Quán nhậu và nạn cá độ
‘bủa vây’ làng đại học
Chưa đầy 500m, quanh làng đại học, có đến gần 50 quán nhậu, 20 điểm karaoke và bida… trong khi chỉ có một nhà sách! Đó là con số thống kê sau một thời gian đi tìm hiểu thực tế của chúng tôi tại làng đại học Thủ Đức – TP.HCM. Quả thật, môi trường “ăn, chơi” của sinh viên rất được người dân đầu tư, khai thác triệt để và rất sôi động.
Quán nhậu hút khách
Trước cổng ký túc xá đại học Quốc gia TP.HCM, chúng tôi thấy gần 10 quán nhậu (quán 44A, 777, 999, 79, Lẩu cá, Lẩu bò, Gà ta…) nằm liền kề nhau và hầu như đều rất đông khách. Chị Nguyễn Thanh Thúy (37 tuổi, quê Hải Dương), bán trái cây gần đó bức xúc: “Thật không hiểu nổi, sinh viên học hành kiểu gì mà 9h sáng đã ngồi nhậu. Mà ngày nào cũng vậy, từ sáng tới tận khuya cứ “1, 2, 3 zdô” nghe mà phát bực”.
Anh Phan Văn Thành (quê ở Mỏ Cày, Bến Tre) bán ổi dạo, đang ngồi tránh nắng dưới lùm cây, tay vừa vung nón phe phẩy quạt, vừa nói: “Tôi bán ổi một ngày mới được hơn hai chục ký còn quán nhậu một vài tiếng là có cả vài chục nồi lẩu được bán ra…”. Nói xong, anh chỉ tay vào một quán lẩu và bảo: “Đó, quán đó trước đây bán cơm ế quá trời nên chuyển qua quán nhậu, chưa đầy hai tháng đã có tiền đổi cả bộ bàn ghế mới. Vậy mới thấy bán quán nhậu “hốt bạc” quá đi chứ”. Tiếng cụng ly, tiếng “zdô”, tiếng chửi thề, nói tục rôm rả của nam nữ sinh viên cứ inh ỏi không ngớt cả một đoạn đường.
Đông đảo sinh viên có “máu đỏ đen” thâu đêm xem bóng đá tại quán Đ.Q
Từ đáy ly rượu, sau cuộc vui tàn đã có nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra cho những sinh viên nông nổi: Sức khỏe và tinh thần sa sút, đánh nhau, gây tai nạn, kết quả học tập kém, cha mẹ lại phải “gồng” mình lo toan…
Trương Minh Tr. (cử nhân trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) sau hai năm ra trường vẫn loay hoay không tìm được việc làm thích hợp. Bản thân Tr. thời còn sinh viên vốn ít đi học, không chịu trau dồi kiến thức, kỹ năng lại dành nhiều thời gian bên chén rượu “thù tạc” cùng bạn bè nên thân hình, gầy gò thê thảm. Nộp đơn xin việc, có công ty còn sợ Tr. đang mắc bệnh xã hội.
Một trường hợp khác, nghe bi ai hơn. Nữ sinh viên tên Ngô Thị Mơ H. cho tôi biết: “Em có nhỏ bạn, hôm sinh nhật, bị thằng bạn trai nó lợi dụng lúc xỉn rượu đã đưa vô nhà nghỉ. Sau đó, bạn em có mang hai tháng, “thằng bạn trai” liền chuồn mất dạng. Giờ bạn em đã phá thai rồi nhưng tâm lý không bình thường như trước, mới cách đây mấy ngày, sau một chầu nhậu, nó còn… định ra hồ đá tự tử”.
Trong khi nhiều sinh viên phải vừa đi làm thêm để tìm kiếm kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng vừa chuyên tâm học hành hoàn thành khóa học thì một bộ phận sinh viên ham chơi lại thích hơn thua “tửu lượng”. Phùng Mạnh H. (sinh viên trường đại học Bách khoa) cho biết: “Hồi trước, ba thằng bạn em thách nhau xem ai uống rượu mạnh hơn ai nên chia nhau ra “cưa” ba lít rượu gạo. Uống xong, thằng nào cũng say “ngoắc cần câu” rồi nôn thốc nôn tháo ra phòng. Hôm đó, em phải gọi taxi đưa hai thằng nhập viện vì nôn ra máu và xuất huyết bao tử”…
Chúng tôi rảo một vòng những “con đường ăn nhậu” quanh làng đại học khi trời đã sập tối. Lượng sinh viên ra vào các quán nhậu mỗi lúc một đông hơn, có quán không còn một chỗ ngồi như quán Lẩu cá 44, Lẩu T.Va, Cầy N.Đ… Từ các quán, tiếng “1, 2, 3 dzô” cứ vang lên khắp nơi. Trong những bộ đồng phục sinh viên, nhiều người “tới bến” nên gương mặt đỏ như gà chọi, mắt lờ đờ man dại bắt đầu ra về. Kẻ đi xe, rồ ga, nẹt pô lạng lách, người đi bộ thì quàng vai nhau, tay chân loạng choạng như múa “túy quyền”, miệng không thành tiếng, kẻ cứ huyên thuyên bốc đồng…
Cafe cá độ “bao vây” sinh viên
Dù hoạt động cá độ nơi đây không còn ồn ào, không rầm rộ như vào mùa Euro hay World Cup trước đây nhưng không vì thế mà cá độ bóng đá của sinh viên thiếu đi “sức sống”. Hiện nay, những tay “trùm” mới tổ chức ghi độ ngày một tinh vi, kín kẽ nhằm “né” sự chú ý của lực lượng chức năng. Các ông “trùm” này rất ít khi xuất hiện mà chỉ “mai danh ẩn tích” đứng sau chỉ đạo cho đàn em phụ trách. Nếu như trước đây, ghi độ có giấy “phơi” (giấy ghi thông tin về trận đấu và tiền cá cược) để làm bằng chứng chi thì nay được thay bằng tin nhắn qua điện thoại hoặc phơi “miệng”. Khi chúng tôi tiếp xúc với một “đầu mối” để tham gia ghi độ và đề nghị ghi ra giấy để làm bằng thì tay ghi độ tên T. nói thẳng: “Tao ghi giấy cho bọn mày báo công an à?…”.
Chúng tôi ghé vào một quán cafe chiếu bóng đá có tên P.V. nằm ngay trước cổng cũ trường ĐH KHXH&NV. Chủ quán là T. một sinh viên thể thao năm thứ tư kiêm phụ trách ghi kèo. Dù mới 8h sáng nhưng rất nhiều sinh viên với đồng phục có huy hiệu của đủ các trường ngồi trong quán. Hầu như bàn nào thực khách cũng có các tờ báo về thể thao, nơi cung cấp tỷ số cá cược. Họ bàn tán rất xôm tụ, phân tích thống kê bài bản, logic như những chuyên gia bóng đá thực thụ: Kèo nào “thơm”, cầm đội nào chắc ăn “hốt” bạc, đánh tỷ số nào hợp lý…
Cà phê P.V. hôm ấy tường thuật trận Real Madrid – Dortmund. Tuy trận đấu diễn ra lúc 2h45’ sáng nhưng từ 2h, quán đã đông nghịt khách. M. (một cựu sinh viên) dẫn tôi vào cho biết, đa số họ là sinh viên tham gia cá độ nên túc trực thường xuyên trong quán để “thao thức” cùng trái bóng và cổ vũ cho đội mình, nhiều đứa tiền mua mỳ tôm còn chả có vậy mà khi đã chơi là “quất” cả bạc triệu. Không có tiền thì cầm cố máy tính, xe máy, điện thoại…
Thấy chúng tôi vào quán, nhận ra “khách quen”, T. ra hỏi chúng tôi uống gì. Sau khi mang nước ra tôi ngỏ ý muốn ghi kèo thì T. cho biết tỷ lệ: “Chủ chấp khách 1 trái 1/4”. Tôi đề nghị bắt tỉ số thì T. từ chối vì trận đấu đã diễn ra nên T. chỉ chịu ghi kèo hiệp hai. Khi hiệp một kết thúc, T. bảo chủ chấp khách 1 trái. Tôi hỏi có ghi phơi không thì T. dứt khoát: “Không cần, hết trận thì chung chi luôn”… Sau đó, T. luôn chăm chú bấm điện thoại vì liên tục có các tin nhắn gửi đến đặt kèo…
Chủ quán K. là một sinh viên mới ra trường. Vì không gian quán nhỏ nên chỉ chứa khoảng hơn 20 người. Còn lại, nhiều sinh viên đứng ngoài ngó vào xem. Theo V., một nguồn tin nơi đây cho biết, đa số các sinh viên vào đây xem đều có tham gia cá độ. Ai muốn ghi thì cứ nói với chủ là D. hoặc C. để biết kèo. Nhà cái sẽ không ghi “phơi” giao cho người chơi mà chỉ nhớ mặt vì đa số người chơi là mối quen. Số còn lại nhắn tin bắt trận qua điện thoại.
V. cho biết, lúc trước có tay ghi phơi đã bị lực lượng chức năng bắt nên các nhà cái bây giờ không dám ghi nữa. Tôi ngỏ lời tham gia bắt tỉ số thì “thầu” tên C. từ chối và chỉ chịu bắt kiểu khác như tài xỉu hay nằm ở kèo trên hoặc dưới… Hỏi một sinh viên mặc áo khoa Kinh tế ngồi gần bắt đội nào để tôi theo thì cậu ta cho biết: “Em là fan của Man City nên cứ bắt hai “chai” (hai triệu) cho kèo trên”. Trận đấu diễn ra trên màn hình kịch tính bao nhiêu thì các con bạc bên ngoài cũng hăm hở, nôn nóng, sục sôi bấy nhiêu. Những pha bóng bỏ lỡ mười mươi sẽ bị các “fan cuồng” tiếc rẻ và chửi tục xối xả, một bàn thắng được ghi từ đội “nhà” sẽ được vỗ tay tán thưởng, nhảy dựng ăn mừng. Tiếng hò hét, tiếng trầm trồ, nỗi thất vọng cứ inh ỏi cả khu vực.
Hôm đó, trận đấu kết thúc, chỉ một hai tay chơi thắng kèo “dưới” nên được C. chung độ, còn lại đa số buồn thiu vì… trắng tay. Lúc ấy, trời vừa hừng sáng, những sinh viên ra về nhưng không ngớt lời bàn tán, than trách, chửi nhau, có người hứa hẹn ngày mai “quyết lấy lại cả vốn lẫn lời”…
Theo thạc sĩ tâm lý Huỳnh Long, chính việc sống xa nhà, ít có sự giám sát của bậc phụ huynh nên sinh viên cứ tự do chơi bời lêu lổng. Mà lớp trẻ hay hiếu thắng, thích chứng tỏ ta đây đã lớn nên dễ tìm đến rượu bia hoặc các trò cá độ để khẳng định bản thân. Khi đã “vướng” vào bia rượu, cá độ rồi thì sự kiểm soát của lý trí là rất khó. Không những vậy, đối với những ai cứ mỗi lần gặp chuyện buồn, vấp ngã một tí là tìm đến bia rượu sẽ dễ bi quan, thoái chí nên rất khó để phấn đấu, vươn lên… |
Bạt Phong