EMILY STIMPSON
Chúng ta không ăn chay vì không tuân giữ giáo luật về việc sống tâm linh. Trước đây phải ăn chay và kiêng thịt các ngày Thứ Sáu, nay “giảm nhẹ” chỉ còn Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, thế mà nhiều người vẫn không giữ được, vẫn ăn vặt vào hai ngày đó. Họ đưa ra nhiều lý do để biện hộ.
Tại một số giáo xứ, tu viện và gia đình, nhiều người vẫn giữ chay như tổ tiên đã dạy: Nhịn ăn uống và kiêng thịt. Có những người vẫn ăn chay và kiêng thịt các ngày Thứ Sáu, chí ít cũng là kiêng thịt.
Trong 40 ngày chay, hãy kiêng thịt các ngày Thứ Sáu và “chấn chỉnh” một thói quen nào đó: Giảm uống cà phê, giảm hút thuốc, giảm nói nhiều, giảm ăn vặt,… Ăn chay không chỉ là để đền tội mình, mà còn để đền tội của người khác, nhất là thông phần đau khổ với Đức Kitô.
Bản chất con người đã thay đổi qua hơn 2.000 năm, thậm chí là 6.000 năm. Việc ăn chay luôn liên quan việc bác ái, đó là chúng ta tuân thủ lệnh truyền của Đức Kitô. Đây là 5 lý do chúng ta nên ăn chay:
- Ăn chay là động thái ăn năn. Khi chúng ta phạm tội với tha nhân – nói lời không hay, làm mất lòng, quên cuộc hẹn, không giữ lời hứa, không biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi,… Đừng nghĩ mình bỏ tiền ra mua cái gì thì không cần cảm ơn, hoặc không cần xin lỗi khi lỡ tay làm bể cái ly, dù là ly của nhà mình. Nói chung, chúng ta nên tế nhị tỏ ra hy sinh để đền bù lỗi lầm của mình. Tương tự, vì chúng ta phạm tội, chúng ta phải ăn chay. Nhịn một bữa ăn, nhịn một miếng ngon, nhịn một ly nước, bớt xem ti-vi, giảm sử dụng điện thoại,… để đền tội mình. Thiên Chúa không đòi chúng ta hy sinh quá sức đâu. Nhưng khi hy sinh, chúng ta sẽ cảm nhận được vực thẳm của tội lỗi, thấy mình được thanh tẩy, và giúp chúng ta không lăn vào vết xe cũ.
- Ăn chay nguyện giúp cầu thay. Thế gian là thung lũng nước mắt, đủ thứ khổ: Bệnh tật, nghèo đói, hôn nhân đổ vỡ, chiến tranh, tai họa, chết chóc,… Ai cũng cần cầu nguyện, ai cũng cần được nguyện giúp cầu thay. Ăn chay là cách cầu nguyện hiệu quả. Trong Kinh Thánh, người ta ăn chay nghiêm túc để tránh sự trừng phạt của Thiên Chúa. Ăn chay là cách cầu nguyện mạnh hơn cầu nguyện bằng lời.
- Ăn chay làm mạnh tâm linh. Trường khi có thể chạy, chúng ta phải tập đi. Trước khi từ bỏ mình, chúng ta phải tập hy sinh những điều nhỏ. Cái nhỏ chuẩn bị cho cái lớn. Hy sinh nhỏ là nền tảng để tôi luyện thân xác. Các anh hùng nhân đức – tử đạo, truyền giáo, sống bác ái,… – không thể có trong một sớm một chiều. Khổ luyện là công việc phải làm cả đời. Hãy bắt đầu nói “không” với cái kẹo, miếng bánh, rồi tới bữa ăn. Cuối cùng là “xin vâng” theo Ý Chúa.
- Ăn chay kết hiệp chúng ta với Đức Kitô. Chúa Giêsu cũng biết đói: “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4:2). Ngài cũng biết cô đơn, biết đau khổ. Trong cuộc khổ nạn, Ngài đau khổ hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Nhưng Ngài không đau khổ ngoài sự thoải mái theo nhân tính. Các nhà thần bí đã dạy rằng khi ăn chay, chúng ta bước theo Đức Kitô lên đồi Gôn-gô-tha, đồng thời làm nhẹ nỗi đau khổ của mình khi đồng hành với Ngài. Khi chịu đói khát, chúng ta được gần gũi Ngài, được kết hiệp với Ngài. Như vậy, ăn chay không làm cho chúng ta khó chịu mà làm cho chúng ta vui mừng.
- Ăn chay giúp chúng ta nhận diện chính mình. Chúng ta không xa Thiên Chúa nhưng chúng ta dễ quên Ngài. Chúng ta dễ quên ân sủng, quên lòng thương xót của Ngài. Ăn chay giúp nhắc nhở chúng ta về điều đó. Nhịn ăn, nhịn uống, kiêng thịt, hy sinh sự thoải mái,… những điều đó khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, vì chúng ta chiều xác thịt, vì tự ái, vì ích kỷ. Thể xác mỏng giòn và yếu đuối, nhưng nó lại có sức mạnh khiến chúng ta khó có thể cưỡng lại. Nhưng ngựa chứng cần hàm thiếc, chúng ta cũng phải tra hàm thiếc vào chính mình, bắt thân xác hướng thượng.
Ai cũng cần ăn uống, Chúa Giêsu cũng vậy, nhưng vấn đề là chúng ta có biết khước từ hay không. Ăn chay là từ bỏ chính mình, nhịn đói khát để biết khao khát Đức Kitô. Đó là lý do chúng ta luôn cần ăn chay, không chỉ trong Mùa Chay này.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)