Một cảm nghiệm về đức tin
Mỗi ngày, tôi sống với niềm tin. Càng già, tôi càng cảm thấy niềm tin là cần thiết.
Niềm tin tự nhiên, như tin vào những người thân; tin vào người giúp việc; tin vào thầy thuốc; tin vào sự chân thành và thông cảm của những người quen xa gần, vv…
Niềm tin siêu nhiên, như tin vào ơn thiêng đến qua việc cầu nguyện, việc bác ái, việc hy sinh; tin vào tâm tình sám hối khiêm cung; tin sự khát khao những điều tốt lành cho mọi người vẫn là một đóng góp có sức gây nên môi trường đạo đức xã hội. Niềm tin mà tôi xác tín là quan trọng nhất cho tôi, chính là tin vào đức tin.
Đức tin là một nhân đức. Nó không là kết quả của những lý luận. Nó là một ơn do Chúa thương ban. Người thương ban ơn đức tin bằng nhiều cách. Mỗi người được ơn đức tin có thể kể lại kinh nghiệm của riêng mình. Với mục đích làm chứng cho Chúa, tôi xin phép kể lại kinh nghiệm của riêng tôi. Vài yếu tố sau đây vốn có trong thời tôi còn trẻ, nay càng rõ và mạnh trong thời tôi già yếu.
Tin là một gặp gỡ và đón nhận.
Đức tin của tôi không chỉ được cảm nghiệm như một sự tin có Chúa và tin kính Chúa, hoặc tin nhận một hệ thống tín lý và luân lý do Hội Thánh dạy. Tất nhiên đức tin đòi những tin nhận đó.
Nhưng, khi nói về tin Chúa như một cảm nghiệm về Chúa, tôi thấy lời thánh tông đồ Gioan viết xưa là rất sống động. Ngài viết: “Người (Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa) đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,11-12). Như vậy, theo cách diễn tả của thánh Gioan, tin Chúa là đón nhận Chúa Giêsu. Đón nhận chính Chúa Giêsu. Đó là việc chủ yếu, mà tôi cảm nghiệm. Tôi đón nhận Chúa Giêsu với tất cả con người của tôi, khi tôi tin Người. Tôi cậy trông nơi Người. Tôi hy vọng nơi Người. Tôi tin tưởng vào Người. Tôi yêu mến Người. Tôi đón nhận Chúa Giêsu vào mọi cơ năng của tôi. Tôi đón nhận Người vào trái tim tôi, vào trí khôn tôi, vào trí nhớ của tôi, vào ý chí của tôi, vào trí tưởng tượng của tôi. Tôi xin Người ngự vào ý thức của tôi, tiềm thức của tôi, vô thức của tôi. Tôi đón nhận Chúa Giêsu với tất cả mọi lời của Người, tất cả đời Người đã sống, tất cả gương Người để lại, tất cả các nẻo đường Người đã đi, tất cả mọi ý muốn của Người về tôi, về Hội Thánh và về kế hoạch cứu độ nhân loại. Đón nhận như thế là một gặp gỡ thân mật. Lúc đó, tin không lạnh khô như trong lãnh vực giáo thuyết. Kết quả trực tiếp của đức tin như thế là một sự đổi mới con người.
Tin là đổi mới chính mình. Thánh Gioan quả quyết: “Những ai đón nhận Chúa Giêsu, tức là tin vào danh Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Được quyền trở nên con Thiên Chúa, đó là một sự đổi mới cao quý lạ lùng. Sự đổi mới này được tôi cảm nghiệm một cách đơn sơ nhất là ở ba điểm sau đây.
1/ Cái nhìn được đổi mới.
Thánh Gioan xác nhận: “Ngôi Lời là ánh sáng thật” (Ga 1,9). Nhờ ánh sáng của Chúa Giêsu, tôi nhìn thấy bậc thang giá trị theo Phúc Âm rất khác bậc thang giá trị theo thế gian. Thí dụ: Theo thế gian, việc từ thiện, ăn chay, cầu nguyện thường được phô ra, để tìm kiếm tiếng khen. Còn theo ánh sáng của Chúa Giêsu, thì làm việc đạo đức kiểu đó tuy được phần thưởng do thế gian, nhưng rất có thể sẽ mất phần thưởng của Cha trên trời (x. Matthêu 6,1-18).
Một thí dụ nữa: Theo thế gian, người sống thoải mái, đi trên đường đời rộng thênh thang, được kể là người may mắn và hạnh phúc. Còn theo ánh sáng của Chúa Giêsu, thì trái lại (x. Matthêu 7,13-14).
Đặc biệt là, nhờ ánh sáng đức tin đến từ Đức Kitô, tôi nhận ra mình là kẻ tội lỗi, yếu hèn, kém cỏi, bất xứng với những ơn Chúa thương ban cho tôi. Ngoài cái nhìn được đổi mới, người con Chúa còn cảm nghiệm một đổi mới khác nữa, đó là giới răn mới.
2/ Giới răn mới.
Sống đức tin là đón nhận chính Chúa Giêsu, nên tôi cảm nghiệm thấy giới răn quan trọng bậc nhất của đạo chính là yêu thương. Sự cảm nghiệm về bổn phận yêu thương là rất mạnh. Mạnh đến nỗi nó khiến tôi nghĩ rằng: Tin Chúa dù kiên vững đến đâu, nếu thiếu yêu thương con người, thì vẫn không là đón nhận Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết, cũng để làm chứng cho tình yêu.
Thực sự, nếu đức tin không được phiên dịch ra bác ái yêu thương con người, thì đức tin đó dễ trở thành một thứ phản chứng. Nhưng yêu thương nói đây không phải là bất cứ thứ yêu thương nào, mà là thứ yêu thương, như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Chính nhờ thứ yêu thương đó, mà tôi lại có thêm một cảm nghiệm nữa về đức tin. Đó là một hy vọng mới.
3/ Một hy vọng mới.
Hy vọng mới này dựa trên một Tin Mừng lớn lao, do gặp gỡ và đón nhận Chúa. Tin Mừng lớn lao đó là tình thương xót Chúa dành cho những kẻ yếu đuối, bé mọn. Lòng thương xót bao la này để ý đến từng việc lành bé nhỏ âm thầm, để thưởng công. Lòng thương xót vô cùng này cúi xuống đỡ nâng từng người đau khổ, thất vọng, khi họ tỏ thiện chí. Lòng thương xót mênh mông này dịu dàng gọi tên từng người lầm lạc đang đi trong bóng tối, và đời chờ họ trở về.
Tôi cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót Chúa luôn hiện diện ở từng giây phút đời tôi, để mỗi giây phút đó có thể mang giá trị đời đời, do tôi biết đặt mình vào lễ tế của thánh giá Chúa. Và như vậy, đức tin đòi hỏi một sự cảnh giác cao độ đối với mọi thứ tà thần vốn thù địch với đức tin.
Tin là biết cảnh giác với các tà thần.
Thánh Gioan tông đồ kết thúc lá thư thứ nhất của Ngài bằng câu: “Các con hãy tránh xa các tà thần” (1 Ga 5,21). Tà thần được hiểu là những tinh thần cản ngăn việc đón nhận Chúa và sự đổi mới mình ta, dẫn đưa ta xa dần đức tin. Thí dụ: Tinh thần kiêu ngạo tự mãn; tinh thần mê danh vọng, phô trương quyền chức; tinh thần chạy theo tiền bạc; tinh thần lười biếng; tinh thần nguội lạnh; tinh thần hưởng thụ, buông thả theo tự do quá trớn; tinh thần thích sống đời an nhàn, sang trọng; tinh thần ghen tuông ưa chỉ trích, gièm pha; tinh thần giả hình đạo đức; tinh thần tự cao, thiếu nhịn nhục chịu khó vì Chúa.
Những tinh thần xấu như thế chính là những tà thần. Để cảnh giác, ta phải biết nhận ra chúng hiện diện bên ta, biết tránh xa các dịp kết thân với chúng, biết chiến đấu bằng cầu nguyện, hãm mình, hồi tâm. Trên đây là chút cảm nghiệm yếu ớt của tôi về đức tin. Nó có tính cách riêng tư. Nhưng hy vọng nó cũng có thể gợi cho mọi người sống đức tin nói lên một cách nào đó về cảm nghiệm đức tin của mình. Những cảm nghiệm đó, khi thực lành mạnh, và kèm theo ơn Chúa sẽ có sức làm chứng cho Chúa. Làm chứng một cách nhẹ nhàng tế nhị, nhưng với nhiều thực chất.
Tình hình xã hội văn hoá sẽ còn nhiều biến chuyển. Những biến chuyển đó sẽ là những thách đố lớn. Ta cần nhiều sáng kiến về cách làm chứng cho Chúa. Theo thiển ý của tôi, những cảm nghiệm sống động của mỗi người chúng ta về đức tin có thể sẽ là những sáng kiến đáng kể. Chúng cũng sẽ đưa lại cho ta niềm an ủi, và sự bình an trên đường phục vụ con người và làm sáng danh Chúa.
Đức Giám mục GB.Bùi Tuần
Nguồn: tinvuiviet.net