40 ngày chay tịnh

72

40 NGÀY CHAY TỊNH – NĂM 2023

Mùa chay thánh được khởi đầu từ ngày thứ Tư lễ Tro. Là người Kitô hữu, bạn sẽ làm gì khi bước vào thời gian Mùa Chay Thánh ?

Một người khôn ngoan thực sự, sẽ có khả năng “nhìn xa, trông rộng”.

Để bắt đầu thực hiện bất cứ một công trình xây dựng nào hoặc chuẩn bị cho cuộc đời có một tương lai sáng tươi hơn, người ta thường có một thời gian chuẩn bị xa cho những kế hoạch được hoạch định. Những gì được đề ra trong dự kiến, thì có quyền hy vọng và mơ ước sẽ trở thành hiện thực. Công trình càng lớn, càng quy mô, hoặc cuộc đời mình khi dám ước mơ sẽ trở nên hữu ích cho người, cho đời, mang tính lâu dài,… thì càng cần phải được đặt trên một nền tảng có mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Hơn nữa, nếu điều đó lại hướng đến lưu truyền cho hậu duệ, đến chiều kích tâm linh, có giá trị bền vững, thì sự chuẩn bị đó lại càng phải được bận tâm, chú tâm, đầu tư kỹ lưỡng, sâu sát hơn.

  1. Bốn mươi ngày chay tịnh của Chúa Giêsu:
  • Thần Khí đưa Đức Giêsu vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi đêm ngày, chịu để Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, có các thiên sứ hầu hạ Người. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, sau đó, Người thấy đói (Mc 1,12-13; Mt 4,1-2; Lc 4,1-2).
  • Thời gian Đức Giêsu ăn chay cầu nguyện là thời gian Người đối diện với một cuộc chiến đấu thiêng liêng và để chiến thắng mọi mưu mô, cám dỗ của quỷ dữ Satan (Mt 4,3-11; Lc 4,3-13) trước khi bước vào thi hành sứ vụ công khai.
  • Chính trong nơi hoang địa thanh vắng, Đức Giêsu đã có một tương quan gắn bó rất mật thiết với Chúa Cha. Từ kinh nghiệm thiêng liêng thâm sâu đó, một nhu cầu không thể thiếu khi Người sống ở trần gian, đó là kết hiệp với Cha, trở nên một trong Cha. “Tôi và Cha là một” (Ga 10,30). Thế nên, trong suốt hành trình rao giảng của Đức Giêsu, đối diện với muôn vàn nghịch cảnh, dù vất vả, mỏi mệt với sứ vụ rao giảng-chữa lành bệnh tật cho mọi người, Đức Giêsu vẫn tìm đến những nơi thanh vắng để kín múc sức mạnh, tình yêu từ Cha trong nguyện cầu. Hoặc khi đứng trước bất cứ biến cố sự kiện nào trong cuộc sống, Người cũng đều dễ dàng quy hướng về Cha (Mc 1,21-35; 6,30-42; Mt 16,17; Lc 5, 16; 6,12; 22,39-45; 23,34).
  • Đức Giêsu ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày, cũng là thời gian định hướng. Người tìm và thực hiện thánh ý của Cha trong sứ vụ Cha trao phó. Đó là sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu chuộc loài người theo đúng cách, đúng ý Thiên Chúa muốn. Đến độ, Người mặc khải cho chúng ta biết: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
  1. Bốn mươi ngày chay tịnh của Đức Cha Lambert de la Motte:
  • Kể từ khi quyết định chọn bậc sống linh mục, có thể nói: Đời sống của Đức Cha Lambert luôn khao khát rập theo khuôn mẫu của Đức Giêsu-Kitô trong một tình yêu hiến tế trọn vẹn (2Nng 1).
  • Trước khi Ngài lãnh nhận chức linh mục vào ngày 27.12.1655, Ngài bước vào một cuộc tĩnh tâm 40 ngày, tại Chủng viện Coutances của cha Jean Eudes và hành hương “khổ nhục”, đoạn đường dài khoảng 180 cây số[1]. Chắc chắn, trong 40 ngày tĩnh tâm của Đức Cha Lambert, Ngài cũng tự chay tịnh trong một hình thức “chết đi cho con người cũ để chỉ còn sống trong Đức Kitô và đền bù phạt tạ thay cho những người xúc phạm đến Chúa mọi ngày quanh năm” (2Nng 4).
  • Để chuẩn bị cho kế hoạch sống dấn thân phụng sự Thiên Chúa, trung thành với Giáo hội và phục vụ tha nhân cách triệt để sau khi thụ phong linh mục, trước ngày lễ mở tay, Ngài lại dành thời gian cho một cuộc tĩnh tâm dài 40 ngày. Chính trong thánh lễ mở tay, Ngài lắng nghe được lời mời gọi thôi thúc sâu thẳm từ con tim yêu mến, xác tín mãnh liệt để đi đến với các dân tộc chưa nhận biết Chúa, một nơi rất xa[2].
  1. Bốn mươi ngày chay tịnh của người Kitô hữu. Cách riêng, người nữ tu Mến Thánh Giá và anh chị em Hội tín hữu Mến Thánh Giá.

Thời gian mùa Chay là thời gian ân sủng. Vì, “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,2). Lời Chúa trong ngày thứ Tư lễ Tro cho chúng ta thấy rõ điều đó.

  • Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều điều “nhiễu nhương”, có thể nói: xảy ra từng ngày, từng giây phút. Phải chăng, đó là dấu hiệu cho thấy: con người hôm nay đã sống quá xa lìa Thiên Chúa? Thế nên, lời mời gọi của ngôn sứ Giô-en lại chẳng rất gần gũi với con người thời đại chúng ta hôm nay sao? “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương,… (Ge 2,12-18)
  • Cách thức trở về như lòng Thiên Chúa mong ước, đó là: Hãy cầu nguyện – ăn chay – bố thí cách kín đáo, để Thiên Chúa Cha là Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ ban đầy ân sủng cho chúng ta (Mt 6,1-6.16-18).
  • Đi xa hơn nữa trong tâm tình chay tịnh, đó là thời gian chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa để chúng ta được sống trong Đức Kitô và trong Người chúng ta được trở nên công chính hơn (2 Cr 5,20-21) và trong Người, nhờ máu Người đổ ra, chúng ta được hòa giải với anh chị em. Như thế, thời gian mùa chay này là dịp thuận lợi giúp chúng ta đi sâu vào sa mạc nội tâm để làm mới lại trong tương quan với Thiên Chúa, với chính mình và với anh chị em. Có như vậy, ân huệ Thiên Chúa ban trong mùa chay năm nay sẽ không trở nên vô hiệu (2 Cr 6,1) nhưng nảy nở hoa trái trong tâm hồn, hầu xứng đáng đón nhận niềm vui trong ngày cử hành lễ Vượt Qua và nhất là cảm nếm trước được hồng ân cứu độ trong ngày Chúa đến.

Ước mong sao thập giá Đức Kitô được in đậm nét trong cuộc đời người Kitô hữu. Cách riêng, người nữ tu Mến Thánh Giá và anh chị em Hội tín hữu Mến Thánh Giá, để mỗi người nỗ lực sống thật ý nghĩa trong hành trình 40 ngày chay tịnh, hầu đem lại giá trị thiêng liêng, cao đẹp và cảm nếm được hạnh phúc do Thiên Chúa tặng ban. Vì, Thiên Chúa không bao giờ “chịu thua” lòng quảng đại của chúng ta.

Nt. Maria Thùy Linh, MTG. Thủ Đức

[1] Tiểu sử Đức cha Lambert de la Motte (HĐGMVN) Số 4.2; trang 64.

[2] Tiểu sử Đức cha Lambert de la Motte (HĐGMVN) Số 4.2; trang 65.