Ảo tưởng tiết kiệm

21

Đừng vội khẳng định bản thân đã biết tiết kiệm nếu vẫn còn vướng 3 gạch đầu dòng này.

Chúng ta nghĩ gì khi nhắc tới hai từ “tiết kiệm”? Với câu hỏi này, mỗi người sẽ có những đáp án khác nhau, nhưng có thể kể tới một vài lối tư duy phổ biến: Không “vung tiền” cho việc mua sắm quần áo, săn mã giảm giá mỗi đợt sale lớn, tự nấu ăn ở nhà thay vì kết thân với 1 loạt các ứng dụng giao hàng,…

Chúng ta nghĩ gì khi nhắc tới hai từ “tiết kiệm”? Với câu hỏi này, mỗi người sẽ có những đáp án khác nhau, nhưng có thể kể tới một vài lối tư duy phổ biến: Không “vung tiền” cho việc mua sắm quần áo, săn mã giảm giá mỗi đợt sale lớn, tự nấu ăn ở nhà thay vì kết thân với 1 loạt các ứng dụng giao hàng,…

Bạn nghĩ như vậy là đang tiết kiệm lắm rồi, đúng không? Tuy nhiên, khoan vội gật đầu hay khẳng định bản thân đã biết tiết kiệm, bởi rất có thể bạn đang vô tình rơi vào bẫy “ảo tưởng tiết kiệm” mà không hề biết.

Nói một cách dễ hiểu, ảo tưởng tiết kiệm chính là những hành vi, quyết định tưởng chừng đã “giữ” cho bạn một khoản kha khá, nhưng về lâu về dài nó lại gây tốn kém vô cùng.

– Ảo tưởng tiết kiệm trong mua sắm

Một ví dụ đơn giản: Bạn mua một chiếc áo phông chỉ với mức giá bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá của một chiếc áo phông bình thường, không thương hiệu. Nhưng sau vài lần mặc và ném vào máy giặt, chiếc áo bắt đầu bai nhão, mất form. Kết cục, chiếc áo biến thành chiếc giẻ lau sau 2-3 dịp được khổ chủ khoác lên mình. So với “tuổi thọ” của một chiếc áo, bạn thực chất đã bỏ tiền ra để mua một chiếc giẻ lau với mức giá đắt gấp 2, 3 lần.

Một ví dụ khác, cũng không kém phần dễ hiểu: Bạn săn sale đồ mỹ phẩm, bỏ cả chục sản phẩm vào giỏ hàng và chốt đơn. Bạn hồ hởi khi nhận hàng, khấp khởi với niềm vui sướng vì suy nghĩ trong năm tới, mình chẳng cần mua mỹ phẩm nữa. Nhưng sau đó, bạn nhận ra mình không thể dùng hết chúng trong vòng 6 tháng – Hạn sử dụng chung của đồ dưỡng da, trang điểm sau khi mở nắp. Kết cục, chúng bay vào sọt rác vì bạn chẳng đủ can đảm đề bôi những thứ đã hết hạn lên gương mặt ngọc ngà.

– Ảo tưởng tiết kiệm trong ăn uống

Tự nấu ăn thay vì ăn ngoài? Đây chắc chắn là biểu hiện đáng hoan nghênh của người có tư duy tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào vấn đề này hơn một chút, việc tự mua thực phẩm, nguyên liệu, tự chế biến có thể không thực sự tiết kiệm như bạn vẫn nghĩ.

Bạn có từng cố ăn lại đồ cũ không? Chỉ cần chúng chưa bốc mùi ôi thiu, chưa mọc đầy nấm mốc, câu trả lời là có, đúng không?

Bạn có mua cả mấy cân rau củ quả, chất đầy trong tủ lạnh để ăn dần trong 5-7 ngày và rồi vì chẳng biết cách bảo quản, rau thi nhau héo úa, mềm nhũn hết ra? Cố ăn ư? Đương nhiên là không thể, thế là chúng bay thẳng vào sọt rác thay vì được tiêu hóa trong dạ dày của bạn.

Đây chỉ là 2 ví dụ điển hình cho việc tự nấu nướng không tiết kiệm như bạn vẫn nghĩ. Nếu so sánh giá tiền của những món đồ đã bị bỏ đi hay những món ăn phải cố lắm, cơ hàm mới hoạt động nổi, việc tự nấu chưa chắc đã tiết kiệm hơn đi ăn ngoài.

– Ảo tưởng tiết kiệm trong việc duy trì sức khỏe

Cố ăn lại đồ cũ hay ăn đồ cấp đông với “tuổi đời” tính bằng tháng, bạn có thể tiết kiệm được chút tiền mua thực phẩm. Nhưng về lâu về dài, nếu cứ duy trì việc này, sức khỏe của bạn sẽ gặp vấn đề. Hệ tiêu hóa có thể sẽ là bộ phận đầu tiên “cầu cứu”.

Bạn làm việc hết công suất, không ngại thức đến canh 3 giữa tiết trời rét căm căm để “cày tiền”. Tài khoản của bạn sẽ vì thế mà tăng, nhưng sức khỏe của bạn chắc chắn sẽ đi xuống. Nhẹ thì đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng thì mất ngủ kéo dài dẫn tới căng thẳng, trầm cảm,… Và thế là bạn lại tốn cả đống tiền để lấy lại sức khỏe sau một thời gian dài “bào tới bến thì thôi”.

Tạm kết

Vậy phải làm sao để chúng ta thực sự tiết kiệm thay vì ảo tưởng tiết kiệm? Đáp án vô cùng đơn giản: Chỉ mua những món đồ thực sự cần thiết với số lượng vừa đủ và chất lượng từ mức ổn trở lên!

Mua đồ giảm giá không giúp bạn tiết kiệm, nếu những món đồ đó không phù hợp với bạn, hay có hạn sử dụng, “tuổi thọ” quá ngắn.

Ăn lại đồ của ngày hôm qua, chế biến thực phẩm đã cấp đông cả tháng có thể là hành vi thân thiện với hầu bao nhưng lại là “kẻ thù” của sức khỏe.

Giờ thì thử tự hỏi xem liệu bản thân đã thực sự biết cách tiết kiệm đúng hay chưa? Câu trả lời lúc này có lẽ sẽ ít phần sai số hơn cả đấy.

Theo Phụ nữ Mới