm nhường của hai Ông Bà là bài học cho người tin chớ vội vàng, chủ quan, cho mình là uyên bác, mà phải noi gương Mẹ SUY ĐI, NGHĨ LẠI TRONG LÒNG LỜI CHÚA. Ba mươi năm chăm sóc Chúa, và ba năm Chúa đi rao giảng, Mẹ đã nghe Chúa nói vô số điều mà Kinh Thánh không thể ghi lại vì Mẹ khiêm nhượng nên không thổ lộ với ai Lời hai Mẹ-Con tâm sự. Vậy mà, Giáo Hội vẫn có môn Thánh Mẫu Học. Nếu cho rằng Mẹ bị Chúa trách, được Ngài huấn luyện về cách suy gẫm thì hóa ra Lời-trong-Cung-Lòng-Cha nhập Thể trong Cung-Lòng-Mẹ chẳng đúng với lời Bà Êlidabét tôn vinh: ””Em có phúc hơn mọi người nữ CHO NÊN Trái của lòng dạ em cũng có phúc.”

”Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ! (Đệ Nhị Luật 27,16)  ”Ước gì cha mẹ con được hỷ hoan và người-sinh-ra-con được mừng rỡ.” (Cách Ngôn 23,25) Đó là Lề Luật mà Chúa Giêsu đến để làm nên trọn hảo, chứ không hủy bỏ vì Luca 2,51-52 có ghi: ”Sau đó, Ngài đi xuống với cha mẹ, trở về Nadaret và hằng VÂNG PHỤC hai Đấng. Mẹ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Giêsu thì càng ngày, càng thêm KHÔN NGOAN, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người đời.”

Trên đây là Bức Tranh tuyệt vời của Thánh Gia Thất chứng tỏ rằng Chúa Giêsu làm gương cho người tin phải tuân giữ Giới Răn thứ bốn: Thảo kính Cha-Mẹ.

Thánh Luca dùng các từ ”hằng vâng phục hai Đấng, càng thêm khôn ngoan” KHÔNG có nghĩa là hai Ông Bà ”dạy khôn” cho Chúa là Đấng Toàn Tri! Qua Mẹ Maria, Thánh Nhân muốn cho chúng ta bài học bắt chước Chúa như Ngài đã phán: ”Ta hiền lành và KHIÊM NHƯỢNG trong lòng.”

Đaminh Phan văn Phước

Đức Quốc 01.02.2013

1,2,3 Bài khác sẽ viết về các câu ấy và về chữ BÀ trong Tiệc Cưới Cana và ở Đồi Tử Nạn.