Chúa nhật 31 Thường niên Năm B_2012

166

Chúa nhật 31 Thường niên Năm B_2012

Ông bà anh chị em thân mến. Có một câu chuyện rất cảm động được đăng trong một tạp chí về một em bé gái, đang trong tình trạng nguy kịch vì một chứng bệnh rất lạ và hiểm nghèo.  Em chỉ có một tia hy vọng duy nhất qua khỏi được chứng bệnh này là được truyền máu của người em trai năm tuổi đã sống sót cũng vì chứng bệnh này mà thôi. Trong máu của em trai này chứa đựng không những sự đề kháng mà còn có tác dụng diệt được vi khuẩn của loại bệnh lạ này. Bác sĩ cắt nghĩa cho em trai biết truyền máu là gì và như thế nào.  Và sau đó hỏi em có vui lòng cho máu người chị không.  Em ngại ngùng giây phút nhưng sau đó em đã trả lời bằng lòng nếu cứu được người chị. Trong lúc đang truyền máu, nằm bên cạnh chị trên giường, em tỏ ra vui vẻ và mỉm cười cùng với các y tá và bác sĩ đứng bên cạnh và nhìn thấy đôi má của người chị dần dần hồng đỏ lại.  Thế nhưng nụ cười của em bắt đầu dần dần héo lại khi em chăm chú nhìn vào mặt của mình và với một giọng nói run rẩy hỏi bác sĩ, “Có phải bây giờ tôi dần dần chết đi không?”  Em bé trai này đã hiểu sai lời của bác sĩ và nghĩ rằng phải cho người chị hết máu của mình. Em bé trai này yêu thương chị và đã hy sinh chia sẻ máu mình để cứu sống chị, nhưng em vẫn lo sợ cho chính mình.

Ông bà anh chị em thân mến.  Yêu thương thì không luôn luôn đưa đến cho chúng ta sự vui sướng, miễn đau khổ, dễ dàng và những điều vô sự.  Yêu thương không luôn luôn đồng nghĩa với cảm tình hay những cảm xúc ấm áp và trìu mến chúng ta dành cho người khác.  Bởi vì cảm tình hay cảm xúc không làm cho hoàn cảnh hay cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn.  Yêu thương là một hành động hơn là một cảm tình.  Và yêu thương, nếu là yêu thương chân thật, đòi hỏi hy sinh và vị tha hay là không ích kỷ, và đó là một điều khó thực hiện trong xã hội, nhất là tại quốc gia này, đặc biệt là khi đòi hỏi một thời gian lâu dài. Thật vậy, tình yêu hay yêu thương thường đi đôi với ba yếu tố khó khăn là: hy sinh, đau khổ và vị tha.  Khi chúng ta mới sinh ra và còn nhỏ, chúng ta thường là những con người ích kỷ, chỉ chú ý đến chính mình.  Chúng ta nhận biết rằng, vào thời gian còn nhỏ, khi chúng ta đói, khi chúng ta đau hay khi chúng ta mệt mỏi, chúng ta không cần nghĩ đến cho thế giới bên ngoài hay những người chung quanh, chúng ta cho tất cả biết rõ về những đòi hỏi của chúng ta. Việc đó chấp nhận được khi chúng ta còn nhỏ.  Nhưng bây giờ chúng ta đã thật sự vượt qua thời điểm đó trong cuộc sống và ý thức rằng chúng ta không là trung tâm điểm của vũ trụ.  Khi chúng ta trưởng thành trong sự yêu thương, chúng ta phải vươn ra, phải nối rộng cánh tay đến những người chung quanh, tới những sự kiện bên ngoài liên kết với chúng ta, đặc biệt là những người Việt Công giáo sống trong giáo xứ.  Chúng ta phải hiệp nhất và đồng tâm giúp đỡ nhau và cố gắng làm sáng danh Chúa.  Điều đó là dấu chỉ của sự trưởng thành, và đó cũng là giáo huấn của Chúa Giê-su cho chúng ta là những Ki-tô hữu qua bài Tin mừng hôm nay.

Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng, nhóm luật sĩ đã đến và đưa ra một đề tài, một câu hỏi để chất vấn Chúa điều luật nào là quan trọng nhất trong các luật lệ.  Chúng ta nên biết là vào thời gian đó có nhiều luật lệ mà người Do thái phải tuân theo. Thật sự chủ đích nhóm luật sĩ này không phải là để học hỏi hay trao đổi, mà họ muốn gài bẫy và kiếm nguyên nhân để kết án Chúa Giêsu mà thôi. Và cũng nhờ cuộc tranh luận này mà chúng ta có được một chân lý và cũng là nền tảng đời sống Ki-tô của tôn giáo chúng ta.  Chúa Giêsu đã tóm tắt tất cả luật cũ vào một giới răn yêu thương, đó là “Mến Chúa Yêu Người.”

Thật vậy ông bà anh chị em thân mến, nếu chúng ta muốn tìm kiếm một chữ trong Kinh thánh để diễn tả cho đạo Ki-tô giáo, thì không có danh từ nào thích hợp, đầy đủ và hoàn toàn bằng yêu thương.  Và đó cũng là thánh ý Thiên Chúa Cha cho chúng ta được diễn tả qua cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô từ khi Ngài sinh ra cho đến khi bị treo trên cây Thánh giá.  Chúa đã cho chúng ta biết rõ ý nghĩa cuộc đời của Ngài qua lời tâm sự mà chúng ta đã nghe nhiều lần, “Không có gì cao quí cho bằng chết cho người yêu.”  Chúa đã dạy chúng ta giới răn yêu thương và cũng đã chứng tỏ giới răn yêu thương này qua hành động, đó là hy sinh chịu đau khổ, và chịu chết trên Thánh giá vì và cho chúng ta, là những người tội lỗi và không xứng đáng.

Là những Ki-tô hữu, giới răn Mến Chúa Yêu Người phải đi đôi với nhau trong đời sống của chúng ta như hai mặt của một đồng tiền hay hai chiều luân chuyển không khí, hít vào và thở ra của trái tim, không có thể tách rời ra được. Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã khuyên bảo và khẳng định rằng, “Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước.  Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh chị em mình, thì là người nói dối.  Vì người anh chị em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng mình không thấy được?”

Thật vậy, như chúng ta có thể biết, mến Chúa thì dễ.  Và Chúa rất dễ yêu lắm, ai cũng có thể nói yêu Chúa được. Thế nhưng chúng ta phải tự hỏi, “chúng ta có thật sự yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức chúng ta như lời Chúa dạy hay không?  Hay chúng ta chỉ nói ngoài môi miệng, đọc dăm ba câu kinh, đi xem lễ 1 tiếng một tuần và để tâm trí ở đâu.  Hay đi trễ về sớm.   Chúng ta yêu Chúa, nếu Chúa ban cho chúng ta những điều chúng ta đòi hỏi hay yêu cầu, nhưng chúng ta có lắng nghe và sống lời Chúa không?  Yêu Chúa rất dễ vì hình như Chúa chẳng phản ứng gì với đời sống, thái độ bề ngoài, hình thức của chúng ta.

Còn yêu người thì sao?  Chắc chắn là khó hơn và chúng ta cũng đã nghe nhiều về vấn đề này, nhưng chẳng bao giờ nghe đủ nói đủ. Vì thế ở đây, tôi xin được nhắc lại một vài điều. Thứ nhất, yêu người là một mệnh lệnh của Thiên Chúa.  Không phải là một đề nghị hay khuyến khích mà là một giới răn và cũng là một tiêu chuẩn thực tế để đo lường, đánh giá tình yêu của chúng ta đói với Thiên Chúa, nghĩa là nếu chúng ta nói, chúng ta yêu Chúa nhiều mà chúng ta sống ích kỷ, không công bằng, lừa dối, gian tham, thì chúng ta chỉ mến Chúa ngoài môi miệng hay hình thức mà thôi. Thứ nhì, yêu người không phải chỉ là yêu thương theo tình cảm, có nghĩa là chỉ yêu thương những người thương mến chúng ta, còn những người khác thì không. Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đã nói chúng ta phải thương yêu cả kẻ thù.

Có một câu chuyện vui về kẻ thù như sau.  Trong một buổi tĩnh tâm, linh mục giảng về những tai hại của sự oán thù. Sau khi giảng xong, linh mục hỏi các người tham dự, “Trong các anh chị em hiện có mặt nơi đây, người nào không có kẻ thù xin đứng dậy.” Một anh thanh niên từ từ đứng lên và dỏng dạc trả lời, “Thưa cha, người đó chính là tôi.”  Linh mục hỏi tiếp, “Thế thì tuyệt diệu quá! Anh có lẽ là người được nhiều người thương mến. Nhưng anh đã làm thế nào để không có kẻ thù?”  “Thưa linh mục rất là dễ, hễ thằng nào mà chọc tôi ngứa mắt thì tôi chỉ cần cho nó một phát là xong.”

Đó là câu chuyện vui thôi, chớ có ai bắt chước anh thanh niên này, vì ở tiểng bang Oklahoma này đã cho mang súng công khai rồi. Ra đường chúng ta phải cẩn thận.  Nếu chúng ta chỉ yêu thương những người yêu thương mình, quý mến mình là chuyện bình thường, không cần phải đề cập tới và không có gì để nói.  Là những Ki-tô hữu, Chúa muốn chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người, và yêu thương họ như yêu thương chính chúng ta

Điểm thứ ba, yêu người không phải chỉ ngoài môi miệng mà sẵn sàng giúp đỡ bằng thái độ, việc làm tinh thần hay vật chất cụ thể. Hay chỉ yêu thương giúp đỡ những người ở xa mà quên đi những người chung quanh.  Cũng thế, nếu chúng ta nói chúng ta yêu thương, giúp đỡ những người ở xa, mà thờ ơ với những người thiếu thốn hay những nhu cầu cần thiết, thì đó chỉ là bề ngoài, hình thức thôi. Như tôi đã đề cập ở trên, yêu thương chân thật đi đôi với ba yếu tố cần thiết đó là hy sinh, đau khổ và vị tha.

Và sau hết, là những Ki-tô hữu, chúng ta hãy nhớ một điều quan trọng, tới ngày phán xét, chúng ta sẽ bị phán xét về điều răn “Yêu Thương” đó là mến Chúa hết lòng, hết trí khôn và linh hồn, yêu tha nhân như chính mình. Chúng ta phải luôn tâm niệm rằng, đây là giới răn Chúa dạy chúng ta phải sống,  không phải là đề nghị hay lời khuyên.  Cho nên chúng ta cầu xin biết sống điều răn yêu thương của Chúa đời này, để được hưởng tình yêu vĩnh cửu của Chúa trên Thiên Đàng.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa