GÓC SUY TƯ CÁC THÁNH Đức Maria – Mẫu gương về niềm hy vọng

Đức Maria – Mẫu gương về niềm hy vọng

ĐỨC MARIA – MẪU GƯƠNG VỀ NIỀM HY VỌNG

 

Đối với chúng ta, Đức Maria là bậc thầy về đức tin trong mầu nhiệm Nhập Thể. Chỉ bằng hai tiếng “Xin Vâng”, Đức Maria đã đặt trọn niềm tin của Ngài vào lời hứa của Thiên Chúa. Niềm tin đó không dựa trên những tính toán theo kiểu con người “bánh ít đi bánh quy lại”, mà dựa trên niềm hy vọng. Niềm hy vọng vào Đấng Cứu Thế sẽ đến để cứu chuộc dân tộc Israel. Niềm hy vọng này đã được Thiên Chúa đặt để vào cung lòng của Đức Maria.

Còn trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Maria đã sống niềm hy vọng đó một cách trọn vẹn. Điều đã khiến Người trở nên bậc thầy về đức cậy.

Khi một ai đó nói tới địa danh Núi Sọ thì người đó đang đề cập đến Mầu nhiệm Vượt Qua. Tại đó, Chúa Giêsu đã giữ niềm tín thác vào Chúa Cha cho đến cùng. Ngài đã chết trong niềm vâng phục chứ không như một kẻ tuyệt vọng. Cũng tại nơi đây, Thánh vịnh 22 nổi tiếng mà Chúa Giêsu cất lên trên cây Thập giá -Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người lại bỏ tôi? – được kết thúc bằng tiếng kêu đầy hy vọng rằng: “Và tôi, tôi sẽ sống cho Người, dòng giống tôi sẽ làm tôi Người, thiên hạ sẽ rao truyền Chúa cho hậu thế…”.

Những điều nói trên cũng phù hợp với Đức Maria tuy chỉ theo nghĩa phụ thuộc. Khi ở trên đồi Canvê, dưới chân Thập giá, Đức Maria đã sống tất cả Mầu nhiệm Vượt Qua chứ không phải chỉ sống một nửa mầu nhiệm đó, nghĩa là bao hàm rằng Đức Maria đã ở bên Thập giá “trong niềm hy vọng”, Người chia sẻ với Con không những cái chết mà cả niềm hy vọng về sự phục sinh. Trên Núi Sọ, Đức Maria không chỉ là “Mẹ Sầu Bi” mà còn là người Mẹ Hy Vọng, như lời một thánh thi của Giáo Hội đã cầu khẩn Người.

Theo lời Kinh Thánh, chính nhờ lòng tin chắc chắn vào Thiên Chúa quan phòng, Abraham đã hiến dâng Isaac, đứa con một của ông, khi Thiên Chúa thử lòng. Theo một truyền thống chú giải đã có ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, Isaac là hình bóng cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Nếu Isaac là hình bóng Chúa Kitô, thì Abraham, người đã dẫn ông đi để chịu sát tế, là hình bóng của Thiên Chúa Cha trên trời và là hình bóng của Đức Maria dưới thế.

Thánh Phaolô khẳng định về Abraham trong thử thách: đó là “tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, ông đã tin” (Rm 4,18). Lời tuyên bố này áp dụng cho Đức Maria dưới chân Thập giá lại càng đúng hơn: tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, Mẹ đã tin.

Cũng như lời Kinh Thánh nói về Abraham, Đức Maria đã tin, một niềm tin chúng ta không giải thích được và có lẽ chính Người cũng không giải thích nổi, tin rằng Thiên Chúa có đủ quyền năng làm cho con mình sống lại “từ trong kẻ chết”. Một bản văn của công đồng Vatican II nói đến lòng cậy trông của Đức Maria dưới chân Thập giá như là yếu tố quyết định trong ơn gọi làm Mẹ của người: dưới chân Thập giá “người đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế như lòng vâng phục, như đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn”.[1]

Niềm tin của Đức Maria đã được thử thách cao độ khi nhìn con mình chết treo trên Thập giá. Nhưng niềm tin đó đã được củng cố trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng vào Đức Kitô Phục Sinh qua lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Niềm hy vọng này đã đến cùng Ngôi Lời Nhập Thể nơi cung lòng Đức Maria và lớn lên theo thời gian cùng với Đức Giêsu.

Bắt đầu từ việc Đức Maria đi thăm viếng, phục vụ bà Elizabeth sau biến cố truyền tin. Đón nhận Lời Hứa Ơn Cứu Độ, Đức Maria đã ý thức mình được mời gọi đi chia sẻ niềm hy vọng cho mọi người. Đức Maria đã thể hiện trọn vẹn tâm tình trong lời kinh Magnificat để tuyên xưng niềm tin và hy vọng của mình vào Thiên Chúa.[2]

Tiếp đó, vào ngày dâng Hài Nhi Giêsu vào Đền thờ Giêrusalem. Đức Maria đã được ông Simêon và bà Anna tiên báo Hài Nhi Giêsu chính là niềm hy vọng của Israel. “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Chính lưỡi gươm đau khổ này sẽ làm cho niềm hy vọng của Đức Maria được tỏ hiện dưới chân Thập giá. Có lẽ trong giây phút này Đức Maria còn chưa hiểu được lời của hai nhà tiên tri vì “còn đang ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Hài Nhi” (Lc 2,33).

Đức Maria còn ngạc nhiên hơn nữa khi bắt gặp con mình đang ngồi đàm đạo với các bậc thầy trong dân Do Thái. Đó là lúc trẻ Giêsu được 12 tuổi. Nghe những điều trẻ Giêsu nói, Đức Maria chỉ còn biết “lắng nghe” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đây là cách thức để Đức Maria sống một cách mật thiết với niềm hy vọng của riêng Mẹ.

Niềm hy vọng nơi Đức Maria được củng cố hơn nữa trong tiệc cưới Cana. Niềm hy vọng này đã được Đức Maria thể hiện ra bên ngoài bằng hành động sai những người giúp việc làm theo yêu cầu của Chúa Giêsu thì nỗi lo lắng của người chủ tiệc cưới sẽ được giải toả. Thật vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện yêu cầu của Đức Maria qua phép lạ “nước hoá thành rượu”.

Nhưng chỉ dưới chân Thập giá, thì niềm hy vọng nơi Đức Maria mới hiện diện cách trọn vẹn. Chính niềm tuyệt vọng vì con mình đã chết như “lưỡi gươm” xé toạc tâm hồn Mẹ để cho niềm hy vọng xuất hiện. Chính lúc này niềm tin nơi Mẹ được thay thế bằng niềm hy vọng. Bởi vì Mẹ đã “tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông”.

Vì vậy, chúng ta phải biết rằng: niềm hy vọng mà chúng ta mong đợi đòi hỏi chúng ta không được thụ động chờ đợi, mà phải dấn thân, phải hoạt động, phải chu toàn một bổn phận. Bởi ngay khi không còn gì để thực hiện, ngay cả đau khổ cũng không còn là một bổn phận, thì bấy giờ, vâng, bấy giờ tuyệt vọng sẽ đến. Đó là “bổn phận” lớn lao mà Đức Maria đã biết làm tròn khi giữ vững niềm trông cậy dưới chân Thập giá. Bởi vì Đức Maria còn có nhiệm vụ giữ gìn Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã trao cho Mẹ.

“Này là con Bà”, “Này là Mẹ anh”. Đây có thể được coi là những lời di chúc của Chúa Giêsu cho Đức Maria và Thánh Gioan, đại diện Hội Thánh. Lúc bấy giờ, tình thương yêu mà Đức Maria dành cho Chúa Giêsu sẽ được Người chuyển trao vào Hội Thánh. Đức Maria sẽ như “gà mẹ ấp ủ gà con” mà bảo vệ, chăm sóc, thương yêu Hội Thánh và những ai tin vào Con Mẹ.

Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn về người đã biết đứng bên Thập giá, tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông. Mỗi khi chúng ta gặp thử thách, muốn thất vọng buông xuôi hãy biết năng kêu cầu người dưới danh hiệu “Mẹ Cậy Trông”, “Mẹ Hy Vọng”, để lấy lại sức mạnh nội tâm mà tiếp tục hy vọng. Bởi bao lâu còn hy vọng thì bấy lâu còn sự sống.


[1] Raniero Cantalamessa, Đức Maria – Mẫu gương cho Giáo Hội, tủ sách Thánh Mẫu học, tr. 169-173.

[2] Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Sống niềm hy vọng, 2005, tr. 18-22.

 

Paul Martin, OP

Exit mobile version