Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần 6 Thường niên_A

218

TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

 

 THỨ HAI TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

THỨ BA TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

THỨ TƯ TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

THỨ NĂM TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

THỨ SÁU TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

THỨ BẢY TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

THỨ HAI TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

(St 4:1-15.25; Mc 8:11-13)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia. Đó là lời Chúa.

Suy niệm:

SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA GIÊSU VỚI VÀ CHO CHÚNG TA CHÍNH LÀ DẤU LẠ

Bài đọc 1 vẽ thêm một bức tranh đầy đau thương trong gia đình đầu tiên của nhân loại. Đây là bức tranh đau thương thứ hai xảy ra trong lịch sử nhân loại. Trong bức tranh thứ nhất tương quan “vợ-chồng” bị đổ vỡ – Họ không tin tưởng và đổ lỗi cho nhau. Còn bức tranh thứ hai trình bày sự đổ vỡ trong mối tương quan “anh-em” hoặc “chị-em” – Họ ganh tỵ và giết nhau. Suy gẫm trên lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta có thể rút ra hai thái độ tiêu cực [từ Cain] cần phải tránh và một thái độ tích cực [của Thiên Chúa] cần phải học sau đây.

Thái độ thứ nhất mà chúng ta cần phải tránh là sự ganh tỵ và giận dữ. Sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta thấy nguyên nhân của việc Cain giết Aben là do ganh tỵ và giận dữ: “Sau một thời gian, Cain lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên Đức Chúa. Aben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến Aben và lễ vật của ông, nhưng Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Cain giận lắm, sa sầm nét mặt” (St 4:3-5). Cain ganh tỵ vì Thiên Chúa đoái nhìn đến lễ vật của Aben. Có nhiều lối giải thích khác nhau về lý do tại sao Thiên Chúa đoái nhìn đến lễ vật của Aben, mà không đoái nhìn đến lễ vật của Cain. Một trong những lối giải thích được nhiều người chấp nhận là: Aben đem dâng cho Chúa của lễ đẹp nhất chọn từ “những con đầu lòng” của đàn vật mình, là những con vật không tỳ ố hay thương tích; còn Cain dâng cho Chúa những hoa màu dư thừa của ruộng đồng. Lối giải thích này dường như không được ẩn chứa trong đoạn Kinh Thánh trên. Theo các chuyên gia Kinh Thánh, đoạn trích này nói về văn hoá du mục của người Do Thái: Người Do Thái là những người chăn nuôi du mục, hơn là trồng trọt. Vì lý do này mà lễ vật dâng tiến lấy từ việc chăn nuôi của họ, từ tay họ làm ra được ưa thích hơn so với lễ vật lấy từ việc trồng trọt. Tuy nhiên, điều làm cho lễ vật của Aben được thương nhận là vì ông “dâng những con đầu lòng của bầy chiên mình.” Điều này tiên báo của lễ đẹp lòng Thiên Chúa mà Chúa Giêsu, như “Con đầu lòng,” dâng lên Chúa Cha trên Thánh Giá.

Khi thấy lễ vật của mình không được đoái nhận, Cain không nên ganh tỵ và giận dữ. Đúng ra Cain phải tự xét lại xem lễ vật và động lực dâng lễ vật của mình có đẹp lòng Thiên Chúa không. Thay vì xét mình và hoán cải thì Cain đã “phán xét người khác” và “lên án tử.” Đây chính là lý do đưa Cain đến bờ vực sâu của phạm tội. Chúng ta cũng vậy! Biết bao lần trong cuộc sống thường ngày, thay vì “nhìn vào bên trong chính mình và hoán cải” trước mặt Chúa, chúng ta lại “nhìn ra ngoài, nhìn vào anh chị em của mình để lên án và kết tội.” Nói theo ngôn từ của bài đọc 1 là, chúng ta đã nhiều lần ganh tỵ và giận dữ với anh chị em mình. Khi chúng ta giận dữ với ai, thì chúng ta đã giết người đó trong con tim và tư tưởng của mình. Hành động giận dữ luôn là kết quả của một hành động xấu. Sách Sáng Thế nói cho chúng ta rằng: “Đức Chúa phán với Cain: ‘Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó” (St 4: 6-7). Khi chúng ta để sự nóng giận chế ngự chúng ta, chúng ta đã để cho ma quỷ thừa cơ lợi dụng như Thánh Phaolô răn dạy chúng ta: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn; đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Eph 4:26). Hãy luôn sống điềm tĩnh và kiểm soát sự nóng giận của mình. Đừng để hối hận vì chỉ một giây phút nóng giận mà phá hỏng đi những mối tương quan chúng ta đã mất nhiều thời gian xây dựng; đừng để hối hận vì không thể rút lại những lời nói thiếu tế nhị, xúc phạm và gây tổn thương cho người khác khi tức giận. Người có tính hay giận dữ là “người yếu nhất,” vì họ không thể chiến thắng được “một” trong những cảm xúc của họ, thì làm sao họ có thể chiến thắng chính mình và chiến thắng người khác.

Thái độ thứ hai chúng ta cần tránh là thái độ “nói dối” và “không biết hối hận” của Cain: “Đức Chúa phán với Cain: ‘Aben em ngươi đâu rồi?’ Cain thưa : ‘Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?’” (St 4:9). Nhiều người thường giải thích đoạn văn trên theo chiều hướng xem thái độ của Cain là thái độ của những người ích kỷ, chỉ sống cho riêng mình và “không có đời sống cộng đoàn.” Những người có thái độ này là những người “không biết đến” anh chị em vì họ “không phải là người giữ” anh chị em của họ. Lối giải thích này, một mức độ nào đó, đúng theo bối cảnh của nó. Tuy nhiên, khi đặt bản văn trong bối cảnh của tương quan trong gia đình, tác giả sách Sáng Thế muốn trình bày cho chúng ta một sự thật đau lòng về con người: Nói dối để chối bỏ trách nhiệm về việc làm của mình. Vừa mới giết và dấu xác em mình xong, Cain không nói sự thật khi Thiên Chúa hỏi đến Aben. Cain không nói sự thật vì Cain đã bị “Satan, cha của sự dối trá” chiếm ngự. Nói cách khác, Cain không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Đây chính là điều mà cha mẹ của Cain là Adam và Eva đã làm – họ không nhận lỗi của mình nhưng đổ lỗi cho nhau! Chúng ta cũng nhiều lần không nhận trách nhiệm về lỗi phạm của mình bằng việc “nói dối.” Chúng ta sợ bị mất mặt, sợ bị mất hình ảnh “đáng tôn kính của mình” trước mặt người khác khi nói thật và sống thật. Nhiều khi chúng ta còn biện minh rằng: “Lời nói dối của tôi không hại đến ai. Nhiều khi còn bảo vệ hạnh phúc của mình và của người khác.” Đây là điều mà nguyên tắc luận lý dạy: Lấy phương tiện biện minh cho hành động. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, nguyên tắc này đã bị áp dụng sai vì phương tiện xấu thì không thể biện minh cho mục đích tốt. Phương tiện xấu không thể làm cho hành vi tốt được! Nói dối là nói dối. Không thể làm cho sự việc và hành động trở nên thật.

Thái độ tích cực chúng ta cần học là thái độ đầy yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Như Ngài đã đối xử rộng lượng với Adam và Eva, Cha Mẹ của Cain, Thiên Chúa cũng khoan dung và bảo vệ ông dù ông xúc pham đến Ngài: “Đức Chúa phán với ông: “Không đâu! Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy.” Đức Chúa ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông” (St 4:15). Yêu một người đáng yêu, tha thứ cho một người đáng tha thứ là bình thường, là con người. Còn yêu một người không đáng yêu, tha thứ cho một người không đáng tha là “ngoại thường,” là thiêng liêng.

Bài Tin mừng hôm nay rất ngắn gọn và xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai. Việc những người Pharisêu đòi Chúa Giêsu một dấu lạ có thể mang hai ý nghĩa: (1) Họ muốn thử Chúa Giêsu như bài Tin Mừng trình bày, và (2) Maccô muốn nói đến dấu lạ ẩn chứa đằng sau phép lạ hoá bánh ra nhiều mà Chúa Giêsu muốn nhắm đến [điều chúng ta sẽ nghe trong ngày mai khi Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ]. Cuộc tranh luận hôm nay là cao trào của cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu mà đã được bắt đầu với sự kiện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn uống (x. Mc 7:1-23). Chúng ta cùng nhau phân tích cách chi tiết ba câu của bài Tin Mừng để rút ra thêm những bài học quý giá cho ngày sống của mình:

Thứ nhất, “khi ấy, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người” (Mc 8:11). Trong câu này, chúng ta thấy động lực đòi dấu lạ từ trời của những người Pharisêu là để “thử thách” Chúa Giêsu. Hành vi này gợi cho chúng ta nhớ lại hành vi thử thách Chúa Giêsu của ma quỷ trong hoang địa. Nhiều khi chúng ta cũng “thử thách” Thiên Chúa như vậy. Nhưng chúng ta không đòi xem “dấu lạ từ trời.” Chúng ta chỉ đòi Chúa cho chúng ta “những điều dưới đất” mà chúng ta xin. Chúng ta đến với Chúa với những động lực không tinh tuyền. Thay vì đến với Chúa với lòng yêu mến và tạ ơn, chúng ta lại đến với Chúa với thái độ “làm cho xong việc đạo đức” hoặc để cho người khác “chiêm ngưỡng và tôn vinh” sự thánh thiện của mình. Hãy đến với Chúa với lòng khiêm nhường và con tim tràn đầy yêu thương.

Thứ hai, “Người thở dài não nuột và nói: ‘Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả’” (Mc 8:12). Chúng ta thấy trong câu này thái độ buồn phiền của Chúa Giêsu. Ngài buồn vì nhóm Pharisêu vừa mới chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều thì đã đòi dấu lạ từ trời để chứng minh Ngài là “Đấng Messia từ trời đến.” Nhưng Chúa Giêsu từ chối không “khoa trương” quyền năng của mình theo “ý muốn” của con người. Chúng ta thấy Chúa Giêsu buồn sầu vì họ không thể vượt qua dấu chỉ bề ngoài để đến với thực tại mà dấu lạ muốn chỉ đến: Không phải Môsê (con người) ban cho các ông manna trong hoang địa, nhưng là Cha Ta (Thiên Chúa), Đấng ngự trên trời ban cho các ông. Chúng ta cũng vậy! Nhiều lần trong ngày sống của mình, chúng ta “không muốn” vượt qua dấu chỉ bên ngoài được tìm thấy trong các biến cố xảy ra để đọc được ý nghĩa bên trong mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta. Vì vậy, chúng ta tiếp tục sống trong thái độ hoài nghi và không tin tưởng. Đối với chúng ta là những Kitô hữu [nhất là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa], dấu lạ vĩ đại nhất mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Ngài để nuôi dưỡng chúng ta. Dấu lạ hàm chứa hai ý nghĩa: Một mặt nói lên tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa cho con người và mặt khác nói lời mời gọi tha thứ cho nhau để trở nên một với nhau trong Ngài. Hãy sống dấu lạ này cách triệt để trong từng giây phút của ngày sống chúng ta.

Thứ ba, “rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia (Mc 8:13). Câu này tạo nên bối cảnh để chuẩn bị cho một cuộc tranh luận khác mà những người chống đối không còn là những người Pharisêu, nhưng là các môn đệ, những người “ngồi chung thuyền” với Ngài để qua bờ bên kia. Chúa Giêsu luôn muốn lên con thuyền của cuộc đời của chúng ta. Ngài luôn muốn hành trình với chúng ta. Liệu chúng ta có cho phép Ngài bước vào chiếc thuyền của đời mình và đồng hành với chúng ta không? Liệu chúng ta có trở nên nghi ngờ và tự hỏi nhiều điều trong lòng như các môn đệ dù Chúa Giêsu đang “ở với chúng ta trên thuyền” và đã chứng kiến những kỳ công Ngài đã làm trong cuộc đời chúng ta?

THỨ BA TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

(St 6:5-8; 7:1-5.10; Mc 8:14-21)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”. Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. – “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”. Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?” Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM:

HÃY SỐNG TỐT VÀ THÁNH THIỆN DÙ KHÔNG AI MUỐN THEO

Sợi chỉ nối kết bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay là tư tưởng nói về việc “suốt ngày lòng [con người] chỉ toan tính những ý định xấu” (St 6:5) mà chúng ta tìm thấy trong bài đọc 1. Tư tưởng này được Chúa Giêsu diễn tả bằng một ngôn ngữ khác, đó là, “men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8:15). “Men” tượng trưng cho một cái gì đó có sức sống mạnh mẽ từ bên trong. Trong bối cảnh của Tin Mừng hôm nay, khi nói đến “men,” Chúa Giêsu ám chỉ đến một “sự dữ” có thể lan truyền như một dịch bệnh. Nói cách cụ thể, “men Pharisêu và men Hêrôđê!” ám chỉ “lối sống giả tạo,” ưa chuộng hình thức bề ngoài mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải đề phòng. Ở đây, chúng ta được mời gọi xét lại cuộc sống của mình. Có lẽ chúng ta cũng đã từng ‘là một dịch bệnh’ nguy hiểm khi chúng ta nói xấu người khác hoặc khi chúng ta trở nên gương mù gương xấu cho người khác. Hãy trở nên men làm dậy khối bột của tình yêu và cảm thông hơn là trở thành thứ men làm dậy khối bột của hận thù và ghen tỵ.

Ý tưởng thứ hai chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 hôm nay là hình ảnh của Nôê. Ông luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa khi mọi người không sống như thế. Ông không để cho “dịch bệnh làm điều xấu” ảnh hưởng đến mình. Ông sống theo thước đo của Thiên Chúa hơn là thước đo của con người. Trở về với cuộc sống ngày hôm nay, chúng ta nhận ra rằng: Xã hội mà chúng ta đang sống thường đặt tiêu chuẩn của sự thật dựa trên đám đông. Nói cách khác, điều nhiều người nói và làm sẽ trở thành tiêu chuẩn để đo lường, dù điều họ nói và làm là sai. Hệ quả là tạo cho chúng ta thái độ: Họ làm được thì tôi cũng làm được. Đây là điểm quan trọng mà bài đọc 1 hôm nay đưa ra để chúng ta suy gẫm. Chúng thấy ông Nôê sống đẹp lòng Thiên Chúa trong một thế giới mà sự gian ác của con người đầy dẫy mặt đất: “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, Ta hối hận vì đã làm ra chúng.’ Nhưng ông Nôê được đẹp lòng Đức Chúa” (St 6:5-8).

Dù cả thế giới này sống không tốt, bạn cũng đừng chạy theo họ. Hãy trở thành người sống đẹp lòng Thiên Chúa như Nôê. Sự thật không luôn tuỳ thuộc vào đám đông. Sự thật chính là sự hoà hợp giữa “nguyên lý khách quan” bên ngoài [điều Chúa muốn] với “hình ảnh chủ quan” bên trong [điều mình muốn]. Khi ý Chúa và ý mình trở nên một, lúc đó chúng ta có sự thật và đang sống trong Sự Thật. Có câu nói trong đời rằng: Đừng cố gắng sống khác; sống tốt là khác rồi!

Khi sống theo đám đông hơn là sống theo ý Chúa, chúng ta cũng đã nhiều lần làm cho Chúa “hối hận” và buồn rầu trong lòng như trong bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay nói đến. Trong bài đọc 1, chúng ta thấy “Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng” (St 6:6). Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu buồn phiền vì các môn đệ chứng kiến các phép lạ Ngài làm nhưng vẫn không hiểu và chậm tin. Cuộc tranh luận với nhóm Pharisêu hôm qua được chuyển đối tượng hôm nay: các môn đệ.

Chi tiết đầu tiên chúng ta tập trung vào là: “Họ quên mang bánh… họ chỉ có một cái bánh.” Chi tiết này là khởi đầu của hiểu lầm giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Hiểu lầm xảy ra vì Chúa Giêsu dạy các môn đệ về “ý nghĩa thiêng liêng của bánh” trong khi các môn đệ ở lại trên bình diện “vật chất của bánh.” Chúng ta đã nhiều lần như các môn đệ, đã để cho “yếu tố vật chất quyết định yếu tố tinh thần” [thuyết vô thần Marxist]. Chúng ta quá chú trọng đến “sự hèn mọn” của chúng ta mà quên mất “Đấng Toàn Năng sẽ làm cho tôi những điều cao cả.” Một cách thực tế hơn, chúng ta thường nhìn thấy những cái mình có quả nhỏ nhoi [chỉ có một chiếc bánh] so với nhu cầu thực tế của chính mình và người khác. Và chúng ta trở nên mất niềm tin vào Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay cảnh tỉnh chúng ta rằng, việc thiếu bánh không phải là vì các môn đệ không có, nhưng do các ông “quên đem bánh theo” (Mc 8:14). Tức là các ông có đủ bánh, nhưng do “không biết tiên liệu,” thiếu cẩn trọng nên rơi vào tình trạng “không có bánh” (Mc 8:16). Nhiều lần trong đời sống thường ngày của mình, chúng ta cũng không biết tiên liệu nên xảy ra những tình trạng đáng tiếc. Khi nhìn lại thì đã muộn. Ơn biết lo liệu là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn này giúp chúng ta biết tiên liệu, biết nhìn thấy trước những gì cần phải làm và phải tránh. Nếu chúng ta không có ơn này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta, kẻo chúng ta cũng bị Chúa Giêsu quở trách là những kẻ “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (Mc 8:18).

Chúng ta không thể từ chối rằng: Nhiều khi những khó khăn “trước mắt” làm chúng ta mất niềm tin vào Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn, nhiều khi chúng ta để cho những “nhu cầu tức thời” che mờ giác quan của chúng ta, làm cho chúng ta không còn nhớ những kỳ công Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của chúng ta, hay làm chúng ta không còn có khả năng nhìn thấy bàn tay vô hình đầy yêu thương của Chúa đang nâng đỡ và dẫn dắt. Đây là điều mà các môn đệ gặp phải trong bài Tin Mừng hôm nay. Các ông để cho việc “không mang theo [đủ] bánh” che mờ con mắt của họ để rồi họ không còn nhớ hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu rất kiên nhẫn nhắc lại cho họ về những điều Ngài đã làm để giúp họ hiểu thấu và lòng họ không còn ngu muội (x. Mc 8:17). Điều đáng kinh ngạc trong bài hôm nay chính là việc Chúa Giêsu kết thúc cuộc đối thoại với các môn đệ với câu hỏi thật cá nhân: “Anh em chưa hiểu ư?” (Mc 8:21). Sau khi thấy những điều Thầy đã làm và Thầy nhắc lại cho anh em về điều đó, anh em đã hiểu Thầy muốn gì nơi anh em chưa? Khi đi với Thầy, anh em đừng lo lắng về chuyện bánh ăn, nhưng lo đến việc lắng nghe lời Thầy và đem ra thực hành vì “con người không chỉ sống bởi cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4).

Chi tiết cuối cùng chúng ta để ý trong bài Tin Mừng hôm nay là hai con số: Mười hai và bảy. Trong lần hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất Chúa Giêsu “bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn,” các môn đệ thu lại được 12 thúng đầy mẩu bánh (x. Mc 8:19). Còn lần thứ hai Chúa Giêsu “bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn,” các môn đệ đã thu lại được bảy giỏ mẩu bánh (Mc 8:20). Như chúng ta đã trình bày, Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất xảy ra ở Galilê, cho những người Do Thái, nên con số 12 thúng tượng trưng cho 12 chi tộc Israel. Còn trong lần hoá bánh ra nhiều lần thứ hai xảy ra trong vùng đất của dân ngoại, và số bảy tượng trưng cho con số các dân ngoại. Tư tưởng này giúp chúng ta hiểu rằng: Chúa Giêsu được sai đến không chỉ cho dân Israel, nhưng cho tất cả mọi người. Ngài không chỉ lấy Mình và Máu Ngài nuôi dưỡng dân “được tuyển chọn,” nhưng cả “dân không được tuyển chọn.” Cuộc sống của chúng ta cũng được mời gọi hoạ lại cuộc sống của Chúa Giêsu: Chúng ta không “chỉ bẻ chính mình” cho những người mình yêu thích, nhưng cho cả những người “bẻ đôi con tim” chúng ta.

THỨ TƯ TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

(St 8:6-13.20-22; Mc 8:22-26)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: “Ngươi có thấy gì không?” Anh nhìn lên và trả lời: “Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi”. Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: “Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai”. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM:

XIN CHO CON NHÌN THẤY CHÚA VÀ ANH CHỊ EM

Điều đầu tiên Nôê làm sau khi “tai qua nạn khỏi” không phải là nhảy lên vui sướng, nhưng “dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ” (St 8:20). Ông nhớ đến Đức Chúa đầu tiên trong mọi việc. Chính điều này làm cho ông đẹp lòng Đức Chúa như bài đọc 1 ngày hôm qua trình bày. Chúng ta xem lại vị trí của Đức Chúa trong cuộc đời chúng ta thế nào? Ngài có chiếm vị trí tối thượng trong cuộc sống của chúng ta không?

Bài đọc 1 hôm nay cũng trình bày cho chúng ta lời hứa đầy yêu thương của Thiên Chúa cho con người và vũ trụ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm! Bao lâu đất này còn, thì mùa gieo mùa gặt, trời lạnh và trời nóng, tiết hạ và tiết đông, ban ngày và ban đêm, sẽ không ngừng đắp đổi” (St. 8:21-22). Giao ước với Nôê mở rộng “giao ước” với Adam và Eva bằng việc bao gồm cả những tạp vật khác trong lời chúc lành của Thiên Chúa. Chúng ta đã nghe trong sách Sáng Thế rằng: Chỉ con người trong số các tạo vật được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1:26-27). Còn các tạo vật khác thì sao? Chúng có được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa không? Theo nghĩa hẹp thì các tạo vật khác không được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa như Kinh Thánh khẳng định. Tuy nhiên, theo nghĩa loại suy, các tạo vật khác cũng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Qua hình ảnh trong một “tấm hình,” tôi sẽ nhận ra người mà hình ảnh “phác hoạ” lại. Như vậy, chức năng của hình ảnh là giúp chúng ta nhìn thấy và nhận ra cách rõ ràng người mà hình ảnh phác hoạ. Con người là hình ảnh theo nghĩa hẹp của ngôn từ, đó là, nhìn vào con người, chúng ta sẽ nhìn thấy và nhận ra Thiên Chúa mà con người phác hoạ lại trong cuộc đời của mình. Còn các tạo vật khác là hình ảnh của Thiên Chúa theo nghĩa rộng, đó là, nhìn vào các tạo vật, chúng ta nhận ra Đấng sáng tạo nên chúng. Giống như nhìn một ngôi nhà giúp chúng ta biết được kiến trúc sư của nó vì người kiến trúc sư “để lại dấu ấn” của mình trên ngôi nhà. Thiên Chúa cũng để lại “dấu ấn của Ngài” trên các tạo vật, nên khi chiêm ngắm chúng, chúng ta cũng có thể nhận ra Ngài và cất lời tôn vinh.

Bài Tin Mừng hôm nay mang tính cách rất chiến lược của Thánh Máccô để phát triển đề tài mạc khải của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Khi được liên kết với bài Tin Mừng hôm qua, nó tạo thành một hành động liên tục của Chúa Giêsu. Ngày hôm qua chúng ta đọc thấy việc Chúa Giêsu quở trách các môn đệ “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (Mc 8:18). Ngài kết thúc bằng câu hỏi: “Anh em vẫn chưa hiểu sao?” (Mc 8:21). Để hiểu thì phải thấy và nghe cho cẩn thận. Đây là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu chữa người mù thành Bethsaida. Đây là câu chuyện chữa lành mang tính cách hình tượng nhất trong Tin Mừng của Thánh Máccô. Trong Tin Mừng Thánh Máccô, chúng ta tìm thấy hai lần Chúa Giêsu chữa lành người mù: Lần thứ nhất, chữa lành người mù thành Bethsaida (Mc 8:22-26), được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay và lần thứ hai, chữa lành anh mù Bartimaeus (Mc 10:46-52). Trong lần đầu, anh mù thành Bethsaida nhìn thấy “từ từ,” còn trong lần thứ hai, anh mù Bartimaeus nhìn thấy “ngay lập tức.” Khi đặt hai lần mở mắt người mù trong bối cảnh Chúa Giêsu “sẽ dạy các môn đệ về việc Ngài sẽ bị nộp, bị đánh đòn và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại,” chúng ta hiểu điều Thánh Máccô muốn nói đến, đó là, sự chậm hiểu của các môn đệ, nhưng rồi các ông sẽ hiểu, sẽ “nhìn thấy ngay lập tức.” Chúng ta có ở lại trong tình trạng chậm hiểu điều Thiên Chúa nói cho chúng ta nhiều lần trong ngày sống không?

Chúng ta lưu ý đến sự nối kết giữa hành vi của những người giúp anh mù và hành vi của Chúa Giêsu: “Người ta dẫn một người mù đến, và nài xin Đức Giêsu sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: ‘Anh có thấy gì không?’” (Mc 8:22-23). Hai hành vi này tạo thành “một hành vi cộng tác” tuyệt vời của con người với Thiên Chúa trong việc mang lại niềm vui ơn cứu độ cho người khác. Trong “hành động cộng tác” này, phần con người chỉ đơn giản là “đến với Chúa” hoặc “mang người khác đến với Chúa,” phần con lại là của Chúa. Tuy nhiên, trong hành động này, chúng ta cũng được khuyến cáo rằng: Khi giúp người khác, chúng ta không phải là nhân vật chính, Chúa mới là nhân vật chính. Thách đố của chúng ta là làm thế nào để thuyết phục và mang người khác đến với Chúa! Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại.

Chữa lành là một quá trình tiệm tiến. Chúng ta thấy anh mù không thể nhìn thấy rõ ngay lần đầu tiên Chúa Giêsu đặt tay trên anh: “Anh ngước mắt lên và thưa: ‘Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.’ Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8:24-25). Với lần thứ hai thì anh ta mới nhìn thấy rõ và khỏi hẳn. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa luôn kiên nhẫn và chạm đến chúng ta nhiều lần để chúng ta được nhìn thấy và phân biệt cách rõ ràng người khỏi vật [cây cối]. Chỉ khi không còn lẫn lộn giá trị của người và vật, chúng ta mới có khả năng đặt đúng vị trị của chúng trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng đây là một tiến trình cần thời gian vì theo kinh nghiệm chúng ta thấy mình thường đặt sai vị trí của người và vật trong bậc thang giá trị. Vì vậy,

Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với chúng ta, và mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu và cho người khác thời gian để được chữa lành và thay đổi.

THỨ NĂM TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

(St 9:1-13; Mc 8:27-33)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM:

ĐỐI VỚI BẠN, ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ AI?

Bài đọc 1 nói về giao ước Thiên Chúa ký kết với Nôê, các con ông và tất cả mọi giống sinh vật ở với họ. Chúng ta có thể nhận ra ở đây sự canh tân, đổi mới của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này được diễn tả trong lời chúc lành của Thiên Chúa: “Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nôê và các con ông. Người phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Mọi dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất, và mọi cá biển sẽ phải kinh hãi khiếp sợ các ngươi: chúng được trao vào tay các ngươi. Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi’” (St 9:1-3). Lời chúc lành này chính là lời chúc của Thiên Chúa cho Adam và Eva (x. St 1:28-30). Tuy nhiên, điểm làm chúng ta để ý chính là chi tiết nói giới hạn mà con người không được vượt qua trong lời chúc lành: “Tuy nhiên các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu. Nhưng Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình” (St 9:4-5). Trong lời chúc lành cho Adam và Eva, giới hạn của con người được diễn tả trong mệnh lệnh không được ăn trái của cây biết thiện biết ác ở giữa vườn, còn trong lời chúc trên, giới hạn của con người được tìm thấy trong mệnh lệnh không được ăn thịt với máu của mọi loài di động và có sự sống. Điều này ngụ ý nhắc chúng ta về thân phận yếu đuối và giới hạn của con người. Vì vậy, chúng ta cần phải khiêm nhường chấp nhận giới hạn của mình để không phạm tội như Adam và Eva là trở nên “hữu thể” mình không phải là!

Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta nghe việc Chúa Giêsu chữa mắt cho một người mù thành Bethsaida. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô trình thuật lại việc Chúa Giêsu “thử tai” các môn đệ đã nghe người ta nói như thế nào về Ngài: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8:27). Điều các ông nghe đơn giản là: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8:28). Câu hỏi của Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng là câu hỏi mà từng ngày Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng: Nhiều khi chúng ta biết và theo Chúa rất chung chung, theo những gì chúng ta nghe từ người khác. Chúng ta như những người chạy theo phong trào, hay là sống đời “cây tầm gửi.” Nói cách cụ thể, chúng ta để cho tiếng nói và lối sống của đám đông quyết định tương quan của chúng ta với Chúa hơn là sự gặp gỡ cá vị của chúng ta với Ngài. Chúng ta cần đến người khác giúp chúng ta để biết Chúa, nhưng chúng ta phải “nội tâm hoá” những điều chúng ta nghe từ người khác. Hãy dừng lối sống đạo [sống đời thánh hiến] “chung chung”! Nhưng vun đắp một tương quan thật thân tình và cá vị với Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn biết Ngài đích thật là ai.

Thật vậy, để biết Đức Giêsu Kitô là ai, chúng ta không thể chỉ dựa vào những gì chúng ta nghe từ người khác, nhưng quan trọng là “nghe lời Ngài và đem ra thực hành.” Chỉ nghe lời “con người” thì không đủ để biết chân tính thật của Chúa Giêsu, nhưng phải lắng nghe và đem ra thực hành lời của “Con Người.” Nói cách khác, chúng ta phải biến những điều chúng ta nghe và thấy từ “Con Người” thành “xương thịt” của riêng mình. Đây chính là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ khi Ngài hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8:29). Trong cùng cách thức ấy, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta có một câu trả lời thật cá vị, là của riêng mình, dựa trên những kinh nghiệm cá vị của mình về Ngài. Những ai không cảm nghiệm được tình yêu cá vị của Chúa Giêsu sẽ không hiểu và không thể đáp lại tình yêu của Ngài cách trọn vẹn vì họ chỉ yêu Ngài cách chung chung. Giống như hai người muốn trở nên vợ chồng, tình yêu họ dành cho nhau phải được cá vị hoá. Họ không thể yêu người yêu của mình với một tình yêu chung chung mà họ dành cho người khác. Tình yêu phải được cá vị hoá vì con người hiện hữu như những hữu thể cá biệt, không được lặp lại trong vũ trụ này. Theo triết học, con người là hữu thể cá vị và hiện hữu một lần duy nhất trong thế giới: Trước nó, không ai giống, và sau nó không ai giống nó. Như vậy, tình yêu chung chung sẽ không bao giờ là tình yêu trung thành vì nó không thể dẫn đến việc dấn thân trọn vẹn cho người mình yêu.

Bước ngoặt của bài Tin Mừng hôm nay nằm ở câu: “Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (Mc 8:30). Đây là câu quan trọng để chúng ta hiểu việc Chúa Giêsu quở trách Phêrô là Xatan. Tại sao Chúa Giêsu lại cấm các môn đệ không nói cho ai biết Ngài là Đấng Messia? Trong nghệ thuật viết Tin Mừng của mình, Thánh Máccô đưa ra lý do cho câu hỏi trên là: vì Chúa Giêsu sợ các môn đệ và người khác hiểu lầm về Ngài. Hình ảnh Messia mà Chúa Giêsu nói đến chính là: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8:31). Đây không phải là hình ảnh của Đấng

Messia mà Phêrô tuyên xưng và dân Do Thái đang mong đợi. Đối với họ, Đấng Messia sẽ đến trong uy quyền để giải phóng dân Israel khỏi đô hộ của người Rôma. Khi nghe Chúa Giêsu trình bày hình ảnh của một Đấng Messia quá khác với hình ảnh mình mong đợi, “ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8:32): Ông quở trách Chúa Giêsu vì Ngài không làm theo điều mà ông đã “lên chương trình” cho Ngài phải làm; ông trách Chúa Giêsu vì Ngài không đi theo con đường mà ông đã vạch ra và hằng mong đợi; ông trách Chúa Giêsu vì Ngài trình bày một hình ảnh của Đấng Messia quá khác với hình ảnh ông quá quen thuộc về Ngài; ông trách Chúa Giêsu vì ông quá quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình hơn là lợi ích của muôn người. Đây cũng là điều chúng ta thường làm trong ngày sống của mình khi mọi sự Chúa muốn không xảy ra như chúng ta mong muốn. Ngay cả những người sống đời thánh hiến, là những người tuyên khấn chỉ đi tìm một mình Chúa là gia nghiệp và chỉ thực hành thánh ý Ngài, cũng nhiều lần quở trách Chúa Giêsu vì điều Ngài muốn không giống với điều mà họ muốn. Vì lý do đó, việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là một ý tưởng không thể chấp nhận vì nó đòi hỏi quá nhiều đau khổ và phải chết đi cho chính mình quá nhiều. Những ai muốn tìm thấy ý Thiên Chúa, hãy bỏ đi lối suy nghĩ, lối hành động và lối sống “máy móc” của mình!

Thay vì quở trách Chúa Giêsu, thì Phêrô bị Ngài quở trách: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8:33). Câu này là lời nhắc nhở cho các môn đệ về vị trí của mình khi Chúa Giêsu gọi các ông, đó là: “Hãy theo thầy!” – “Hãy đi đằng sau Thầy vì Thầy là Đường, là Người dẫn đường!” Khi Phêrô ngăn cản Chúa Giêsu và muốn dẫn Ngài đi theo con đường mà ông đã vạch ra thì ông cũng đánh mất chân tính của mình là “người môn đệ” – người theo Chúa Giêsu. Điều này cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đánh mất căn tính của mình là người Kitô hữu hoặc người thánh hiến cho Thiên Chúa khi chúng ta từ chối “đi theo” con đường Ngài muốn chúng ta đi, hoặc khi chúng ta muốn dắt Ngài đến những nơi chúng ta muốn và làm theo ý của chúng ta. Hãy để Chúa là người dẫn chúng ta đi. Hãy luôn là chính mình, là người đi theo vì chúng ta không phải là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (x. Ga 14:6).

THỨ SÁU TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

(St 11:1-9; Mc 8:34 – 9:1)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh”.

Và Ngài nói với họ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng”. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM:

ĐỪNG HỔ THẸN KHI THEO CHÚA GIÊSU

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện về tháp Babel. Lời Chúa trình bày cho chúng ta rằng, trong ý định của Thiên Chúa, Ngài muốn con người sống hiệp nhất, thông hiểu nhau, nên Ngài ban cho họ “đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau” (St 11:1). Nhưng thay vì sống khiên nhường trước mặt Chúa và làm cho danh Ngài được tôn vinh, con người muốn làm cho danh mình được lẫy lừng, họ đã “xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời” (St 11:4). Mục đích là để họ “khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất” (St 1:4). Nhưng chính sự kiêu ngạo và nỗ lực hiệp nhất (nên một) với sức của mình để làm vinh danh mình, con người đã không muốn Thiên Chúa can dự vào cuộc sống riêng tư, thậm chí muốn làm mọi sự để danh thơm lưu truyền tới muôn thế hệ và trải dài khắp mặt đất. Chúng ta có thể nói rằng chính sự kiêu căng, tự phụ ấy đã làm cho con người quên mất Chúa, loại bỏ Người ra khỏi cuộc sống, không tôn nhận Thiên Chúa làm chủ vận mạng. Bởi vậy, Thiên Chúa nhắc nhở con người hãy nhớ đến phận mình chỉ như cơn gió thoảng ngoài. Ngài đã làm cho tiếng nói của con người bị xáo trộn, để họ không còn hiểu nhau và như thế bị phân tán ra khắp nơi trên mặt đất. Chi tiết này dạy chúng ta rằng sự hiệp nhất là một món quà của Thiên Chúa ban cho. Khi chúng ta xây dựng sự hiệp nhất dựa trên “sức mạnh” và “sự khôn ngoan” của chính mình mà gạt Chúa ra khỏi kế hoạch xây dựng hiệp nhất, thì chúng ta càng tạo thêm sự chia rẽ. Hiệp nhất chỉ có được khi có Chúa là trung tâm của mọi sự. Nói cách cụ thể, sự hiệp nhất chỉ đạt được khi mỗi người chúng ta trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành động chỉ tìm làm vinh danh Thiên Chúa chứ không làm cho danh mình được lừng lẫy.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu về ơn gọi của người môn đệ. Điều này xảy ra sau khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Ngài (x. Mc 8:31-33). Chúa Giêsu bắt đầu với việc về cái giá người môn đệ phải trả, chúng ta đọc thấy những lời sau: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? (Mc 8:34-36). Chúng ta thấy có hai cái giá mà người môn đệ phải trả, đó là “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá mình.” “Từ bỏ chính mình” ám chỉ đến việc hoàn toàn từ bỏ ý muốn của mình để tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Hay nói cách khác là hoàn toàn quy phục ý muốn của mình trước thánh ý Thiên Chúa. Còn “vác thập giá mình” không ám chỉ đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh. Kiểu chết tàn khốc này thường xảy ra trong thời cổ. Câu nói của Chúa Giêsu mang tính chất tục ngữ mà qua đó thập giá ám chỉ đến những đau khổ và khó khăn mà người môn đệ sẽ gặp phải trên bước đường theo Ngài. Còn trong câu khẳng định mang tính đối nghịch về việc cứu mạng sống mình, Chúa Giêsu ám chỉ đến những người tránh tử đạo, tránh việc làm chứng cho Ngài đến độ hy sinh mạng sống của mình. Khi khuyến cáo các môn đệ về việc được cả thế giới mà mất mạng sống mình, Chúa Giêsu nói đến mối nguy hiểm của việc thu gom của cải vật chất đến nỗi đặt trọn con tim của mình vào đó như là kho tàng, để rồi không còn chỗ cho Chúa trong tim mình. Chúng ta có chỗ cho Chúa trong con tim của mình không?

Chúa Giêsu kết với việc đưa các môn đệ về viễn cảnh của ngày cánh chung để khuyến khích các môn đệ sống trung thành với ơn gọi của mình dù gặp nhiều đau khổ và bắt bớ trên đường theo Ngài: “‘Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.’ Đức Giêsu còn nói với họ: ‘Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực’” (Mc 8:38-9:1). Những lời trên phản ánh những lời chứa đựng trong Tv 62:13. Một chi tiết cần lưu ý là câu nói của Chúa Giêsu về “những người không phải nếm sự chết cho đến khi Con Người đến hiển trị.” Khoảng thời gian trong câu nói này là không đúng nếu nó ám chỉ đến việc Nước Trời đến trong sự tròn đầy của nó như được đề cập đến trong Tin Mừng Thánh Máccô (13:32). Những lời này ám chỉ đến việc “một số” nhìn thấy lời hứa được hoàn thành trong sự kiện biến hình. Chi tiết này nói cho chúng ta rằng: Chúng ta cũng có thể nếm cảm được niềm vui của thiên đàng trong đời sống thường ngày. Điều quan trọng là chúng ta có đến với Chúa Giêsu để cảm nếm vị ngọt tình yêu thiên đàng hay không?

THỨ BẢY TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

(Dt 11:1-7; Mc 9:2-13)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?” Và các ông hỏi Người: “Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?” Người đáp: “Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng ‘Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ’. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người”. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM:

HẠNH PHÚC KHI Ở VỚI CHÚA

Hai ngày trước, trong bài đọc 1 sách Sáng Thế trình bày việc dâng lễ vật lên Thiên Chúa của Cain và Aben. Thiên Chúa chỉ đoái thương đón nhận lễ vật của Aben và không đoái nhìn đến lễ vật của Cain. Tác giả sách Sáng Thế không nêu rõ lý do. Tuy nhiên, trong bài đọc 1 hôm nay tác giả thư gởi Do Thái cho chúng ta biết lý do tại sao Thiên Chúa đón nhận lễ vật của Aben, đó là, vì ông đã tin: “Nhờ đức tin, ông Aben đã dâng lên Thiên Chúa một hy lễ cao quý hơn hy lễ của ông Cain: nhờ tin như vậy, ông Aben đã được chứng nhận là người công chính, bởi vì Thiên Chúa đã chấp nhận những lễ phẩm ông dâng. Và cũng nhờ tin như thế, mà tuy đã chết rồi, ông vẫn còn lên tiếng” (Dt 11:4). Đức tin là món quà cao quý nhất giúp chúng ta hoàn toàn đặt cuộc đời của mình vào bàn tay của Thiên Chúa dù phải đối diện với đau khổ và sự chết.

Không chỉ nói về đức tin như là điều kiện cần để lễ vật chúng ta dâng lên Thiên Chúa được chấp nhận, tác giả thư Do Thái còn trình bày về ba vai trò chính khác của đức tin trong đời sống của chúng ta: (1) Đức tin là bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng và là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy (Dt 11:1); (2) đức tin giúp chúng ta hiểu rằng vũ trụ được hình thành bởi lời Thiên Chúa, vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có (Dt 11:3); (3) đức tin giải thoát chúng ta khỏi chết qua đời sống đẹp lòng Thiên Chúa (x. Dt 11:5-6); (4) đức tin báo cho chúng ta những điều chưa thấy qua việc kính sợ Thiên Chúa (Dt 11:7). Tóm lại, đức tin làm cho chúng ta thuộc trọn về Thiên Chúa và sẵn sàng bước đi trên con đường thập giá với niềm hy vọng sẽ được phục sinh với Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ biết về Ngài là Đấng Messia, Đấng sẽ bị nộp, bị đóng đinh, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Vì biết các môn đệ là những người chậm tin và niềm tin mong manh đó sẽ sụp đổ khi gặp đau khổ và sự chết, nên Chúa Giêsu mạc khải vinh quang của Ngài qua sự kiện biến hình để cho các môn đệ cảm nhận được vẻ đẹp quyến rũ của cuộc sống phục sinh nhằm cũng cố đức tin của các ông. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Phần 1 (Mc 9:2-8) thiết lập chân tính đầy vinh quang của Chúa Giêsu như là “Con yêu dấu của Thiên Chúa”; phần 2 (Mc 9:9-13) đặt chức phận làm Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu trong bối cảnh mong chờ của người Do Thái về Nước Thiên Chúa và sự sống lại. Chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay những điểm sau để suy gẫm và đem ra thực hành trong ngày sống hôm nay:

Thứ nhất là sự kiện Chúa Giêsu đem ba môn đệ là “ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9:2-3). Tại sao chúng ta để ý đến chi tiết này? Nó có ý nghĩa gì đối với ngày sống của chúng ta? Hai câu Kinh Thánh ngắn gọn này chứa đựng nhiều hình ảnh và ý tưởng để chúng ta suy gẫm. Tuy nhiên, chúng ta chỉ chọn hai ý tưởng chủ đạo sau: (1) Chúa Giêsu chỉ chọn ba môn đệ đi theo Ngài là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đây là điểm chúng ta cần phải để ý vì, như chúng ta biết, Chúa Giêsu có nhóm 72 môn đệ (x. Lc 10:1) và có 12 môn đệ “thân tín,” tại sao Ngài chỉ chọn ba ông để chứng kiến việc Ngài biến hình? Không phải là cả 12 môn đệ cần được củng cố niềm tin sao? Hay Chúa Giêsu “yêu riêng” ba ông? Chúng ta có thể nhìn sự kiện này từ nhiều góc độ và có những giải đáp khác nhau. Nhưng trong bối cảnh của bài chia sẻ hôm nay, lý do tại sao Chúa Giêsu chọn ba ông là vì Ngài sẽ trao cho ba ông những trách nhiệm quan trọng để làm chứng cho Ngài sau này: Phêrô sẽ làm “Giáo Hoàng tiên khởi” – người đứng đầu và đại diện cho các tông đồ; Gioan chịu trách nhiệm “đưa Mẹ của Chúa Giêsu về nhà mình” chăm sóc; còn Giacôbê, theo truyền thuyết, là Giám Mục tiên khởi của Giêrusalem và là người tử đạo đầu tiên trong số 12 tông đồ để làm chứng cho Chúa Giêsu. Điều này ám chỉ rằng: Những ai được kêu gọi để trở nên nghĩa thiết với Chúa trong sứ mệnh của Ngài sẻ chịu đau khổ nhiều vì Ngài và vì Tin Mừng của Ngài. Nói cách khác, được yêu nhiều sẽ chia sẽ nhiều trong đau khổ và thập giá của Ngài! (2) Chi tiết thứ hai là Chúa Giêsu đưa họ “lên núi.” Theo truyền thống Kinh Thánh, nhất là trong Cựu Ước, núi là nơi linh thánh, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Hai nhân vật hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu, “ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu” (Mc 9:4), đã gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Sinai và Horeb. Chi tiết này ngụ ý nói đến việc Đức Chúa mà Môsê và Êlia gặp trên núi nay “mặc lấy xác phàm” nơi Đức Giêsu Kitô. Hành trình gặp Chúa luôn là hành trình “đi lên núi.” Tuy nhiên, lên núi luôn là một hành trình mệt mỏi. Hành trình này đòi hỏi chúng ta phải bỏ đi những thứ không cần thiết trên vai [lưng]. Càng bỏ được nhiều thì việc “đi lên” càng nhẹ nhàng, ít vất vả. Và khi bỏ hết mọi sự, thì hành trình sẽ dễ dàng hơn vì chúng ta không còn vướng bận gì. Đừng tiếc nuối nhưng hãy bỏ đi những gì không cần thiết để hành trình “đi lên” gặp Chúa của bạn được dễ dàng hơn!

Thứ hai là phản ứng rất vui sướng của các môn đệ khi được ở với Chúa trên núi: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mc 9:5-6). Chúng ta có cảm xúc dâng trào như thế này khi đến với Chúa không? Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ của chúng ta khi “ở với Chúa.” Nhiều người trong chúng ta cảm thấy thời gian ở với Chúa là thời gian nặng nề và nhàm chán. Chúng ta ở với Chúa như “cái xác không hồn,” không một tí cảm xúc của sự kinh ngạc, tạ ơn hoặc vui sướng. Có bao giờ chúng ta đi ngủ với mong ước thức dậy để được ở với Chúa không? Hoặc trong ngày sống, chúng ta tranh thủ mọi khoảnh khắc mình có để được ở với Chúa không? Khi hai người yêu nhau thật sự, họ luôn tìm đủ mọi cách và tận dụng mọi khoảnh khắc họ có để ở với người mình yêu. Đây có phải là cảm giác chúng ta có đối với Chúa không?

Thứ ba là sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu trong việc hướng dẫn các môn đệ. Điều này xảy ra khi “các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi” (Mc 9:8). Chúa Giêsu giải thích mọi sự cho các môn đệ khi chỉ còn mình Ngài với các môn đệ. Như chúng ta đã chia sẻ, đây là điểm đặc trưng của Tin Mừng Thánh Máccô. Nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng mất kiên nhẫn khi hướng dẫn người khác vì họ “chậm hiểu.” Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: Để có kiên nhẫn với người khác, chúng ta cần thiết lập một tương quan mật thiết với họ như “chỉ mình với ta.” Chính trong tương quan mật thiết như thế chúng ta mới biết, hiểu và cảm thông cho sự “chậm hiểu” của người khác. Những người có tương quan hời hợt với người khác sẽ không bao giờ đủ kiên nhẫn để đồng hành với sự cảm thông và yêu mến.

Điểm cuối cùng là định mệnh của người môn đệ muốn được chia sẻ trong vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, đó là, phải chịu đau khổ, tù ngục và bị giết chết. Điểm này được ẩn chứa trong hai hình ảnh của Êlia và Gioan Tẩy Giả. Êlia trình bày khía cạnh hùng mạnh và vinh quang của Thiên Chúa trên các thần Baan [trên núi Carmel], còn Gioan Tẩy Giả trình bày khía cạnh “thất bại” của Thiên Chúa – Ngài “phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê” (Mc 9:12). Khi dùng hai hình ảnh này để nói cho các môn đệ về sự chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu hàm ý nói cho các môn đệ về định mệnh của các ông: Thầy đi đâu thì anh em cũng phải đi theo nếu anh em muốn được chia sẻ vinh quang với Thầy. Thật vậy, không có “đường tắt” trong hành trình từ thập giá đến vinh quang. Những ai muốn có vinh quang phục sinh mà không muốn đau khổ của thập giá chỉ nếm mùi đắng cay và thất vọng.