GÓC TÂM TÌNH 1. Thanh Tuyển viện “Đi một ngày đàng…”

“Đi một ngày đàng…”

“ ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG…”

Sáng…

          Cảm giác thật lạ khi xe lăn bánh vào đất Bảo Lộc, xứ sở của chè, cà phê, xứ sở của mây và sương. Đất chập trùng tạo dáng, mây và núi như gần nhau hơn. Tôi như có cảm giác được trở về quê hương. Ôi ! Những loại cây gắn bó với quê hương mình, giờ lại bắt gặp nó giữa vùng cao nguyên này.

 1

Cà phê nơi đây đang mùa đơm trái, loài cây rắn rỏi như con người nơi đây vậy, những con người biến sỏi đất thành trái chín. Bảo Lộc thương yêu ơi ! Thiên Chúa đã ưu đãi cho ngươi quá nhiều !

Chiếc xe lăn bánh đến Đamb’ri vừa lúc bình minh lấp ló sau những ngọn đồi xa tít. Nhà Tập của Hội dòng chúng tôi nổi bật giữa thung lũng Đamb’ri .

Quý dì và các chị trong gia đình Tập Viện chờ đón chúng tôi với nụ cười tươi tắn, không còn vướng chút bụi bặm, ồn ào nào của chốn thị thành. Các chị thánh thiện và đơn sơ như cây cỏ nơi đây. Mọi đường nét, cử chỉ, lời nói đã toát lên điều ấy.

.

Trưa…

       Có cái nắng, có cái gió nhưng không có cái ngột ngạt hầm hập như chảo rang của những ngày hạ Sài Gòn. Chúng tôi lên xe cùng các chị Tập sinh đến thăm buôn làng bà con dân tộc nằm sâu trong những quả đồi. Đường khó đi vì nhiều dốc và đá lởm chởm. Tôi được biết đây là khu tái định cư mới của người dân tộc Châu Mạ. Buôn Dạ Tồn, tất cả có khoảng 133 hộ gia đình. Phần lớn những gia đình chúng tôi ghé thăm là những gia đình nghèo, ít rẫy và phải đi làm thuê.

 

Nhà của họ làm bằng những miếng gỗ ghép lại, mái lợp bằng lá hoặc những tấm tôn cũ nát.  Ghé thăm vào buổi trưa nên người lớn đi làm hết chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Nhìn những đứa trẻ lấm lem, có đôi chút sợ sệt người lạ, tôi bỗng thấy thương… Nghĩ lại khi nhỏ tôi vẫn sung sướng hơn chúng rất nhiều. Chúng tôi vào nhà một ông cụ, cụ đang đan gùi, bên cạnh là chiếc bánh mỳ khô khốc đang ăn dở. Người cụ gầy guộc và đen đúa, dưới đất đồ đạc lộn xộn, trong nhà không có gì đáng giá ngoài mấy chiếc gùi mới đan xong.

 Tôi hỏi :

–           Năm nay cụ bao nhiêu tuổi ạ ?

Cụ gượng gạo câu trả lời bằng tiếng kinh :

–          87 rồi.

–          Thế cụ ở với ai ạ ?

–          Với con trai, nhưng chúng nó đi làm hết, có hai đứa nhỏ ở nhà thôi.

Cụ vừa nói vừa chỉ tay ra ngoài cửa, nơi có con bé đang chơi. Rồi cụ lại chỉ vào xó nhà nơi có mấy cái áo rách trùm lên một cái gì đó mà chúng tôi không nhận ra. Thì ra đó là đứa cháu thứ hai của cụ, nó đang ngủ.

–          Trưa rồi cụ không nấu cơm sao ?

–          Có gạo đâu mà nấu, hết gạo cả tuần nay rồi, ăn củ mỳ ba mẹ nó mang về. Hôm nay chỉ có cái bánh mỳ này thôi…

Chúng tôi tặng chút quà nhỏ rồi ra về…

Cuộc viếng thăm ngắn ngủi qua đi nhưng sao mọi thứ nơi đây in hằn vào trí óc tôi. Và nếu có thể thì chắc chắn tôi sẽ làm điều gì đó cho họ…

Tôi miên man nghĩ về những gia đình dân tộc Châu Mạ khi đi bộ về phía Chùa Di Đà.

.

Chiều…

        Nắng đã dịu làm chiều chầm chậm hơn. Khuôn viên của Chùa thanh tĩnh đến lạ lùng, chỉ có một vài người đi làm công đức trở về. Hình như có tiếng chim hót thật mảnh và tiếng lá va vào nhau xào xạc. Tôi dạo quanh khu vườn và lượm lặt được mấy câu lục bát không đề tên cố nhân:

“Trần gian là cõi đi về

Tranh đua danh lợi não nề tấm thân

Một mai nhắm mắt lìa trần

Công hầu khanh tước tan dần theo tro”

Và câu đối :

“Giọt nước thành dòng sông thảnh thơi người về chơi biển lớn

Bước chân nên cõi tịnh thảnh thơi ta lên dạo đồi cao”

Chúng tôi ăn cơm hộp và nghỉ ngơi bên cạnh con thác cao ngút, trắng xóa giữa khu rừng vẫn còn chút ít vẻ hoang sơ nhờ công gìn giữ của nhà Chùa.

.

Tối..

      Sáu giờ rưỡi tối, chị em chúng tôi chào Quý Dì và các chị Nhà tập để trở về Bảo Lộc nghỉ đêm. Ai cũng lưu luyến như muốn níu giữ chút gì đó. Cơn mưa ập xuống, rửa trôi bụi đường, làm tan khói xe, trời tối mù mịt, gió lẫn hơi nước li ti hắt vào cửa xe mang theo hơi ẩm mát của đất. Bỗng tôi hít một hơi căng lồng ngực khí trời Đamb’ri, để rồi khi ở đâu đó ta vẫn cảm thấy được sống như ngày hôm ấy.

Người ta vẫn bảo : “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, quả không sai !

  Với chúng tôi còn gì quý giá hơn khi được trải nghiệm thực tế với những con người thiếu thốn đủ thứ. Họ dạy chúng tôi phải biết cho đi nhiều hơn nữa. Họ cho chúng tôi nhìn rõ hơn khuôn mặt của Chúa Giêsu. Chúa đã đồng hóa mình với những kẻ đói khát, đau yếu, trần truồng, không nhà, không cửa (x. Mt 25, 42 – 43).

     Rời buôn Dạ Tồn nhưng chúng tôi vẫn chưa thôi nghĩ về họ. Nghĩ về công việc tông đồ mà các chị Nhà Tập đang làm nơi đây. Qua những gì tôi thấy và nghe biết, tôi tin rằng Tin Mừng tiếp tục được gieo xuống và lớn lên trên mảnh đất này. Còn với riêng tôi, chuyến đi này đã thắp lên trong tôi một ao ước – ao ước được phục vụ Chúa Kitô trong người nghèo, dùng đôi tay và con tim mà yêu mến Chúa nơi họ.

Chưa rời Đamb’ri tôi đã mong sẽ được trở lại, vào một ngày hạ…

                                                                                             Anna Bích Hạt 

Thanh tuyển viện MTG.TĐ

Exit mobile version