VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN “Em còn nhớ hay em đã quên,”

“Em còn nhớ hay em đã quên,”

“Em còn nhớ hay em đã quên,”
Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân…
(Trịnh Công Sơn – Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên)

(2Ti 2: 8-9   )

Đành rằng, khi sáng tác nhạc bản này, nghệ sĩ họ Trịnh chỉ muốn nhắc đến người Em thân yêu của mình, từng rời bỏ khung trời Sàigòn để ra đi biền biệt. Nhắc, là nhắc đôi điều để Em nhớ mà thương Sàigòn thời đó, có “phố xưa quen biết tên bàn chân”. Có “đèn đường từng đêm thao thức.” Nhắc khá nhiều, nhưng chẳng biết em có nhớ hay không.

Ở đời thường, hôm nay, có nhiều điều cũng được nhắc nhớ, từ người vợ hiền, mà sao anh chồng nọ chẳng còn nhớ, như truyện nhỏ ở bên dưới:

“Truyện rằng:
Vợ chồng nhà nọ, ít khi có chuyện cãi cọ. Rất im lìm. Suốt cả năm. Nhưng một hôm, người vợ ghen tức chịu không nổi bèn vào phòng kéo cổ ông chồng ra khỏi cửa mà nói những lời tuy nhẹ nhưng thấm thía, rằng:

-Sao cả ngày anh cứ chúi đầu vào mấy cuốn sách mà không nhớ gì đến ai cả? Suốt ngày, không thấy anh mở miệng nói với em đến nửa lời, là làm sao?

-Hôm nay có chuyện gì mà em “làm ầm” lên thế? Vách tường có tai đấy!

-Anh cứ nhìn mà xem! Quanh anh toàn là sách với sách không à! Anh không thèm biết vợ con sống chết ra sao ư? Giá như em là cuốn sách có khi còn hay hơn. Còn được anh đầu ôm tay ấp chứ thế này, thật rõ chán!

-Đừng nghĩ thế, tội anh em ơi! Em là tất cả của đời anh mà! Mấy sách này, mỗi cuốn anh chỉ đọc có vài ngày rồi đem đổi lấy cuốn mới. Em có chịu đổi chác như vậy không?…

-Ừ nhỉ… Cũng có lý, đấy chứ!

Nhà Đạo mình, cũng có lời nhắc nhở, để người người tạc ghi suốt đời, một lời thơ như sau:

“Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Kitô, sống lại từ cõi chết,
(sinh) bởi dòng giống Đa-vít.
chiếu theo Tin Mừng của tôi,
vì đó tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi.
Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!”
(2Ti 2: 8-9)

Còn ngoài đời, nghệ sĩ nhắc nhớ là nhắc để ta nhớ những dòng chảy như thế này:

“Em ra đi, nơi này vẫn thế
Vẫn có em trong tim của Mẹ
Thành phố vẫn có những giấc mơ
Vẫn sống thiết tha
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Phải chăng, nơi này vẫn thế. Vẫn “có em trong tim của Mẹ”, “vẫn sống thiết tha”, “lấp lánh hoa trên đường đi”?

Thế còn, Hội thánh thì sao? Hội thánh mình, có còn nhớ những người thường xót quên một bổn phận của dân con mình ở đời? Bởi, dân con Hội thánh sống ở đời, vẫn bị cuốn hút vào dòng đời bon chen, lo lắng, nên quên hết chuyện Đạo? Chí ít, là chuyện nhà thờ nhà thánh, ngày chủ nhật?

Còn nhớ, có lần tân chức nọ đến nhà thờ họ đạo nhỏ ở trời Tây làm lễ mở tay đã giảng và thuyết lời lẽ như sau: “Thánh lễ là trọng tâm cuộc sống của người tín hữu. Có thể nói mà không sợ ngượng miệng rằng: Không có thánh lễ, thì vai trò của vị linh mục không cần thiết nữa. Và, giáo dân mà không đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật, thì sẽ không nên gọi mình là tín hữu được nũa.”

Bỏ qua một bên, để xem lời “đức thày” mới tấn phong, đúng hoặc sai. Cứ để một chỗ, lập trường của người anh em vừa được phong chức, còn mới chớm. Cứ rồi xem, hai chục năm sau đức thày nhà Đạo có còn nói thế nữa hay không? Chí ít, là nói với đồng Đạo ở trời Tây. Nơi mình phục vụ.

Nay chỉ xét,  tại sao trẻ nhỏ ở trời Tây, lại cứ hay thắc mắc hỏi cha mẹ những câu lẩn thẩn chỉ thấy có ở trời Tây, thôi. Hỏi, là hỏi rằng: “Tại sao ta cứ phải đi lễ ngày Chúa nhật, thế hả mẹ”? Nghe trẻ hỏi, chắc hẳn có vị sẽ chột dạ mà tìm hiểu xem thực chất của tình trạng giữ đạo, ở bên này, rày ra sao. Còn nhớ, cách đây không lâu, Lm Andrew Hamilton sj ở Úc cũng đã nhận định về chuyện này:

“Đây là câu hỏi không chỉ riêng mỗi người trẻ mới hỏi, thôi. Cả người lớn cũng thế. Đó là thắc mắc cũng rất cũ giống như câu nói của ai đó: thánh lễ vẫn thế, nhưng Ngày của Chúa rày đã đổi thay.

Vào niên biểu 1954, ở Úc, có khoảng 80% số người Công giáo vẫn thường xuyên đi lễ ngày Chúa nhật. Rất đều đặn. Dạo đó, thánh lễ nào cũng đầy đủ cả người trẻ lẫn cụ già. Ngày nay, chỉ còn thấy độ 20% số người Công giáo Úc là chịu đi lễ, thôi. Và, con số này ngày một giảm sút. Nhiều cộng đoàn vẫn cử hành thánh lễ, nhưng chỉ lác đác một vài người đến dự thôi. Người trẻ càng ít thấy. Chừng như người Công giáo hôm nay đã trở thành đám người thiểu số ngay trong lòng dân tộc, vẫn theo Kitô giáo.

Các Giáo hội khác cũng trải nghiệm một sút giảm tương tự. Ngày của Chúa hôm nay, đã bị trần-tục-hoá rất nhiều. Khi xưa, ít có người chịu làm việc vào ngày của Chúa. Lúc bấy giờ, làm gì có các trận bóng bầu dục! Làm gì có truyền hình tràn lan nhiều chương trình! Ngay đến báo chí, phim ảnh cũng chỉ rải rác ở một vài nơi, thôi. Chỉ mỗi tiệm bán sữa là mở cửa vào những ngày này. Thăm viếng bạn bè, cũng đã là chuyện hiếm khó vì khi ấy người dân ở đây không có nhiều xe cộ, hoặc phương tiện di chuyển như bây giờ. Người người gặp nhau ở nhà thờ, vào các giờ lễ Chúa nhật. Các giáo hội khi ấy tài trợ rất nhiều sự kiện thể thao, giải trí như quần vợt, khiêu vũ, vui chơi ngoài trời, có nơi tổ chức các lễ hội vui chung nữa. Người người đến nhà thờ là để gặp gỡ, hàn huyên nguyện cầu. Rất thoải mái.

So với ngày nay, mọi người đều đi làm cả vào ngày dành cho Chúa. Có người, lại ngủ bù vào ngày của Chúa, hoặc lo mua sắm. Chuyện đi nhà thờ nhà thánh hôm nay đã phải cạnh tranh ganh đua với chương trình thi đấu thể thao, phim ảnh, truyền hình, chơi games, sinh hoạt ở trường hoặc ra ngoài dạo mát với mẹ cha…” (x. Lm Andrew Hamilton,www.eurekastreet.com.au )

Với nhà Đạo ở phương Tây, hôm nay, vấn đề không còn là thế. Tức, bàn dân thiên hạ không còn ngồi đó trông mong người đi Đạo trở vềi với thánh đường để đi lễ. Nhưng đã nghĩ ra nhiều cách  để lôi cuốn mọi người nhớ đến Chúa, và Hội thánh. Cũng tốt thôi. Nhớ dự lễ, có thể là nhớ cách nào đó, cho hấp dẫn. Có thể, là làm sao tạo cho thánh lễ hoặc buổi diễn giảng ở đâu đó ở phố chợ. Tại trung tâm thương mại. Hoặc trên truyền hình. Thế nhưng nơi nào, kiểu nào cũng có khó khăn của nó.
Với thánh lễ truyền hình, khó khăn xảy đến cũng rất nhiều. Một trong những vấn đề khiến dân con nhà Đạo để tâm đến, là như mắc của độc giả nọ đã có thư lên đấng bậc vị vọng ở Sydney, để hỏi như sau:

“Con có người bạn nghe tin ở đâu đó nói rằng: nếu anh/chị chỉ xem lễ trên truyền hình vào ngày của Chúa thôi, cũng đủ. Câu hỏi của con hôm nay gửi đến với cha, là: có thật thế không? Trường hợp người đau yếu hoặc ngã bệnh không đến nhà thờ được, hoặc không có khả năng đến dự thánh lễ cho Giới Trẻ ở trường đua Randwick, Sydney được thì sao? Xin cha giúp lời chỉ giáo. Rất biết ơn. (Một giáo dân ở Sydney)

Một lần nữa, chừng như đấng bậc đây vẫn chờ mong những câu hỏi tương tự, để có dịp mà trả lời/trả vốn, rất như sau:

“Tôi thiết nghĩ, những gì chị nghe được từ cô bạn nọ, cũng không đúng. Thế nhưng, câu hỏi của chị ở đây, hôm nay, đã hàm ngụ một số điều trong đó có kể đến thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney, nên tôi xin phép được giải thích một số nguyên tắc nền tảng như sau:

Những ai có khả năng đến nhà thờ dự lễ, nghĩa là không đau ốm, hoặc thánh lễ được cử hành ở một nơi không xa chỗ mình ở, vv. thì phải đến nhà thờ để dự lễ ngày Chúa nhật.

Điều này cũng dễ hiểu thôi. Đức Giêsu đã hy sinh cả đời Ngài cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng nên đáp trả sao cho phải phép. Nghĩa là, cũng nên hy sinh cách nào đó, để đi lễ. Và điều này, ta cũng đừng nên quên, là: làm như thế là để việc Ngài hy sinh trên đồi Calvariô, trở thành hiện thực đối với ta, ở nhà thờ.

Nếu có ai ban cho ta một ân huệ nào đó thật cao cả, thì ta cũng nên tỏ lòng cảm kích biết ơn, dù phải đi xa cách mấy cũng chẳng sao. Xa thì xa, vẫn nên đi thăm viếng; và nếu được cũng nên đem theo quà đáp lễ để tặng và có khi còn phải cúi gập mình mà tỏ lòng tri ân nữa không chừng. Chẳng ai trên đời này lại ban cho ta ơn huệ cao cả bằng Chúa. Ngài là Đấng dựng nên ta, cứu chuộc và tỏ cho ta biết ơn quan phòng triền miên yêu mến, đối với ta. Ngài còn kêu mời ta cùng Ngài đi vào cuộc sống vĩnh cửu, và bao điều tốt lành khác, Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để ta hăng hái tỏ bày lòng biết ơn đối với Ngài, theo cách của riêng mình.

Cách tốt đẹp nhất Ngài thiết lập nên để ta chu toàn là giữa các ngày Sabát, rất thánh thiêng. Đối với người Công giáo, đó là đến nhà thờ dự lễ, ngày của Chúa. Nếu có khả năng đến nhà thờ đuợc thì “xem” lễ trên truyền hình là việc không phải phép, và cũng không đủ. Xem lễ kiểu đó, chứng tỏ rằng tình yêu thương ta có với Chúa, cũng quá nhỏ. Về điều này, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có đoạn nói rất rõ: “Vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, tín hữu có bổn phận phải tham dự thánh lễ. ” (x. GLHTCG #2180)

Hơn thế nữa, đích thân đến nhà thờ dự lễ, ta mới có thể rước Mình Thánh Chúa vào lòng được mà thôi.Và rước Mình Thánh Chúa, là cung cách giúp ta san sẻ sự hy sinh của Chúa. Thêm vào đó, hiện diện ở nhà thờ, là ta gia nhập cộng đoàn dân Chúa với giáo xứ để thờ phụng Chúa, qua tư cách thành viên cộng đoàn Nước Trời. Nói cho cùng, Hội thánh không là nhóm hội gồm các cá nhân riêng lẻ, mà là toàn thể dân Chúa kết hiệp làm một với nhau, nơi Thân Mình rất Thánh của Đức Chúa. Ta là dân Chúa chọn lựa. Là, Thân Xác Nhiệm Mầu của Đức Kitô. Là, Hội thánh rất thông công. Có mặt bên nhau, thì ta mới có thể hỗ trợ cho nhau được.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn nói rõ: “Cùng tham gia cử hành Tiệc thánh vào ngày của Chúa là bằng chứng nói lên rằng ta thuộc về Chúa và là kẻ tin vào Đức Kitô và Hội thánh của Ngài. Tín hữu Đức Kitô làm chứng cho điều đó qua việc hiệp thông trong lòng tin và đức bác ái. Cùng nhau ta chứng minh tính thánh thiêng của Chúa và có như thế, mới nói lên niềm hy vọng của mình vào ơn cứu độ. Làm như thế, mỗi người mới củng cố cho nhau dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.” (x. GLHTCG # 2182)

Thế còn người đau yếu bệnh tật đang nhập viện hoặc đang nằm nhà dưỡng bệnh thì sao? Bởi, những người bị bệnh không làm sao đích thân đến nhà thờ được, nên họ được miễn chuẩn không buộc phải đến nhà thờ như người khoẻ, được. Nếu người bệnh có thể tham dự thánh lễ qua truyền hình, vẫn được phép. Dù, họ không buộc phải làm thế. Vào lúc rước lễ, người bệnh có thể thông công hiệp lễ cách thiêng liêng.

Tôi biết nhiều người buộc phải ở nhà và vẫn dự lễ mỗi ngày qua truyền hình và được nhiều ơn lành thiêng liêng, rất đặc biệt. Về sự kiện đặc biệt như thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nhiều người muốn đích thân đến tham dự, nhưng không được vì nhiều lý do, thì họ vẫn có thể làm tròn nhiệm vụ ngày Chúa nhật hôm đó, qua truyền hình.

Có trường hợp khá đặc biệt, là người tham dự thánh lễ thì đông, mà nhà thờ lại không đủ sức chứa, nên nhiều người vẫn cố gắng hết mình để cùng tham dự thánh lễ với người khác, tuy không sốt sắng, bằng cách đứng ngoài hiên hoặc trong sân nhà thờ. Chuyện này thường diễn ra, nhất là vào dịp nghỉ hè ở các khu thị tứ, hay du lịch. Những người đứng ngoài như thế, vẫn làm tròn bổn phận, ngày của Chúa; và vẫn có thể rước Chúa vào lòng, dù mắt mình không thấy vị linh mục chủ tế bẻ bánh hoặc truyền phép, trên bàn thờ. Đó là những trường hợp ngoại lệ, có thể châm chước. “ (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 6/7/2008, tr. 18)

Về với ý kiến của Lm Andrew Hamilton, sj về vấn đề nói trên, thì ông cũng đề cập đến trường hợp tại sao thánh lễ ngày của Chúa rất cần thiết đối với tín hữu thời Giáo hội tiên khởi. Đây, còn là việc bắt buộc đối với tín hữu thời Trung Cổ. Đến hôm nay, ta đã trở về với thời điểm giống hệt tín hữu thời ban đầu, đã trở thành nhóm thiểu số khác người ngoài Đạo, ở niềm tin và cung cách sử dụng ngày của Chúa. Giống cộng đoàn thời tiên khởi, vấn đề thâm sâu không phải là: có đến nhà thờ đích thân dự lễ hay không. Mà là, có còn thuộc về Hội thánh nữa hay không thôi. Trước hết và trên hết, cần có lý để chứng tỏ mình là người Công giáo, trước đã. Chỉ khi đó, mới nói được là việc đến nhà thờ dự lễ hay không, thôi.

Với Hội thánh thời tiên khởi, muốn chứng tỏ mình là Kitô-hữu, đã là một chọn lựa khó khăn rồi. Bởi, làm thế rất dễ bị cha mẹ hoặc gia đình ruồng bỏ. Chính quyền cũng bách hại hoặc giết chết. Và, khi tham gia Tiệc thánh, là ta mừng Chúa trỗi dậy từ nỗi chết. Điều này đem đến cho ta hy vọng phải giáp mặt với cái chết, đang trờ đến. Ta tin rằng Đức Kitô sống lại từ cõi chết, rất thật sự. Ngài đang thực sự hiện diện với ta, qua Hội thánh.

Thế giới hôm nay, một số người không tham dự Tiệc thánh nữa vì lý do đơn giản là họ được người khác bảo cho biết mình không có bổn phận “phải” làm thế. Nhưng kỳ thực, sự thật lại khác. Là, thành viên công đoàn Kitô-hữu và thành phần chủ chốt của Tiệc thánh, hai việc vẫn đi đôi với nhau. Ngày của Chúa, dân con nhà Đạo sống thực thụ niềm tin của mình qua tư cách cộng đoàn tình thương, rất Nước Trời.

Nói cho cùng, thì thế giới ta sống hôm nay cũng giống hệt như thời tiên khởi của Hội thánh. Thời, mà các thánh sống đích thực niềm tin đi Đạo đã biến mình thành con người rất đặc biệt. Thế giới hôm nay, đặt nặng lên chủ nghĩa cá nhân riêng lẻ. Vẫn cứ suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, khiến ta khó lòng mà theo chân Chúa. Vì thế nên, tín hữu Đạo Chúa cần đến cộng đoàn cùng tháp tùng, chung sống. Cùng hỗ trợ cho nhau, để tồn tại.

Tiệc thánh, là thời khắc giúp ta nguyện cầu, lắng nghe. Là, lúc để ta cùng nhau nói tiếng “cảm ơn” về quà tặng Chúa trao ban. Thế giới hôm nay, con người lúc nào cũng bận rộn. Thế nên, hãy biến ngày của Chúa, thành ngày thư giãn, rất buông lỏng để mình có thể cùng nhau nguyện cầu. Và, trao cho nhau thời gian và không gian, mà gặp gỡ. Gặp, để tiếp cận nhau bằng phần sâu thẳm của cuộc sống.

Có làm thế, mới chứng tỏ là mình biết quan tâm đến người khác. Chí ít, là những người còn nghè túng. Thiếu thốn. Có nhu cầu. Thế giới hôm nay, con người thấy mình cô đơn, lẻ bóng hơn bao giờ. Bởi, họ không có thì giờ để tiếp cận, gặp gỡ. Không có thời gian để gần nhau. Gặp gỡ. Bởi thế nên, đây là thời khắc giúp ta thực hiện điều cần thiết chứng tỏ rằng thế giới của nhà Đạo, không như thế. Nhà Đạo, là nhà của thành viên vẫn có nhau vào những lúc rất cần. Vào cả giờ phút hiếm quý, ngày cuối tuần. Nhà Đạo, là nhà của những con người và người con biết tìm đến nhau. Dù, chỉ để hỏi han, san sẻ một nỗi niềm, rất riêng tây. Gặp nhau, không chỉ để giùm giúp lẫn nhau. Ở bên nhau. Mà còn để cảm tạ những ơn lành mình đã có và đang có. Cái mình có chắc chắn nhất, đó là niềm tin. Tình yêu thương. Và, niềm hy vọng. Hy vọng có mãi bên nhau. Có nhau, thật dài lâu.

Thế đó, là tình yêu thương. Bằng hữu. Tính hiếu khách. Thế đó, là đối thoại. Mở lòng. Là, khát vọng biến đổi thế giới thành nơi chốn bình an. Công chính. Có làm thế, ta mời có thể đi theo đường lối Chúa vạch ra, cho cộng đoàn Nước Trời. Là Hội thánh.
Nói gì thì nói. Hát gì thì hát. Cũng nên nói và hát, như người nghệ sĩ ngoài đời, vẫn hôm nào. Vẫn cứ hát, những lời ca, như sau:

“Em còn nhớ hay em đã quên,
Nhớ Sàigòn mỗi chiều gặp gỡ,
nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm,
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng,
Phố em qua, gạch ngói quen tên…”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Nhà Đạo hôm nay, có hát bài này cũng nên thay lời ca “Sàigòn” bằng ca từ “dự thánh lễ”, cũng sẽ thấy rằng Hội thánh, vẫn cứ bảo:

“Em ra đi, nơi này vẫn thế.
Vẫn có em trong tim của Mẹ
Thành phố vẫn có những giấc mơ,
vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên đường đi .”

Quả đúng thế, có dự tiệc thánh ở nhà thờ hay qua truyền hình, thì hỡi bạn và tôi, ta hãy nhớ: Hội thánh vẫn còn đó ngóng chờ. Chờ bạn và chờ tôi. Mọi ngõ ngách, của con tim.

Trần Ngọc Mười Hai
vẫn cứ nhắn và cứ nhủ
chính mình và bầu bạn
chỉ một lời
rất như thế.

 

Exit mobile version