SUY NIỆM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lm. Ngọc Dũng, SDB
THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
BỊ LOẠI BỎ: SỐ PHẬN CỦA NGÔN SỨ CỦA THIÊN CHÚA
(1 Tx 4:13-18; Lc 4:16-30)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Thessalônica về niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh [sự sống đời sau]. Chính niềm tin này là điều làm cho những người Kitô hữu nhìn cái chết khác với những người khác. Con người ai cũng phải chết [an giấc ngàn thu]. Khi mất một người thân, ai cũng đau buồn. Nhưng nhờ niềm tin vào phục sinh, người Kitô hữu không “buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4:13). Niềm hy vọng của người Kitô hữu không dừng lại ở đời này, nhưng đưa họ vào sự sống vĩnh cửu. Niềm hy vọng này được đặt nền tảng trên mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu Kitô: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu (1 Tx 4:14). Tuy nhiên, điều kiện để sống lại là “an giấc trong Đức Giêsu,” hay nói cách khác là chết với Chúa Giêsu [chết đi cho tội để sống cho Chúa]. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng khát vọng được sống muôn đời chỉ được thoả mãn khi chúng ta chết đi mỗi ngày cho chính mình để sống cho người khác và yêu thương họ đến cùng.
Hơn nữa, Thánh Phaolô còn trình bày cho chúng ta viễn cảnh của ngày Chúa quang lâm. Theo thánh nhân, ai cũng có thứ tự của mình: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1 Tx 5:16-17). Trong những lời này, thánh nhân trình bày cho chúng ta rằng ai cũng được mời gọi để nghênh đón Chúa và được ở cùng Ngài mãi mãi. Nói cách khác, Thiên Chúa không loại trừ ai ra khỏi tình yêu của Ngài. Ngài muốn tất cả được sống lại trong đời sống vĩnh cửu. Đây chính là hy vọng mà thánh Phaolô muốn chúng ta dùng để an ủi nhau khi đối diện với những khó khăn và đau khổ trong cuộc sống (x. 1 Tx 4:18). Hãy an ủi nhau với một cuộc sống tốt lành: chân đạp đất nhưng lòng luôn hướng về Thiên Chúa, hướng về trời cao.
Từ tuần này, chúng ta sẽ nghe từ Tin Mừng Thánh Luca. Sau khi mời gọi chúng ta suy gẫm những dụ ngôn về cánh chung trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, Giáo Hội đưa chúng ta về với đời sống thường ngày, với những con người quen thuộc mà chúng ta gặp gỡ thường ngày để khám phá ra ở đó sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với câu chuyện kể về việc Chúa Giêsu trở về “Nadarét, là nơi Người đã được dưỡng dục” (Lc 4:16). Chi tiết đầu tiên làm chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu vào hội đường. Thánh Luca cho chúng ta biết đây là việc Ngài “vẫn thường làm trong ngày Sabát.” Ngài “đứng lên đọc sách thánh” và giải thích (x. Lc 4:16-19). Đây là lần đầu tiên trong sáu biến cố nói về công việc của Chúa Giêsu trong ngày sabbath (x. 4:31-37; 6:1-5; 6:6-11; 13:10-17; 14:1-6). Trong thế kỷ thứ nhất, hội đường là nơi tụ họp để hát thánh vịnh, đọc lời Shema và Mười Tám Lời Chúc Tụng, một bài đọc từ Torah [Sách Luật] và một bài đọc từ các ngôn sứ, một bài giảng về ý nghĩa của các bài đọc, chúc lành từ người chủ sự, và chúc lành của tư tế như được trình bày trong sách Dân Số 6:24-27. Những chi tiết trên trình bày cho chúng ta biết về thói quen của Chúa Giêsu trong ngày sabbath, đó là đọc, suy gẫm và giảng dạy lời Chúa. Là những môn đệ Chúa Giêsu [những người theo Chúa Giêsu], thói quen của chúng ta là gì?
Chi tiết thứ hai mà chúng ta cần lưu ý là việc Chúa Giêsu được trao cho cuốn sách ngôn sứ Isaia và Ngài mở ra, gặp đoạn nói về sứ mệnh của người được Thiên Chúa xức dầu: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4:18-19). Trong những lời này, chúng ta thấy sứ mệnh của Đấng được xức dầu là mang hồng ân của Thiên Chúa cho những ai kém may mắn về kinh tế [kẻ nghèo hèn], về thể lý [người mù] và về xã hội [kẻ bị giam cầm và người bị áp bức]. Nói cách khác, sứ mệnh của Đấng được xức dầu là được sai đến cho hết mọi người chứ không cho một nhóm người. Chúng ta cũng là những người đã được Chúa xức dầu trong phép rửa tội. Chúng ta cũng được sai đến với mọi người. Con tim chúng ta phải mở rộng để có thể đón nhận mọi người, không loại trừ ai. Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi coi mọi người như nhau, nhưng “quan tâm hơn” những người kém may mắn trong xã hội về kinh tế, thể lý, văn hoá hoặc thiêng liêng.
Chúng ta nhận ra tư tưởng thần học về lời hứa và sự hoàn thành của Chúa Giêsu trong việc Ngài đọc sách ngôn sứ Isaia [đoạn nói về sứ mệnh của Đấng được xức dầu]. Lời hứa được chứa đựng trong lời các ngôn sứ và “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4:21). Từ “hôm nay” giới thiệu một đề tài quan trọng của Tin Mừng Thánh Luca. Từ này không được dùng như điểm quy chiếu mang tính lịch sử về thời gian của Chúa Giêsu. Đúng hơn nó được dùng như là điểm quy chiếu về hiện tại, là thời gian ứng nghiệm [hoàn thành] của lời Thiên Chúa hứa. Nói tóm lại, những lời này là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói như một người “trưởng thành” và chúng liên quan đến đề tài Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Nói cách khác, điều Chúa Giêsu muốn trình bày qua những lời ngôn sứ Isaia là Thiên Chúa hứa và Ngài trung thành với lời hứa. Điều này nhắc nhở chúng ta về lời hứa chúng ta thực hiện trong bí tích rửa tội: đó là chết đi cho tội và sống cho Thiên Chúa. Chúng ta đã sống lời hứa này như thế nào? Chúng ta có trung thành với lời hứa của mình không?
Câu quan trọng mà nhiều người chúng ta không để ý là câu 22: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.” Mới nghe qua, câu này dường như mang tính tích cực. Tuy nhiên, đây là câu giải thích cho chúng ta lý do tại sao người dân làng của Chúa Giêsu nhanh chóng coi thường Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, câu này rất khó giải thích và chúng ta cần phải giải thích từng động từ một. Trong câu này có hai động từ, đó là “mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra. Động từ “tán thành” là martyrein. Nó mang một nghĩa tiêu cực, đó là làm chứng chống lại một ai đó. Động từ này được củng cố thêm bởi động từ “thán phục.” Họ thán phục những lời “ân sủng.” Nhưng theo các học giả Kinh Thánh, câu này dịch đúng nghĩa là “thán phục những lời cứu độ” đến từ miệng Chúa Giêsu. Nói cách khác, lời của Chúa Giêsu mang đến ơn cứu độ, mang lại sự sống. Chi tiết này được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật 8:3, con người sống bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Như vậy, lời Chúa Giêsu nói là lời của Thiên Chúa. Chính điều này làm cho những dân làng của Ngài không thể chấp nhận vì họ biết Ngài và gốc tích của Ngài rất rõ. Ngài không thể là “sứ giả” lời ban sự sống của Thiên Chúa được. Chúng ta thấy rõ điều này qua lời bình luận của họ: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Câu hỏi này giải thích lý do sự kinh ngạc của dân làng và hệ quả là họ vấp phạm vì Ngài. Chúa Giêsu đã khiển trách họ về việc thiếu lòng tin vào Ngài như Đấng đến để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa. Ngài cũng khiển trách họ về việc muốn Ngài làm những phép lạ để thoả mãn tình tò mò và cho lợi ích của họ hơn là để tin vào Ngài (x. Lc 4:23-24).
Đứng trước sự thiếu niềm tin của dân làng, Chúa Giêsu gợi lên cho họ đề tài các ngôn sứ bị chống đối và loại trừ: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Trong câu nói này, Chúa Giêsu ám chỉ đến lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài tiếp tục sai các ngôn sứ đến cho dân chống đối này. Chúng ta tìm thấy kiểu mẫu về đề tài ngôn sứ bị chống đối và loại trừ cách rõ ràng trong sách Nehemia 9:26-31. Kiểu mẫu này gồm những yếu tố sau: (1) nổi loạn và giết chết các ngôn sứ; (2) bị trừng phạt; (3) Thiên Chúa tỏ lòng thương xót qua việc sai ngôn sứ mới; (4) phạm tội và loại trừ các ngôn sứ. Những chi tiết trong kiểu mẫu này được Chúa Giêsu trình bày qua hình ảnh của hai ngôn sứ Êlia và Êlisa. Tuy nhiên, qua hai hình ảnh này, Thánh Luca nói cho thính giả mình biết rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân Do Thái, nhưng còn cho những người “không được chọn lựa như dân riêng” và “những người nghèo đói.” Hơn nữa, trong hai hình ảnh này, chúng ta thấy điều Thánh Luca luôn nhắm đến, đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho đàn ông cũng như đàn bà. Chi tiết này được diễn tả rõ ràng trong hai người mà hai ngôn sứ được sai đến: Êlia với bà goá thành Xarépta [miền Xiđôn] và Êlisa với ông Naaman [người Xyri] (x. Lc 4:25-27). Nói cách khác, đối với Thánh Luca, lòng thương xót của Thiên Chúa mang tình phổ quát.
Đứng trước lòng thương xót được mở rộng cho những người “không được chọn,” “mọi người trong hội đường [là những người được chọn] đầy phẫn nộ.” Thái độ phẫn nộ này là hệ quả của thái độ “làm chứng chống lại” được ám chỉ trong câu 22. Họ phẫn nộ vì Chúa Giêsu nói với họ rằng ơn cứu độ không còn chỉ dành riêng cho họ mà được trao ban cho hết mọi người. Họ không còn được đối xử cách đặc biệt nữa. Thái độ này nhiều khi cũng xảy ra trong đời sống thường ngày của chúng ta khi chúng ta thấy người khác được “chúc lành” hơn mình [thành công hơn mình]. Chúng ta “phẫn nộ” [ghen ghét] người đó và “phàn nàn” với Thiên Chúa. Khi chúng ta giới hạn tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, thì chính chúng ta cũng tự loại mình ra khỏi tình yêu đó. Nếu chúng ta yêu Chúa, thì chúng ta cũng phải yêu hết tất cả những người Chúa yêu.
THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
LỜI DẠY CỦA CHÚA GIÊSU CÓ UY QUYỀN
(1 Tx 5:1-6.9-11; Lc 4:31-37)
Thánh Phaolô tiếp tục trình bày về niềm tin vào sự phục sinh, vào ngày quang lâm của Chúa. Trong khi chờ đợi ngày đó, chúng ta phải sống thế nào? Phải có những thái độ nào? Không ai trong chúng ta biết ngày chết của mình hay ngày cánh chung. Ngày đó sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Theo thánh nhân, trong lúc bình an thì sự bất ổn đang rình rập. Cuộc sống con người luôn gồm những sự bất ngờ. Con người luôn sống trong sự khắc khoải chờ đợi. Một điều họ biết chắc chắn là Chúa sẽ đến, nhưng Ngài đến lúc nào thì không ai biết. Vì vậy, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Thessalônica phải luôn sẵn sàng bằng việc luôn sống trong ánh sáng [của đức tin]. Thánh nhân chỉ cho họ biết rằng: “tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1 Tx 5:5-6).
Sống trong ánh sáng là sống trong Đức Kitô, sống trong Đấng đã chết vì chúng ta. Không có giây phút nào là không sống trong Ngài. Điều này được Thánh Phaolô diễn tả qua những lời sau: “Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người” (1 Tx 5:9-10). Để mọi người cùng sống trong ánh sáng, Thánh Phaolô mời gọi họ làm hai điều, đó là an ủi nhau và xây dựng cho nhau (x. 1 Tx 5:11).
Sau khi “không thành công” ở quê nhà, Chúa Giêsu “xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng” (Lc 4:31). Ngài làm những gì Ngài đã làm ở quê nhà [giảng dạy trong hội đường], nhưng phản ứng của người nghe khác nhau: Ở quê nhà, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra” (Lc 4:22). Sự tán thành và thán phục nhanh chóng trở thành sự coi thường. Kết cục là họ muốn giết Ngài; còn ở Caphácnaum, mọi người “sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền” (Lc 4:32). Sự sửng sốt về lời của Người không bị mất đi. Câu 32 và câu 36 tạo thành một cặp “bánh mì kẹp.” Mọi người sửng sốt trước khi Chúa Giêsu thực hiện việc trừ quỷ và họ rất đỗi kinh ngạc sau khi Người trừ quỷ. Tất cả họ quy cho lời giảng dạy của Ngài [lời của Ngài có sức mạnh trên các thần ô uế]. Điều này làm sáng tỏ “căn tính” của Chúa Giêsu. Ngài là “Đấng Thánh” của Thiên Chúa (Lc 4:34). Sứ điệp của Ngài có sức giải phóng con người. Lời của Ngài là lời Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta nhận ra rằng Thánh Luca dùng lối viết “bánh mì kẹp” nhằm mục đích nói về căn tính của “ông Giêsu Nadarét,” và căn tính này được mạc khải qua lời Ngài nói và công việc Ngài làm. Khi căn tính thật của Ngài được tiết lộ, thì “tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng” (Lc 4:37).
Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay rõ hơn, chúng ta phải đặt nó vào trong bối cảnh của việc Nước Thiên Chúa sẽ phục hồi con người trở nên hoàn thiện (x. Lc 4:31-44). Thánh Luca sử dụng một nhóm những công việc Chúa Giêsu thực hiện để tạo nên một bài giáo lý mang tính Kitô học cho cộng đoàn của ngài. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện đầu tiên trong nhiều sự kiện trừ quỷ được trình thuật trong Tin Mừng Thánh Luca và sách Công Vụ Các Tông Đồ. Trong trích đoạn này, Thánh Luca trình bày một đề tài quan trọng trong đời sống tôn giáo của người Do Thái, đó là đề tài về thanh sạch. Đề tài này hợp nhất ba khái niệm trong bài Tin Mừng: ngày sabbath, thần ô uế và Đấng Thánh của Thiên Chúa. Một cách cụ thể hơn, Chúa Giêsu chữa lành người bị thần ô uế ám trong ngày sabbath, ngày mà đối với người Do Thái là được tách riêng ra khỏi những ngày thường vì Chúa Giêsu có một tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Ngài chính là sự thánh thiện. Nói cách khác, chính Ngài làm cho ngày sabbath trở nên thánh thiện và trong sạch vì mối tương quan mật thiết Ngài có với Thiên Chúa. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về cuộc sống của mình: chúng ta chỉ trở nên thánh thiện và trong sạch chỉ khi chúng ta có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Sự thánh thiện của chúng ta không đến từ những việc chúng ta thực hiện, nhưng đến từ việc chúng ta nối kết liên lỉ với suối nguồn của sự thánh thiện, đó là Thiên Chúa. Mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa của Chúa Giêsu được Thánh Luca nói đến trong những chương trước đó [x. 1:32-33; 2:11,30,49; 3:22-23; 4:1-13], và mối tương quan này chỉ ra Chúa Giêsu là ai: Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa (x. Lc 4:41). Căn tính Kitô hữu của chúng ta cũng được định nghĩa dựa trên mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Càng sống gần Ngài và có tương quan sâu đậm với Ngài, chúng ta sẽ biết mình là ai và tỏ cho người khác biết mình là ai: là con Thiên Chúa [ngoài việc là một con người như bao nhiêu người khác].
Phần được kẹp bên trong hai miếng “bánh mì kẹp” là việc Chúa Giêsu trừ quỷ thần ô uế (x. Lc 4:33-35). Và trung tâm của phần được kẹp bên trong là câu 34, nói về căn tính của Chúa Giêsu [được thần ô uế tuyên nhận]. Điều này làm sáng tỏ điều chúng ta nói ở trên, đó là nội dung chính của đoạn Tin Mừng này là nói về căn tính của Chúa Giêsu, điều mà được mạc khải qua lời và công việc của Ngài. Điều này được làm sáng tỏ bởi động từ “ra lệnh” [Gk. epitiman] dùng trong câu 35 [câu này dịch đúng là: “Đức Giêsu ra lệnh cho thần ô uế” hơn là “Đức Giêsu quát mắng thần ô uế”]. Thuật ngữ này được sử dụng để nói đến việc công bố một lời mang tính “ra lệnh” mà qua đó Thiên Chúa hoặc “vị phát ngôn viên của Ngài” làm cho quyền lực của thần ô uế phải quy phục. Thuật ngữ này ám chỉ việc Chúa Giêsu trừ thần ô uế đang hiện diện trong tất cả mọi người. Điều này chúng ta sẽ được chứng kiến trong câu chuyện tiếp theo (Lc 4:38-39), khi Ngài trừ bệnh sốt của một người phụ nữ trong nhà riêng. Sức mạnh giải phóng của Ngài là cho tất cả mọi người và không bị giới hạn vào nơi chốn linh thiêng hoặc trần tục. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống của mình: Thần ô uế nào đang sở hữu chúng ta? Chúng ta cần chạy đến với Chúa Giêsu để xin Ngài trừ khỏi những thần ô uế đang ám chúng ta, không cho chúng ta tự do yêu thương và tha thứ.
THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
KẾT HIỆP MẬT THIẾT VỚI THIÊN CHÚA KHI BẮT ĐẦU NGÀY SỐNG
(Cl 1:1-8; Lc 4:38-44)
Chúng ta bắt đầu nghe thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côlôxê. Bài đọc 1 trích lời chào (Cl 1:1-2) và lời tạ ơn (Cl 1:3-8) của thánh nhân. Trong phần chào, Thánh Phaolô theo hình thức của những lá thư thời đó, bắt đầu với việc liệt kê tên người gởi và người được gởi cùng với lời chào. Nội dung chính của lá thư, nhất là phần hướng dẫn để sửa những giảng dạy sai trong cộng đoàn, trình bày quyền của Thánh Phaolô là quyền của một tông đồ. Lời quan trọng trong phần này là “trong Đức Kitô.” Những lời này diễn tả sự hiệp nhất của người tín hữu với Đức Kitô trên nhiều cấp độ và đây là một đề tài quan trọng trong thư gởi Côlôxê. Vì chỉ trong Đức Kitô mà các tín hữu được ban cho ân sủng và bình an.
Tạ ơn là một phần của hầu hết các lá thư trong Tân Ước. Phần này nhằm mục đích nói về mối tương quan giữa người gởi và người nhận, về cộng đoàn và về bối cảnh của lá thư. Trong phần này, chúng ta nhận ra những yếu tố sau: (1) Tin Mừng được mang đến cho cộng đoàn bởi Épápra (Cl 1:7), (2) cộng đoàn phát triển và sinh hoa trái (Cl 1:6), và (3) một bản tường trình đã được mang đến cho Thánh Phaolô (Cl 1:4). Thánh Phaolô đề cập đến ba nhân đức đối thần [tin, cậy, mến] ở đây (Cl 1:4-5). Ba nhân đức này thường xuất hiện trong các thư trong Tân Ước và có thể là một phần của truyền thống trước thời thánh Phaolô. Bên cạnh đó, bộ ba này trở thành đề tài được mở rộng trong giáo huấn của lá thư. Tin vào Đức Kitô Giêsu (Cl 1:4), được phát triển trong 1:23, là điều kiện cho việc trở nên thánh thiện và không tì ố trước Đức Kitô, và được phát triển trong 2:12 như một phương tiện để những người tin được làm cho trỗi dậy với Đức Kitô. Tình yêu là điều được thực hành trong cộng đoàn để giữ cho các bộ phận trong thân thể ăn khớp với nhau (x. Cl 1:4,8). Còn niềm cậy trông là một điều gì đó ở bên ngoài người tin hầu giúp người tin đứng vững trong đức tin và son sắt trong đức mến. Những chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta: Chúng ta đã thực sự sống đời sống thánh thiện và không tì ố nhờ tin Chúa Giêsu chưa? Chúng ta đã thực hành đức mến cách triệt để trong đời sống gia đình hay cộng đoàn chưa? Chúng ta đã trông cậy vững vàng khi đức tin bị lung lay và đức mến bị thử thách chưa?
Ngày hôm qua, Thánh Luca trình thuật cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu trừ một người [đàn ông] bị thần ô uế ám ngay trong hội đường. Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe những gì tiếp theo sau đó. Hai bài Tin Mừng hôm nay và hôm qua cho chúng ta thấy một ngày sống của Chúa Giêsu diễn ra như thế nào. Chúng ta sẽ hiểu bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn khi chúng ta liên kết nó với bài Tin Mừng hôm qua.
Điểm đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc Chúa Giêsu luôn bắt đầu ngày sống với “giây phút hiệp nhất với Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm qua trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu ngày sống bằng việc đọc, suy gẫm và giảng dạy Lời Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bắt đầu ngày sống bằng việc “đi ra một nơi hoang vắng” [để kết hiệp với Chúa Cha]. Hình ảnh này của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về việc chúng ta bắt đầu ngày sống như thế nào. Sống trong thế giới bận rộn, chúng ta luôn chạy theo công việc: bắt đầu và kết thúc ngày sống với công việc. Không mấy ai trong chúng ta bắt đầu ngày sống bằng việc chìm sâu trong tình yêu Thiên Chúa qua những giây phút nối kết mật thiết với Ngài. Ngay cả những người sống đời thánh hiến, có thể nói, họ bắt đầu ngày sống với việc lắng nghe và suy gẫm lời Chúa, cũng dành thời gian để cầu nguyện. Nhưng trong thực tế, họ không chìm sâu trong tình yêu của Thiên Chúa vì họ làm những điều đó như một thói quen hay bổn phận cần thực hiện, chứ không như một “đặc ân” không thể thiếu cho ngày sống. Hệ quả là ngày sống nhiều khi trở nên nặng nề và vô nghĩa. Chỉ những ai bắt đầu ngày sống bằng việc chìm sâu trong đại dương tình yêu của Chúa mới có thể đón nhận tất cả những nặng nhọc của ngày sống với niềm vui có Chúa.
Chúng ta nhận ra ba phần trong bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu chữa mẹ vợ ông Simon (Lc 4:38-39); Chúa Giêsu chữa những người bệnh hoạn tật nguyền (Lc 4:40-41); và Chúa Giêsu trình bày mục đích Ngài được sai đến (Lc 4:42-44). Trong câu chuyện chữa mẹ vợ của ông Simon, chúng ta thấy được sự khác biệt của Thánh Luca và Thánh Máccô trong ơn gọi làm môn đệ của Simon [Phêrô]. Trong Tin Mừng Thánh Luca, ơn gọi của Simon được trình thuật lại đầu tiên trong chương 5 (1-11), trong khi đó Thánh Máccô trình thuật ơn gọi của Simon ngay trong chương 1 (16-20). Cách cụ thể hơn, trong Tin Mừng Thánh Máccô, Simon được gọi trước khi Chúa Giêsu chữa lành mẹ vợ ông; còn trong Tin Mừng Thánh Luca, Simon được gọi sau câu chuyện về mẹ vợ của ông được chữa lành. Thánh Luca muốn nói điều gì qua chi tiết này? Có hai lý do để thánh Luca sắp xếp câu chuyện theo thứ tự đó: (1) Tin Mừng thánh Luca phát triển luận đề về đức tin và ơn gọi của người môn đệ được phát xuất từ cuộc gặp gỡ với “phép lạ.” Trong bài Tin Mừng, Simon đã nhìn thấy phép lạ thực hiện cho mẹ vợ mình và như thế ông sẵn sàng đi theo Chúa Giêsu khi Ngài gọi ông; (2) lý do thứ hai được xây dựng trên sự kiện là trong nghệ thuật văn chương của mình, thánh Luca muốn đề cập tên nhân vật sớm trong câu chuyện và sau đó sẽ cung cấp thêm chi tiết về nhân vật đó. Qua hai chi tiết này, chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều “phép lạ,” nhưng đức tin và ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu của chúng ta hình như không trở nên mặn mà và sâu đậm hơn. Điều này mời gọi chúng ta hãy nhìn ngày sống của mình như một cơ hội tốt để nhìn thấy những điều kỳ diệu Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, cho người khác và trên thế giới, hầu lớn lên trong đức tin và ơn gọi làm môn đệ của Ngài.
Một chi tiết khác chúng ta cần lưu ý trong câu chuyện chữa lành mẹ vợ ông Simon là hành động của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài” (Lc 4:39). Trong câu này, Thánh Luca sử dụng thuật ngữ “ra lệnh” [Gk. epitiman], thuật ngữ dùng để trừ thần ô uế. Chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ “ra lệnh” và mẹ vợ ông Simon lành bệnh ngay lập tức. Điều này giống với câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ô uế ám trong hội đường [được đọc ngày hôm qua]. Khi dùng thuật ngữ ngày, thánh Luca muốn nhấn mạnh đến quyền năng lời nói của Chúa Giêsu. Lời Chúa Giêsu mang lại cho mẹ vợ ông Simon sức khoẻ ngay lập tức để bà có thể thực hiện những bổn phận thường ngày mà không gặp khó khăn. Lời của chúng ta thế nào? Lời chúng ta có giúp người khác tìm lại được niềm vui để phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em của mình không?
Phần thứ hai của bài Tin Mừng là bản tóm tắt mà trong đó việc trừ các thần ô uế được đặt dưới một thuật ngữ rộng hơn, đó là “chữa lành” (Gk. therapeuein). Trong phần này, chúng ta thấy Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót với hết mọi người, không phân biệt ai: “Tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ” (Lc 4:40). Qua việc tỏ lòng thương xót với hết mọi người, được diễn tả qua việc chữa lành họ khỏi bệnh hoạn tật nguyền, Chúa Giêsu mạc khải mình là “Con Thiên Chúa” và là “Đấng Kitô.” Thánh Luca thêm vào hai danh hiệu này [so với Thánh Máccô] nhằm nói lên nguồn gốc của Chúa Giêsu là từ Thiên Chúa (x. Lc 1:32-33,35) và nhằm khẳng định Ngài là Đấng được xức dầu để mang ơn cứu độ cho nhân loại qua việc trừ các quỷ thần ô uế khỏi con người. Trong phần này, Thánh Luca chỉ ra rằng, ngay từ đầu quỷ thần biết Chúa Giêsu là ai và Ngài sẽ làm gì. Tuy nhiên, con người cần một hành trình đức tin dài để khám phá ra Chúa Giêsu thật sự là ai và như thế đánh giá đúng mức vị trí thập giá trong cuộc đời của Đấng được xức dầu (x. Lc 24:26). Thật vậy, chỉ những ai có đức tin mạnh mẽ và sâu đậm mới có thể hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng như vị trí và giá trị của thập giá trong hành trình được chữa lành khỏi bệnh hoạn tật nguyền [hành trình thanh luyện khỏi con người sống theo khuynh hướng tự nhiên, để sống cho Thiên Chúa].
Bài Tin Mừng kết thúc với lời khẳng định của Chúa Giêsu về mục đích mà Ngài được sai tới: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4:43). Qua những lời này, thánh Luca trình bày cho chúng ta thấy mục đích của Chúa Giêsu là “loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” [cho mọi người.” Nước Thiên Chúa được dành cho hết mọi người. Theo Thánh Luca, sự thống trị của Thiên Chúa có nghĩa là chiến thắng quyền lực ma quỷ đang ám hại mọi người. Sự thống trị này được thực hiện bởi sự giảng dạy [lời] và phép lạ [hành động] của Chúa Giêsu. Chi tiết này mời gọi chúng ta đóng góp cho việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa bằng lời nói đầy dịu hiền yêu thương và bằng những hành động tốt cho người khác.
THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
TỰ DO ĐÁP LẠI TIẾNG CHÚA GỌI
(Cl 1:9-14; Lc 5:1-11)
Những lời của Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay thật cảm động vì chúng nói lên tình yêu sâu đậm ngài dành cho tín hữu Côlôxê. Khi thánh nhân nghe về họ, việc ngài và các cộng sự viên làm là “không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho” (Cl 1:9). Trong những lời này, chúng ta nhận ra nội dung chính của lời cầu nguyện của thánh nhân, đó là xin cho các tín hữu Côlôxê am tường thánh ý Thiên Chúa. Nói cách khác, tìm và am tường thánh ý Thiên Chúa là nội dung chính của cầu nguyện. Đây là điều quan trọng chúng ta cần lưu ý khi cầu nguyện. Nhiều khi chúng ta cầu nguyện để tìm và am tường ý mình hơn là tìm và am tường thánh ý Chúa. Chỉ những ai chìm sâu trong cầu nguyện để am tường thánh ý Thiên Chúa mới có thể “sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn” (Cl 1:10).
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên. Nếu liên kết phần này với chương 4, chúng ta nhận ra được mục đích của Thánh Luca trong phần này, đó là trình bày thái độ tích cực trước sứ điệp Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng gồm có bốn điểm chính liên quan đến nhau: (1) lời đáp trả thật tích cực của Phêrô với lời đề nghị của Chúa Giêsu cùng với Giacôbê và Gioan. Lời đáp trả này là điểm đầu tiên được trình bày trong câu chuyện và nó được đặt song song với phản ứng không mấy thân thiện của những người ở Nadarét và Caphácnaum. Như chúng ta đã thấy, những người cùng làng Nadarét đã phản ứng cách mạnh mẽ trước lời giảng dạy của Chúa Giêsu về lời hứa và sự hoàn thành (x. Lc 4:16-30). Và chúng ta cũng thấy Lc 10:15 chỉ ra rằng, phản ứng của những người Caphácnaum cũng không hoàn toàn tích cực (x. Lc 4:31-43); (2) Thánh Luca chứng minh qua những câu chuyện của mình trong Lc 4:16-44 những gì liên quan đến lời giảng dạy của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa, thánh nhân trình thuật câu chuyện kể về việc Chúa Giêsu ghi danh Phêrô như là người giúp việc trong hoạt động Nước Trời của Ngài và gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo lối sống Nước Trời này. Và họ đã đáp lại cách triệt để vì họ đã bỏ hết mọi sự vì Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta mỗi ngày để theo Ngài. Lời đáp trả của chúng ta thế nào: tích cực, triệt để hay nửa vời? (3) trong câu chuyện này, đặc biệt trong câu 10, Thánh Luca vẽ những nét đầu tiên mang tính “tâng bốc” và đầy quý mến về Thánh Phêrô; (4) sự thành công trong sứ vụ của Thánh Phêrô, đó là mẻ cá bắt được, không phải là công sức của thánh nhân, nhưng là của Chúa Giêsu. Chúng ta tiếp tục phân tích cách chi tiết hơn để hiểu được sứ điệp Chúa nói qua bài Tin Mừng hôm nay.
Trong phần đáp trả của Thánh Phêrô (Lc 5:1-3), chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc “dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.” Những lời này khẳng định cho chúng ta biết Chúa Giêsu nói lời Thiên Chúa. Câu này [lời Thiên Chúa] xảy ra 14 lần trong sách Công Vụ Các Tông Đồ và một cách chung nó ám chỉ đến sứ điệp Kitô giáo. Khi sử dụng từ này cho việc giảng dạy của Chúa Giêsu, Thánh Luca đặt nền tảng của việc rao giảng của cộng đoàn tín hữu của Ngài trên chính giáo huấn của Chúa Giêsu. Chi tiết này mời gọi chúng ta xem xét lại mục đích chúng ta đến với Chúa cũng như lời nói của chúng ta. Chúng ta đến với Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa và rồi lời nói [lối sống] của chúng ta cũng phải được đặt nền trên lời Ngài, lời mang lại sự sống.
Chi tiết thứ hai là vị trí quan trọng của Thánh Phêrô trong câu chuyện đươc trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay nói riêng và toàn bộ Tin Mừng thánh Luca [và Công Vụ Các Tông Đồ] nói chung. Điều này chứng tỏ Thánh Luca có một sự kính trọng sâu đậm cho thánh Phêrô, người có vai trò quan trọng trong việc thiết lập Giáo Hội tiên khởi. Điều này được chứng minh qua hai sự kiện mà thánh Phêrô được Chúa Giêsu cầu nguyện riêng cho (Lc 22:31-32) và Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho mình thánh nhân (Lc 24:34). Bên cạnh đó, thánh Luca bỏ đi những nhận định tiêu cực về thánh Phêrô mà thánh Máccô trình thuật trong Tin Mừng của mình (x. Mc 8:32-33; 14:37). Vì sẽ được chọn cho một vai trò quan trọng như thế, Chúa Giêsu “xuống thuyền” của ông để ngồi trên đó giảng dạy đám đông. Chi tiết này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu giảng dạy “trên thuyền” của ông Simon, hay đúng hơn là qua cuộc đời của ông Simon. Nói cách khác, Simon Phêrô có được vị trí cao trọng vì có Chúa trên chiếc thuyền đời ông và giảng dạy dân chúng qua cuộc đời ông. Chúa Giêsu cũng muốn lên chiếc thuyền cuộc đời chúng ta và giảng từ đó. Liệu chúng ta có cho phép Ngài không?
Chi tiết thứ ba làm chúng ta quan tâm là câu chuyện mẻ cá. Theo J. A. Fitzmyer, câu chuyện này (Lc 5:4-9) giống với câu chuyện được trình thuật trong Tin Mừng thánh Gioan (Ga 21:1-11). Theo ông, có 11 điểm tương đồng và 7 điểm khác biệt. Điều này chứng tỏ hai thánh sử làm chứng cách độc lập về việc Chúa Giêsu hiện ra với thánh Phêrô sau khi Ngài phục sinh. Thánh Gioan phát triển truyền thống này theo truyền thống riêng của mình bằng cách thêm vào hình ảnh của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Về phần mình, thánh Luca đưa câu chuyện vào trong trình thuật về sứ vụ trên trần thế của Chúa Giêsu và việc Ngài gọi những môn đệ đầu tiên nhằm mục đích nói đến ba thời khắc chính trong cuộc đời Thánh Phêrô, đó là (1) việc thánh nhân nhận ra Chúa Giêsu qua mẻ cá lạ lùng, (2) việc thánh nhân hoà giải với Chúa Giêsu sau khi chối ngài và (3) việc thánh nhân được Chúa Giêsu phục sinh trao sứ mệnh.
Bài Tin Mừng kết thúc với lời mời gọi của Chúa Giêsu về công việc tương lai của Thánh Phêrô và sự đáp trả cách triệt để và sẵn sàng của thánh nhân và các bạn: “‘Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.’ Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5:10-11). Chúng ta cần lưu ý đến thuật ngữ “từ nay.” Thuật ngữ này ám chỉ khởi đầu của một giai đoạn mới của ơn cứu độ. Khi Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô nhiệm vụ của ngài là “thu phục người ta,” hay đúng hơn là “chài lưới người.” Điều này đồng nghĩa với việc đưa họ đến cuộc sống mới trong Nước Thiên Chúa. Biểu tượng “chài lưới” có một bối cảnh rất phong phú trong thời cổ. Khi viết cho những người rất quen thuộc với truyền thống Hy Lạp – Rôma, Thánh Luca nêu bật khía cạnh của biểu tượng được những thầy dạy thời đó sử dụng để lôi kéo sinh viên đến với mình và qua việc giáo dục của mình, họ biến đổi cuộc đời của người thụ huấn. Khía cạnh này là móc câu. Thánh Phêrô sẽ thu phục những người nam người nữ với chính chiếc móc câu của lời Chúa và từ đó đem họ đến sự sống mới. [Nếu chúng ta tập trung vào biểu tượng “nước,” chúng ta sẽ đối diện với một khó khăn, vì biểu tượng này trình bày Thánh Phêrô như một người làm điều rất nguy hại cho con người vì theo lối suy diễn loại suy về những gì xảy ra cho cá bị đem ra khỏi nước, là sẽ chết, thì những người bị đem ra khỏi nước cũng sẽ bị chịu chung một số phận.] Đứng trước sứ vụ mới, đem người khác vào trong sự sống mới, Thánh Phêrô và những người bạn đã làm hai điều: (1) bỏ hết mọi sự và (2) đi theo Chúa Giêsu. Đây là hai điều kiện cần cho người môn đệ Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể mang người khác đến với Nước Trời hầu hưởng sự sống mới khi chúng ta bỏ đi tất cả những gì “thuộc về đất” [những gì níu kéo chúng ta lại] để hoàn toàn tự do đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu và làm môn đệ Ngài.
THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN – Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria
ĐƯỢC SINH RA TRONG CUNG LÒNG THIÊN CHÚA
(Mk 5:1-4a; Mt 1:1-16.18-23)
Như chúng ta biết, trong lịch phụng vụ, chỉ có ba lễ sinh nhật được mừng kính, đó là sinh nhật của Chúa Giêsu, sinh nhật của Gioan Tẩy Giả và sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria mà hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính. Thánh lễ này có thể được khởi nguồn sau Công Đồng Êphêsô năm 431, công đồng mà thiết lập Mẹ Maria là “Mẹ Thiên Chúa.” Thánh lễ này được nói đến trong một lời ca sáng tác bởi Thánh Romanus và được đón nhận bởi Giáo Hội Rôma vào thế kỷ thứ 17.
Trong bài đọc 1, ngôn sứ Mikha trình thuật cho chúng ta về lời sấm của Đức Chúa, nói về sự xuất hiện một vị thống lãnh Israel từ Bêlem. Nguồn gốc của vị thủ lãnh này có từ thuở xa xưa. Ngài thống lãnh Israel như người mục tử chăn dắt đàn chiên mình. Nơi Người, Israel sẽ tìm được sự bình an: “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Chính Người sẽ đem lại hoà bình” (Mk 5:4-4a). Sự xuất hiện của người thủ lãnh này được thực hiện qua người nữ. Như thế, sự cao trọng và sự hiện hữu của người nữ này đã hiện hữu trong kế hoạch muôn thuở của Thiên Chúa. Đây chính là hình ảnh mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay, đó là sự hiện hữu của Mẹ Maria nằm trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta cũng được Thiên Chúa yêu thương từ muôn đời và cho chúng ta hiện hữu trong thời gian để làm chứng cho tình yêu của Ngài. Chúng ta cố gắng sống cho xứng đáng với tình yêu của Ngài qua đời sống phục vụ, yêu thương và tha thứ.
Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Phần 1 (Mt 1:1-16) nói về gia phả của Chúa Giêsu và phần 2 (Mt 1: 18:23) nói về việc Chúa Giêsu được sinh ra. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là: Tại sao hôm nay lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria mà Giáo Hội lại chọn đoạn Kinh Thánh nói về sự ra đời của Chúa Giêsu? Chúng ta có thể trả lời cách đơn sơ rằng: Bởi vì sự hiện hữu của Mẹ Maria không thể tách rời khỏi Chúa Giêsu. Chúng ta cùng nhau tập trung suy gẫm gia phả của Chúa Giêsu, để rút ra những bài học quý giá cho ngày sống.
Điểm thứ nhất chúng ta có thể suy gẫm là việc Thánh Sử Matthêu bắt đầu bản trình thuật của mình về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô với những lời: “Sách gia phả của Đức Giêsu Kitô, con của Đavít, con của Abraham” (Mt 1:1). Thánh sử tìm ra tổ tiên con người của “con người Giêsu” và cố gắng đặt Ngài vào trong sự liên hệ với lịch sử của nhân loại. Thánh sử chỉ ra nguồn gốc con người của sự sống này, sự sống mà không phải rơi trực tiếp từ trời nhưng phát triển từ một thân cây với một lịch sử rất dài và một cách tuyệt đối là phát xuất từ hai gốc rễ thật vĩ đại mang tên Abraham và Đavít. Thánh Matthêu đang trình bày con người Giêsu, và vì lý do này, biểu tượng của thánh sử là Con Nguời (Con của Người). Sự hiện hữu của mỗi người chúng ta cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nhưng phát xuất từ một dòng dõi con người trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Vì vậy, chúng ta được mời gọi sống trọn kiếp nhân sinh của mình trong giai đoạn lịch sử ấy.
Thứ hai, theo Thánh Mátthêu, con người Giêsu đứng tại điểm khởi đầu của Tân Ước, như là Đấng nổi lên từ lịch sử của nhân loại. Trong gia phả của Ngài, Thánh Sử Mátthêu vẽ một cách cẩn thận sự chuyển tiếp từ một dòng lịch sử dài và khó hiểu được ghi lại trong Cựu Ước đến một thực tại mới được bắt đầu với Đức Giêsu Kitô. Thánh sử tóm tắt toàn bộ lịch sử này trong ba bộ mười bốn tên và đưa nó xuống đến Ngài, Đấng mà suy cho cùng chỉ vì danh Ngài mà lịch sử này tồn tại. Thánh Sử chỉ ra rằng dù lịch sử nhân loại di chuyển theo nhiều con đường khác nhau và những đường phụ, lịch sử này đã, theo một hình thức ẩn dấu, mang đến Đấng Cứu Độ rồi; và rằng trong suốt những thế kỷ đó, và tại mọi thời điểm, chính một và cùng một Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài và bây giờ trong Đức Giêsu Kitô đã trở thành một “người anh” cho toàn bộ nhân loại. Thánh Sử khẳng định cách dứt khoát tính vốn có của lịch sử, điều mà nếu phân tích cho đến cùng không có một mục đích nào cao hơn là đem lại con người Giêsu này cho lịch sử nhân loại. Chi tiết này cho thấy, trung tâm điểm của lịch sử nhân loại và mỗi người chúng ta là Đức Kitô. Điều này có thật sự đang xảy ra trong cuộc đời của chúng ta không? Chúa Giêsu có phải là trung tâm điểm của cuộc đời chúng ta không?
Thứ ba, chỉ có bốn phụ nữ được ghi tên trong gia phả và cả bốn người là những nhân chứng cho sự tội lỗi của con người: trong số họ là Rahab, một cô gái điếm là người đã giao Jericho và trong tay những người Do Thái di trú. Cũng ở trong số họ là vợ của Uriah, người phụ nữ mà Vua David giành lấy cho chính mình qua hành động ngoại tình và giết người. Những người đàn ông trong gia phả cũng không có khác biệt gì. Ngay cả Abraham hoặc Isaac hoặc Jocob không phải là những con người lý tưởng; Vua David hiển nhiên không phải là người lý tưởng, Vua Solomon cũng thế; và cuối cùng chúng ta gặp phải những người thống trị thật ghê tởm như Ahaz và Manasseh, những người thống trị mà ngai vàng của họ dính đầy máu của những nạn nhân vô tội. Đó là một lịch sử đầy tang tóc dẫn đến Chúa Giêsu; nó không phải là không có những giây phút có ánh sáng của nó, niềm hy vọng của nó, những tiến bộ của nó, nhưng trong tính toàn bộ của nó, nó là một lịch sử của sự xấu (sự dữ), tội lỗi và thất bại. Lịch sử cuộc đời mỗi người chúng ta cũng có nhiều bóng tối đau thương. Nhưng chính trong lịch sử đầy đau thương đó, Chúa Giêsu bước vào. Liệu chúng ta có cho phép Ngài bước vào và trở thành một phần [chính] của lịch sử cuộc đời chúng ta không?
Cuối cùng, gia phả của Chúa Giêsu theo thánh Matthew bắt đầu với Abraham. Như thế nó làm chứng cho sự trung thành của Thiên Chúa Đấng thực hiện lời hứa mà Ngài đã tạo ra với Abraham: Rằng Abraham sẽ là tác nhân của sự chúc lành cho toàn bộ nhân loại. Toàn bộ gia phả, với tất cả những xáo trộn của nó, tất cả những thăng trầm mà nó trình bày, là một lời chứng sáng chói cho sự trung thành của Thiên Chúa, Đấng giữ lời hứa của mình dù cho tất cả những thất bại và sự không xứng đáng của con người. Suy cho cùng, gia phả của Chúa Giêsu theo Thánh Sử Matthew cũng là Tin Mừng về Chúa Kitô Vua. Gia phả được tạo thành bởi ba chuỗi mười bốn tên. Bây giờ nếu chúng ta viết số mười bốn theo những ký tự tiếng Do Thái chúng ta có ba phụ âm, những phụ âm này tạo thành tên David. Thật vậy, số mười bốn, số mà chi phối gia phả, là một biểu tượng của vương quyền. Nó biến gia phả thành một gia phả vương giả mà trong đó không chỉ lời hứa với Abraham được hoàn thành, nhưng cả lời hứa mà đi cùng với cái tên David. Ý nghĩa của việc này là Đấng đang đến là vị Vua thật của thế giới. Ngài thật sự là Thiên Chúa nhân từ, nhưng ngay cả trong sự thương xót của mình Ngài vẫn là Đức Chúa, vị Vua mà mệnh lệnh của Ngài chúng ta vâng phục, vị Vua Đấng triệu tập chúng ta và có quyền hạn trên sự vâng phục của chúng ta. Như thế, gia phả tại khởi đầu của Tin Mừng cũng chính là một hồi kèn trumpét cho Đức Vua. Nó kêu gọi chúng ta đến trước sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô. Nó kêu gọi chúng ta đến với một sự vâng phục thánh trước lời của Thiên Chúa, và đến với sự phục vụ của Chúa Giêsu, Đấng xem phục vụ là thống trị. Amen.
THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
LUẬT LỆ GIÚP CON NGƯỜI ĐI TRONG ĐƯỜNG LỐI CHÚA
(Cl 1:21-23; Lc 6:1-5)
Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay nói cho các tín hữu Côlôxê về tình trạng của họ trước và sau khi tin vào Chúa Giêsu: trước khi tin vào Chúa Giêsu, họ “là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em” (Cl 1:21); sau khi tin vào Chúa Giêsu, họ được hoà giải với Thiên Chúa và “trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người” (Cl 1:22). Những chi tiết này cho thấy, trước và sau khi tin vào Chúa Giêsu, chúng ta phải có sự khác biệt. Sự khác biệt rõ ràng nhất là sau khi tin vào Chúa Giêsu, chúng ta là “người nhà” của Thiên Chúa và từ bỏ lối sống tội lỗi trước kia. Chúng ta tin vào Chúa cũng đã nhiều năm, cuộc sống của chúng ta đã có sự khác biệt nào chưa? Chúng ta đã từ bỏ lối sống tội lỗi mà trước kia chúng ta sống chưa?
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta về câu chuyện thứ hai trong sáu câu chuyện liên quan đến hành động mang tính giải phóng của Chúa Giêsu trong ngày sabát. Câu chuyện hôm nay không liên quan trực tiếp đến Chúa Giêsu, nhưng liên quan đến việc các môn đệ vì các ông “bứt lúa, vò ăn” (Lc 6:1) trong ngày sabát. Hành động này gặp phải sự chống đối của những người Pharisêu: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” (Lc 6:2). Đứng trước sự chống đối của những người Pharisêu, các môn đệ Chúa Giêsu dường như im lặng. Sự im lặng này ám chỉ rằng việc tấn công này không phải nhắm vào các môn đệ mà nhắm vào Chúa Giêsu. Đứng trước sự chống đối này, Chúa Giêsu bình tĩnh dùng hình ảnh loại suy để trả lời họ: “Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Câu chuyện ấy, các ông chưa đọc sao?” (Lc 6:3-4). Tuy nhiên, theo các học giả Kinh Thánh, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh loại suy dường như hơi gượng ép, vì hành động của Đavít không xảy ra vào ngày sabát – ngày bị cấm, mà chỉ liên quan đến thức ăn bị cấm. Điểm chính của lối suy diễn này là cả Đavít và các môn đệ Chúa Giêsu đã làm một cái gì đó bị cấm, nhưng điều đó để thừa nhận điểm đúng của những người Pharisêu. Những chi tiết này cho thấy cách ứng xử của Chúa Giêsu trong những hoàn cảnh khó xử: (1) Ngài bình tĩnh để nhìn rõ vấn đề; (2) Ngài công nhận tính hợp lý [điểm đúng] của người khác; (3) Ngài tìm hình ảnh loại suy, nhưng gần gũi với người chất vấn để giải thích cho họ hiểu. Trở về với cuộc sống của mình, chúng ta phải chân nhận rằng, khi đối diện với hoàn cảnh khó xử, chúng ta thường không đủ bình tĩnh để nhìn rõ vấn đề. Bên cạnh đó, nhiều khi chúng ta để cho thành kiến che khuất những điều đúng của người khác, và hệ quả là chúng ta không thể đi vào trong thế giới của người khác hầu tìm ra những hình ảnh quen thuộc với họ để giải thích cho họ hiểu điều đang xảy ra. Thật vậy, chỉ những người bình tĩnh, biết công nhận điều đúng của người khác và đi vào thế giới của người khác mới có được một con tim cảm thông và dịu hiền.
Chúa Giêsu kết thúc cuộc tranh luận với câu khẳng định: “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6:5). Trong câu này, Thánh Luca trình bày luận chứng tuyệt đối của Chúa Giêsu cho những hành động của cộng đoàn Thánh Luca trong việc không tuân giữ những luật lệ của ngày sabát [giống với người Do Thái]. Ngoài ra, Chúa Giêsu được trình bày như sứ giả chung cuộc của Thiên Chúa [hoặc Con Người], Đấng đã quy phục ngày sabát của Thiên Chúa vào chính Ngài và sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa và ban cho những người theo Ngài quyền năng như thế. Nói cách khác, ý nghĩa của câu khẳng định này là để nói lên việc Chúa Giêsu quy phục ngày sabát vào Ngài chứ không trình bày Ngài như một người phân xử các cuộc tranh luận về ngày sabát. Nếu ngày sabát quy phục Chúa Giêsu, thì Luật Lệ cũng phải quy phục Ngài. Như vậy, việc tuân giữ ngày sabát [hay Chúa Nhật] không phải vì luật lệ, nhưng vì Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta đi lễ không phải vì thói quen hay vì luật, nhưng vì tình yêu chúng ta dành cho Chúa.