4 cách để con không bị già trước tuổi

52

happy-childrenNếu không thể tạo cho bé không gian riêng, bố mẹ hãy tránh cho con tiếp xúc với những chuyện của người lớn và chú ý trong cách giao tiếp hàng ngày.

Nhiều bé mới lên 3 tuổi, nói chưa sõi nhưng đã biết hát những bài tình cảm của người lớn, đã biết chửi bậy, chửi thề. Khi thấy con mình có những biểu hiện như vậy, thay vì nhắc nhở con, một số bố mẹ lại tỏ vẻ thích thú. Sự chiều chuộng và dạy con như thế này sẽ làm cho đứa trẻ đắc ý và từ đó mất dần đi sự hồn nhiên và trong sáng của tuổi thơ. Làm gì đẻ con giữ được nét hồn nhiên đúng lứa tuổi của mình là sự lựa chọn của mỗi bố mẹ và bài viết này xin đưa ra một số cách tham khảo.

1. Tạo không gian riêng cho trẻ 

Việc tạo một không gian riêng cần thiết đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vì không có điều kiện nên cả gia đình lớn bé già trẻ đều sinh hoạt trong một không gian chung. Trẻ con nhiều lúc bất đắc dĩ phải là người chứng kiến các việc làm của người lớn từ việc xem phim, nghe bài hát và nghe những câu chuyện “tế nhị” mà người lớn nói chuyện với nhau… Khi tuổi còn nhỏ, các con chưa thể hiểu hết được nội dung phim, nhạc hay câu chuyện đó nhưng sẽ bắt chước một cách vô thức vào lời nói, hành vi của mình. Vì vậy, nếu không thể cho con một không gian riêng biệt, bố mẹ và người lớn trong gia đình cần phải chủ động sắp xếp và tránh cho các con tiếp xúc nhiều với những chuyện của người.

2. Kiểm soát hành vi lời nói trước mặt trẻ

Nhiều bố mẹ thay vì xưng bố (mẹ) với con thì lại có thói quen xưng hô mày – tao với con. Và cũng có bố mẹ khi bực tức hay văng tục, chửi thề với nhau ngay trước mặt con, thậm chí còn chửi luôn cả con. Đứa con nghe nhiều cũng trở thành quen và học theo.

Cách nói chuyện của người thân trong gia đình bé có sự ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ của trẻ trong tương lai. Vì vậy, bố mẹ và người lớn trong gia đình nên nói chuyện với con bằng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, tránh nói lóng, nói móc. Tâm hồn trẻ con như một tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên đó cái gì thì nó cũng sẽ phản chiếu lại trong từng lời nói, hành vi của trẻ sau này.

3. Không nên dạy con những việc làm thể hiện sự khôn lỏi, ích kỷ

Có những đứa trẻ được dạy là phải nhanh tay giành lấy phần nhiều hơn, giành lấy đồ chơi hay hơn, giành lấy miếng ăn ngon hơn mà không được nhường cho ai. Có đứa trẻ lại được dạy cách phải nịnh nọt người này để xin đồ dùng, xin đồ chơi… Tất cả cách dạy đó đều là những viên gạch đầu tiên để hình thành một tính cách ích kỷ, hẹp hòi và khôn vặt trong tương lai của trẻ. Vì thế, thay vào đó, bố mẹ hãy dạy cho con cách chia sẻ, hãy khuyên con biết nhường nhịn và biết sống thẳng thắn, chân thành. Bản tính của một đứa trẻ vốn rất vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Cách dạy dỗ đúng đắn của bố mẹ sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn tính cách đó của con.

4. Duy trì lối sống lành mạnh, cho con vui chơi phù hợp với lứa tuổi

Bố mẹ cần phải duy trì lối sống lành mạnh để con học tập, noi theo. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần phải tạo một môi trường vui chơi phong phú và phù hợp với tuổi của con để con được giao lưu, chơi với các bạn. Trẻ con khi được chơi đùa với bạn bè cùng trang lứa sẽ học được rất nhiều điều về sự chia sẻ, đoàn kết và sự quan tâm lẫn nhau. Và cũng từ những trò chơi với bạn như thế, con sẽ có được tiếng cười hồn nhiên, trò chơi giúp khám phá ngây thơ, trong sáng phù hợp với lứa tuổi của con.     

Lệ Thúy