Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ.
Tha thứ là một đặc điểm của kẻ mạnh.
(Mahatma gandhi)
Một số người có thể tha thứ cách tự nhiên, nhưng đối với phần lớn trong chúng ta điều đó quá khó, nhất là những gì chúng ta đang gánh chịu vì sai lỗi quá nặng nề.
Tuy nhiên, việc tha thứ mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân, nên thật đáng tiếc nếu chúng ta không thể thực hiện được do định kiến nào đó.
Chúng ta cùng nhau cứu xét, từng cái một, 10 ý tưởng sai lầm về sự tha thứ: nếu chúng ta nắm bắt được sự mâu thuẫn của chúng, chúng ta có thể tự khai thông và tính đến khả năng tha thứ.
1. Tha thứ không phải là quên tất cả mọi sự.
Tha thứ và quên là hai điều khác nhau:
• Tha thứ là hành động của con tim mà chúng ta có thể đạt đến được sau một quá trình nội tâm lâu dài.
• Quên không tùy thuộc ở chúng ta: vì dù có cố gắng bao nhiêu đi nữa chúng ta cũng không thể xóa đi ký ức về những gì đã xảy ra.
Tuyệt vời làm sao mỗi sớm mai thức dậy mọi thứ như không có gì xảy ra, hoặc chúng ta có thể tự nhủ: từ nay tôi không phải nhớ đến điều xấu mà tôi đã nhận nữa.
Muốn quên đi một sai lầm nghiêm trọng tôi đã gánh chịu giống như giả vờ rằng đằng sau vết thương sẽ không có vết sẹo nào.
Đôi khi ký ức làm chúng ta đau đến mức loại bỏ những điều đã xảy ra khỏi ý thức: đó là một hình thức bảo vệ tâm trí của chúng ta, luôn tìm cách lẫn tránh đau khổ. Nhưng cắt bỏ không có nghĩa là xóa bỏ: sớm hay muộn điều đó sẽ đem lại cho tâm trí ký ức về điều xấu phải chịu đựng và chúng ta sẽ gặp lại mình trước nỗi đau không thể vượt qua.
Nếu chúng ta bước đi trên con đường tha thứ ký ức sẽ có thể bớt đau hơn, dẫu cho hiện tại vẫn còn.
2. Tha thứ không có nghĩa là chịu đựng đau khổ mà không phản ứng
Nhiệm vụ đầu tiên đối với bản thân là tự vệ: nếu có ai đó đe dọa chúng ta hoặc người khác bằng súng ống, trước hết chúng ta tìm cách vô hiệu hóa vũ khí của đối phương.
Khi hiểu sai lời Chúa Giêsu đã nói hãy đưa má bên kia, nhiều người nghĩ rằng:
Nếu tôi tự giơ mặt cho điều xấu một lần nữa, rõ ràng không được rồi: Tôi cảm thấy mình thực sự không muốn tha thứ!
Việc không muốn chịu đựng điều xấu thêm nữa là điều chính đáng: những người tiếp tục chịu đựng mà không phản ứng, thay vì nghĩ rằng họ là người giỏi tha thứ, thì có thể tự hỏi liệu họ có đang bị mắc kẹt trong một mối quan hệ mà họ không có cách nào tự giải thoát cho mình hay không.
3. Tha thứ không có nghĩa là giải hòa
Nếu giải hòa có nghĩa là bị tổn thương một lần nữa và không thể tránh được, thì không nên làm như vậy, phải dứt khoát từ chối những tình huống và mối quan hệ chỉ mang lại đau khổ.
Sự hòa giải giả định trước sự tha thứ, trong khi sự tha thứ vẫn có thể xảy ra ngay cả khi không có sự hòa giải.
4. Tha thứ không giả định lời xin lỗi hoặc sự hiện diện của đối phương
Chúng ta có thể tha thứ mà không cần người gây ra tổn thương thừa nhận rằng anh ta đã làm điều đó và sẵn sàng thay đổi: sự tha thứ nảy sinh từ một lựa chọn của con tim chứ không đòi hỏi sự tham gia hoặc hiện diện của đối phương, là người có thể không quan tâm đến việc đón nhận sự tha thứ của chúng ta, cũng không cho chúng ta thấy bất kỳ sự ăn năn hay bày tỏ bất kỳ lời xin lỗi nào.
Đây là lý do tại sao chúng ta cũng có thể tha thứ cho những người không còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, người đã rời xa chúng ta, cũng như những người đã chết.
Đôi khi chúng ta cần những lời giải thích, nhưng người biết tha thứ có thể làm được như vậy ngay cả khi chưa hiểu hết mọi chuyện: điều quan trọng là ước muốn tha thứ trong lòng.
5. Tha thứ không có nghĩa là phải từ bỏ công lý
Có những người tha thứ cho những tội ác nghiêm trọng nhưng lại không muốn cho người kia được tự do.
Lấy một ví dụ: Tôi có thể tha thứ cho kẻ giết một thành viên trong gia đình mình, nhưng người đó cần phải thi hành án phạt và trả giá cho những sai lầm của mình.
6. Tha thứ không có nghĩa là nhượng bộ những giá trị của mình hoặc thể hiện sự yếu kém
Nếu chúng ta tha thứ cho những người đã phản bội một giá trị quan trọng, chẳng hạn như sự tin cậy, tình huynh đệ hay lòng chung thủy, điều đó không có nghĩa là chúng ta phủ nhận những giá trị đã bị coi thường. Người tha thứ sẽ biết tích hợp các giá trị sâu sắc khác của cuộc sống con người, chẳng hạn như sự hiểu biết và lòng trắc ẩn, vào tiến trình tha thứ của họ.
Một số người không thể tha thứ vì họ sợ tỏ ra mình yếu đuối; thay vào đó, trên lộ trình để khám phá sự tha thứ, chúng ta sẽ hiểu tha thứ bao hàm một lộ trình sâu sắc và một sức mạnh nội tâm to lớn như thế nào.
7. Tha thứ không phải là thể hiện ưu thế của một người
Đôi khi chúng ta muốn tha thứ để cảm thấy mình đứng cửa trên so với người đã làm tổn thương mình, thế nhưng một khi chúng ta còn nghĩ về ưu thế và thấp kém thì còn lâu chúng ta mới tha thứ thực sự.
Chúng ta sẽ hiểu rằng tha thứ hoàn toàn khác với hành vi trịch thượng: đó là khả năng nhận biết người khác, để thấu hiểu, như một bài hát nổi tiếng diễn tả: người kia là chúng ta.
Tha thứ không phải là phủ nhận những thiệt hại phải gánh chịu dưới danh nghĩa là người ưu thế: phủ nhận những gì đã xảy ra hoặc không coi trọng nó sẽ là hành vi tự làm hại mình và thiếu tôn trọng đối với chính mình.
8. Tha thứ không phải là cách để chuộc lỗi
Một số người có thể nghĩ: Vì tôi cũng đã từng mắc sai lầm, tôi muốn tha thứ để được thứ tha. Theo một nghĩa nào đó, đây là điều mà Thiên Chúa của chúng ta đề nghị:
Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con.
Cái nhìn như thế có thể cho chúng ta thêm động lực trong giai đoạn chưa hoàn toàn chín mùi, nhưng tiến trình tha thứ đi sâu hơn, nó gắn liền với chính khái niệm về con người, đó là một hành động tuyệt đỉnh của nhân loại.
9. Tha thứ không thể chỉ là một nghĩa vụ tôn giáo
Tha thứ bởi vì làm như vậy là đúng, hoặc do Thiên Chúa đã yêu cầu chúng ta, vậy vẫn chưa đủ: thái độ nhất định của con tim cần phải đạt đến mức tự do và nhận thức đầy đủ.
Chắc chắn Tin Mừng đòi hỏi chúng ta tha thứ và tin rằng đó là con đường đúng đắn có thể giúp chúng ta bắt đầu; nhưng cần phải hiểu lý do sâu xa tại sao Chúa Giêsu đã chỉ ra đó là con đường để đạt đến sự viên mãn của cuộc sống con người: Chúa muốn chúng ta được sống, sống dồi dào, và sự tha thứ là động lực tạo ra sự sống đích thực.
10. Khả năng tha thứ không phải là thứ bẩm sinh
Tôi không thể tha thứ, đó không phải là tính cách của tôi. Đó là những gì mà người ta có thể nghĩ ra.
Tha thứ không giống như ta có đôi mắt xanh hay đôi giày số 38: giống như bất kỳ khía cạnh nào của tính cách, đối với một số người, điều đó có thể xảy ra ngay lập tức do tính khí hoặc sự tiến triển cá nhân, đối với những người khác thì ít hơn.
Nhưng tha thứ, cũng như tình yêu, là thứ mà chúng ta có thể quyết định để bắt đầu tích hợp vào hành trình của cuộc đời: bước đầu cho con đường đó tùy thuộc chúng ta có nhận thấy những khó khăn mà chúng ta sẽ phải thực hiện, hoặc không muốn thay đổi bất cứ điều gì.
Cho nên, từ đây chúng ta đi đến một đặc điểm rất quan trọng của tha thứ: tha thứ không phải là một hành động, mà là một quá trình lâu dài dẫn đến sự biến đổi nội tâm sâu sắc.
Nên chả có ý nghĩa gì khi hỏi một người vừa bị tổn thương rằng liệu họ có thể tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình không: tha thứ là kết quả của ý chí, nhưng để trưởng thành thì cần có thời gian và thao luyện.
- Đón đọc bài tiếp theo: Bốn giai đoạn của tiến trình tha thứ:
Giai đoạn nhận thứcGiai đoạn quyết địnhGiai đoạn cảm thông và từ biGiai đoạn đào sâu
G. Võ Tá Hoàng
Chuyển ngữ từ : L’Arte del Perdono che rinnova la tua Vita
(Nghệ thuật tha thứ đổi mới cuộc đời bạn)
Tác giả: linh mục Giovanni Benvenuto, trang 7-12.