GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Liệu chúng ta có thể tín trung tới trọn đời?

Liệu chúng ta có thể tín trung tới trọn đời?

LIỆU CHÚNG TA CÓ THỂ TÍN TRUNG TỚI TRỌN ĐỜI?

Là một tu sĩ, cứ độ tháng 8 về, lòng tôi lại rạo rực. Lòng rạo rực, vì biết rằng, đây là thời điểm “gặt hái” của một số các dòng tu. Đây là thời điểm của một số những tâm hồn thiện chí nơi nhiều những hội dòng nói lên ước nguyện hiến dâng cuộc đời để “Sequela Christi” nơi hội dòng ấy. Nhưng lòng tôi cũng rạo rực luôn mãi vì biết rằng, sẽ có nhiều những con người sẽ đọc lên LỜI để hứa trung tín với LỜI mà họ vừa đọc. Nhưng ngày mai đây, LỜI hứa hôm nay sẽ như thế nào?

Để bắt đầu, xin được đưa ra một vài hình ảnh quen thuộc trong ý nghĩa của Tín Trung.

Như chúng ta thường thấy trên tivi, báo đài hoặc gần hơn với chúng ta là trong cộng đoàn Công giáo. Sau những lần bầu chọn người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo đảng, lãnh đạo Giáo Hội hay một cộng đoàn, người ta thường có những nghi thức gọi là nhận chức. Trong đó, người đắc cử trong trong nghi thức nhận chức phải có cử chỉ thề hứa trước mọi người và nói lên lòng trung tín của mình với tổ quốc, với đường hướng của Nhà Nước; trong Giáo Hội thì hứa tín trung với Thiên Chúa qua Giáo Hội; tín trung với đường hướng của Giáo Hội, của cộng đoàn.

Hình ảnh thứ hai mà chúng ta thường gặp là cuộc nên duyên của hai bạn trẻ:

Đối với những bạn trẻ không có tôn giáo thì chứng từ hôn nhân là bản cam kết. Riêng với những người có cùng tôn giáo như đạo Công giáo; hai bạn trẻ đưa nhau đến trước bàn thờ Thiên Chúa, trước vị linh mục đại diện và cộng đoàn họ thề hứa chung thủy và sống trọn đời với nhau. Họ nói: Anh (em) là… nhận em (anh) làm vợ (chồng), hứa chung thuỷ với em (anh) lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc mạnh khỏe cũng như khi đau yếu… và hứa chung thủy với em (anh) trọn đời”. Ký ước của họ được kết thúc bằng nghi thức trao nhẫn cưới. Chiếc nhẫn đã trở nên hình ảnh của sự ràng buộc những gì mà họ vừa thề hứa.

Trước đêm rời gia đình để vào sống trong nhà dòng, ba tôi có gọi riêng tôi và hỏi: “Liệu con có thể theo được đấy chứ?”

Tôi hiểu câu hỏi của ba tôi, vì trong điều ông nói không chỉ là tôi có thể đáp ứng được những đòi hỏi của nhà dòng mà hơn nữa là tôi có thể sống trọn vẹn Lời mà sau này tôi khấn hứa (?) Ông cụ đã kể cho tôi những câu chuyện về cuộc sống nhà tu và những kết thúc của một lối đi. Cuối cùng ông bảo: Chọn sao cho trọn!

Cũng như lời giao ước hôn nhân, lời tuyên thệ trước một hội nghị thay mặt nhân dân, ngày khấn dòng, chúng ta khấn hứa vâng lời Thiên Chúa và dòng, nghĩa là vâng theo những giáo huấn của Chúa qua Giáo Hội, qua dòng, nhất là những gì mà Đức Giêsu đã dạy; đồng thời, tuân giữ những Huấn chỉ của dòng. Một sợi dây nhiệm mầu cũng đã dán kết lấy chúng ta trong lời khấn và, vì thế, chúng ta phải có bổn phận thi hành lời khấn hứa ấy, điều này đồng nghĩa là ta phải tín trung.

Đến đây chúng ta có thể lược qua ý nghĩa của chữ TÍN TRUNG là gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Tín trung nghĩa là trung thành với lời hứa, trung thành với lời cam kết [1].

ANH PHÊRÔ, ANH CÓ YÊU MẾN THẦY KHÔNG?

Đức Giêsu đã gọi môn đệ mình và hỏi: “anh có yêu mến Thầy không?” Tại sao vậy? Vì “yêu mến là tuân giữ hành các giới răn của Chúa” (1 Ga 5,3), vì “nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”. Lời Thầy ở đây là những giáo huấn, những giáo huấn đem lại sự bình an và sự sống cho ai lắng nghe và đem ra thực hành.

Anh có yêu mến Thầy không? Trước hết, để tiếp tục công việc loan báo Tin Mừng cứu độ ở trần gian, trước lúc về trời, Chúa đã muốn có người “nối dõi”, người được chọn cần phải có một tấm lòng, tấm lòng đó phải thể hiện bằng sự tín trung vào Người, lắng nghe Người và yêu mến công việc của Người.

Anh Phêrô, anh có yêu mến Thầy không? Ba lần Chúa đều hỏi ông như vậy. Điều này càng tăng thêm sức mạnh của sự đòi hỏi. Vì một khi đã sẵn lòng và cam kết ký giao ước thì cả đôi bên không thể thất trung được. Chúa đang đòi hỏi nơi Phêrô một tình yêu thực sự, tình yêu không còn là của khía cạnh Eros, hay như một tình cảm bình thường mà phải là Phileo và Agape; vì khi yêu mến rồi, chắc chắn ông sẽ vâng giữ các huấn giáo và chỉ dẫn của Chúa. Chúng ta cũng thấy, chẳng có ai trên cõi đời này yêu người mà họ không mến, không thích; chẳng có quyết hy sinh tính mạng mình cho người mà họ không yêu. Kinh Thánh dạy: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một Người để làm giá cứu chuộc muôn dân. Quả vậy, sự tín trung phát xuất từ lòng mến.

Hãy chăn dắt chiên mẹ, chiên con của Thầy”. Bản giao ước ấy được ký kết khi lần thứ ba ông Phêrô tuyên hứa: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Và quả nhiên như Phúc Âm kể lại, Thánh Phêrô đã tín trung tới giờ phút cuối cùng. Ngài đã thay mặt Chúa dẫn dắt đàn chiên vượt bao sóng gió. Lòng yêu mến tín trung của Thánh Phêrô đã sinh ra nhiều những “chiên” mới khác.

Trong đời sống hôn nhân, hai người thề ước chung thuỷ với nhau trọn đời. Lời thề hứa ấy được thể hiện bằng sự yêu thương lúc thịnh vượng cũng như khi gian nan, lúc mạnh khoẻ cũng như khi già yếu; lời thề hứa ấy được thể hiện bằng việc trao hiến cho nhau tình yêu và thân xác; lời thề ước ấy thể hiện qua việc vui mừng đón nhận thiên chức làm cha, làm mẹ và nuôi dưỡng con cái nên người.

TRONG CUỘC SỐNG TU TRÌ

Người tu sĩ khấn hứa trung thành với giáo huấn của Chúa và trung thành với những định chế của hội dòng họ gia nhập.

1. Tín trung với dòng

Ngày khấn dòng, chúng ta hứa vâng lời dòng. Sự vâng lời này được hiểu là sẽ trung tín với những đường hướng, sứ vụ của dòng; tín trung với những anh chị em cùng chung lý tưởng như ta trong dòng.

– Cha Timothy Radcliffe, cựu Bề trên Tổng quyền, trong lá thư gửi anh chị em trong giai đoạn đào tạo sơ khởi, có viết: “Chúng ta dâng cho Thiên Chúa lời hứa của chúng ta, ngay cả khi lời hứa ấy đòi hỏi nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ là mình có thể thực hiện được”[2]. Điều này xin được hiểu là, chúng ta khấn hứa vâng lời dòng, nghĩa là chúng ta đã trao gởi cuộc đời chúng ta qua dòng và để dòng dìu dắt. Chúng ta hãy vui vẻ đón nhận những gì dòng cần nơi chúng ta vì sứ vụ và công việc; đôi khi công việc ấy, sứ vụ ấy nằm ngoài tầm tay của chúng ta, hoặc nó khó khăn. Chúng ta đã trao cho dòng lời hứa là chúng ta trao cả cuộc đời cho dòng và anh em. “Dường như tôi sắp hoàn thành ước nguyện của tôi là được chết trong dòng”. Đây chẳng là lời mà người Anh Cả trong dòng cho là lời thiết thực khi anh nghe câu nói được thốt ra từ miệng lưỡi của một vị cha anh đang lâm trọng bệnh. “Tôi sắp hoàn thành ước vọng”, phải chăng đó chẳng là lời tín trung mà anh đã hứa với dòng khi nói: “Vâng lời đến chết”. “Anh đã trao dâng lời hứa và sự sống của anh cho dòng”[3].

– Cũng theo Cha Timothy, lòng tín trung ấy phải được ưu tiên cho sứ vụ của dòng.

Với những khả năng, sở thích sẵn có hay thủ đắc được, chúng ta đem vào dòng cùng với lời hứa, chúng ta đặt để nó trong sự tùy thuộc của dòng. Và vì vậy, đôi khi có những công việc không hợp ý, nhưng với lòng tín trung và vâng lời, ta đón nhận nó và coi đó như là Thánh Ý Chúa.

– Ý tưởng thứ ba mà Cha Timothy nêu ra là lòng trung thành thương yêu anh chị em.

“Antonio Montesinos giảng cũng chính là cộng đoàn giảng”, đó là lời phúc đáp cho lời tố cáo của chính quyền về việc Anh Antonio tố cáo việc họ đối xử bất công với người bản xứ, quả là một bằng chứng cho tấm  lòng yêu thương anh em, mà chúng ta có thể coi đó là lòng trung thành trong anh em: “Antonio giảng cũng chính là chúng tôi giảng”.

Lòng trung thành với anh em nghĩa là phải bênh vực anh em vì thanh danh của họ cũng chính là thanh danh của mình (x. sđd, tr. 53). Tuy nhiên, lòng trung thành ấy không chỉ hạn định ở chỗ là bênh vực thôi mà còn là cả sự “đối đầu” với anh ta, với những suy nghĩ trái ngược của anh với dòng, với anh em.

2. Tín trung với Chúa qua lời khấn dòng

Trong cộng việc làm ăn, để tỏ sự tín trung, người ta thường hay thảo viết những bản cam kết và đặt vào đó những bổn phận và nghĩa vụ mà họ hoặc đôi bên phải có trách nhiệm thực hiện. Bản cam kết ấy cũng có thể sẽ trở thành một lời tố cáo về những điều mà một trong hai bên không thực hiện.

Trong đời sống tu trì, chúng ta không làm cam kết, chúng ta không soạn thảo văn bản cam kết nhưng chúng ta hứa tín trung qua lời khấn, đó là: Khó nghèo, Vâng phục, Khiết tịnh.

Người ta thường nói: “lời nói thoảng hương nhài” hay “lời nói gió bay”, hoặc hơn nữa “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Tất cả những lời đó muốn nhắm đến hành động hơn là lời hứa mà ai đó đã hứa bằng lời. Vâng, việc chúng ta hứa, đó mới chỉ là lời, chỉ là khởi đầu cho một cam kết được thực hiện sau này. Cho nên, điều đó chỉ được chứng thực, tỏ hiện khi được thực hiện qua hành động của mình.

TÍN TRUNG VỚI VÂNG PHỤC

“Tôi là tu sĩ… Hứa vâng lời Thiên Chúa… và… CHO ĐẾN CHẾT”.

Đó là lời mà chúng ta tuyên thệ trong ngày khấn dòng.

Chúa Giêsu dạy: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Thánh Gioan phụ thêm: “Yêu mến là tuân giữ các giới răn của Chúa” (1 Ga 5,3). Vì thế, Chúa đã hỏi Thánh Phêrô: “Anh Phêrô, anh có yêu mến Thầy không?”. Anh có yêu mến, đồng nghĩa với việc anh có tin vào Thầy và có tín trung với Thầy không. Thánh Tông đồ dân ngoại nói: Hiện nay, cả ba nhân đức Tin, Cậy, Mến đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn hết vẫn là đức Mến. Vâng, ta có yêu mến thì mới tin tưởngtrung thành với lời hứa.

Và câu chuyện hôn nhân vẫn là một đề tài hấp dẫn trong các mảng văn học và nghệ thuật; đồng thời nó cũng là một huyền nhiệm mà không mấy ai hiểu hết được. Một người nam và một người nữ chấp nhận đến với nhau và gắn trao cuộc đời với nhau, chung sống với nhau cho đến trọn đời. Tôi tự hỏi làm sao họ có thể tin vào tình yêu của nhau, họ có biết được tình yêu chồng vợ này sẽ trọn vẹn và tốt đẹp chứ, nếu không có lòng mến! Điều đó cho thấy, tất cả đều phát xuất từ lòng mến.

Cũng như Phêrô, chúng ta cũng được chính Chúa gọi đến để ký kết giao ước “Con có hứa trung tín với ta suốt đời không?”. Hic et nunc chăng? Trước hết, để hỏi câu này, Chúa cũng cần đến tự do của chúng ta. Người chẳng muốn và chẳng nài ép ta nếu ta không muốn. Người ban cho ta có tự do và Người muốn chúng ta dùng tự do đó để ký kết với Người. Có như vậy, lời giao ước mới có giá trị.

Tuy nhiên, trong cuộc giao ước ấy, Chúa hứa trợ lực ban ơn và chúng ta hứa tín trung với giáo huấn của Người qua dòng, bởi vì Chúa đã từng nói với vị tông đồ rằng: “Ơn thầy đủ cho anh”.

Chúng ta khấn vâng phục Thiên Chúa qua dòng, nhưng đó chỉ là lời khấn hứa. Chúng ta khấn vâng phục dòng, nhưng, lắm lúc, dòng cần đến sự cộng tác của chúng ta thì ta lại không muốn, không thích hay hoặc vì công việc này không phù hợp với tôi. Ở đây nảy ra một vấn đề mới, đó là hành động của lời nói. Bởi “lời nói gió bay” và chỉ có hàng động mới chứng thực được. Vì thế, để tín trung trong lời khấn hứa, chúng ta phải có một đức tin vững mạnh, đức tin đó phải phát xuất từ Lòng Mến Yêu.

Cha Galot nói: “Phải lấy đức tin làm động lực cho Đức Vâng Phục”. Điều này lại cho chúng ta một ý tưởng mới đó là chấp nhận tính cách huyền nhiệm trong vâng phục. Theo Cha, “không thể coi sự vâng phục như là một thái độ đơn thuần “phù hợp với lẽ phải”. Nó gắn bó vơi Thánh ý Chúa, mà Thánh ý Chúa luôn vượt lên trên các lý lẽ của tâm trí loài người. Nó lệ thuộc thế giới siêu nhiên, và đòi hỏi phải chấp nhận huyền nhiệm. Nó bao hàm ý muốn làm công việc của Chúa hơn là công việc riêng mình[4], với ý chí chịu sự dìu dắt theo một kế hoạch từ bên trên mà người ta không thể nhận rõ mọi lý lẽ biện minh”[5]. Như vậy, chúng ta thấy, làm sao chúng ta có thể vâng phục cách vui vẻ để “tín trung tới cùng”? Điều đó cần một sự hy sinh trong đức tin (sacrifice in faith), nhưng có được như vậy phải cần đến một lòng mến yêu.

TÍN TRUNG VỚI KHÓ NGHÈO

Trong lời khấn khó nghèo, chúng ta hứa từ bỏ mọi tư hữu của cải; đồng thời, đặt mọi sự làm của chung, kể cả mạng sống cùng những tri thức, tài nghệ mà ta có được trong sự tuỳ thuộc vào dòng. Sự khấn hứa này, dẫn chúng ta đến một cuộc sống thanh thoát hơn để thi hanh sứ vụ, để hoạ ra một hình ảnh Nười Trời mai sau. Sự khấn hứa này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận chịu mọi sự chi phối bởi dòng, đón nhận từ dòng. Chúng ta thoát ly với của cải, “trút bỏ hết những âu lo quá đáng” và “tin vào sự quan phòng của Cha trên trời”.

Tuy nhiên, để thực hành điều khấn hứa này lại là một vấn đề. Người ta thường hay đùa giỡn rằng, các cha các thầy khấn khó nghèo những quả thực thì “khó nghèo”!

Có một chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu về bí quyết sống đời đời (x. Mt 19,16-22). Sau một hồi giảng giải, Chúa nói với anh: Anh chỉ còn thiếu một điều là “hãy về bán tất cả tài sản của anh, bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, và đến đây theo Ta” (c. 21). Phúc Âm kể tiếp: “Nghe vậy, chàng thanh niên sụ nét mặt buồn rầu bỏ đi”. Tại sao vậy? “Vì anh ta có nhiều của cải” (c. 22). Vâng, tinh thần thì hăng hái nhưng thân xác thì nặng nề. Chúng ta muốn tìm và thi hành một ước mơ như chàng thanh niên trong dụ ngôn trên. Nhưng thực tế lại khác. Người ta thường nói, từ cái miệng cho đến bàn tay còn cách một cánh tay, và phải đi qua khúc khuỷ tay nữa! Chúng ta ngại ngùng khi phải từ bỏ tất cả những gì mình có, đôi khi phải gầy dựng hàng bao nhiêu năm trời. Trong một xã hội mà “angten nối như mạng nhện” thì khả năng tách khỏi những tiện nghi, sung túc để chấp nhận con đường của Giêsu, chấp nhận cảnh sống của Giêsu: “không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20), quả là khó đấy!

Làm sao bây giờ?

Lòng tín trung của chúng ta được thể hiện trong đức khó nghèo, chỉ khi chúng ta dám chấp nhận lời đề nghị “hãy bán đi” những gì mình có, để chỉ còn lại một tấm lòng mênh mông với một niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, để chỉ còn lại một tâm hồn đơn sơ như trẻ nhỏ để lệ thuộc vào sự chăm lo của Cha trên trời, để được bàn tay Chúa dẫn đi và hướng dạy, lúc đó chúng ta sẽ được một kho tàng trên trời như Chúa Giêsu đã nói (x. Mt 19,21).

TÍN TRUNG VỚI KHIẾT TỊNH

Thánh Phaolô nói: người phụ nữ có gia đình thì phải lo cho chồng con, họ phải tìm cách làm đẹp lòng chồng, thời gian của họ bị chia đôi; còn người trinh nữ thì luôn tìm cách làm đẹp lòng Thiên Chúa, họ không bị chia cắt thời giờ. Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Matthêu, đoạn 19 câu 21, cũng đề cao đặc biệt ơn gọi này. Người đặt ơn gọi này trên bình diện siêu nhiên: “Người tỏ lòng quý trọng những kẻ “tự hoạn” vì Nước Trời”.

Khi chúng ta khấn hứa khiết tịnh, chúng ta dâng trọn cho Chúa trái tim không chia sẻ. Chúng ta dâng cho Chúa cuộc đời và tìm cách làm đẹp lòng Người. Qua lời khấn, chính chúng ta và Chúa đã ký kết một giao ước muôn đời, một chứng từ hôn phối: “Hỡi Israel, ngươi sẽ kết hôn với Đức Giavê” (Os 2,22). Chúng ta hiểu rằng, “bản chất của con người là muốn nếm sự mặn mà của tình bạn, sự nồng nàn của tình yêu. Họ khát khao cảm nghiệm sự ngọt ngào được sống kề bên người bạn, hưởng sự âu yếm của “hôn phu”. Họ ước muốn được những an ủi khả giác”[6]. Nhưng chúng ta đã khước từ, để chọn một tình yêu cao hơn, trọn vẹn hơn; đồng thời để nhờ sự hiến dâng ấy, chúng ta diễn đạt tình yêu của Chúa Giêsu đã hiến mạng mình vì nhân loại và vì vâng ý Cha.

Lại hic et nunc nữa chăng? Cuộc sống luôn có những trắc trớ và chúng ta hằng phải thức tỉnh. Xung quanh chúng ta luôn có những cạm bẫy bủa giăng, chúng ta luôn bị rình rập. Chúng ta sẽ sa bẫy, nếu chúng ta không có một cái nhìn Đức Tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa; nếu chúng ta không “cắm mắt” vào Đấng mà chúng ta hứa đính hôn, thì khả năng đi tìm một niềm an ủi “khả thị” sẽ luôn bùng lên trong tâm trí và ước muốn của chúng ta. Bởi chúng ta đang đựng một báu vật trong một bình sành dễ vỡ.

Tóm lại, chúng ta khấn hứa dâng trao cuộc đời cho Đức Kitô qua nếp sống Khó nghèo, Vâng phục và Khiết tịnh; điều khấn hứa ấy đã trở thành một giao ước muôn đời mà chúng ta phải thực hiện, chúng ta phải tín trung. Tuy vậy, để có thể tín trung trong lời hứa ấy, thiết nghĩ một đời sống cầu nguyện liên lỉ sẽ giúp chúng ta kết hợp được với Chúa cách thâm sâu hơn, chúng ta sẽ nhận được nơi Người những ân sủng đủ để thực thi lời giao ước. Tôi hằng nghĩ, nếu không nhờ ân sủng Chúa ban thì trên đời này, nào có ai dám hiên ngang nói rằng “tôi sẽ tín trung tới cùng”. Lịch sử Israel đã chứng minh điều này cho chúng ta: đã bao lần dân này hứa tín trung với Chúa, nhưng cũng bao lần ấy họ đều bội phản. Song song đó, một đời sống đơn sơ, phó thác vào sự quan phòng của Chúa và hơn hết là một lòng tin mạnh mẽ, một lòng mến chứa chan và sự cây trông vững mạnh. Có như thế, chúng ta mới có thể trả lời được câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể tín trung tới cùng?”.

Chúng ta cũng không quên những mẫu gương tuyệt vời của sự tín trung với lời khấn hứa mà chúng ta nhìn vào đó như những trợ lực cho chúng ta. Đức Maria, nữ tuỳ tuyệt vời của Chúa, các thánh Tông đồ và các tín hữu đã lấy mạng sống mình để nói lên lòng trung thành ấy.

Việc hoán cải bản thân mỗi ngày cũng là một phương thức hữu hiệu cho con đường tin trung trong lời hứa của chúng ta. Cuộc sống dễ đẩy chúng ta đến chỗ kiêu căng tự mãn, cùng những yếu đuối. Do vậy, sự tĩnh lặng canh tân bản thân chính là liều thuốc cứu chữa căn bệnh thất trung.

KẾT

Để kết thúc, xin mượn câu nói của một người cha trong câu chuyện đứa trẻ bị bệnh câm điếc trong Phúc Am Thánh Marcô đoạn 9, từ câu 14 đến câu 24.

Câu chuyện kể về đứa con của một ông bố bị thần câm điếc làm hại, ông đến gặp Chúa Giêsu và xin Người chữa cho con ông được lành. Do thấy các môn đệ Chúa Giêsu không tài nào trục xuất được loại thần này, nên vừa thấy Chúa, ông đã nói: “Nếu Thầy có thể, xin giúp tôi…”. Dường như câu nói “nếu có thể” thốt ra từ miệng ông chứng tỏ một sự nghi ngờ nào đó của ông vào khả năng của Chúa. Nhưng sau đó, ông đã khóc và thốt nên: “Tôi tin, nhưng xin trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi” (c. 24). Thiết nghĩ, đây cũng là câu nói mà mỗi chúng ta hãy dùng như là một chìa khoá để có thể đạt đến sự trung tín với Lời mà chúng ta đã tinhứa trước Chúa và cộng đoàn nơi cuộc sống trần gian này.

Chúa Giêsu dạy: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”. Cuộc sống trần gian với những con người gian – trần, vốn mỏng giòn – yếu đuối và dễ thất trung. Vì lẽ đó, nào có ai dám khẳng định rằng “tôi sẽ tín trung tới cùng”. Quả vậy, như người cha của đứa trẻ bị câm trong Phúc Âm, chúng ta hãy khiêm tốn thân thưa rằng: “Lạy Chúa, con tín trung, nhưng xin trợ giúp sự yếu đuối của con”.

Tôi hằng cầu xin cho những LỜI hứa được thành toàn trong ơn nghĩa Chúa.

Lạy Chúa, nhờ ơn Chúa, con sẽ tín trung!

Giuse Nguyễn Văn Hiển, OP

——————

[1] Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng, 1997, tr. 1014.

[2] x. Trở nên người anh em, HVĐM, 2000, tr. 52.

[3] x. Trở nên người anh em, HVĐM, 2000, tr. 53.

[4] Ý tưởng này cũng được Cha Timothy Radcliffe nói trong câu chuyện “chiếc xe khách”: Lòng trung thành với sứ vụ của dòng nơi anh em, trong cuốn Trở nên người anh em, HVĐM. 2000. tr. 53.

[5] x. J. Galot, Tin và Vâng phục, tr. 85.

[6] x. J. Galot, Tin và Tân hiến, tr. 57.

Exit mobile version