1001 “uy quyền” cha mẹ dùng để giáo dục con

55

2Trong cuộc sống, dù vô tình hay cố ý, bậc làm cha, làm mẹ vẫn dùng “uy quyền” của người làm cha, làm mẹ để giáo dục con cái. Họ hi vọng với uy quyền đó, con cái họ sẽ ngoan ngoãn hơn, nghe lời hơn nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Hằng ngày, rất nhiều ông bố, bà mẹ sử dụng “uy quyền” xây dựng trên sự đàn áp con cái mà không biết. Họ cứ ngỡ việc càu nhàu, giận dữ, thậm chí là dùng roi vọt với con bất cứ lúc nào là bình thường. Với họ, việc con cái làm sai thì bị phạt là điều đường nhiên, phải phạt lần sau con mới nhớ, mới chừa… Điều này dẫn đến hậu quả trẻ trong tâm trạng sợ hãi, thậm chí một số trẻ muốn xa lánh bố mẹ.
Bởi khi cha mẹ thường xuyên dùng roi vọt sẽ khiến trẻ bắt đầu hình thành tính khiếp nhược, dễ dàng sợ hãi. Đây cũng là nguyên nhân khuyến khích trẻ nói dối và gợi lên tính độc ác ở trẻ. Nó sẽ sẵn sàng đánh nhau với bạn bè khi còn bé, lớn lên thì dùng chính roi vọt đánh đập vợ, con “trả thù” lại quãng thời gian tuổi thơ bị đàn áp.
Nhiều cha mẹ nghĩ để con dễ bảo, dễ vâng lời thì phải nói với con càng ít càng tốt, sống cách biệt chúng và thỉnh thoảng xuất hiện với tư cách chỉ huy qua việc giao con cho ông bà, người giúp việc… trông nom, chăm sóc. Điều này sẽ tạo khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ với con cái ngày càng xa dần. Đôi khi trẻ coi cha mẹ là khách trong nhà, trẻ sẽ nghe lời người giúp việc hơn cha mẹ…
“Tôi có anh bạn đi du học nước ngoài khi đứa con thứ hai của anh mới được 3 tháng tuổi. 5 năm sau anh trở về, bé chỉ gọi anh là chú chứ không phải bố. Dù ép buộc, mắng mỏ bé như thế nào, bé cũng cương quyết không gọi bố. Để được bé gọi bằng bố, anh bạn tôi đã mất 2 năm xây dựng quan hệ cha con. Giờ cô bé ấy đã học lớp 6 nhưng anh bạn tôi vẫn nhận thấy có khoảng cách giữa hai cha con mà không thể nào phá bỏ được” – Th.S Nguyễn Thành Đoàn (Thành viên Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) kể.
 
Tiếp lời, Th.S Nguyễn Thành Đoàn đưa ra lời khuyên, cha mẹ hãy hạn chế tối đa việc tạo khoảng cách với con cái. Nếu phải xa con thì cần thường xuyên gọi điện, nói chuyện với con cái.
Nói mãi con không chịu nghe, không chịu hiểu hay cố tình không hiểu, nhiều cha mẹ đặt ra pháp luật riêng trong gia đình và muốn con cái theo. Cha mẹ đã nói là không trình bày, bất khả kháng. Nếu áp dụng thường xuyên thì con chúng ta sau này chỉ là người biết tuân lệnh. Khi môi trường có điều kiện con cái chúng ta sẽ lại làm như vậy với người khác. Nghiễm nhiên, cha mẹ cũng không biết được cuộc sống của con, hứng thú, sở thích riêng của con.Vì cha mẹ luôn luôn đặt trẻ vào khuôn phép của mình.
“Chúng ta đừng biến con mình thành con rối hoặc robot. Bên cạnh đó chúng ta cũng đừng dạy cho trẻ suy nghĩ tự phụ, bố mẹ lúc nào cũng là giỏi hơn người, bố mẹ là “rốn của vũ trụ” vì nó sẽ ảnh hưởng đến hành vi suy nghĩ của trẻ đối với người xung quanh. Con cái chúng ta sẽ chỉ coi cha mẹ mình là nhất: ngay tuổi thơ trẻ đã lên mặt ta đây, hợm đời, lúc nào cũng thích khoe khoang, ảnh hưởng đến quãng đường học tập sau này” – Th.S Nguyễn Thành Đoàn nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS. TS Lê Văn Hảo – Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cho biết: “Mỗi đứa trẻ đều rất khác nhau.Cha mẹ cần tính đến sự khác biệt trong tính cách của trẻ, đồng thời để ý đến những điểm mà trẻ mắc lỗi. Cha mẹ hãy làm gương cho con cái bằng chính hành động cụ thể của mình”.
Theo Ngọc Diệp
Pháp luật Việt Nam