10 lời khuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong hành trình Mùa chay

57
Isabella H. de Carvalho
Mùa Chay bắt đầu vào ngày 22 tháng 2 năm 2023 với phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro. Để sống tốt thời gian phụng vụ quan trọng chuẩn bị cho lễ Phục sinh này, dưới đây là 10 lời khuyên rút ra từ các sứ điệp Mùa chay của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các năm qua.
1. NGƯỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGHÈO ĐỂ CHÚNG TA ĐƯỢC GIÀU CÓ
“Cái nghèo của Chúa Kitô làm cho chúng ta nên giàu có là ở chỗ Người đã làm người, mang lấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta để bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta” (Sứ điệp Mùa chay đầu tiên của Đức Thánh cha Phanxicô, năm 2014).
Đức Thánh cha nhắc nhở rằng “việc Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm vĩ đại” nhưng nó được thực hiện nhờ “một tình yêu là ân sủng và lòng quảng đại […] một tình yêu không ngại hiến thân hy sinh cho người mình yêu”.
Ngài cũng cảnh báo chúng ta về “ba loại khốn khổ: khốn khổ về vật chất, về luân lý và về tâm linh”. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy “nhìn đến tình cảnh khốn khổ của anh chị em chúng ta, chạm đến, gánh lấy và làm những gì cụ thể để xoa dịu nỗi khốn khổ ấy” (sđd).
2. ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI TOÀN CẦU HÓA THỜ Ơ
Trong sứ điệp Mùa chay 2015 Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ chống lại “sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ” đối với tha nhân. Ngài giải thích: “Tình yêu của Thiên Chúa, là cái giúp đập tan thái độ co cụm trong chính mình – chính là sự thờ ơ”.
“Thờ ơ với tha nhân và với Thiên Chúa là một cám dỗ thực sự ngay cả đối với những Kitô hữu chúng ta. Vì thế, trong mỗi mùa Chay, chúng ta cần nghe lại tiếng kêu gào của các ngôn sứ đánh thức chúng ta”.
Đức Thánh cha ao ước rằng “ở bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, đặc biệt là nơi các giáo xứ và các cộng đoàn, có những hòn đảo nhân ái nằm ngay giữa khơi biển thờ ơ”. Ngoài ra ngài cũng khuyến khích mỗi người tham gia vào việc “huấn luyện trái tim” để trở thành trái tim “vững mạnh và đầy nhân ái, ân cần và quảng đại, một trái tim không đóng kín, không thờ ơ hay không rơi vào sự toàn cầu hóa sự thờ ơ” (sứ điệp Mùa chay năm 2015).
3. LÒNG THƯƠNG XÓT “VÔ BIÊN” CỦA THIÊN CHÚA GIÚP CHÚNG TA NHÂN TỪ HƠN
Sứ điệp Mùa Chay 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào chủ đề lòng thương xót, phù hợp với Năm thánh Ngoại thường mà ngài triệu tập về cùng chủ đề này. Ngài nói: “Lòng thương xót Chúa biến đổi tâm hồn con người, cho phép chúng ta, nhờ cảm nghiệm được một tình yêu thành tín, cũng trở nên nhân từ hơn”.
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Từ những việc tốt phần xác, chúng ta chạm đến da thịt của Chúa Kitô nơi anh chị em mình, những người cần được ăn mặc, che chở và viếng thăm; trong những việc bác ái phần hồn như vấn an, hướng dẫn, tha thứ, khuyên bảo và cầu nguyện, chúng ta đụng chạm trực tiếp hơn đến thân phận tội lỗi của chính mình. Những việc bác ái phần xác và phần hồn không tách rời nhau”.
4. ĐÀO SÂU ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
“Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hoá Giáo hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nền tảng của mọi sự là lời Chúa, mà trong mùa này, chúng ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe và suy ngẫm” (Sứ điệp mùa chay năm 2017).
Dựa trên dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô, Đức Thánh cha nói: “Lazarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân”, và Mùa chay là thời gian thuận lợi “để mở cửa cho tất cả những ai túng thiếu và nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi họ”. Mặt khác, người phú hộ cho chúng ta “một thoáng nhìn bi đát về sự đồi bại của tội lỗi, diễn tiến qua ba giai đoạn kế tiếp: lòng ham mê tiền bạc, sự hư ảo và thói tự đắc”.
“Gốc rễ của mọi bất hạnh của ông nhà giàu là không chịu nghe lời Chúa […] Lời Chúa thì sống động và mạnh mẽ, có khả năng biến đổi những cõi lòng và đưa chúng trở về với Chúa. Khi chúng ta đóng cửa lòng mình trước hồng ân lời Chúa, thì rốt cuộc chúng ta cũng sẽ đóng cửa lòng mình trước hồng ân là những anh chị em của chúng ta”.
5. CHỐNG LẠI SỰ GIAN ÁC
Sứ điệp Mùa chay năm 2018, Đức Thánh cha lấy cảm hứng từ đoạn Tin mừng Matthêu: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt 24,12). Thực ra, ngài muốn kêu gọi chúng ta hãy cẩn thận với các “tiên tri giả”, “họ có thể xuất hiện như những “người quyến rũ xảo quyệt”, cũng có thể là những “kẻ bịp bợm”. Và ngài cũng mời gọi chúng ta cố gắng giữ tâm hồn và tình yêu của mình tránh bị “nguội lạnh”, là thứ ngăn cản không cho phép chúng ta phục vụ tha nhân.
Để chống lại cám dỗ này, Đức thánh cha đề xuất một phương dược chữa lành là “cầu nguyện, bố thí và ăn chay”, để hành trình Mùa chay được nên sốt sắng.
6. HƯỚNG ĐẾN MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ
“Mầu nhiệm cứu độ này, đã hoạt động nơi chúng ta trong cuộc sống trần gian, là một tiến trình năng động bao trùm lịch sử cũng như toàn thể thụ tạo” (Sứ điệp Mùa chay năm 2019).
Đức Thánh cha nhấn mạnh: “Tất cả những ai được hưởng ân sủng mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có thể cảm nghiệm được ân sủng ấy sẽ thành toàn trong việc cứu độ chính thân xác con người”. Ngài cũng cảnh báo về “sức mạnh hủy diệt của tội lỗi” và tuyên bố rằng Mùa chay có thể làm cho chúng ta trở lại với “khu vườn hiệp thông với Thiên Chúa như trước khi có tội nguyên tổ”.
7. LÀM HÒA VỚI THIÊN CHÚA
Trong sứ điệp Mùa chay năm 2020 Đức Thánh cha nhắc nhở rằng, Mùa chay luôn là “thời gian thuận tiện để hoán cải, điều mà không bao giờ được xem là điều hiển nhiên”.
Ngài cảnh báo: “Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện của quá khứ; nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn luôn hiện tại và cho phép chúng ta ngắm nhìn và bằng đức tin, chạm vào xác thịt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ”.
Do đó cầu nguyện là việc cần thiết trong Mùa chay, vì đó là một “cuộc đối thoại đầy chân thành và hữu hiệu” và “diễn tả nhu cầu của chúng ta trong việc đáp lại tình yêu Thiên Chúa, vốn luôn đi bước trước và trợ giúp chúng ta”.
8. CANH TÂN ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC ÁI
“Trong suốt mùa sám hối này, chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô” (Sứ điệp Mùa chay năm 2021).
Đức Thánh cha liên kết ba lời khuyên này với việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Đối với ngài, việc ăn chay giúp chúng ta tìm thấy niềm vui nơi Thiên Chúa và đưa chúng ta đến gần với đức tin hơn.
Mặt khác, niềm hy vọng “được ban cho chúng ta như nguồn cảm hứng và ánh sáng nội tâm, soi sáng những thử thách và những chọn lựa trong sứ vụ của mình”; vì vậy tĩnh tâm cầu nguyện là điều cần thiết. Sau cùng Đức Thánh cha giải thích rằng: “Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi”.
9. LÀM VIỆC THIỆN
Đức Thánh cha dùng đoạn thư của thánh Phaolô gữi tín hữu Galata làm chủ đề cho sứ điệp Mùa chay năm 2022: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gal 6, 9-10a).
Đức Thánh cha nói: “Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi tâm thức, sao cho chúng ta thấy được vẻ chân thật và tuyệt mỹ của cuộc đời không hệ tại ở việc sở hữu nhưng là việc cho đi, không phải là tích lũy nhưng là gieo vãi và chia sẻ điều tốt”.
Thực tế, ngài nêu lên ba cách để làm việc thiện: “không mệt mỏi khi cầu nguyện”, “không mệt mỏi trong việc loại bỏ điều ác ra khỏi cuộc sống của chúng ta” và “đừng mệt mỏi khi tích cực làm việc thiện cho người lân cận”.
10. CÙNG LÊN NÚI
“Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đi lên “một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt – sự khổ chế – như dân thánh của Thiên Chúa”. Đây là một trong những lời kêu mời của Đức Thánh cha Phanxicô trong sứ điệp mùa chay năm 2023. Ngài khích lệ chúng ta cùng “lắng nghe Chúa Giêsu” bằng cách tham gia phụng vụ và học hỏi Kinh thánh.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa Thượng Hội đồng Giám mục và Mùa Chay. Thượng Hội đồng là một tiến trình suy tư về tương lai của Giáo hội, đã bắt đầu từ năm 2021 và sẽ kéo dài đến năm 2024.
Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích “Hành trình khổ chế Mùa Chay cũng như tiến trình Thượng Hội đồng đều có mục tiêu là một cuộc biến hình, cả về phương diện cá nhân lẫn Giáo Hội”.
G. Võ Tá Hoàng