“Sông Ngân đã im lìm không tiếng sóng,”

54

“Sông Ngân đã im lìm không tiếng sóng,”
“mà lòng anh rào rạt mãi không thôi.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 11: 25-30
Tiếng sóng đây, nào thấy phát từ sông Ngân, vẫn im lìm! Lòng anh đó, rạt rào mãi không thôi, cũng là nhờ tình Chúa đến với ta, như làn sóng!
Trình thuật thánh Mát-thêu nay cũng rạt rào, như sóng vỡ ào. Vỡ ào ào, không chỉ là “tiếng sóng” của mỗi Sông Ngân. Mà, còn là giòng chảy Tân Ước có thánh Mátthêu diễn đạt lịch sử, trọng tâm đặt nặng vào cuộc đời Chúa làm người, mang thân phận con người, rất Do thái.

Là đệ nhất thánh sử viết Tin Mừng rất lớp lang, thánh Mátthêu đã đánh bật điều mình tập trung viết ở 5 bài giảng thuyết -hay chương đoạn- về đời sống cộng đoàn rất Kitô, trong đó có: 1. Giá trị đạo đức. 2. Sứ vụ công khai. 3. Chiều sâu chiêm niệm. 4. Hiến chương tương quan. 5. Nguyện vọng tối hậu.

Chương/đoạn đây, tựa hồ giáo lý bỏ túi về đời sống người tín hữu, không chỉ dành cho mỗi cộng đoàn Mátthêu thôi, mà cho bất cứ cộng đoàn nào khác, vào mọi lúc. Thánh Mátthêu viết, là để tín hữu theo chân Đức Giêsu biết rằng Chúa cũng là người Do thái, rất chính gốc.

Các tuần sắp tới, Hội thánh sẽ chọn những bài lấy từ “Bài Giảng huấn” thứ 3, qua đó tác giả dùng phong cách viết sử của người Do thái, hầu chứng tỏ cho thấy cung cách sống đời nguyện cầu, rất chiêm niệm. Đó là lối sống Chúa từng trải. Là, cách thức nguyện cầu rất sống động. Có lời thơ trữ tình. Có ý nhạc lãng mạn. Có truyển kể dụ ngôn, bài “vãn” rất bi ai. Vãn than, niềm riêng của dân con nay được chọn.
Khác mọi người, khi viết Tin Mừng, thánh sử Mátthêu chú tâm nhiều đến cung cách rất âm nhạc. Cụ thể là, thánh nhân thích nói đến sậy, đến sáo. Đến ống tiêu. Điệu nhảy. Bài hát buồn. Đến cả ca khúc, bản nhạc, nhạc cụ có hơi thở thổi vào, tạo âm thanh. Nói tóm lại, cũng là thể loại na ná giống James Galway! Nghĩa là, vẫn cứ kể cho ta nghe hai loại nhạc, rất đối chọi. Loại thứ nhất, là âm nhạc có thể loại những than cùng thở. Rất buồn nản. Kế đến, là âm nhạc lê thê. Tê tái. Nức nở. Thánh nhân dùng nhạc làm biểu tượng, để ta suy và nghĩ về cuộc sống của riêng ta. Và đời Chúa.

Thông thường thì, nơi Tin Mừng theo thánh Mátthêu, vẫn có cái gì đó tựa như lời thở than ở hậu trường cuộc sống, của mỗi người. Để từ đó, thánh nhân nhấn mạnh thêm rằng: ở nơi Chúa và nơi ta, luôn có những thời khắc lê thê. Rất kể lể. Thời khắc, khúc đoạn cuộc đời, ta trải nghiệm nhiều về sự ra đi tìm đến với nhau. Tìm, sự tử tế. Tìm, chữa lành. Tìm, cách hành xử bén nhạy làm nền, để Chúa đỡ nâng. Hỗ trợ. Hết mọi người.

Rải rác đó đây, là những vãn than ở chương 11 và 12, qua đó thánh sử còn tặng thêm cho ta 4 lời kể về Đức Chúa, như sau:
Lời kể thứ nhất, Chúa nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe biết Tin Mừng.” (Mt 11: 4-5) Lời kể đây, là lời mừng sự sống, chốn Galilê, của người Do thái. Lời kể này, là lời về tình thương yêu kẻ nghèo hèn, túng thiếu. Những người luôn cần đến người khác biết đến mà giúp đỡ.

Lời kể thứ hai, Chúa thưa: “Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11: 25-27)  Thốt lời này, Chúa mừng cho cuộc sống dồn dập, cứ đập mạnh vào “làn da trống” cốt đề cao kẻ tầm thường, không vai vế. Cũng chẳng có ai đoái hoài, ỏ ê. Chẳng được ai biết đến, hoặc quan tâm. Cuộc đời họ, như cơn gió thoảng. Rất thoáng chốc. Chỉ sống qua loa, chầm chậm cả vào khi bị cấp trên thúc bách làm cực đến chết, vẫn cứ vui sống tử tế, với mọi người. Sống âm thầm. Nhưng rất vui. Vì có Chúa. Có mọi người cùng vui. Dù đời sống rất cực, họ cũng chẳng cần gì thêm.

Lời kể thứ ba, Chúa lại bảo: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” Xem như thế, Chúa rất cảm thông, quan tâm đến người nào biết dùng khả năng rất hạn chế, dễ dập bể, để dựng xây đời mình cho tử tế. Dù thực tế, là chuỗi ngày dài sống rất qua ngày. Lời kể đây, đích thực là kể lể mang tính cách Do thái. Hệt như các trích đoạn từ sách tiên tri Ysaya, cũng lê thê, kể lể. Khá lễ mễ.

Lời kể thứ 4, Chúa còn phán: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy mới là anh chị em tôi. Là mẹ tôi.” (Mt 12: 50) Là, anh chị em và là mẹ Tôi, không chỉ mang ý nghĩa một gần gũi huyết tộc, thôi. Nhưng, còn được quan tâm đưa vào cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Bởi, Chúa Cha chỉ gần cận những người hèn kém, bé nhỏ. Đơn độc. Bởi gần cận, nên Chúa chấp nhận sống giữa phiền toái, bức bách của cuộc sống, vẫn kéo dài cả đời người.

Quả là thế. Tiếng trống vang, vẫn còn thấy nơi hậu trường cuộc đời. Tiếng trống dồn, lại là âm vang cuộc sống của người cùng khổ, đang lẩn khuất ở đâu đó, thúc bách ta đến với họ, để cùng vui. Vui mà sống, cả vào lúc có nhạc buồn nhè nhẹ, ai oán. Trầm lắng. Vui mà sống, cả vào khi có người phê phán lối sống Đạo của riêng ta. Vui mà sống, vì chính Chúa đã dùng thánh Mátthêu để viết lên Tin Mừng theo cung cách của người Do thái mà nói: đời người cũng rất vui và đáng sống. Vui mà sống, vì tất cả mọi bi ai sầu buồn chỉ nằm ở phía sau hậu trường. Chỉ xảy ra trong thoáng chốc. Còn, niềm vui lại luôn ở phiá trước, không bao giờ biến mất.

Trong tiểu thuyết có tựa đề ”Bài hát buồn về nỗi sầu thiên thu”, tác giả Wang Anyi có viết một câu như thế này: “Không biết cơ man nào mà kể về các thế giới nhỏ bé chẳng hề thay đổi, lại được dùng làm bản lề cho những đổi thay diễn ra ở thế giới bên ngoài.” Tác giả đây muốn nói về những “mẩu vụn suy tư xuất từ cuộc đàm thoại nghiêm túc, hệt như lớp lá ngoài quăn tít của mớ cải bẹ xanh hoặc như hạt cát nhỏ trong bị gạo.” Đó, là nỗi buồn của cuộc sống. Đúng vào lúc hạt mưa lác đác rơi nơi cửa sổ viết thành chữ “tình buồn” trên mặt kính. Tình buồn ấy, vẫn gặm nhấm mọi đức tính kiên nhẫn/chịu đựng, để còn bước qua một ngày mới. Một ngày lại có thêm những vãn than, về cuộc đời.

Cùng một lúc, lại thấy có cốt tuỷ độc nhất vô nhị chẳng đổi thay. Không chịu ảnh hưởng bởi lịch sử. Hệt như kinh nghiệm về niềm riêng của ai đó. Có ca từ và lời kể đầy rẫy những trữ tình của sự sống. Thứ trữ tình còn lớn hơn cả lời kể của chính ta.
Ở chương 13, thánh Mátthêu lại đã đưa ra lời ca vang vọng vào với giòng chảy âm nhạc của chính trình thuật Tin Mừng, do mình viết. Lời ca ấy, thánh sử gọi là truyện dụ ngôn, rất kể lể. Và, cả hai -âm nhạc cùng lời kể dụ ngôn- vẫn ăn khớp đi đôi với nhau, thành trình thuật. Thành một Tin Mừng mang tính chất rất Mátthêu. Tính chất ấy, ta còn thấy ở phụng vụ Lời Chúa, vào những tuần kế tiếp.

Trong khi chờ đợi, hãy ngâm lên lời thơ tình kể lể rất lãng mạn của thi nhân vẫn còn ai oán:

“Anh đã gặp hồn em đương chới với,
Bến Mê Hà trên giải nước mênh mang.
Anh đã đón tình em bay phất phới,
Như hương trăng đằm thắm cõi không gian.”
(Hàn Mặc Tử – Sáng láng)

Thơ sáng láng, chuyên chở linh hồn đương chới với, vẫn là lời kể lể, cũng vãn than, ai oán như lời thơ của người Do thái, rất Mátthêu. Lời thơ ấy, nói về cuộc đời của Đức Chúa rất trữ tình, với người đời.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá luợc dịch.