Theo ý kiến, kinh nghiệm, và tìm hiểu riêng của bản thân, thiết nghĩ nhiều người học ngoại ngữ ít hiệu quả, không chỉ do cách học và việc thiếu luyện tập, mà còn do một tầm nhìn mang nhiều thiếu sót. Tôi xin đề xuất 4 khía cạnh quan trọng, không thể thiếu, để phác họa một lối nhìn:
Thứ nhất, ngoại ngữ cũng là một ngôn ngữ, gồm có: tiếng nói và chữ viết.
Về tiếng nói, có phần tập phát âm: mỗi ngôn ngữ có cách phát âm khác nhau, có thể là rất khác nhau. Ví dụ, giữa tiếng Việt và tiếng Anh thì: rất nhiều âm tiếng Việt có, tiếng Anh không có, và ngược lại, tiếng Anh có, tiếng Việt không có. Ví dụ, tiếng Việt có thanh điệu phức tạp, tiếng Anh không có thanh điệu nhưng lại có nhấn. Tiếng Việt không có âm cuối. Cần biết được sự khác nhau, để kiên trì tập luyện. Từ tập từng âm, đến tập từng tiếng, tập từng cụm từ, tập từng lời nói hoàn chỉnh, và dài hơn thì có thể tập nghe nói được thành thạo những lời ăn tiếng nói thường ngày. Đó là mức căn bản sống còn cần đạt được. Có người có khả năng tự học, tự bắt chước, tự luyện với máy tính, phần mềm, nhưng có người cần có người hướng dẫn và sửa cho. Ngôn ngữ nào cũng có nhiều giọng (các phương ngữ), nên chọn khởi đầu với phương ngữ chính. Khi đã nói và nghe được ở cấp độ cao hơn, thì hãy mở rộng đôi tai với các phương ngữ khác. Tránh bị rơi vào mặc cảm là chưa nói được giống như người bản xứ. Ví dụ, người Việt giữa các vùng khác nhau (ngay cả ví dụ 3 vùng lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn), nói chuyện với nhau, cũng không dễ gì hiểu ngay, cần thời gian làm quen và giải thích. Các ngoại ngữ khác cũng thế: người Mỹ nói chuyện với nhau, chưa chắc đã hiểu nhau; người Anh nói chuyện với nhau, chưa chắc đã hiểu nhau.
Về ngữ pháp, có phần làm quen chữ cái, và các điểm ngữ pháp chính, cộng với bài tập ngữ pháp. Có thuận lợi là tiếng Việt sử dụng bảng chữ cái Latinh, nên việc làm quen với các tiếng châu Âu rất nhanh về phương diện mặt chữ. Ở bước khởi đầu, nên chọn sách dạy căn bản nhất, học hiểu thuộc lòng luôn. Vì những thứ ở mức độ này, chúng ta phải ăn nói, đọc viết hàng ngày. Những cái khó, để lại sau. Những cái hóc búa tranh luận, để lại ở những mức độ khác. Những cụm từ, mẫu câu đơn giản, nên học thuộc lòng, viết thuộc lòng luôn, như là để làm vốn, như là để làm những viên gạch xây nhà. Giai đoạn này là để xây dựng một trí nhớ nền cho ngoại ngữ đang cần học.
Thứ hai, ngoại ngữ là ngôn ngữ của một dân một nước, thế nên đừng quên yếu tố văn hóa.
Nói đến văn hóa, bạn có thể khó hình dung, nhưng đó là những gì rất cụ thể. Ví dụ, nếu bạn thích tiếng Anh Mỹ, thì hãy tìm hiểu trực tiếp nước Mỹ. Nếu bạn thích tiếng Anh Anh, thì tìm hiểu nước Anh, còn nếu bạn đến học và làm việc ở Singapore, thì tìm hiểu trực tiếp nước này. Tìm hiểu về lịch sử, thời tiết, địa lý, hệ thống chính trị, truyền thống, tôn giáo, ẩm thực, hệ thống giáo dục, giao thông, lối sống của gia đình, các vấn đề lớn của xã hội, của giới trẻ, các thành phố quan trọng, âm nhạc, thể thao, cách người ta sử dụng thời gian vui chơi giải trí… Tất cả những điều ấy, bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên internet và Youtube. Những điều này, rất hữu ích để bạn hình dung ra một chân trời, mà trong đó, thứ ngôn ngữ bạn muốn học, được sử dụng.
Nếu thiếu những hiểu biết này, dù bạn siêu đẳng về ngôn ngữ, thì bạn cũng không hiểu được những gì đang diễn ra, và bạn luôn cảm thấy mình lạc lõng, không bắt được nhịp. Đơn giản vì bạn chưa nhập gia tùy tục. Khi bạn bước vào thế giới của thứ ngôn ngữ mới, bạn đành phải chấp nhận bước vào cuộc chơi mà bản thân phải xác lập lại từ đầu mọi thứ. Có thứ được giữ nguyên, có thứ phải thay đổi, có thứ được thêm vào, có thứ không dùng tới, có thứ phải điều chỉnh đảo ngược…
Cấp độ khó hơn nữa, đó là cần quan sát các cử chỉ hành vi của người dân vùng đó, tìm hiểu ý nghĩa của các hành vi thái độ cử chỉ ấy. Vì mỗi vùng văn hóa ngôn ngữ có các lối rất khác nhau. Không nhất thiết bạn phải làm theo, nhưng bạn cần hiểu, cần biết. Chúng ta có câu: ngôn hành đồng nhất. Nếu chỉ học ngôn ngữ, mà quên phần hiểu các hành vi tương xứng, thì quả là thiếu hụt rất lớn.
Thứ ba, ngoại ngữ là ngôn ngữ được sử dụng giữa con người với nhau: trong giao tiếp (người nói người nghe), trong sách vở (tác giả, đọc giả).
Do đó, bạn có thể tìm xem những bộ phim của chính người dân nước đó đóng. Không cần hiểu nhiều, nhưng xem để cảm nhận, để cảm thấy sự khác biệt rất lớn, để có thể tìm thấy sự đồng cảm nào đó. Nếu phim có phụ đề thì tốt. Xem phim về gia đình, về đời thường, về các chủ đề căn bản, sẽ giúp mình có một kinh nghiệm nào đó về cách người ta giao tiếp, sống và làm việc cùng nhau trong thứ ngôn ngữ mà mình đang học. Có thể tìm đọc những cuốn sách nhỏ và dễ trong thứ ngôn ngữ ấy. Đọc các bình luận về cuốn sách ấy. Người ta nói nó hay nó dở ở chỗ nào, và tại sao lại như thế. Bạn thấy nó hay nó dở thế nào, và tại sao thế. Khi tìm hiểu chính những suy nghĩ và cảm nhận của người ta và của chính bạn như thế, sẽ giúp bạn có thể hiểu được người khác trong các tình huống thực, và giúp bạn có khả năng phản xạ, có khả năng tự giải thích chính mình trước người khác. Đây không phải là biện hộ, bao biện, mà là khả năng hiểu nhau vượt qua những khác biệt lớn.
Nơi yếu tố thứ ba này, tốt nhất là có một nhóm bạn cùng học hành tập luyện với nhau, sẽ bổ túc cho nhau rất nhiều. Ví dụ, cùng nhau xem những bộ phim được coi là hay là nổi tiếng của ngôn ngữ, của dân nước đó. Những tác phẩm viết cũng thế. Sau đó, tìm xem những bộ phim dành cho đời sống thường ngày, ví dụ các chương trình truyền hình, các tờ báo đưa tin…
Thứ tư, ngoại ngữ là ngôn ngữ của một con người cụ thể, là chính bạn.
Bạn nghe gì, đọc gì, hiểu gì, người ta không mấy quan tâm, nhưng điều bạn nói, điều bạn viết, thì người ta quan tâm. Cụ thể hơn nữa, có thể nói rằng, bạn muốn người ta hiểu bạn thế nào qua những gì bạn nói bạn viết. Ở đây có một khoảng cách lớn, vì người ta có một hệ thống định kiến thành kiến của họ, còn bạn có hệ thống định kiến thành kiến của bạn. Vấn đề là, họ có một hệ thống chung áp dụng chung (vì đó là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ), còn bạn là một thành viên mới (một người học ngoại ngữ) từ ngoài bước vào, do đó, bạn là người có nhiệm vụ học luật chơi. Bạn không thể bắt tất cả học luật chơi của riêng bạn. Đó là luật bất thành văn.
Do đó, điều ích lợi là bạn cần chọn cho mình một thế đứng thích hợp. Ở đây, việc ý thức về chính bản thân rất quan trọng. Ví dụ, bạn là một sinh viên nam, 22 tuổi, có cá tính tự tin, thân thiện, ngoại hình nhỏ nhắn… Như thế, bạn thử tìm các Clip trên Youtube của sinh viên trong đất nước đó ở độ tuổi tương tự bạn, với những chủ đề quan tâm tương tự bạn, xem và nghe cách họ ăn nói học hành sống thế nào. Bạn có thể xem các bộ phim, đọc các bài báo… dành cho chính lứa tuổi của bạn trong đất nước mà bạn đang tìm hiểu… Ngôn ngữ mang đặc tính lứa tuổi, phái tính, tính cách… rất rõ. Tìm hiểu về những người cùng trang lứa với bạn, trong vùng văn hóa ngôn ngữ ấy, chính là cách để bạn làm quen với những phản ứng thường thấy của người khác dành cho bạn, cũng như bạn sẽ biết cách phản hồi thích hợp. Họ là những cái mẫu sống động, mà bạn có thể học tập, tìm hiểu, nghiên cứu, và bắt chước ở một mức độ nào đó. Cùng một điều bạn muốn, nhưng trong hai ngôn ngữ, hai vùng văn hóa, sẽ được diễn tả rất khác nhau. Ví dụ, ở Việt Nam, bạn bè hỏi tuổi nhau là để biết, để xưng hô cho dễ. Nhưng khi tôi hỏi tuổi một cô gái châu Phi, cô cười hơi thẹn thùng và bảo: đừng hỏi như thế. Vì cô biết rõ tôi là thầy tu, nên cô giải thích cho tôi hiểu: ở bộ tộc của cô, khi một anh chàng hỏi cô nàng bao nhiêu tuổi, có nghĩa là muốn cưới cô ấy làm vợ. Nguy hiểm quá!
Bốn yếu tố trên, tựa như một lối đi để thấm nhập một ngoại ngữ. Yếu tố thứ nhất, mang nặng tính kỹ thuật và ngày càng được hỗ trợ nhiều bởi công nghệ, còn ba yếu tố sau rất cần đến các năng lực khác. Điều quan trọng có tính thực hành là: cần có mục tiêu cụ thể (để làm gì và cần mức độ nào), cần kế hoạch thực tế (thời gian, công sức, tiền bạc), và kiên trì luyện tập để đi đến đích (bao lâu thì hoàn thành).
Phụ thêm: Dân châu Âu học tiếng của nhau rất nhanh, vì ba yếu tố sau, họ rất tương tự nhau; còn yếu tố đầu, họ giống nhau đến mấy chục phần trăm. Người Việt, học các thứ tiếng châu Âu rất lâu, vì cả 4 yếu tố đều rất xa lạ, 3 yếu tố sau cần rất nhiều công sức và thời gian. Cũng thế, người Âu Mỹ, mà học tiếng Việt hoặc tiếng Tàu hoặc tiếng Nhật, sẽ mất rất nhiều thời gian công sức. Có người mất nhiều năm, mà vẫn chịu thua.
Tứ Quyết SJ
dongten.net