“Gió lùa ánh sáng vô trong bãi”
Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai.
Buồm trắng phất-phơ như cuống lá,
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Ga 3: 16-18
Lòng nhà thơ, mới chỉ ngát rộng bằng những hai thôi, mà đã có gió lùa ánh sáng, vô trong bãi. Có trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai. Có buồm trắng phất phơ như cuống lá. Tình nhà Đạo, cũng rộng ngát cả triệu lần, là vì Thần Khí sáng soi để dân con cảm nghiệm được nhiệm tích Ba Ngôi rất thánh của Đức Chúa.
Hội lễ hôm nay, dân con nhà Đạo hân hoan mừng Chúa Ba Ngôi, rất long trọng. Toàn thế giới, hiện có tới ba tôn giáo cùng thờ một Đức Chúa, là: đạo Do thái, Đạo Chúa Kitô và đạo Hồi. Cả ba đạo này đều thờ chỉ một Chúa. Nhưng, chỉ Đạo Chúa Kitô tin xác tín rằng Ngài có Ba Ngôi. Bằng vào xác tín này, mọi nghi thức phụng vụ của Hội thánh đều có lời tuyên xưng nguyện cầu lên Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Đấng đều cùng một Chúa, và thực tế: phụng vụ Hội thánh được thiết lập là dựa lên niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, như: lễ Giáng Sinh, phụng vụ nhấn mạnh đến công cuộc tạo dựng. Lễ Phục Sinh, lại đề cập về ơn cứu độ. Và, lễ Ngũ Tuần, phụng vụ tập trung vào chủ đề thánh hoá con dân. Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, phụng vụ tóm kết ý nghĩa thần học trọn cả năm.
Nhưng, vấn đề là: Hội thánh tóm kết như thế để làm gì? Phải chăng chỉ mỗi Chúa Cha, mới đích thực là Thiên Chúa? Còn, Đức Giêsu, Đấng xuống thế cứu chuộc loài người, có là Thiên Chúa, không? Ý niệm về Chúa Thánh Thần đã diễn tả đủ đặc trưng của Thiên Chúa, chưa? Và, có phải cả Ba Đấng tuy là ba “Ngôi Vị” nhưng chỉ một Thiên Chúa thôi, không? Tại sao các đấng bậc lại cứ hay sử dụng các hình ảnh phàm trần đầy tưởng tượng như ảnh tượng: Cụ Già tóc bạc phải là Chúa Cha, Đấng thanh niên trẻ khoẻ bị chết treo trên thập giá, là Chúa Con? Và, hình tượng chim câu bay lượn trên không là Chúa Thánh Thần. Diễn tả như thế, có xứng hợp với niềm tin ta vẫn có, chăng?
Năm 325, bằng vào Công Đồng Nicea – Iznik họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hội thánh đã chính thức tuyên xưng để con dân mình tin Đức Giêsu Kitô đích thực là Thiên Chúa. Và năm 381, Công Đồng nhóm họp tại Constantinople –tức Istanbul bây giờ- đã chính thức tuyên xưng niềm tin vào tính Thiên Chúa của Thánh Thần Ngài. Đó cũng là lúc mà tín điều Chúa Ba Ngôi đã thật sự thành hiện thực. Nói cách khác, ở các thế kỷ đầu đời của Giáo hội, tín điều Chúa Ba Ngôi mới được công bố cách rõ ràng và minh nhiên. Tức, để làm việc này, Hội thánh vẫn cần thời gian để ta suy tư về thiên tính của Đức Giêsu và xác chứng việc Ngài đã làm, đến bây giờ.
Phải đến thế kỷ thứ 9, Hội thánh mới có quyết định yêu cầu dân con Đạo mình mừng kính Chúa Ba Ngôi. Và mãi đến thế kỷ thứ 14, thì việc mừng kính lễ này mới công khai trải rộng khắp hoàn cầu. Muốn hiểu tại sao lại thế, có lẽ cũng nên phân định xem khái niệm về “Ngôi thứ” có nghĩa gì? “Ngôi thứ” ở đây, không là bản thể tách rời, biệt lập chỉ chuyên thực thi mỗi vai trò của mình, thôi. Nếu chỉ có khái niệm về ngôi thứ mà thôi, ta chẳng thể nào nói rõ hơn về Ba Ngôi của Thiên Chúa, mà chỉ nói về 3 vị thần, tuyệt nhiên không Thiên Chúa, rất Ba Ngôi. “Ngôi thứ” mà Hội thánh muốn minh xác, chính là bản thể có quan hệ hiệp thông với các Ngôi kia. Và, đây đích thực là khái niệm lớp lang/qui củ về “ngôi thứ”, cho nên ta phải khởi sự kiến tạo ý nghĩa cho khái niệm ấy.
Xem như thế, Ba Ngôi gồm các ngôi thứ có quan hệ mật thiết với nhau bằng hiệp thông chính đáng. Vì có Ngôi thứ có quan hệ với nhau, nên Ba Ngôi cùng hiện hữu. Không tách rời nhau bao giờ. Tức, Ba Ngôi luôn hiện diện trong tương quan không thể xa cách. Và, sự hiện hữu của Ba Ngôi là hiện hữu của “vũ điệu” tươi vui cùng với các Ngôi kia, luôn luôn hiện diện trong nhau mà không tách rời, biệt lập. Và như thế, nơi Thiên Chúa luôn có sự hiệp thông miên trường giữa các Ngôi. Hiệp thông, là có quan hệ toàn hảo. Trọn vẹn.
Là con người, nhiều lúc ta vẫn muốn sử dụng hình tượng để dễ hiểu. Một trong các hình tượng có lẽ tượng hình hơn cả, là so sánh với hôn nhân, hoặc gia đình. Thế nhưng, so sánh và diễn tả như thế vẫn có khó khăn và nguy hiểm là người người hay liên tưởng đến hệ thống chính trị, xã hội, nên đương nhiên là các hệ thống như thế không tránh khỏi một số tình huống có những chuyện gia đình, nội bộ mà ta sống không thể nào xứng hợp với sự thể về Chúa Ba Ngôi luôn hiệp thông mật thiết. Tốt đẹp. Vĩnh cửu. Đôi lúc các giải thích và so sánh có khi còn phản tác dụng nữa, là khác. Phản tác dụng, tức nghịch chống lại ý nghĩa mà chính người giải thích muốn nói về nhiệm tích Ba Ngôi Chúa là chỉ một Chúa những Ba Ngôi, nhưng không nói được bằng lời và lẽ được. Đằng khác, diễn tả bằng hình tượng không cho thấy mối quan hệ rất hỗ tương. Miên trường. Cũng chẳng tỏ cho thấy sự hiệp thông đích đáng giữa các Ngôi của Thiên Chúa. Có khi còn dẫn đến động thái độc thoại và/hoặc không chế, cãi tranh, tủi hổ.
Niềm tin vào Chúa Ba Ngôi là như ánh sáng chói chang soi rọi bóng tối đang bao trùm thế giới. Và chính đầu óc của thế giới còn tối tăm nên không thể giúp người người lặn ngụp trong đó có thể hiểu được bản chất rất Ba Ngôi được. Chíngh vì lý do này, ta chỉ có thể nhìn vào bên trong nội tâm vủa bản thể mình mới hy vọng có được một vài tia soi sáng về bản tính rất Ba Ngôi. Bởi, khi ta suy nghĩ và thương yêu, thì những gì đang xảy ra bên trong con người của ta mới phản ánh và phản ảnh điều xảy đến với Ba Ngôi Đức Chúa.
Ngôi Hai là Chúa Con được gọi là Ngôi Lời của Chúa, tức Tư Tưởng Chúa. Còn, Ngôi Ba ở Ba Ngôi là Thánh Thần được gọi là Tình Yêu Chúa hoặc chính Hơi Thở của Ngài. Bên trong mỗi người chúng ta, tư tưởng sâu lắng hoặc xác tín đậm sâu nhất là điều rất gần cận để bảo cho biết ta là ai, và chính điều ấy làm ta trở nên chính ta. Tức, cho biết ta là ai. Ta không thể là chính mình nếu không có nó. Lời đậm sâu bên trong Đức Chúa vẫn có với Chúa, trong Chúa. Và, là chính Chúa. Thiên Chúa sẽ không là Chúa, nếu không có Lời.
Bên trong của ta, tình thương yêu đậm sâu nhất giải nghĩa chính tư cách của ta. Cho ta bản chất của chính mình. Và như thế, đó là đặc thù “bản vị” của ta. Ta không thể là mình được, nếu không mang đặc thù ấy. Cũng như vậy, Tình yêu đâm sâu bên trong của Đức Chúa đích thực là Thánh Thần là Chúa trở thành bản chất của Đức Chúa rất thương yêu. Thiên Chúa sẽ chẳng là Chúa nếu không có Thánh Thần Tình Yêu ấy.
Ở nơi Thiên Chúa, có bao nhiêu Ngôi thứ? Thường thì, ta bảo là có tất cả là “3”. Nhưng, theo thiển nghĩ, con số ấy sẽ nhiều hơn “3”. Thiên Chúa đã gửi Lời Ngài và Thánh Thần Tình Yêu của Ngài đến với ta. Sống trong ta. Để ta sống và hiện hữu, ở nơi Chúa. Và, cả ta nữa, vẫn cùng sống với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần Chúa, là Ba Ngôi thứ. Ba Ngôi không chỉ là các Ngôi rất thánh, ở trong Chúa. Mà, Ba Ngôi ở trong ta và ta ở trong cả Ba Ngôi nữa. Ta lại đã trở thành các “Ngôi thứ” bằng vào việc sống ở trong Ngài. Ta sống với các Ngôi thứ thánh thiêng, trong Chúa.
Đặc biệt trong hiệp thông rất thánh thiêng, nguyện cầu tư riêng của chính mình, mà ta được mời gọi để trải nghiệm nhiệm tích này. Bởi thế nên, Lễ rất thánh hôm nay cũng là hội lễ của hiệp thông rất thánh, nơi ta. Và cũng là tất cả thời khắc ta nguyện cầu, rất tư riêng. Sự hiện diện thường xuyên còn gọi là “cắm lều” của Chúa Ba Ngôi ở trong ta, còn có ý nghĩa là ta hạnh phúc. Phúc đây, là phúc và hạnh mà Ba Ngôi rất thánh thiêng đang vui hưởng.
Tác giả Meister Eckhart từng viết lên cảm nhận đặc biệt, nói rằng: “Khi Thiên Chúa cười vào linh hồn và linh hồn cười lại vào với Thiên Chúa, các Ngôi ở nơi Chúa đã được hạ sinh. Nói theo cách cường điệu, thì khi Chúa Cha cười với Chúa Con và Chúa Con cười lại với Chúa Cha, thì nụ cười đã tạo vui thích. Vui thích tạo hỷ hoan. Hoan hỷ tạo Thương Yêu. Yêu Thương tạo Ngôi thứ Ba Ngôi Chúa, có Thánh Thần Chúa vẫn là Một.”
Qua thông hiểu những điều vừa suy tưởng, cũng nên ngâm thêm lời thơ còn dang dở, rằng:
“Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng,
Một vũng cô liêu cũ vạn đời!
Chao ôi ghê quá! Chao ôi ghê quá!
Cảm thấy hồn tôi, ớn lạnh rồi!”
(Hàn Mặc Tử – Cô Liêu)
Nhà thơ đời, kêu như thế. Vẫn kêu thế. Kêu “gớm ghê” vì đời mình cô liêu. Trăm chiều. Rất “ghê quá”. Thi sĩ Đạo, suy tưởng nhiều nên đâu thấy gì là “ghê quá”. Chỉ biết hiệp thông rồi sẽ thương yêu. Yêu chiều. Rất trăm bề. Như Tình Chúa Ba Ngôi rất yêu dân con Chúa như tình yêu của Chúa Ba Ngôi ta vẫn tin và vẫn yêu, nhiều thời buổi. Của đời người. Cũng rất người.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch