“Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” – Chúa nhật 27 Thường niên A

154

Chia sẻ Tin Mừng CN XXVII TN A

Mt 21, 33-43

“Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu cho chúng ta nghe dụ ngôn về ông chủ vườn nho và những người tá điền. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh và những xung đột mang tính xã hội giữa họ để mô tả về Nước Thiên Chúa. Vậy ông chủ vườn nho và những tá điền này là ai? Tại sao lại có xung đột xảy ra giữa họ?

Hình ảnh ông chủ vườn trồng một vườn nho rồi chăm sóc và rào dậu cẩn thận, sau đó ông trao vào tay các tá điền gợi cho chúng ta nhớ về câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng Thế. Trong đó, Thiên Chúa như một người làm vườn đã tưới mát đất đai và trồng mọi giống cây trong vườn rồi đặt con người vào đó để canh tác và thay quyền Thiên Chúa làm bá chủ (x. St 1, 28-28; 2, 4-8). Như thế, con người được cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa bằng cách làm cho trái đất ngày càng xinh đẹp hơn.

Vì là ông chủ đích thực của trái đất, Thiên Chúa không bỏ mặc công trình của Ngài. Ngài đòi hỏi ‘vườn nho’ phải sinh hoa lợi khi đến mùa. Những gì con người gặt hái được không chỉ là do công khó của họ mà trước hết là do sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa. Vậy “hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22,20). Mối xung đột nổi lên khi những người tá điền không muốn trả cho ông chủ phần của riêng ông. Họ muốn lấy làm của riêng những gì họ thu hoạch được.

Mâu thuẫn này không xa lạ với chúng ta. Thiên Chúa ban cho con người khả năng để hiểu biết về trái đất, về vũ trụ và về con người. Với trí óc thông minh Chúa ban, nhân loại đã sáng chế ra những phương tiện kỹ thuật rất hiện đại và tinh vi phục vụ cho con người. Tuy nhiên, khi nền văn minh của nhân loại đi lên thì niềm tin vào Thiên Chúa lại giảm sút. Xã hội càng phát triển, con người càng từ chối chủ quyền của Thiên Chúa trên đời sống của họ. Cũng như những người tá điền làm vườn nho, chúng ta không muốn Thiên Chúa can dự vào cuộc sống của chúng ta. Chúng ta muốn tự mình định đoạt số phận của trái đất và của chính chúng ta.

Có lẽ bạn và tôi đều rất ngạc nhiên về thái độ kiên nhẫn đến dại dột của ông chủ khi ông sai đến với những kẻ bất lương hết nhóm đầy tớ này tới nhóm khác, và sau cùng lại sai chính người con một của mình đến để cho chúng sát hại. Có ông chủ nào lại cư xử như thế chăng? Chúa Giêsu đã trả lời ‘có’. Ông chủ ấy không ai khác hơn là Thiên Chúa Cha. Trong suốt dòng lịch sử cứu độ của dân Israel, Thiên Chúa đã không ngừng sai các ngôn sứ đến để kêu gọi dân riêng trở về với Ngài. Những người tôi tớ này đã bị ngược đãi và bách hại. Sau cùng Ngài đã sai đến với nhân loại chính Con Một duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Đấng đã bị giết và đã sống lại.

Ngày hôm nay Thiên Chúa là Cha vẫn tiếp tục sai đến với nhân loại những tôi tớ là các vị mục tử tốt lành trong Hội Thánh, các tu sĩ và giáo dân nhiệt thành sống Lời Chúa, những con người luôn sống và đấu tranh cho công bằng, bác ái, cho việc tôn trọng sự sống và phẩm giá con người… Ngày ngày Chúa Giêsu vẫn hiến tế trên bàn thờ để chuộc tội chúng ta; Ngài vẫn kiên nhẫn hiện diện nơi bí tích Hòa Giải để đưa chúng ta về lại với Thiên Chúa Cha. Tại sao Thiên Chúa lại quá kiên nhẫn với chúng ta như vậy? Tại vì Thiên Chúa là Cha. Vì là Cha chúng ta nên Ngài không muốn để bất cứ một người con nào phải hư mất. Ngày ngày Ngài vẫn nhắc nhở chúng ta qua Lời Chúa, qua Phụng vụ, qua những con người và những biến cố xảy ra quanh chúng ta.  Hãy trả lại cho Thiên Chúa chủ quyền của Thiên Chúa. Hãy trả lại cho Ngài quyền định đoạt trên sự sống và cái chết, quyền đem lại bình an và hạnh phúc cho con người.

Cuối cùng, dụ ngôn cho thấy ông chủ đã nổi giận đến nỗi ông tiêu diệt hết những người tá điền và trao vườn nho cho những người biết sinh lợi. Thiên Chúa là Cha nhân từ có cư xử như thế với chúng ta không? Tình thương của Thiên Chúa thì vô giới hạn và không có điều kiện nhưng chúng ta có đón nhận hay không lại tùy thuộc vào tự do lựa chọn của chúng ta. Nếu chúng ta nhất định không đón nhận Thiên Chúa thì Ngài cũng ‘bó tay’. Thiên Chúa là Tình yêu và trong Tình Yêu sẽ không có sự trừng phạt. Tuy nhiên lựa chọn tình yêu hay thù hận, sự sống hay cái chết lại tùy vào chúng ta. Nếu chúng ta dùng tự do của mình để một mực từ chối Thiên Chúa, từ chối chủ quyền của Thiên Chúa trên đời sống, trên bình an và hạnh phúc của chúng ta thì Chúa còn cách nào khác để cứu chúng ta không?

                                                                                                                 

   Sr. Anna Nguyễn Hiệp

Hội Dòng MTG Thủ Đức