Xin cám ơn em ”Hậu Sanh Khả Úy!”
Cô Giáo Việt Văn của em Phan Hoàng Yến, lớp 9A2 Trường Chu Văn An, Hà Nội, ra đề bài như sau: ”Trình bày suy nghĩ của em về một sự việc hoặc hiện tượng ở địa phương hoặc trường, lớp. (Đặt nhan đề cho bài viết.)
Văn phong và tư duy trong bài viết của em Phan Hoàng Yến được Cô Giáo cho 9,5 điểm (trên 10) với lời khen: “Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
Đọc bài của em Phan Hoàng Yến, tôi cũng xúc động vì những lý do sau đây:
1- Em đưa tôi về thời hoa niên từng được Cha-Mẹ giáo dục như Đấng Sinh Thành của em.
Dù tế nhị, không đề cao Cha Mẹ của mình, em cũng gián tiếp cho tôi và độc giả khác biết rằng em là đứa con ngoan của Gia Đình có lễ giáo, dạt dào tình thương. Em viết: ”Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương.” Đúng vậy, Gia Đình là ”Trường Học đầu tiên” dạy cho em tình cảm yêu thương!!! ”Cây xanh thì lá cũng xanh – Cha mẹ hiền lành để đức cho con!”, phải thế không, em Hoàng Yến?
2- Em làm tôi càng nhớ đến tuổi thư sinh đến Trường ”thụ nhân”
Tức là được quý Thầy-Cô đào tạo mình thành người tốt cho Gia Đình, xã hội, Tổ Quốc và đồng loại, đúng với Việt Đạo. ”Không Thầy, đố mầy làm nên!”, phải không, em Hoàng Yến? Xin mời em, kính mời Bửu Quyến của em và quý Vị vui lòng ”nghe” lời cám ơn của tôi đối với Ân Nhân là quý Thầy-Cô, Kỹ Sư Tâm Hồn, qua bài thơ: Âm hưởng thầy cô (Trang Tổng Giáo Phận Hà Nội) hay: ÂM HƯỞNG THẦY CÔ – Giáo Xứ Dương Sơn (là Quê Nội, nơi Thân Sinh tôi đang an nghỉ ở Nghĩa Địa. Bài này cũng được đăng ở nhiều Trang khác: Đạo hay Đời.)
Nhân đây, tôi xin cám ơn Cô Giáo của em Phan Hoàng Yến và xin mạo muội nhận xét về Cô như sau: Cô là Nhà mô phạm đúng nghĩa, có lương tâm, tinh thần dân chủ, tấm lòng quý trọng ”tự do phát biểu tư tưởng” bởi vì đề bài (Cô ra cho học sinh) phản ánh tính khách quan, vô tư, vị tha (vì lợi ích của người khác) mà, trong khi đó, không ít Thầy-Cô chẳng dám biểu lộ!!! Chính Cô là động cơ giúp Hoàng Yến chân thành bày tỏ tâm tình. ”Giáo dục bắt đầu bằng tình cảm” chính là Cô mở lối (ra đề), quý mến trò như con. ”Giáo dục sẽ được đúc kết bằng tình cảm” cũng chính nhờ Cô đón nhận trò bằng lời phê ngắn gọn, súc tích, tế nhị. Cô biết đắc nhân tâm như Lane Cooper nhận định: ”Thầy thành công khi trò trở thành đặc sắc.” (Le professeur a réussi au moment où son élève devient original.)
3- Em làm sống lại trong tôi thời gian được vinh hạnh đứng trên bục giảng
Đó là ”Khai tâm, khải đạo tình thương cho trò”, là tiếp tục sứ mạng cao quý, thiêng liêng ”của người xây dựng Sơn Hà xưa nay” và ”thay mặt Mẹ-Cha là Từ Phụ Mẫu thật thà, trung kiên”.
4. Em là ”tấm gương” soi
Em can đảm gióng lên ”tiếng còi báo động” không những cho các bạn tuổi hoa niên, cho quý Kỹ Sư Tâm Hồn, mà còn cho toàn thể Đồng Bào mang danh là ”Con Rồng, Cháu Tiên”, Hậu Duệ của Vua Hùng, Thánh Hiền Việt Nam!!! Em là gương soi để quý Thầy Cô nhìn lại mình có xứng đáng với chức năng cao quý của mình không! Henry Brooks Adams phát biểu: ”Người Thầy gây ảnh hưởng đến thiên thu: Thầy không bao giờ nói được ảnh hưởng của mình đừng lại nơi nào.” (Un professeur influence l’éternité: il ne peut jamais dire où son influence s’arrête.) René Leriche quan niệm: ”Giá trị của người Thầy được đo lường nơi nhân cách của trò mình.” (La valeur d’un professeur se mesure à la personnalité de ses élèves.)
5- Em là người yêu Quê Hương
Nỗi lòng của em qua bài viết bàng bạc tình yêu Nước, thương Đồng Bào dù em không dùng từ ngữ nào cụ thể để diễn tả tâm tình ấy.
6- Em khiến tôi nghĩ đến nhiều danh ngôn
Người Pháp nói: ”Muốn học giỏi, phải có hai phương tiện: Thầy tốt và sách tốt.” (Pour bien étudier, il faut deux instruments: un bon professeur et un bon livre.) Cô (dạy Việt văn) của em ”tốt” như tôi đã trình bày. Cô ”tặng” em 9,5 điểm là món quà vô giá, hơn cả con số tròn là 10. Hồi còn dạy học, trong lúc chấm thi, Thầy Việt văn (cũng có quý danh là Văn) đưa tôi xem bài viết của em nọ và hỏi tôi nên cho mấy điểm. Tôi trả lời: ”Bài tuyệt vời! Anh nên cho điểm tối đa!” Thầy ấy nói: ”Như thế, bài này sẽ bị đưa ra Hội Đồng vì môn Văn không bao giờ được điểm như thế!” Tôi cười thông cảm và khuyến khích: ”Gặp học trò tốt thì anh phải tốt tương xứng với tư duy của trò mình. Tôi sẽ là người hổ trợ anh.” Thầy Văn đồng ý. ”Em học trò ấy” là Bác Sỹ Nguyễn Văn Hải ở Bệnh Viện Chợ Rẩy Sài Gòn đã hơn hai mươi năm nay.
Qua chuyện vừa nêu, tôi nghĩ rằng cần thêm ý thứ ba (sau ”Thầy tốt” và ”sách tốt”), ấy là ”trò tốt” như em Phan Hoàng Yến. Chính Cô Giáo còn đánh giá em ”trên cả tốt” như sau: ”Một người có trái tim nhân hậu,đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
7- Em là hậu sanh khả úy
Descartes nói: ”Tôi tư duy, vậy là tôi hiện hữu.” (I think, therefore I am.) Pascal thì bảo: ”Con người là cây sậy biết tư duy.” (L’homme est un roseau pensant.) Nhưng em lại đặt câu hỏi: ”Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?”
Người mến phục em,
Phan văn Phước
Kính mời quý Vị đọc bài viết của em Phan Hoàng Yến:
BỆNH VÔ CẢM
Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm .
Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?
Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai?
Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác độc, vô lương tâm, con người ta cũng cảm thấy bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với những nạn nhân bị hại. Một tháng trước, tôi đọc được một bài báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe tải cán. Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện. Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy. Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những con người “không dại gì” và cũng chính “nhờ” những người “không dại gì” đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.
Vô cảm còn là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi. Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé còn ngây thơ, nhỏ tuổi? Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa. Tất cả những điều vô lương tâm ấy đều xuất phát từ căn bệnh vô cảm mà ra.
Chúng ta biết bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao? Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.
Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, bi ai và nó cũng như một ngọn lửa thổi bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Vì vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm “không còn đất sống” là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét, thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh mình.
“Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo” – một giáo sư người Anh đã nói như thế. Tóm lại, ta nhận thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà tạo hóa đã ban cho chúng ta, đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội.
P.H.Y