Nghĩ về thời gian

54

Nghĩ về thời gian

108721_th WGPSG “Tất cả là Hồng ân” (Rm 4,16)

Nhân dịp Xuân về, Tết đến, tôi có vài ý nghĩ tản mạn về thời gian như sau:

Mỗi người trong chúng ta được giao một quỹ thời gian nhất định, mà ngắn, dài bao lâu không rõ. Chỉ biết rằng chúng ta có thời gian được thân mẫu cưu mang, rồi được chào đời, được nuôi dưỡng “ba năm bú mớm”, được đi học thành tài, đi làm, lập gia đinh, sinh con, nuôi dạy con như ta đã được nuôi dạy. Bây giờ, sau bốn, năm mươi năm hay bảy, tám mươi năm cuộc đời, ngồi nghĩ lại, có ai tự hỏi ta đã được gì, mất gì không?

Được làm con người

Trước hết, cái được lớn nhất, quan trọng nhất là ta được làm người và làm con Chúa, mà không phải là cỏ cây, gỗ đá, vô tri vô giác; cũng không phải con này, vật kia, mà là “nhân linh ư vạn vật”, là chủ mọi loài, đứng đầu muôn vật trong vũ trụ vì ta có xác, có hồn; có tư duy, có tình cảm; có lý trí, có tự do.

Cái được nữa là ta được thừa hưởng gia tài tinh thần và vật chất của gia đình, dòng tộc, của quê hương, đất nước, của cả nhân loại. Sinh ra ta đã được ông bà, cha mẹ lo lắng, chăm sóc, nuôi dưỡng, ấp ủ, chở che; được giáo dục theo truyền thống của gia đình. Được thừa hưởng những giá trị tinh thần và vật chất của gia đình, dòng họ, quê hương. Nếu ông bà, cha mẹ ta có danh phận gì, ta cũng được thơm lây. Có tiếng tốt gì, ta cũng được hưởng nhờ vì là con ông, cháu cha. Có người trong gia đình hay dòng họ giỏi giang hay có đức tính gì tốt, được dùng làm gương cho ta học đòi, bắt chước.

Đàng khác, nếu được sinh ra trong một gia đình gia giáo, nề nếp, ta cũng được giáo dục để sống theo nề nếp của gia phong. Nếu gia đình giàu có, sung túc ta được hưởng nhờ những tiện nghi, những của cải mà ta không có chút công nào.

Đối với đất nước, ta cũng được thừa hưởng gia tài tinh thần và vật chất của tổ tiên. Đối với đồng loại, ta cũng được hưởng những tiện ích mà con người đã phát minh và truyền lại cho ta như: điện, điện thoại, internet, email, vi tính…

Trong nước có hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, các lề thói, tập tục tốt từ xưa truyền lại, ta cũng được hưởng dùng. Cứ tưởng tuợng khi ta lớn lên, đến tuổi đi học mà nơi ta ở không có trường, thì ta đành thất học thôi!

Khi ta đau yếu đã có hệ thống y tế lo chẩn trị cho. Nếu cần, có sẵn bác sỹ, có sẵn thuốc điều trị nữa. Chỉ cần bỏ ra một số tiền nào đó là được phục vụ. Các đồ dùng cá nhân hay của gia đình, khi cần gì, cứ ra cửa hàng, cửa hiệu mua là có. Thực phẩm cũng có sẵn để cung cấp cho ta hằng ngày, do hệ thống phân phối của xã hội, do sự phân công tự nhiên mà xã hội dành cho ta.

Được làm con Chúa

Đó là về phương diện làm con người. Còn làm con Chúa thì sao? Được làm con Chúa là được lãnh nhận một hồng ân vô cùng lớn lao, vô cùng quý giá. Không gì trên đời này có thể sánh ví được. Được lãnh nhận hồng ân đức tin là được làm con Chúa, được gọi Chúa là Cha và được Ngài nhận là con. Ngài là Cha vô cùng nhân từ và đầy lòng thương xót. Được làm con Chúa thì ta được biết: ta ở đâu mà ra. Sinh ra để làm gì. Và chết rồi sẽ đi về đâu. Đây là những câu hỏi mà nhiều người không trả lời được, nên họ sống không mục đích, bi quan, thất vọng và tuyệt vọng.

Chúa Giêsu phán: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” nên “Ai tin vào Chúa sẽ tìm thấy đường đi, tìm ra chân lý và tìm được sự sống” (Kinh năm Đức Tin). Tin vào Chúa, phó thác cuộc đời cho Ngài dẫn dắt, thì sau cuộc hành trình trần thế, ta sẽ được về với Chúa, hưởng vinh phúc muôn đời trên nơi vĩnh phúc, họp mặt cùng các Thánh là những người ra đi trước chúng ta, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc của ta. Còn gì hạnh phúc hơn?

Những cái ta mất

Còn ta mất gì? Mất những tháng ngày tươi đẹp của tuổi thơ, của tuổi trẻ… mà ta đã vô tình hay cạn nghĩ mà để trôi qua cách uổng phí, nay nghĩ lại thấy hối tiếc. Mất đi những dịp tốt, những cơ hội ngàn vàng, vì nghe bạn bè rủ rê mà bỏ ngoài tai những lời khuyên răn dạy bảo chí tình của cha mẹ, thầy cô, của bề trên, gây hậu quả xấu cho bản thân… Còn mất nhiều lắm những điều, những việc đại loại như thế.

Vậy, khi ta đã thừa hưởng biết bao tiện ích, biết bao điều tốt, điều hay của gia đình, của dòng tộc, của đất nước, của nhân loại, thì đến lượt ta, ta cũng phải làm gì để truyền lại cho con cháu, cho thế hệ sau những cống hiến của riêng ta. Nếu không, ta mắc nợ với người đi trước và mắc nợ với thế hệ đến sau. Cách riêng là người tin Chúa, là con Chúa, ta thông truyền ĐỨC TIN lại cho con cháu và những người xung quanh.

Từ những suy nghĩ thô thiển trên, tôi ước ao mọi người trong hoàn cảnh sống của mình, dù ở tuổi nào cũng được sống vui, sống khoẻ, và có dịp, có cơ hội là cống hiến, đóng góp cho đời những gì mình có: thời giờ, tiền bạc, kiến thức, kinh nghiệm, sự vui tươi, lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Vì được sống là một hồng ân do Chúa ban tặng. Thánh Phaolô viết: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).

Xin tạ ơn Thiên Chúa. Xin cám ơn đời, và xin cám ơn người.

Nhuệ Vinh